Dân Số Ký Chương 10 Làm Hai Ống Loa – Quy Ước Thổi

311 lượt xem

 

Tải link mp3: https://od.lk/d/NV8xODA2Njg3NTVf/ThieuNien%2012-02-2023.mp3

Làm Hai Ống Loa – Quy Ước Thổi

Nguyễn Thị Thu Thủy

Các em thiếu niên thân mến,

Dân I-sơ-ra-ên khi ra khỏi xứ Ê-díp-tô với số người khoảng sáu trăm nghìn người đàn ông, không kể phụ nữ và trẻ con. Với số lượng người không nhỏ như vậy, Chúa đã chỉ dạy họ cách thiết lập theo từng chi phái để đóng trại và ra đi theo thứ tự. Cứ mỗi lần khởi đi, hay dừng lại đóng trại thì đều tùy theo mệnh lệnh của Thiên Chúa bất kể đêm hay ngày. Vì thế để tất cả mọi người đều biết được mệnh lệnh của Thiên Chúa mà kịp thời làm theo thì Chúa đã truyền cho Môi-se:

“Hãy làm hai kèn bằng bạc, đánh dát, dùng cho ngươi để nhóm hiệp hội chúng và truyền cho các trại quân ra đi.” (Dân Số Ký 10:2).

Kèn là vật dụng dùng để khuếch đại âm thanh, nói đơn giản là nó giúp cho âm thanh khi đi qua nó thì to hơn. Vì vậy, để có thể thông báo hiệu lệnh cho số lượng người đông thì sẽ dùng kèn. Ngày nay, chúng ta thường thấy trong trường học, nơi thao trường tập luyện, nơi quảng trường đông người, hay những nơi có số lượng người đông; thì người hướng dẫn thường cầm theo cái loa để trước miệng và nói. Làm như vậy thì âm thanh sẽ to hơn và dù đông người hay ở một khoảng cách xa nhất định cũng có thể nghe thấy.

Ở đây chúng ta thấy Chúa phán dặn làm hai cái kèn bằng bạc, đánh dát và để dùng khi muốn nhóm hiệp lại dân sự và truyền cho các trại quân nhận hiệu lệnh ra đi.

Vì có nhiều mục đích trong việc dùng kèn để thông báo nên cần phải có quy ước trong việc thổi kèn để thống nhất hiệu lệnh. Chúa đã quy định cách thức dùng kèn cho Môi-se biết, để ông thông báo lại cho dân sự biết để làm theo. Đó là:

  • Khi thổi hai kèn: toàn hội chúng nhóm lại tại cửa hội mạc.
  • Khi thổi một kèn: các quan trưởng nhóm lại gần bên Môi-se.
  • Khi thổi tiếng vang lần thứ nhất: những trại quân ở hướng đông phải ra đi. Là trại của chi phái Giu-đa, chi phái I-sa-ca, chi phái Sa-bu-lôn.
  • Khi thổi tiếng vang lần thứ nhì: những trại ở hướng nam phải ra đi. Là trại của chi phái Ru-bên, chi phái Si-mê-ôn, chi phái Gát.
  • Khi phải ra chiến trận thì thổi tiếng vang thì Chúa sẽ giải thoát dân sự khỏi kẻ thù nghịch.
  • Trong ngày vui mừng như các kỳ lễ hội, những đầu tháng thì sẽ thổi kèn trên những của lễ thiêu, của lễ cảm tạ.

Người thổi kèn và cả dân sự phải nắm rõ quy định này, để không bị nhầm lẫn. Người chịu trách nhiệm thổi kèn là các thầy tế lễ, đó là một lệ định đời đời cho họ. Chúng ta nhận thấy việc người thổi kèn ghi nhớ quy ước cũng rất quan trọng, vì nếu người thổi không làm đúng như quy định sẽ dẫn đến việc phát ra hiệu lệnh sai, khiến dân sự hoặc là làm sai mệnh lệnh, hoặc không hiểu mệnh lệnh để làm theo. Và dân sự cũng cần ghi nhớ để khi hiệu lệnh phát ra thì lập tức hiểu việc cần làm là gì để nhanh chóng làm theo, không bị chậm trễ. Nếu dân sự không ghi nhớ, làm nhầm lẫn thì sẽ dẫn đến sự lộn xộn, mất thời gian, chậm trễ trong việc thi hành mệnh lệnh.

Qua đây, chúng ta rút ra ba bài học thuộc linh như sau:

Chính Chúa là Đấng lựa chọn những người làm công việc canh chừng, cảnh báo, nhắc nhở Hội Thánh. Đó chính là những người chăn, trưởng lão chân thật trong Chúa. Như những thầy tế lễ khi xưa khi nhìn thấy trụ mây cất lên, liền thổi kèn thông báo để các trại quân lần lượt ra đi theo thứ tự.

