Ngụ Ngôn Về Người Đầy Tớ Bất Trung
Nguyễn Thị Thùy Linh
Các con thân mến!
Tuần này chúng ta cùng nhau tiếp tục học về các ngụ ngôn của Đức Chúa Jesus. Hôm nay chúng ta cùng nhau học về ngụ ngôn người đầy tớ bất trung. Ngụ ngôn này được chép trong sách Lu-ca 16:1-12.
Ngụ ngôn này Đức Chúa Jesus kể về một người quản gia bị cáo là phá của. Chủ gọi người đến mà hỏi và không cho người đó làm quản gia nữa. Người quản gia mới suy nghĩ ra cách gì để khi ông ấy bị cách chức thì ông vẫn còn có người tiếp đón ông vào nhà.
Trong khi chờ giao nộp sổ sách cho chủ thì tay quản gia bất lương đã tự ý giảm số nợ của các con nợ, với thâm ý làm ơn cho và lấy lòng các con nợ, mong rằng sau này, khi anh ta bị mất việc thì có nhiều người sẽ tiếp đãi anh ta. Khi người chủ hay biết việc làm gian trá đó của người quản gia thì đã khen rằng, người quản gia bất trung đã rất khôn khéo trong việc lạm dụng tài sản của chủ để phòng bị cho tương lai của mình. [1]
Chúng ta biết quản gia là một người chỉ ở dưới thẩm quyền của chủ. Quản gia được toàn quyền quản lý, chăm sóc, chi tiêu mọi thứ tài sản của chủ giao cho. Quan gia là một người mà chủ rất mực tin tưởng mới có thể giao cho người đó quản lý gia tài của mình. Nếu một người quản gia tốt thì người ấy càng làm lợi cho chủ, nhưng là quản gia xấu thì chẳng những không lợi ra mà còn làm hao hụt, hư tổn, gian lận lấy cắp tài sản của chủ.
Người quản gia trong ngụ ngôn này là người quản gia bất trung. Bất trung có nghĩa là không trung thực, trung thành với chủ mà là người gian lận, tiêu phá của cải của chủ mình. Điểm đáng chú ý là người quản gia bất trung này đã làm gì khi bị chủ cách chức mình. Ông ta toan tính thâm ý làm như tốt bụng giảm nợ cho các con nợ. Để hầu cho ông bị cách chức thì những người mang nợ đó mang ơn ông mà đón tiếp ông.
Khi đọc qua câu chuyện này rất dễ cho chúng ta hiểu lầm rằng Đức Chúa Jesus khen ngợi người quản gia này, khen người quản gia này khôn khéo và biết tận dụng của cải nhưng thực ra không phải như vậy.
Theo sự dạy dỗ của người chăn:
“Lời nhận định của Chúa không có nghĩa là Chúa khen những kẻ gian trá, cũng không có nghĩa là Chúa cho rằng, trong sự giao dịch giữa con cái của đời này với con cái của sự sáng thì con cái của đời này khôn khéo hơn và lợi dụng được con cái của sự sáng. Trong thực tế, con cái Chúa rất là khôn khéo trong các nghiệp vụ quản trị. Nền tảng của sự khôn khéo ấy là do lòng kính sợ Chúa, không làm ra những việc gian trá bất công. Hãy đọc lại câu chuyện của Giô-sép, câu chuyện của Đa-ni-ên, chúng ta thấy rõ, con cái của sự sáng vượt trội hơn con cái của đời này, vì mọi việc họ làm đều được sự ban phước của Chúa. [1]
Câu phán của Chúa, theo văn phạm Hy-lạp, có nghĩa là: Trong khi con cái của đời này biết tận dụng của bất nghĩa trong thế hệ của họ để xây dựng một tương lai thịnh vượng sau này cho chính họ, thì con cháu của sự sáng đã không biết tận dụng của bất nghĩa trong thế hệ của mình để xây dựng một tương lai thịnh vượng cho mình trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời.” [1]
Chúng ta chú ý cụm từ “của bất nghĩa” có nghĩa là của cải đó được làm ra bằng những việc làm không lương thiện chân chính mà nó được làm ra bởi các việc làm gian lận, trộm cướp, lừa gạt người khác. Những trường hợp như buông lậu, bán dâm, cướp giật hay buôn bán trong sự gian lận thì những đồng tiền kiếm ra đó là những của cải bất nghĩa. Thế cho nên không thể nào Chúa lại khen ngợi hay khuyến khích con dân Chúa hãy bắt chước, noi gương người quản gia bất trung này. Mà ngụ ngôn này Chúa muốn dạy con dân Chúa biết tận dụng của bất nghĩa trong thế hệ của mình để xây dựng một tương lai thịnh vượng cho mình trong Vương Quốc Trời. Nói cách dễ hiểu là chúng ta hãy dùng những tiện nghi, vật chất của thế gian này mà xây dựng cho chúng ta một của cải vững chắc ở trên thiên đàng.
