Phép Lạ Đầu Tiên – Sự Hóa Nước Ra Thành Rượu Tại Ca-Na

628 lượt xem

Phép Lạ Đầu Tiên – Sự Hóa Nước Ra Thành Rượu Tại Ca-Na

Nguyễn Thị Thùy Linh

Các con thân mến

Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau học về các phép lạ của Đức Chúa Jesus. Chúng ta đã cùng nhau trãi qua các bài học về các bài giảng trên núi, rồi đến các ngụ ngôn và bây giờ chúng ta sẽ tiếp tục học về các phép lạ mà Đức Chúa Jesus đã làm khi Ngài thi hành mục vụ ở trên đất. 

Chúng ta sẽ học phép lạ đầu tiên đó chính là: Chúa Hóa Nước Thành Rượu Ở Đám Cưới tại Thành Ca-na. 

Phép lạ là một hành động siêu nhiên mà khoa học không thể giải thích được. Phép lạ thuộc về lĩnh vực của thế giới thuộc linh. Trong thế giới thuộc linh chỉ có hai thế lực có thể làm ra phép lạ đó là Thiên Chúa và ma quỷ. Như chúng ta đã biết ma quỷ là các thiên sứ phạm tội bị Đức Chúa Trời hình phạt và họ không còn được ở trên thiên đàng nữa, chúa quỷ là Sa-tan làm vua ở chốn không trung, còn những tà linh khác thì đi đó đây cám dỗ, tấn công, quấy phá thế gian mà chúng đang cai trị. Vì là thiên sứ nên họ có những quyền phép nhất định, ma quỷ tà linh vẫn có thể làm ra các phép lạ siêu nhiên. Ma quỷ còn giả dạng làm Chúa đi dụ dỗ, lừa gạt nhiều người, ma quỷ có thể làm mưa, làm gió, làm ra các bệnh tật, đau yếu. Như chúng ta đọc trong sách Gióp khi ma quỷ làm phép lạ từ trời xuống, rồi làm ra các hiện tượng sập nhà làm chết các con của ông Gióp và làm ra những chứng ung độc, ghẻ lở trên thân thể của ông Gióp. Ngày nay ma quỷ có thể làm ra những phép lạ trên các bầu trời như hiện tượng mẹ Ma-ri hiện ra trên bầu trời, bức tượng Ma-ri biết khóc… mục đích là để làm cho loài người tin đó là một sự lạ lùng và tin vào các tà giáo có sự giảng dạy sai nghịch với Thánh Kinh. 

Còn về Thiên Chúa thì chúng ta không thể kể hết những sự lạ lùng của Ngài, chúng ta chỉ cần nhìn vào thế giới xung chúng ta, nhìn vào thân thể chúng ta, nhìn vào đời sống chúng ta thì chúng ta thấy được lạ lùng của Thiên Chúa đã làm ra. Có những sự việc mà các nhà khoa học không thể nào lý giải được. Và qua Thánh Kinh cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa là Đấng làm ra các phép lạ siêu nhiên. Qua Thánh Kinh cũng giúp cho chúng ta phân biệt được đâu là phép lạ đến từ Chúa và đâu là phép lạ đến từ ma quỷ.  

Hôm nay chúng ta học một phép lạ đầu tiên mà Đức Chúa Jesus khỏi hành mục vụ của Ngài. 

Phép lạ được xảy ra ở một tiệc cưới. Tiệc cưới này có thể là người quen, bạn bè với bà Ma-ri, bà Ma-ri không phải là chủ của buổi tiệc mà bà chỉ là khách đến chung vui. Trong buổi tiệc cưới này có bà Ma-ri, Chúa Jesus và các môn đồ cũng đến dự tiệc. Khi buổi tiệc chưa kết thúc thì rượu dùng để đãi khách đã hết. Bà Ma-ri đã đến nói với Chúa Jesus về nan đề này. Câu trả lời của Chúa Jesus dường như Chúa sẽ không đáp ứng nan đề mà bà Ma-ri nói với Ngài, nhưng Ngài đã đáp ứng điều đó. Những người tôi tớ đã làm y theo những gì Chúa Jesus bảo họ làm. Kết cục nước đã hóa ra thành rượu ngon thượng hạng mà chỉ có Chúa Jesus, bà Ma-ri, các môn đồ và những tôi tớ đi múc nước mới biết rõ. 

