Chúa Jesus Chữa Bệnh Phong Hủi

219 lượt xem

Chúa Jesus Chữa Bệnh Phong Hủi

Nguyễn Thị Thùy Linh

 

Link tải mp3: https://od.lk/d/NV8xODIxODI1ODJf/Thieu%20Ni%C3%AAn%2019-03-2023.mp3

Các con thân mến!

Tuần này chúng ta cùng nhau tiếp tục học về các phép lạ của Đức Chúa Jesus Christ. Hôm nay chúng ta học về phép lạ Chúa Jesus Chữa Lành Người Phong Hủi. 

Câu chuyện này được ghi lại trong ba sách Ma-thi-ơ 8:2-4, Mác 1:40-45, Lu-ca 5:12-15

Do ba sách ghi lại có sự khác biệt nhau một chút nên chúng ta cùng nhau đọc lại cả ba sách để chúng ta cùng tổng hợp lại để có đủ chi tiết về sự hiểu được đầy đủ hơn. 

Mác 1:40-45

40 Có một người phong hủi đến với Ngài, quỳ xuống cầu xin rằng: Nếu Chúa muốn, có thể khiến tôi sạch được.

41 Đức Chúa Jesus động lòng thương xót, giơ tay rờ người, mà phán rằng: Ta muốn, hãy sạch đi.

42 Liền khi đó, phong hủi lặn mất, người trở nên sạch.

43 Tức thì Đức Chúa Jesus cho người ấy ra, lấy giọng nghiêm phán rằng:

44 Hãy giữ chớ tỏ điều đó cùng ai; nhưng hãy đi tỏ mình cùng thầy tế lễ, và vì người được sạch, hãy dâng của lễ theo như Môi-se dạy, để điều đó làm chứng cho họ.

45 Nhưng người ấy đi, đồn việc đó ra, tới đâu cũng thuật chuyện, đến nỗi Chúa Jesus không vào thành cách rõ ràng được nữa; nhưng Ngài ở ngoài, tại nơi hoang vắng; và người ta từ bốn phương đều đến với Ngài.

Ma-thi-ơ 8:1-4

1 Khi Đức Chúa Jesus ở trên núi xuống, có đoàn dân đông lắm theo Ngài.

2 Này, có một người phong hủi đến gần, lạy Ngài, mà thưa rằng: Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, chắc có thể làm cho tôi sạch được.

3 Đức Chúa Jesus giơ tay rờ người, mà phán với người rằng: Ta muốn, hãy sạch đi. Tức thì người phong hủi được sạch.

4 Đức Chúa Jesus phán với người rằng: Hãy giữ, chớ nói với ai; nhưng hãy đi tỏ mình cùng thầy tế lễ, và dâng của lễ theo như Môi-se dạy, để làm chứng cho họ.

Lu-ca 5:12-15

12 Đức Chúa Jesus đang ở trong thành kia, có một người mắc bệnh phong hủi đầy mình, thấy Ngài thì sấp mặt xuống đất, mà nài xin rằng: Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, chắc có thể làm cho tôi được sạch!

13 Đức Chúa Jesus giơ tay rờ đến người ấy, mà phán rằng: Ta muốn, hãy sạch đi. Tức thì, bệnh phong hủi liền hết.

14 Đức Chúa Jesus cấm người đó thuật chuyện lại với ai; nhưng dặn rằng: Hãy đi tỏ mình cùng thầy tế lễ; và dâng của lễ về sự ngươi được sạch, theo như Môi-se dạy, để điều đó làm chứng cho họ.

15 Danh tiếng Ngài càng ngày càng vang ra, và một đoàn dân đông nhóm lại để nghe Ngài và để được chữa lành bệnh.

16 Nhưng Ngài lánh đi nơi đồng vắng mà cầu nguyện.

Trong ba sách chúng ta đọc qua thì chúng ta thấy sách Mác ghi lại đầy đủ hơn hai sách kia. Cho chúng ta thêm sự hiểu rõ hơn, và sách Mác bổ sung cho hai sách kia. 

