Chúa Jesus Chữa Lành Lành Người Bị Quỷ Ám
Tội Phạm đến Đấng Thần Linh – Nhìn Trái Biết Cây
Nguyễn Thị Thùy Linh
Các con thân mến!
Hôm nay chúng ta tiếp tục học về các phép lạ của Đức Chúa Jesus Christ. Hôm nay chúng ta tiếp tục học về phép lạ của Đức Chúa Jesus Christ về sự Chúa Jesus Chữa Lành Người Bị Quỷ Ám – Tội Phạm đến Đấng Thần Linh – Nhìn Trái Biết Cây.
Câu chuyện này được hai sách Tin Lành ghi lại Lu-ca 11:14-23, Ma-thi-ơ 12:22-37. Ở sách Ma-thi-ơ thì ghi lại nhiều chi tiết hơn về lời phán của Chúa Jesus đối với những người Pha-ri-si. Chúng ta cùng nhau đọc lại câu chuyện.
Lu-ca 11: 14-23
14 Đức Chúa Jesus đuổi một quỷ câm; khi quỷ ra khỏi, người câm liền nói được. Dân chúng đều lấy làm lạ;
15 nhưng có mấy kẻ nói rằng: Người này nhờ Bê-ên-xê-bun là chúa quỷ mà trừ quỷ.
16 Kẻ khác muốn thử Ngài, thì xin Ngài một dấu lạ từ trời xuống.
17 Đức Chúa Jesus biết ý tưởng họ, phán rằng: Nước nào tự chia rẽ nhau thì đổ xuống.
18 Vậy, nếu quỷ Sa-tan tự chia rẽ nhau, thì nước nó còn sao được, vì các ngươi nói Ta nhờ Bê-ên-xê-bun mà trừ quỷ?
19 Nếu Ta nhờ Bê-ên-xê-bun mà trừ quỷ, thì con các ngươi nhờ ai mà trừ quỷ? Bởi vậy, chính con các ngươi sẽ làm quan án các ngươi.
20 Nhưng nếu Ta cậy ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì Vương Quốc của Đức Chúa Trời đã đến nơi các ngươi rồi.
21 Khi một người mạnh sức cầm khí giới giữ cửa nhà mình, thì của cải nó vững vàng.
22 Nhưng có người khác mạnh hơn đến thắng được, thì cướp lấy khí giới người kia đã trông cậy, và phân phát sạch của cải.
23 Ai là người không theo Ta thì nghịch lại Ta; và ai là người không hiệp lại với Ta thì tan lạc.
Ma-thi-ơ 12:22-37
22 Bấy giờ có kẻ đem đến cho Đức Chúa Jesus một người mắc quỷ ám, đui và câm; Ngài chữa cho, đến nỗi người câm nói và thấy được.
23 Chúng lấy làm lạ, mà nói rằng: Có phải người đó là con cháu Vua Đa-vít chăng?
24 Nhưng những người Pha-ri-si nghe vậy, thì nói rằng: Người này chỉ nhờ Bê-ên-xê-bun là chúa quỷ mà trừ quỷ đó thôi.
25 Đức Chúa Jesus biết ý tưởng họ, thì phán rằng: Một nước mà chia xé nhau thì bị phá hoang; một thành hay là một nhà mà chia xé nhau thì không còn được.
26 Nếu quỷ Sa-tan trừ quỷ Sa-tan, ấy là tự nó chia xé nhau; thì nước nó làm sao còn được ư?
27 Và nếu Ta nhờ Bê-ên-xê-bun mà trừ quỷ, thì con các ngươi nhờ ai mà trừ quỷ sao? Bởi đó, chính chúng nó sẽ xử đoán các ngươi vậy.
28 Mà nếu Ta cậy thần quyền của Thiên Chúa để trừ quỷ, thì Vương Quốc của Đức Chúa Trời đã đến tận các ngươi.
29 Hay là, có lẽ nào, ai vào nhà một người mạnh sức để cướp lấy của, mà trước không trói người mạnh sức ấy được sao? Phải trói người rồi mới cướp của nhà người được.
30 Ai không ở với Ta, thì nghịch lại Ta; ai không hiệp lại với Ta, thì tan ra.
31 Ấy vậy, Ta phán với các ngươi, các tội lỗi và lời phạm thượng của người ta đều sẽ được tha; nhưng lời phạm thượng đến Đấng Thần Linh thì sẽ chẳng được tha đâu.
32 Nếu ai nói phạm đến Con Người, thì sẽ được tha; nhưng nếu ai nói phạm đến Đức Thánh Linh, thì dù đời này hay đời sau cũng sẽ chẳng được tha.
33 Hoặc cho là cây tốt thì trái cũng tốt, hoặc cho là cây xấu thì trái cũng xấu; vì xem trái thì biết cây.
34 Hỡi những dòng dõi của những rắn độc! Các ngươi là xấu, làm sao có thể nói những sự tốt? Vì do sự đầy dẫy của lòng mà miệng nói ra.
35 Người lành do lòng chứa sự lành mà phát ra điều lành; nhưng kẻ dữ do lòng chứa sự dữ mà phát ra điều dữ.
36 Nhưng Ta bảo các ngươi rằng, mỗi lời nói vô ích nào nếu loài người sẽ nói thì họ sẽ khai trình về chúng trong ngày phán xét.
37 Vì bởi những lời nói của ngươi mà ngươi sẽ được xưng là công chính, cũng bởi những lời nói của ngươi mà ngươi sẽ bị án phạt.