Khi chúng ta học ngụ ngôn là những câu chuyện không có thật, Chúa chỉ dùng những thí dụ để giảng dạy cho đoàn dân hay các môn đồ. Còn về các phép lạ mà chúng ta học thì tất cả đều là những câu chuyện có thật. Những điều lạ lùng đã thật sự diễn ra trong thế giới thuộc thể con người sống động trên thế gian. 

Chúng ta cũng cần ghi nhớ điều này: 

Khi Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thể làm người mang tên Jesus thì Ngài hoàn toàn là con người xác thịt như chúng ta, con người Jesus vừa mang thần tính và nhân tính, nhưng Ngài hoàn toàn không sử dụng thần tính. Những phép lạ mà Ngài làm ra là Ngài dùng năng lực của Đấng Thần Linh ban cho. Chúng ta nhớ lại khi Ngài chịu báp-tem thì Ngài được nhận đầy dẫy thánh linh. Chúng ta có thể hiểu rằng loài người xác thịt vẫn có thể làm được phép lạ khi được Chúa ban cho năng lực và thẩm quyền. Chúng ta hãy nhớ lại sứ đồ Phao-lô, sứ đồ Phi-e-rơ họ làm ra các phép lạ như chữa bệnh, đuổi quỷ thì chúng ta thấy rằng, họ hoàn toàn là con người xác thịt, họ không mang thần tính nhưng họ được Thiên Chúa ban cho năng lực và thẩm quyền để làm được, thì con người Jesus lúc bấy giờ cũng vậy. 

Trong câu chuyện này có những chi tiết chúng ta sẽ cùng nhau học đó là. 

  • Bà Ma-ri đến nói với Chúa Jesus về việc hết rượu trong bữa tiệc cưới
  • Câu trả lời của Chúa Jesus
  • Hành động của những tôi tớ
  • Hai ý nghĩa dạy dỗ chính trong phép lạ này. 

Chúng ta cùng học chi tiết thứ nhất: 

  • Bà Ma-ri đến nói với Chúa Jesus về việc hết rượu trong bữa tiệc cưới

Khi chúng ta đọc sách Giăng đoạn 1 bày tỏ và công bố về thần tính của Đức Chúa Jesus, được giới thiệu qua môi miệng của Giăng báp-tít Ngài là Chiên Con của Đức Chúa Trời. Trong đoạn 1 Chúa Jesus cũng đã kêu gọi các môn đồ và kể cả những môn đồ tự nguyện đi theo Ngài. Qua đoạn 2 là bắt đầu bằng phép lạ ở bữa tiệc cưới. Việc tại sao bà Ma-ri biết đã bị hết rượu mà đi đến nói với Chúa Jesus mà thay vì bà không bảo họ tự đi mua hay tìm cách nào để giải quyết. Là bởi vì khi Đức Chúa Jesus chịu báp-tem và Ngài đã có môn đồ đi theo nên bà tin rằng Chúa Jesus là Đấng Christ. Ngài có thể làm được những sự lạ lùng đó. 

Chi tiết thứ hai: 

  • Câu trả lời của Chúa Jesus

Đức Chúa Jesus phán với bà: Hỡi đàn bà! Có liên quan gì đến Ta và đến bà? Giờ Ta chưa đến.” (Giăng 2:4).

Theo như cách xưng hô của người Việt Nam của chúng ta thì chúng ta có thể nghĩ rằng Đức Chúa Jesus thật bất kính đối với bà Ma-ri khi Ngài gọi bà là “Hỡi đàn bà!” trong khi bà Ma-ri là mẹ sinh ra Chúa Jesus. Nhưng theo cách gọi của người I-sơ-ra-ên thì đó là cách gọi tôn kính. “Có liên quan gì đến Ta và đến bà? Giờ Ta chưa đến.” Chúng ta đọc thì hiểu rằng Đức Chúa Jesus trả lời dường như sự việc này không có liên quan gì đến Ngài và bà Ma-ri cả, bởi vì Chúa và mẹ Ngài chỉ là những người đến dự tiệc, chỉ là khách, việc hết rượu là việc của chủ nhà. “Giờ Ta chưa đến” có nghĩa là chưa đến thời điểm để Ngài tỏ mình ra và chưa đến thời điểm để Ngài làm ra những phép lạ, chưa đến thời điểm mà Ngài chính thức bước vào mục vụ. Nhưng chúng ta thấy tuy vậy Chúa Jesus cũng đã đáp ứng nan đề mà bà Ma-ri đến thưa với Ngài. 