Khi chúng ta đọc sách Lu-ca 5:12-16 thì cho biết “Nhưng Ngài lánh đi nơi đồng vắng mà cầu nguyện.” Và khi chúng ta đọc trong sách Mác 1:45 thì chúng ta biết được nguyên nhân đó là vì: “người ấy đi, đồn việc đó ra, tới đâu cũng thuật chuyện, đến nỗi Chúa Jesus không vào thành cách rõ ràng được nữa.” Thế nên khi chúng ta học về bốn sách Tin Lành cách tổng hợp là chúng ta đọc một lượt cả bốn sách chép về sự kiện đó vì cả bốn sách ghi lại đều bổ trợ cho nhau. Có khi câu chuyện đó chỉ một sách ghi lại, có khi hai sách, có khi ba sách có khi cả bốn sách đều ghi lại. Như trong câu chuyện này thì chỉ có ba sách ghi lại thôi. 

Bây giờ thì chúng ta cùng nhau bước vào bài học. 

Phép lạ lần này Chúa Jesus thực hiện đó là sự chữa lành cho một người bị bệnh phong hủi. 

Bệnh phong hủi ngày nay còn gọi là bệnh cùi, bệnh phong hủi có tính lây lan cho nên ngày xưa Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã ra một luật cho những người bị bệnh phong hủi phải bị cách ly ra khỏi trại quân và sau khi người được sạch thì phải dâng của tế lễ lên Thiên Chúa. Chúng ta đọc lại Lê-vi Ký chương 13 và 14 thì sẽ biết chi tiết cụ thể mà Thiên Chúa đặt riêng ra một luật dành riêng cho người bị bệnh phong hủi. 

Ngày nay các triệu chứng và sự ảnh hưởng của bệnh phong hủi còn gọi là bệnh cùi là:

Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến da và các dây thần kinh bên ngoài não bộ và tủy sống, được gọi là các dây thần kinh ngoại vi. Nó cũng có thể tấn công vào mắt và niêm mạc mũi.

Các triệu chứng chính của bệnh là các vết loét gây biến dạng da, khối u hoặc nổi cục không mất đi sau vài tuần hoặc vài tháng, xuất hiện các vết loét da nhạt màu.

Tổn thương dây thần kinh do bệnh phong cùi có thể dẫn đến các biểu hiện:

Mất cảm giác ở tay và chân

Yếu cơ bắp [1]

Theo luật ngày xưa Thiên Chúa đặt ra cho dân I-sơ-ra-ên là người bị phong hủi phải bị cách ly cho đến khi nào được sạch thì mới được trở lại trại quân. Nhưng chúng ta không hiểu sao trong lúc này người bị phong hủi không bị cách ly mà có thể đi ra ngoài đường ở chỗ đám đông và người này còn chủ động đến gặp Chúa Jesus để xin được chữa lành. Thánh Kinh cũng không ghi lại cho chúng ta biết vì sao mà người bệnh phong hủi này biết Chúa Jesus mà ông đến xin Chúa Jesus chữa bệnh. Có lẽ ông đã được nghe đồn về Chúa Jesus đã từng chữa lành cách siêu nhiên nên khi ông nghe Đức Chúa Jesus ở trong thành thì liền tìm đến xin Chúa Jesus chữa lành cho ông. 

Trong câu chuyện này có các chi tiết mà chúng ta suy ngẫm và rút ra bài học thuộc linh. 

  • Lời cầu xin của người bị phong hủi
  • Sự chữa lành của Chúa Jesus
  • Lời dặn của Chúa Jesus với người được chữa lành và hành động của người được chữa lành. 

Trước tiên chúng ta cùng suy ngẫm về ý thứ nhất 

  • Lời cầu xin của người bị phong hủi

“Có một người mắc bệnh phong hủi đầy mình, thấy Ngài thì sấp mặt xuống đất, mà nài xin rằng: Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, chắc có thể làm cho tôi được sạch!” (Lu-ca 5:12).

Chúng ta chú ý  hành động và lời cầu xin của người bị phong hủi này. Hành động là người ấy sấp mặt xuống đất, và lời cầu xin là “Nếu Chúa muốn”. 

Chúng ta đặt mình vào một người bị bệnh nặng có thể là người này bị căn bệnh này rất lâu năm rồi không có chữa được. Thì tâm tình của một người bị bệnh luôn muốn được chữa lành. Khi gặp được một người mà mình từng nghe tin đồn về các phép lạ đã làm thì tâm lý là nhanh chóng bắt lấy cơ hội mà nài xin Chúa chữa lành. Người này có thể nói. Chúa ơi con xin Ngài hãy chữa lành cho con, con xin Ngài hãy cứu con vì con bệnh nặng quá…vì đây là điều cầu xin phải lẽ của một người bị bệnh cần được chữa lành, nhưng người này lại nói là “nếu Chúa muốn”. 