Ví dụ: Chúng ta muốn mua một chiếc xe máy cũ trong tiệm xe chuyên bán xe cũ, chúng ta không biết được nguồn gốc của chiếc xe đó vì nó cũng đã qua nhiều người sử dụng và cũng rất có thể là chiếc xe đó bị trộm bán, thua bài bạc rồi bán… Chúng ta mua xe máy đó để phục vụ phương tiện đi lại cho chúng ta, phục vụ trong việc thăm viếng, giúp đỡ anh chị em trong Hội Thánh. Thì đó chính là cách mà chúng ta dùng của bất nghĩa để xây dựng của cải thuộc linh là như vậy. Chúng ta không thể nào đi mua một chiếc xe cũ mà chúng ta phải bỏ thời gian công sức để tra tìm xem xe máy này chính chủ là của ai, mua bao lâu, đã qua sử dụng bao nhiêu người, có nguồn gốc ra sao…Bởi vì thật ra trong thế gian những số tiền mình làm công chính nhận được trước đó cũng đã qua bao nhiêu người sử dụng nó trong sự bất nghĩa.
Câu hỏi: Trường hợp chúng ta biết chiếc xe người bán cho chúng ta vừa mới được họ trộm về, bán với giá rất rẻ thì chúng ta có nên mua hay không?
Câu trả lời là không. Bởi vì chúng ta đã biết rõ chiếc xe đó vừa được người bán trộm về mà chúng ta vẫn mua thì chúng ta đã tiếp tay cho sự trộm cắp của họ, mặc dù rẻ cỡ nào chúng ta cũng không được mua. Chúng ta chỉ có thể mua khi chúng ta hoàn toàn không biết rõ về nguồn gốc của chiếc xe đó.
Theo sự dạy dỗ của người chăn:
“Của bất nghĩa” đối với con cái của đời này, có thể là những gì họ trộm cắp, lường gạt hoặc cướp giựt từ người khác. Và khi thu thập được thì họ dùng của đó để kết bạn, làm ơn cho nhiều người, mong rằng sau này, họ có thể nhờ cậy những kẻ mà họ đã làm ơn. Hành động đó, là một sự tính toán khôn ngoan.
“Của bất nghĩa” đối với con dân Chúa, hoàn toàn khác hẳn. Con dân Chúa không làm ra những chuyện trộm cắp, lường gạt hoặc cướp giựt. “Của bất nghĩa” đối với con dân Chúa là tất cả những của cải thế gian được đặt vào trong tay của con dân Chúa; cho dù, đó là đồng lương họ kiếm được bởi sự lao động cực nhọc lương thiện. Bởi vì, trước khi của cải đó đến với họ, thì nó đã vào trong tay của bao nhiêu người một cách không công chính.” [1]
Trong thực tế chúng ta chứng kiến những người họ làm ăn bất chính, lừa gạt người khác. họ kiếm được số tiền lớn và dùng số tiền đó để làm từ thiện, đi chùa người đời nhìn vào thì họ quả thật là người tốt, có tấm lòng lương thiện, sau này nếu họ có gặp khó khăn gì thì những người họ làm ơn đó sẽ sẵn lòng, vui lòng giúp đỡ họ lại.
Nhưng con dân Chúa thì không thể có những tính toán như họ được. Không thể gian lận hay cướp giựt của người khác. Con dân Chúa chỉ có thể làm lụng bằng chính đôi tay, trí óc của mình kiếm ra đồng tiền, của cải bằng sức lực của mình. Tận dụng những của cải đó mà làm việc lành xây dựng của cải ở trên thiên đàng. Con dân Chúa cũng phải biết quản lý của cải được đặt vào trong tay của mình.
Không phải Đức Chúa Jesus khen người quản gia bất trung kia mà chê con dân Chúa không được như người quản gia đó. Mà Chúa Jesus muốn dạy con dân Chúa biết trung tín biết cách quản lý của cải sao cho còn lại đến đời đời mà không cần phải làm ra của bất nghĩa nhưng chỉ sử dụng của đó cho tài sản ở Vương Quốc Trời.
“Các ngươi chớ chứa của cải ở dưới đất, là nơi có sâu mối, ten rét làm hư, và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy; nhưng phải chứa của cải ở trên trời, là nơi chẳng có sâu mối, ten rét làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy. Vì chưng của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó” (Ma-thi-ơ 6:19-21).