Qua sự kiện này chúng ta thấy rằng, Chúa Jesus làm gương trong sự vâng phục người là mẹ trong thể xác, việc vâng phục đó dẫn đến kết quả là bày tỏ ra sự vinh quang của Ngài và khiến cho các môn đồ vững vàng trong đức tin. Không phải Ngài làm thì sợ bà Ma-ri, hay tỏ ra mình là tài ba nhưng để đem lại ích lợi cho người khác và đương nhiên là ích lợi cho mục vụ của Ngài. 

Ý thứ ba: 

  • Hành động của những tôi tớ

Chúng ta đọc thấy bà Ma-ri dặn những tôi tớ bất cứ điều gì Ngài bảo hãy làm theo. 

Đức Chúa Jesus bảo họ hãy múc nước đổ đầy các lu, đổ đầy tới miệng thì họ đã làm y theo như vậy. 

Chúng ta thử hình dung ra đám cưới thì có rất nhiều khách đến dự tiệc, mà nữa chừng hết rượu thì người coi tiệc sẽ rất là hoang mang và lo lắng, thậm chí những người tôi tớ trong nhà, vì không thể nào chạy đi mua ngay số lượng lớn rượu có ngay để mà đãi khách, thông thường thì người ta sẽ chuẩn bị trước các thức ăn và thức uống để đãi khách, số lượng lớn để đặt trước. Nhưng giữa chừng hết rượu sẽ làm cho người đãi tiệc sẽ rất bối rối. 

Khi Đức Chúa Jesus bảo các tôi tớ múc nước đổ đầy lu thì họ làm y theo như vậy, Thánh Kinh không ghi lại cho chúng ta biết họ có thắc mắc gì không? họ có cãi lại không, mà chúng ta chỉ thấy Thánh Kinh ghi lại họ làm y theo như vậy. Chúng ta có thể hiểu rằng, họ là những tôi tớ thì chủ bảo sao thì làm vậy, họ cũng không biết được ông này kêu múc nước để làm gì, bây giờ cần là cần rượu chứ đâu cần nước. Họ không hiểu được, nhưng họ vẫn vâng lời làm theo. 

Câu hỏi: Các con đã có bao giờ không hiểu vì sao Chúa lại bảo mình làm điều này, điều kia không? đó là điều gì?

Đối với bản thân cô thì có, chẳng hạn như Chúa dạy chúng ta phải cầu thay cho kẻ thù. Thật sự mà nói điều này rất khó làm, cô đã từng suy nghĩ tại sao mình lại cầu thay cho họ, trong khi họ đối xử bất công với mình, hãm hại mình, lợi dụng mình. Nhưng cô đã làm theo mặc dù chưa có thể hiểu được hết, sau khi làm theo thì cô đã hiểu. Bởi vì Chúa muốn chúng ta trở nên giống như Ngài, có bản tính giống Ngài đó là sự yêu thương, và bao dung, tha thứ. Thử hỏi mỗi người đều ấp ủ cơn giận, toan tính điều trả thù, thù ghét lẫn nhau thì còn đâu là tình yêu, bình an? Chúa không muốn con dân Ngài như vậy, con dân Ngài phải sống khác với người thế gian. Và còn rất nhiều những điều cô không hiểu ngay được, nhưng với tấm lòng vâng phục thì sau đó Chúa sẽ giúp cho cô hiểu. 

Ý thứ tư:

  • Hai ý nghĩa dạy dỗ chính trong phép lạ này. 

Trong câu chuyện phép lạ thứ nhất này, chúng ta có thể rút ra hai ý nghĩa chính đó là tin cậy và vâng lời. 

Tin cậy Chúa như bà Ma-ri đã tin rằng Ngài có thể làm được phép lạ, Ngài có thể đáp ứng được nhu cầu nên bà đã đến nói với Chúa Jesus. Tin cậy như những tôi tớ đã làm y theo lời dặn bảo mà không thắc mắc hay cãi lại. 

