Dân Số Ký Chương 11 Dân Sự Lằm Bằm – Chọn Bảy Mươi Trưởng Lão

447 lượt xem

Dân Sự Lằm Bằm – Chọn Bảy Mươi Trưởng Lão

Nguyễn Thị Thu Thủy

 

Link tải mp3: https://od.lk/d/NV8xODA2Njg3NTVf/ThieuNien%2012-02-2023.mp3

Các em thiếu niên thân mến,

Trước khi bắt đầu vào bài học hôm nay, chúng ta cùng ôn lại hành trình dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô.

Sau mười tai vạ mà Thiên Chúa giáng xuống xứ Ê-díp-tô, cuối cùng thì Pha-ra-ôn cũng để dân I-sơ-ra-ên đi. Nơi mà Chúa hứa ban cho dân I-sơ-ra-ên là xứ Ca-na-an. Nhưng Ngài không dẫn họ theo đường ngắn nhất là đi theo đường về xứ Phi-li-tin, bởi e khi thấy có chiến trận thì dân sự dời lòng trở về Ê-díp-tô. Vì vậy Chúa đã dẫn họ đi vòng theo đường trong đồng vắng, về hướng Biển Đỏ.

Dân I-sơ-ra-ên đi khỏi Su-cốt, đóng trại tại Ê-tam, cuối đồng vắng. Rồi Chúa lại truyền họ trở lại đóng trại tại trước Phi Ha-hi-rốt, ngang Ba-anh Sê-phôn, gần biển. Chúa làm phép lạ, rẽ nước dẫn dân sự đi qua Biển Đỏ.

Đến đồng vắng Su-rơ, trọn ba ngày dân sự chẳng kiếm được nước. Đến đất Ma-ra thì nước tại đó đắng nên chẳng uống được. Dân sự oán trách Môi-se. Kế đó, dân sự đến đất Ê-lim đóng trại tại đó, nơi đó có mười hai suối nước.

Ngày mười lăm tháng thứ hai, dân sự ở nơi Ê-lim đi đến đồng vắng Sin. Họ oán trách Môi-se và A-rôn đã dẫn họ vào đồng vắng để làm cho cả đoàn dân đều chết đói, họ than van nhớ về nồi thịt và bánh ở xứ Ê-díp-tô. Chúa nghe lời oán trách của họ và làm phép lạ ban chim cút và ma-na. Từ đó, ma-na làm lương thực nuôi họ trong suốt 40 năm.

Dân sự từ đồng vắng Sin đi từng trạm, đóng trại tại Rê-phi-đim. Ở đó không có nước, dân sự bị khát, rồi kiếm cớ cãi lộn cùng Môi-se, oán trách ông đã dẫn họ ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Rồi tại Hô-rếp, Chúa làm phép lạ qua Môi-se khiến vầng đá chảy ra nước cho dân sự uống.

Tháng 3, họ đến nơi đồng vắng Si-na-i, đóng trại tại đó. Tại núi Si-na-i Chúa phán truyền mười điều răn, các luật lệ, kiểu dựng đền tạm và các vật dụng, lập A-rôn và các con trai ông làm thầy tế lễ, các luật liên quan đến thầy tễ lễ, các của lễ về sự thờ phượng.

Tháng 2, năm thứ 2, tức là gần một năm, sau khi dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô, Chúa phán dặn Môi-se tu bộ dân sự để chuẩn bị khởi đi từ núi Si-na-i. Chúa phán dặn họ thứ tự đóng trại, thứ tự khởi đi của các trại quân, quy ước dùng loa thổi làm hiệu lệnh.

Chúng ta vừa ôn lại hành trình của dân I-sơ-ra-ên từ lúc bắt đầu rời khỏi Ê-díp-tô, cho tới lúc chuẩn bị khởi đi khỏi Si-na-i sau gần một năm đóng trại tại đó. Nhìn lại hành trình của họ, chúng ta dễ nhìn thấy sự than trách của dân sự khi gặp những khó khăn trước mắt tạm thời. Khi không có nước uống thay vì họ trông cậy Chúa, cầu xin Ngài, thì họ lại tỏ ra sự than van, oán trách người dẫn dắt họ là Môi-se. Khi không có thịt ăn, họ lại nao lòng gào thét muốn quay trở về xứ nô lệ để được thỏa mãn ý muốn xác thịt của mình. Sau mỗi phép lạ của Chúa cho họ có nước, có bánh ma-na, có thịt; họ vẫn chẳng thêm lên sự kính sợ Chúa, lòng tin cậy Ngài.