Chúng ta thấy trong lời cầu xin này mang hai ý nghĩa vừa là thể hiện đức tin của ông, ông tin rằng chỉ cần Chúa muốn là được sạch, và thứ hai là lời cầu xin trong sự hạ mình. Ông không sai khiến Chúa hay yêu cầu Chúa phải chữa cho mình mà xin Chúa chữa cho mình theo ý muốn của Chúa. 

Câu hỏi: Bài học rút ra cho chúng ta trong chi tiết này là gì? 

Bài học rút ra cho chúng ta là: 

Đức tin của chúng ta nơi Thiên Chúa: Trong cuộc sống của chúng ta có rất nhiều nan đề cần được Chúa cứu giúp, giải quyết cho chúng ta. Những nan đề về sức khỏe, về học hành, về cuộc sống vật chất hằng ngày, về mọi phương tiện, học thức…tất cả những điều đó Thiên Chúa đều giải quyết được hết cho chúng ta, không có việc gì là khó đối với Ngài vì Ngài là Thiên Chúa Toàn Năng. Chỉ cần điều cầu xin của chúng ta là phải lẽ và điều đó là ý muốn của Thiên Chúa trên chúng ta thì mọi việc sẽ được Chúa giải quyết. Tuy nhiên có những điều chúng ta cầu xin Chúa theo như con mắt xác thịt của chúng ta là phải lẽ nhưng ý muốn của Chúa không muốn nó xảy ra trên đời sống của chúng ta. 

Ví dụ: Chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta sau này trưởng thành không lập gia đình mà cứ ở vậy để hầu việc Chúa, chuyên tâm rao giảng Tin Lành. Cô tin đây là lời cầu xin phải lẽ và xuất phát từ tấm lòng của một người muốn hết lòng phụng sự Chúa. Nhưng liệu ý của Chúa có muốn người đó độc thân để chuyên tâm rao giảng Tin Lành hay không? Hay Chúa muốn người đó vẫn có gia đình, con cái và lo việc khác trong nhà Chúa. 

Thánh Kinh cũng ghi lại cho chúng ta một trường hợp đó là khi sứ đồ Phao-lô và một số người  muốn đi rao giảng trong thành trong cõi A-si nhưng Đức Thánh Linh đã cấm. Họ đến gần xứ Mi-si, họ đã tìm cách để đi vào xứ Bi-thi-ni. Nhưng Đấng Thần Linh đã không cho phép họ. Câu chuyện này được chép trong Công Vụ Các Sứ Đồ 16:1-8. 

Lời cầu nguyện khôn sáng nhất của chúng ta đó là: Nếu Chúa muốn, hoặc xin ý Chúa được nên trên đời sống của chúng ta. Bởi vì Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng. Ngài biết trước mọi sự và biết điều gì là tốt nhất cho chúng ta. Đó là sự chúng ta hoàn toàn đặt đức tin của mình nơi Thiên Chúa. Tin rằng Chúa làm được mọi sự và tin rằng Chúa luôn ban điều tốt nhất cho chúng ta. 

Cầu xin trong sự hạ mình: Khi chúng ta cầu xin Chúa mà chúng ta cầu xin theo thánh ý của Chúa chứ không phải theo ý của chúng ta là cầu xin trong sự hạ mình. Chúng ta thể hiện mọi sự được tuân theo và sự quyết định của Chúa chứ không phải yêu cầu Chúa phải làm ra cho mình. Chúng ta ý thức rằng mình không có quyền sai khiến Chúa hay đòi hỏi Chúa phải làm thế này, phải làm thế kia cho mình. Mà chúng ta phải cầu xin theo ý Chúa muốn. 

Điều này chúng ta rất thường hay mắc phải trong đời sống đi theo Chúa của chúng ta. Khi chúng ta cầu xin Chúa điều gì mà không thấy Chúa đáp lời hay không theo như ý chúng ta muốn thì chúng ta tỏ ra thất vọng, buồn rầu, mất đức tin nơi Thiên Chúa. Hay chúng ta nghĩ rằng Chúa đã bỏ mặt chúng ta. Chúng ta quay sang trách Chúa sao để cho chúng ta phải chịu khó khăn, phải chịu đựng những đau yếu này. Chịu cảnh chia ly hay bắt bớ này. Mà sao kêu cầu mãi không thấy Chúa giải cứu mình. Chúng ta muốn Chúa phải làm cho mình mà thay vì mình vâng theo ý Chúa muốn. 