Trong cuộc sống của chúng ta, đôi khi chúng ta hay nói chúng ta tin cậy nơi Ngài, tin Ngài nhưng nhiều lúc chúng ta vẫn hay làm theo ý riêng, thắc mắc những điều Chúa dạy dỗ. Chúng ta nói tin cậy Chúa nhưng khi sự việc xảy đến chúng ta thay vì tìm kiếm và chờ đợi Chúa mà chúng ta lại tìm cách làm theo theo ý mình cho là hợp lý. 

Ví dụ như chúng ta nói: Chúng ta tin rằng mọi sự hiệp lại là có ích cho những ai yêu mến Đức Chúa Trời, nhưng khi có nghịch cảnh xảy ra thì chúng ta lại lo lắng, buồn phiền và thậm chí còn than trách Chúa, tại sao Chúa để mình phải chịu đựng cảnh này, đau yếu này, bắt bớ này. Để có được đức tin nơi Chúa chúng ta cần có hai yếu tố. Thứ nhất là chúng ta phải có một tấm lòng kính sợ Chúa, thứ hai là chúng ta cầu xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng ta. Cách để chúng ta có thể kinh nghiệm được Chúa làm phép lạ trên đời sống của chúng ta đó là tập tành sự phó thác lên cho Ngài, có như vậy chúng ta mới có thể kinh nghiệm được phép lạ của Chúa. 

Câu hỏi: Các con đã từng phó thác việc gì lên Chúa chưa? Kết quả như thế nào? 

Vâng lời như các tôi tớ đã làm y theo những gì Chúa Jesus dạy bảo. Họ cũng vâng lời khi Chúa bảo họ múc rượu ra đãi khách. 

Bài học vâng lời là bài học mà chúng ta bắt đầu học từ khi biết học Thánh Kinh, sự vâng lời rất quan trọng bởi vì nó quyết định cho những kết quả mà chúng ta bước đi theo Chúa. Vâng lời Chúa là chúng ta làm theo Lời Chúa dạy cách hết lòng thể hiện qua hành động của chúng ta. 

Lời Chúa cho chúng ta biết:

“Hỡi các con cái bé nhỏ, chớ yêu bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật.” (I Giăng 3:18)

Nếu chúng ta nói chúng ta vâng lời Chúa, yêu Chúa những đời sống của chúng ta không có kết quả, không có bông trái thì đó là sự yêu mến bằng lời nói và lưỡi. 

Giống như một đứa trẻ ba mẹ dặn con đi học về là phải về thẳng nhà, không được la cà dọc đường, đứa trẻ trả lời dạ vâng, con sẽ nghe lời mẹ. Nhưng khi đi về thì ghé tiệm game chơi rồi mới về nhà. Vậy hành động đó là gì? 

Cũng vậy, khi các con nói rằng chúng ta phải vâng lời Chúa, Chúa dạy sao thì hãy làm y như vậy, Chúa yêu thích sự vâng lời. Nhưng khi các con không yêu mến Lời Chúa, học Lời Chúa chỉ chiếu lệ, qua loa, không để tâm hết lòng trong các mục vụ và việc lành. Thì các con có làm theo lời dạy này không? 

Vậy, nếu các ngươi chăm chỉ nghe các điều răn của Ta mà Ta truyền cho các ngươi ngày nay; hết lòng, hết linh hồn mình yêu Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của các ngươi, và phụng sự Ngài,” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 11:13)

Đức Chúa Trời rất coi trọng sự vâng lời, như có chép:

Sa-mu-ên nói: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đẹp lòng của lễ thiêu và của lễ thù ân bằng sự vâng theo Lời phán của Ngài sao? Sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực.” (I Sa-mu-ên 15:22)

Câu hỏi: Các con nghĩ kết quả sẽ ra sao khi chúng ta hứa nguyện, nói sẽ vâng lời nhưng hành động thì không có? 

Nguyện rằng qua bài học ngày hôm nay chúng ta hãy tra xét lại bản thân mình đã có vâng lời Chúa cách hết lòng, hết linh hồn mình mà yêu kính Chúa chưa? Có xem Chúa là trên hết mọi sự chưa? Biết tin cậy Chúa trong mọi sự chưa? 

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ

Để lại một bình luận