Ngày 20 tháng 2 năm thứ 2, dân sự bắt đầu khởi đi từ đồng vắng Si-na-i và dừng lại tại đồng vắng Pha-ran.

“Tuy nhiên, dân sự bắt đầu than trách, và điều đó chẳng đẹp tai Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (Dân Số Ký 11:1a).

Vừa mới khởi đi, đến đồng vắng Pha-ran thì họ lại bắt đầu than trách. Có lẽ, họ lại than thở, oán trách vì vừa dời khỏi đồng vắng Si-na-i, họ lại vào tiếp một đồng vắng khác, lại là nơi không có nước và thịt theo ý muốn xác thịt của họ. Lần này, cơn thịnh nộ của Chúa nổi lên, lửa của Ngài cháy phừng phừng giữa họ và thiêu hóa từ đầu đến cuối trại quân. Chúng ta đã từng biết, lửa tại bàn thờ thiêu chết hai con trai của A-rôn khi họ dâng lửa lạ. Lần này, lửa cháy phừng phừng, dân sự kêu la lên với Môi-se. Khi Môi-se cầu xin Chúa thì lửa mới ngừng lại. Nơi đó họ đặt tên là Tha-bê-ra, vì lửa của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu cháy giữa dân sự.

Qua sự việc này, chúng ta hãy cùng nhau tra xét lại đời sống bước đi theo Chúa của mình. Có lúc nào khi gặp phải hoàn cảnh đời sống khó khăn, hay môi trường sống không như ý muốn, gặp phải chuyện không vui chúng ta đã tỏ ra thái độ bực mình, khó chịu, mệt mỏi, chán chường, sầu não và bắt đầu than van, oán trách? Cảm xúc buồn khi có chuyện không vui, không như ý muốn không phải là sai trái. Nhưng chúng ta có lòng yêu kính Chúa và sự tin cậy nơi lời phán hứa của Ngài đủ để vượt qua sự thử thách khó khăn xảy ra hay không? Hay chúng ta để cho cảm xúc của xác thịt nổi lên, lấn át và bắt đầu nói ra những điều than trách? Tại sao nơi ở này lại chật chội, bẩn thỉu vậy? Tại sao lại phải sống ở nơi tồi tàn, lạc hậu vậy? Tại sao mình lại gặp phải chuyện khốn khổ này? Chúng ta hãy cùng tra xét xem, có phải những lời than trách đó là chúng ta đang than trách Chúa không? Có phải chúng ta đang hàm ý Chúa không quan phòng, không yêu thương, không giải quyết nan đề cho chúng ta? Có phải thái độ của chúng ta đang là trịch thượng khi một tôi tớ mà lại than van chủ mình đã không làm cho vừa ý mình?

Nếu chúng ta từng phạm như vậy mà không nhận ra rằng chúng ta đang than trách Chúa thì cần xin Chúa mau chóng tha thứ cho mình, xin Chúa giúp mình đừng tái phạm. Nếu đời sống chúng ta xét lại toàn là những lời than van, oán trách thì chúng ta hãy quỳ gối xưng tội, ăn năn với Chúa. Bởi chúng ta không biết khi nào “lửa của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” nổi phừng phừng lên cùng chúng ta.

Sau tai vạ bị lửa thiêu hóa đó, dân sự lại bị đám tạp dân sinh lòng tham muốn kích động, đến nỗi họ lại khóc mà than muốn ăn thịt. Đám tạp dân nghĩa là không phải là người I-sơ-ra-ên, nhưng có lẽ họ đã cùng đi theo khi dân sự đi ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Đám tạp dân tham muốn những món đồ ăn ngon thỏa mãn xác thịt, có thể họ than van với dân I-sơ-ra-ên, nói ra nói vào nhiều về việc các thức ăn ngon ngày xưa tại Ê-díp-tô. Điều đó, khiến cho dân sự quên đi tai vạ lửa thiêu hóa, dân I-sơ-ra-ên lại bắt đầu than khóc và đòi ăn thịt.

Họ than rằng “ai sẽ cho chúng tôi ăn thịt?”. Hàm ý than trách Chúa không thành tín, không chăm lo cho họ đời sống đủ đầy, họ phải chịu cảnh thiếu thốn.