Biểu hiện của một người luôn vâng theo ý Chúa là người đó luôn bình an, vui thỏa trong mọi cảnh ngộ. Dù có đau bệnh không thấy được chữa lành, dù có bị bắt bớ, khó khăn trong cuộc sống cũng vui mừng cảm tạ Chúa. Vì người đó tin rằng khi Chúa đặt để mình trong hoàn cảnh này thì có ích lợi cho mình. Như tấm gương của Phao-lô khi ông  ba lần xin Chúa chữa lành mắt của ông. Chúng ta thấy lời cầu xin này của Phao-lô hoàn toàn phải lẽ. Nhưng Chúa đã không chữa cho ông. Thì ông nhận biết rằng: 

7 Và để tôi không tự lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng lớn của các khải tượng ấy, thì đã cho tôi một cái dằm xóc vào thịt, tức là sứ giả của Sa-tan, để đánh tôi, để tôi không tự lên mình kiêu ngạo. 

8 Về sự ấy tôi đã ba lần kêu cầu Chúa, cho nó lìa khỏi tôi. 

9 Và Ngài đã phán với tôi: Ân điển của Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự đau yếu. Vậy, tôi vui lòng thà sẽ khoe mình trong những sự đau yếu của tôi, để cho sức mạnh của Đấng Christ ngự trên tôi. 

10 Vậy nên, tôi thỏa lòng trong những sự đau yếu, trong những sự sỉ nhục, trong những sự túng thiếu, trong những sự bách hại, trong những sự khốn khó vì Đấng Christ. Vì khi tôi yếu đuối thì ấy là lúc tôi mạnh mẽ. (II Cô-rinh-tô 12:7-10)

Hành động sấp mình trước Chúa Jesus để xin được chữa lành là một hành động tỏ lòng tôn kính Chúa. Ngày nay có những giáo hội họ dạy con dân Chúa cầu nguyện với Chúa với thái độ la hét, nhảy múa không tỏ ra một chút sự tôn kính Chúa. Hoặc con dân Chúa khi cầu nguyện với Chúa khi nhóm hiệp mà lo ra, ngồi gác chân, nhịp chân, ăn uống trong giờ nhóm hiệp là một hành động không tôn kính Thiên Chúa. Nếu một người ý thức được rằng một Đấng Toàn Năng đang hiện diện trước họ và giữa họ thì thái độ và hành động có làm như vậy được hay không? 

  • Sự chữa lành của Chúa Jesus

Trong lần làm ra phép lạ chữa bệnh này Chúa Jesus rờ người và cũng dùng một lời phán: “Ta muốn, hãy sạch đi.” Chữ “rờ” này có thể là Chúa đặt tay lên vai hay lên đầu của người bệnh phong hủi. Chúng ta đã từng học biết về năng lực chữa lành của Chúa Jesus. Ngài được đầy dẫy thánh linh của Đấng Thần Linh ban cho Ngài cách không giới hạn. Chúa Jesus hoàn toàn không sử dụng thần tính là Thiên Chúa của Ngài. Nhưng Ngài có đầy đủ thẩm quyền năng lực mà Đấng Thần Linh ban cho. Trong lần chữa lành này Chúa Jesus đã động lòng thương xót mà chữa lành cho người bị phong hủi. 

  • Lời dặn của Chúa Jesus với người được chữa lành và hành động của người được chữa lành.

Đây là chi tiết khá quan trọng trong câu chuyện này. Bởi vì sẽ cho chúng ta một bài học thuộc linh sâu sắc. Đó là sự vâng lời và sự làm theo ý riêng.

Chính vì sự không vâng lời mà loài người đã phạm tội dẫn đến tội lỗi vào trong thế gian và thế gian đã bị băng hoại, tội lỗi tràn ngập. Chúng ta để ý câu: “Đức Chúa Jesus cấm người đó thuật chuyện lại với ai” (Lu-ca 5:14). “Tức thì Đức Chúa Jesus cho người ấy ra, lấy giọng nghiêm phán rằng: (Mác 1:43). Chúng ta thấy rằng Đức Chúa Jesus đã nghiêm nghị cấm không cho người này nói ra với ai ngoài đi tỏ mình cho thầy tế lễ và dâng của lễ theo như luật của Môi-se. Nhưng chúng ta thấy kết quả thế nào? 