“Chớ mệt nhọc về sự làm lành, vì nếu chúng ta không trễ nải, thì đến kỳ chúng ta sẽ gặt. Vậy, đương lúc có dịp tiện, hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho anh em chúng ta trong đức tin” (Ga-la-ti 6:9-10).
Ngày nào chúng ta còn sống ở thế gian này là chúng ta còn phải nuôi sống bản thân và sử dụng những vật chất ở thế gian này, tuy nhiên chúng ta không quá xem chúng là quan trọng, là lẽ sống mà sử dụng chúng làm những tiện nghi cho mình, dùng của cải mà làm những việc lành.
Ngày nay đã không ít người là con dân Chúa nhưng không nhận thức được điều này, họ mải mê với những của cải ở thế gian thậm chí họ vì lòng tham muốn mà làm ra những của cải bất nghĩa. Họ đã không tận dụng, quản lý đúng cách những tài sản được đặt vào trong tay họ.
Ví dụ như khi một người có tiền, họ không chuyên tâm làm lành, cứu giúp, tiếp trợ, dâng hiến mà họ lại đua đòi theo thế gian. Nhà lầu, xe hơi, quần áo, trang sức sao cho bằng người khác. Họ không biết tận dụng ta lâng tiền của để làm lợi ra cho nhà Chúa và cho chính họ, mà họ lo vung đắp cho tài sản thế gian này.
Nếu chúng ta biết quản lý tốt tài sản theo sự dạy dỗ của Chúa thì Ngài cũng sẽ ban cho chúng ta quản lý cơ nghiệp của Ngài.
“Vậy nếu các ngươi không trung tín về của bất nghĩa, có ai đem của thật giao cho các ngươi? (Lu-ca 16:11)
Lời dạy này của Đức Chúa Jesus muốn dạy chúng ta biết sử dụng của bất nghĩa, quản lý của bất nghĩa theo Lời dạy của Chúa, theo ý Chúa. Bởi vì ngày nào chúng ta còn ở thế gian này thì chúng ta không thể tránh khỏi trường hợp của cải, tiền lương chúng ta nhận đó, có đó đã từng qua tay của những người làm ra chúng cách bất nghĩa. Miễn là chúng ta đừng làm ra của bất nghĩa, nhưng chúng ta vẫn có thể sử dụng nó, dùng nó cho cuộc sống hiện tại và nếu chúng ta dùng nó, sử dụng nó theo ý Chúa nữa thì của cải đó được còn lại cho đến đời đời, chúng ta xây dựng cơ nghiệp vững chắc nơi Vương Quốc Trời.
Câu hỏi: Có suy nghĩ rằng, thế gian đầy tội lỗi và những tiền bạc họ làm ra điều có làm ra trong sự bất nghĩa, chúng ta là con dân Chúa phải giữ mình, phải thánh khiết nên chúng ta không được sử dụng tiền của ở thế gian. Suy nghĩ này đúng hay sai?
Đúng là chúng ta không thể nào tránh được đồng tiền mà chúng ta đang cầm đó, vài ngày trước, tháng trước là ra từ một người buôn bán gian lận ngoài chợ, hay của một tên cướp giật nào đó. Chúng ta không thể điều tra tìm ra nguồn gốc của đồng lương mình nhận đó ra từ đâu, bởi lẽ đó là việc không thể vì đồng tiền nó luân phiên người này đến người khác, tay qua tay trong sự mua bán, đổi chát. Nhưng nếu chúng ta nói chúng ta không sử dụng tiền lương đó vì sợ rằng đã qua tay của những người xấu. Thì chẳng lẽ công ty đó muốn phát lương cho chúng ta thì họ phải đến tận kho bạc in tiền ra nóng hổi đưa cho chúng ta, hay họ phải kiểm duyệt xem đã qua tay bao nhiêu người và đảm bảo có gian lận hay không? Hay chúng ta nghĩ rằng chúng ta không nên sử dụng các vật dụng tiện nghi, mua bán vì rất có đó là của bất nghĩa, vậy thì chúng sống làm sao? Chúa ban cho chúng ta cuộc sống vui thỏa, theo Chúa là sự phước hạnh chứ chúng ta không áp dụng Lời Chúa cách cứng nhắc sec làm cho chúng ta bị áp lực, mệt mỏi, trong khi Chúa không đặt những áp lực cho chúng ta. Chúng ta vẫn phải sử dụng chúng, nhưng điều quan trọng là chúng ta đừng làm ra chúng cách bất nghĩa và chúng ta hãy sử dụng chúng cách có nghĩa. Bằng cách là trung tín quản lý tốt chúng, cho những việc lành mà Chúa sắm sẵn cho chúng ta.
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ
Ghi chú
[1] https://timhieutinlanh.com/2-4-2013-trung-tin-ve-cua-bat-nghia/