Họ than rằng “Chúng tôi nhớ những cá chúng tôi ăn tùy thích tại xứ Ê-díp-tô, những dưa chuột, dưa tây, tỏi tây, hành, và tỏi.” Hàm ý than trách Chúa dẫn họ đi khỏi nơi đủ đầy. Hàm ý muốn bỏ đi quay về để được hưởng cuộc sống có ăn uống tùy ý đó. Họ đã quên sự nô lệ khổ cực mà họ phải mang khi xưa. Họ đã quên Chúa đã giải cứu họ thoát khỏi cảnh nô lệ.

Họ than rằng “bây giờ, linh hồn chúng tôi bị khô héo, không có gì hết! Mắt chỉ thấy ma-na mà thôi.” Hàm ý than trách Chúa để cho họ bị khốn khổ, đời sống thiếu thốn. Hàm ý oán trách, chán chường phép lạ Chúa ban cho họ có thức ăn. Họ đã tỏ ra không trân quý ơn phước Chúa ban cho.

Qua đây chúng ta rút ra bài học rằng:

Không nên kết thân với những người không tin Chúa, hoặc tin Chúa nhưng thực chất lại không có lòng kính sợ Chúa, không có nếp sống đúng với Lời Chúa dạy. Bởi vì chúng ta sẽ dễ bị ảnh hưởng và học theo những tính xấu của họ.

“Các anh chị em chớ bị mắc lừa! Những sự kết giao xấu làm hư những tính tốt.” (I Cô-rinh-tô 15:33).

Chúng ta thấy, đám tạp dân sinh lòng tham muốn những thứ để thỏa mãn điều xác thịt ưa thích. Điều đó làm dấy lên lòng tham muốn của dân sự. Nếu chúng ta kết thân cùng người ngoại hoặc những người mang danh Chúa nhưng không có nếp sống xứng hiệp, thì lâu dần chúng ta cũng dễ bị lôi kéo theo mà tham muốn những sự đó giống họ. Ví dụ: chúng ta kết thân với những người bạn hay xài tiền hoang phí, hay xin tiền bố mẹ để mua những quần áo hàng hiệu, món đồ dùng xa xỉ, rồi đi chơi ăn uống xa hoa. Lâu dần chúng ta sẽ bị ảnh hưởng, bị lây nhiễm, cũng muốn được ba mẹ cho nhiều tiền để thoải mái tiêu xài vào những việc không cần thiết, không đúng. Sự kết giao với những bạn bè đó, sẽ làm chúng ta quên đi nếp sống tiết kiệm, bắt đầu sinh lòng ưa thích những thứ thuộc về thế gian để thỏa mãn ý muốn của xác thịt. Chúng ta chỉ nên giữ sự xã giao với người ngoại,  và phải chủ động tránh xa, không thân cận với những người mang danh Chúa nhưng không có nếp sống đẹp lòng Chúa.

Lời Chúa dạy chúng ta:

“Phước cho người nào chẳng đi trong mưu kế của những kẻ ác, chẳng đứng trong đường lối của những tội nhân, không ngồi trong chỗ của những kẻ nhạo báng.” (Thi Thiên 1:1).

Thực tế thì, không phải chỉ tại vì đám tạp dân sinh lòng tham muốn và khiến cho dân I-sơ-ra-ên phạm tội. Mà cũng là vì thực chất lòng họ cũng có những sự tham muốn đó. Đám tạp dân chỉ làm khơi dậy lòng tham muốn trong họ. Vì vậy, khi sự sai phạm xảy ra, chúng ta cũng cần tra xét lại lòng mình. Phải chăng lòng chúng ta vẫn còn sự yêu mến, ưa thích thuộc về thế gian? Phải chăng lòng chúng ta chưa hết lòng yêu kính Chúa đủ để vượt qua những cám dỗ, thử thách?

Thật ra một người không có lòng kính sợ Chúa, thì sẽ không thể tạ ơn Chúa về hoàn cảnh Chúa cho phép xảy ra, không thể hiểu được Chúa cho phép xảy ra việc này giúp ích gì cho mình. Họ sẽ chỉ nhìn thấy cuộc sống của mình không được như mong muốn, không thỏa mãn nhu cầu của họ. Và bắt đầu tỏ ra những lời nói, hành động lằm bằm, than van, oán trách.

Còn người có lòng kính sợ Chúa thì họ sẽ biết tạ ơn Chúa về mọi điều Chúa cho phép xảy ra, vì họ biết rằng sẽ có ích lợi. Lời Chúa chép:

“Chúng ta đã biết rằng, mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu Đức Chúa Trời, là những người được gọi theo một mục đích của Ngài.” (Rô-ma 8:28).