Câu hỏi: Bài học thực tế ngày nay chúng ta rút ra trong chi tiết này là gì? 

Sự không vâng lời: Như chúng ta biết sự không vâng lời luôn để lại những hậu quả. Tội lỗi vào trong thế gian cũng xuất phát từ sự không vâng lời mà tổ phụ chúng ta là A-đam và Ê-va đã không vâng lời Thiên Chúa. Con cái không vâng lời cha mẹ thì thành ra hư hỏng. Trong câu chuyện này vì sự không vâng lời của người bệnh phong hủi này mà Chúa Jesus đã không thể tiếp tục vào thành để rao giảng Tin Lành mà phải lánh vào đồng vắng. 

Khi đọc qua nếu không suy ngẫm và đọc kỷ thì chúng ta dễ hiểu lầm rằng người này đã làm một việc tốt đó là làm chứng về Chúa, để danh Chúa được đồn ra rộng rãi. Nhưng trên thực tế Thánh Kinh cho chúng ta biết Chúa Jesus nghiêm cấm ông không được nói ra. Và vì sự không vâng lời nên hậu quả là Chúa Jesus đã không thể vào thành giảng Tin Lành mà phải lánh qua đồng vắng. 

Đây là một thực trạng ngày nay khi có nhiều người hầu việc Chúa theo ý riêng mình. Cho là chính đáng là phải lẽ mà điều đó hoàn toàn không phải ý muốn của Chúa. Người đó làm theo ý mình thích và thấy phù hợp với mình. Nên có những người đã bị thất bại, bị hao tổn tiền của hay bị người thế gian lừa gạt.

Những việc làm theo ý riêng không phải ý Chúa cụ thể là những người đã tự ý đổi ngày Sa-bát Thứ Bảy sang Chủ Nhật. Họ đã tự ý thờ phượng Chúa theo ý của họ mà rõ ràng Thánh Kinh Chúa dạy phải nhóm hiệp ngày Thứ Bảy và thánh hóa ngày Thứ Bảy. Việc làm theo ý riêng là trong cuộc sống của chúng ta Chúa dạy chúng ta rao giảng Tin Lành, Tin Lành có năng lực cứu mọi kẻ tin. Giang Tin Lành qua nếp sống của chúng ta chiếu ra vinh quang của Chúa. Nhưng chúng ta thì lại nghĩ rằng giảng Tin Lành cần phải có thêm những bài tâm lý học, làm cho người nghe xuôi tay, vui lòng, lấy lòng họ hay cho họ một lợi ích gì đó để họ vui lòng nghe chúng ta giảng và tiếp nhận Chúa. Chúa không dạy chúng ta như vậy. 

Trong cuộc sống hằng ngày cũng vậy, chúng ta vẫn còn hầu việc Chúa theo ý riêng, cái mà mình thích và thấy phù hợp cho mình. Giống như một người vừa mới khỏi bệnh ba mẹ bảo con ăn cháo đi cho dễ tiêu hóa thì người con lại bảo con thấy ăn cơm cũng không sao. Người làm theo ý riêng là một người kiêu ngạo, không vâng lời. 

Câu chuyện ngày hôm nay chỉ ngắn nhưng đã cho chúng ta những bài học thuộc linh rất thực tế và quý cho mỗi chúng ta. Nguyện rằng Lời Chúa thánh hóa chúng ta mỗi ngày. Giúp  chúng ta luôn ghi nhớ và cẩn thận làm theo ý muốn của Chúa. 

Câu hỏi gợi ý suy ngẫm: 

1/ Chúng ta học được điều gì qua lời cầu xin của người bị phong hủi

2/ Đức Chúa Jesus là người nhưng sao Ngài lại có đầy dẫy quyền phép để làm ra các phép lạ?

3/ Lời nghiêm cấm của Chúa Jesus là gì?

4/ Người bệnh phong hủi có làm theo không? Nếu không thì người bệnh phong hủi đã phạm tội gì? Đó có phải là thực trạng của con dân Chúa ngày nay không? Cho ví dụ?

5/ Chúng ta rút ra được bài học thuộc linh gì qua câu chuyện này?

Ghi chú: [1] https://hellobacsi.com/benh-truyen-nhiem/van-de-nhiem-khuan-khac/benh-phong/

Để lại một bình luận