Thì ngày nay, người chăn và trưởng lão là những người chịu trách nhiệm canh giữ bầy chiên của Chúa, nhận biết mệnh lệnh, ý muốn của Chúa và nhắc nhở các con chiên làm theo. 

“Mọi linh hồn phải vâng phục các quyền cao hơn mình; vì chẳng có quyền nào mà chẳng đến bởi Thiên Chúa, các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ định.” (Rô-ma 13:1).

Người nhận công việc Chúa giao phó phải ghi nhớ công việc Chúa giao cho, chuyên tâm, cẩn thận làm theo. Vì lời nói, hành động, công việc họ làm có sức ảnh hưởng lớn đến các con chiên khác. Như những thầy tế lễ họ phải ghi nhớ quy định thổi kèn, khi nào thổi hai kèn, khi nào thổi một kèn, khi nào thổi tiếng vang để ra hiệu lệnh cho dân sự làm theo. Lời Chúa dạy:

“Chớ để người ta khinh tuổi trẻ của con, nhưng con hãy làm gương cho những tín đồ trong lời nói, trong sự cư xử, trong tình yêu, trong thần trí, trong đức tin, trong sự tinh sạch.” (I Ti-mô-thê 4:12).

“Trong mọi sự con hãy tỏ mình làm gương về những việc lành trong giáo lý không thể hư hoại, đáng tôn kính, chân thật, trong Lời lành, không chỗ trách được, để kẻ nghịch hổ thẹn, không có lời nói xấu về con.” (Tít 2:7-8).

Các con chiên cần nhận biết người được Chúa giao cho công việc cảnh báo, nhắc nhở mình để sốt sắng ghi nhớ mọi điều dạy dỗ, cần thận, sốt sắng làm theo. Mỗi khi nhận được lời khuyên dạy không sai nghịch Lời Chúa từ họ, chúng ta hãy xem đó chính là mệnh lệnh mà Thiên Chúa dùng họ để truyền cho chúng ta thi hành. 

“Hỡi các anh chị em cùng Cha! Chúng tôi nài xin các anh chị em hãy nhận biết những người lao nhọc ở giữa các anh chị em, là những người canh giữ các anh chị em trong Chúa, cảnh báo các anh chị em.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:12).

“Hãy nhắc họ vâng phục những người đứng đầu và những thẩm quyền, vâng lời cấp trên, sẵn sàng cho mỗi việc lành,” (Tít 3:1).

Như khi xưa dân sự nghe biết hiệu lệnh của kèn do các thầy tế lễ thổi thì lập tức làm theo. Chúng ta hãy thử tưởng tượng, nếu các trại quân đóng ở các phía không ghi nhớ hiệu lệnh thổi kèn để ra đi thì sẽ như thế nào. Đáng lẽ khi kèn thổi tiếng vang lần thứ nhất thì trại quân ở hướng đông phải ra đi thì họ lại không đi vì không nhớ hiệu lệnh. Điều đó dẫn đến việc khi tiếng kèn thổi vang lần thứ hai, trại ở hướng nam sẽ không ra đi, vì theo quy định họ phải đi thứ hai. Như vậy, sẽ khiến các trại quân sau cũng không đi. Tương tự vậy, hoặc nếu trại quân phía đông khi nghe hiệu lệnh nhưng không muốn làm theo, chậm trễ làm theo thì sẽ khiến cho các trại quân phía sau bị ảnh hưởng. Việc một người, hay một nhóm người không ghi nhớ hiệu lệnh, không muốn làm theo, hoặc chậm trễ để làm theo thì không chỉ ảnh hưởng đến chính họ, mà còn gây ảnh hưởng đến những người khác nữa. Ngày nay cũng vậy, khi một người không biết vâng lời sẽ gây ảnh hưởng đến những người khác, họ sẽ học theo sự không vâng lời đó và nghĩ rằng làm vậy cũng không sai. Như vậy sẽ tạo ra sự lộn xộn, mất trật tự, thiếu kỷ luật trong Hội Thánh.

Nguyện Chúa dùng bài học ngày hôm nay nhắc nhở mỗi chúng ta trong mỗi nhiệm vụ mà Chúa giao cho, ai nấy luôn hết lòng, sốt sắng và cẩn thận làm theo. Nguyện Chúa ban cho các bạn thiếu niên có tấm lòng vâng phục, cẩn thận làm theo Lời Chúa, sốt sắng làm theo sự hướng dẫn của những người mà Chúa đặt để trong sự chăm sóc thuộc linh cho mình.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Thu Thủy

Để lại một bình luận