Sau khi dâng lời tạ ơn Chúa, họ sẽ cầu hỏi Chúa và xin Chúa dạy dỗ vì sao Chúa cho phép điều này xảy đến trên đời sống mình. Họ sẽ nương theo sự dạy dỗ của Chúa trong Thánh Kinh, cậy ơn Chúa, dưới sự hướng dẫn của người chăn, trưởng lão để vuợt qua những khó khăn thử thách Chúa cho phép xảy ra. Họ sẽ hiểu được rằng, những điều mà Chúa đã cất đi, không ban cho họ là vì điều đó không tốt cho họ, không gây dựng và giúp ích cho họ trong sự tin kính Chúa, chưa phải là thời điểm mà Chúa ban cho họ có được những điều họ mong muốn.

“Lời phán của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu: Vì những ý tưởng của Ta chẳng phải những ý tưởng của các ngươi, những đường lối của các ngươi chẳng phải những đường lối của Ta. Vì các tầng trời được nâng cao hơn đất, vậy nên, những đường lối của Ta được nâng cao hơn những đường lối của các ngươi và những ý tưởng của Ta được nâng cao hơn những ý tưởng của các ngươi.” (Ê-sai 56:8-9).

Sau khi dân sự than van về việc muốn ăn thịt thì Môi-se đã thưa cùng với Chúa. Ông rất buồn bực, mệt mỏi vì sự hay than trách và lằm bằm của dân sự và cảm thấy gánh nặng rất đỗi nặng nề bởi vì mình ông là người phải giải quyết mọi việc của toàn dân sự. Ông dâng trình nan đề đó lên với Chúa. Chúa đã truyền Môi-se nhóm hiệp bảy mươi trưởng lão, để họ cũng mang lấy gánh nặng về dân sự cho ông, ông không phải một mình gánh lấy nữa. Chúa cũng phán rằng, Chúa sẽ phát thịt cho dân sự ăn, không chỉ một ngày, mười ngày mà là trọn một tháng. Và rồi, Chúa khiến một trận gió nổi từ biển, dẫn chim cút đến trải trên trại quân, trải hai bên dài chừng một ngày đường đi, cao hai cu-bít (tức cao khoảng gần 1m). Nhưng rồi dân sự ăn thịt, vẫn còn nơi răng chưa nhai thì cơn giận của Chúa nổi lên, hành họ một tai vạ rất nặng. Chỗ đó đặt ten là Kíp-rốt Ha-tha-va, vì tại đó chôn dân sự sinh lòng tham muốn.

Qua đây, chúng ta rút ra bài học, có những khi loài người lằm bằm với Chúa đòi hỏi điều này điều kia, và Chúa nghe biết, Chúa ban cho họ như điều họ muốn, nhưng đó sau đó lại là hậu quả khôn lường. Vì vậy, đừng tưởng rằng mình được Chúa ban cho mình điều này điều kia là vội nghĩ rằng mình sống đẹp lòng Chúa và được ban phước. Mà quan trọng phải tra xét xem mình có sống đẹp lòng Chúa hay không. Chúng ta cũng học tập ông Môi-se và rút ra bài học rằng, khi có nan đề trong cuộc sống, từ thuộc thể đến thuộc linh, thì phải thưa trình với Chúa. Khi chúng ta tâm tình với Chúa về khó khăn, về nan đề, về gánh nặng của mình thì không phải là than van. Chúng ta cần lắng nghe sự dạy dỗ của Chúa và theo sự dẫn dắt của Ngài để giải quyết các vấn đề.

Nguyện qua bài học hôm nay, mỗi người trong chúng ta đều tra xét lại tấm lòng mình trước Chúa, tra xét lại những lời nói và hành động của mình có điều gì là than trách Chúa. Nguyện từ nay, chúng ta không phạm phải tội lỗi than trách Chúa, mà luôn hết lòng yêu kính Chúa, vui thỏa, bình an với mọi sự Chúa cho phép xảy ra trên đời sống mình. Nguyện mỗi chúng ta ai nấy yêu kính Chúa, biết tìm cầu ý muốn Chúa và sự hướng dẫn dạy dỗ từ nơi Ngài để giải quyết mọi nan đề trong cuộc sống.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Thu Thủy

Để lại một bình luận