Chúng ta có thể tổng hợp câu chuyện này như sau: Có kẻ đem đến cho Chúa Jesus người bị quỷ ám vừa bị câm và bị đui. Chúa Jesus chữa lành cho người đó có thể thấy được và nói được. Dân chúng thấy điều đó thì lấy làm lạ và ngạc nhiên tự hỏi có phải con cháu vua Đa-vít chăng. Nhưng những người Pha-ri-si thấy điều đó thì nói với nhau rằng Chúa Jesus nhờ quỷ Bê-ên-xê-bun là chúa quỷ mà trừ quỷ. Đức Chúa Jesus biết ý tưởng của họ và Ngài đã hỏi họ, nhận xét về họ.
Trong câu chuyện này không đề cập chi tiết về việc Chúa Jesus đã chữa lành cho người bị quỷ ám này như thế nào. Chỉ chép lại ngắn gọn là Ngài chữa cho người đó đến nổi câm nói được, đui thì thấy được. Tuy Thánh Kinh không chép lại chi tiết những chúng ta có thể hiểu rằng Chúa Jesus chữa cho người này cũng bằng phép lạ. Nhưng cách thức chữa như thế nào thì chúng ta không biết. Trong câu chuyện này xoay quanh nhiều ở sự việc Chúa Jesus và những người Pha-ri-si. Bắt đầu sự họ vu khống và phạm thượng đến Đấng Thần Linh.
Như trong những bài học trước chúng ta đã học biết rằng, quyền phép mà Đức Chúa Jesus có đó là được Đấng Thần Linh ban cho Ngài cách không giới hạn. Đức Chúa Jesus được đầy dẫy thánh linh. Mọi sự Chúa Jesus làm ra đều đến từ Thiên Chúa. Vậy nên khi một người xúc phạm việc Chúa Jesus làm thì họ cũng đã xúc phạm đến Thiên Chúa.
Trong câu chuyện này chúng ta thấy những người Pha-ri-si họ không chối cãi được các phép lạ mà Chúa Jesus làm ra, vì Ngài làm ra trước mặt dân chúng và được nhiều người biết đến, những người Pha-ri-si phải công nhận việc Chúa Jesus chữa bệnh. Nhưng họ không công nhận rằng thẩm quyền đó đến từ Thiên Chúa. Chúng ta thấy những người này hình như là suốt ngày họ đi theo rình Chúa Jesus rồi thấy Ngài giảng dạy, chữa bệnh, làm phép lạ được dân chúng tung hô và theo Ngài rất đông thì lòng ganh tị của họ trỗi dậy. Họ ghét Chúa Jesus đến nỗi tìm cách bắt bẻ Ngài không được thì gài bẫy Ngài. Gài bẫy không được thì bàn mưu giết Ngài. Giết chưa được thì đi theo vu khống, bát bỏ năng lực đến từ Thiên Chúa của Ngài. Tìm cách hạ thấp Ngài. Chúng ta thật khó hiểu khi Chúa Jesus làm bao nhiêu phép lạ trước mắt họ mà họ vẫn không một lần để tâm suy ngẫm, cầu nguyện xem người này là ai, có thật là Đấng Mê-si được hứa trong Thánh Kinh không? Người này sao lại có quyền phép lớn lao thế này? Hay vì lòng họ quá cứng cỏi, đầy lòng đố kỵ, ganh ghét mà khiến cho họ bị đui mù thuộc linh không còn nhìn thấy đâu là ánh sáng lẽ thật. Hay bởi vì miệng họ thì Chúa Chúa mà lòng họ thì cách xa Chúa. Họ chưa bao giờ đầu phục Chúa, họ học luật, học Lời Chúa, họ rao giảng những để phục vụ cho cái bụng của họ, cho danh tiếng của họ, trục lợi mà họ chưa bao giờ có tấm lòng kính sợ Thiên Chúa nên tội lỗi và bản ngã xấu xa đã bịt tay, che mắt khiến họ không còn nhìn biết Đấng trước mắt họ là Đấng sẽ cứu họ ra khỏi tội lỗi cho dù Ngài có làm bao nhiêu phép lạ, giảng dạy hay nhiều lần Chúa Jesus quở trách họ mà họ vẫn trơ như sỏi đá.
Qua sự việc họ vu khống Chúa Jesus dùng nhờ chúa quỷ mà đuổi quỷ thì một lần nữa Chúa Jesus quở trách họ và nhận xét về bản chất của họ một cách thẳng thắng và tỏ tường. Chúa Jesus cũng cho họ biết rằng, tội phạm đến Đấng Thần Linh là không được tha thứ.
Chúng ta cùng xem lại những lời mà Chúa Jesus phán về họ.
25 Đức Chúa Jesus biết ý tưởng họ, thì phán rằng: Một nước mà chia xé nhau thì bị phá hoang; một thành hay là một nhà mà chia xé nhau thì không còn được.
26 Nếu quỷ Sa-tan trừ quỷ Sa-tan, ấy là tự nó chia xé nhau; thì nước nó làm sao còn được ư?
27 Và nếu Ta nhờ Bê-ên-xê-bun mà trừ quỷ, thì con các ngươi nhờ ai mà trừ quỷ sao? Bởi đó, chính chúng nó sẽ xử đoán các ngươi vậy.
28 Mà nếu Ta cậy thần quyền của Thiên Chúa để trừ quỷ, thì Vương Quốc của Đức Chúa Trời đã đến tận các ngươi.
29 Hay là, có lẽ nào, ai vào nhà một người mạnh sức để cướp lấy của, mà trước không trói người mạnh sức ấy được sao? Phải trói người rồi mới cướp của nhà người được.
30 Ai không ở với Ta, thì nghịch lại Ta; ai không hiệp lại với Ta, thì tan ra.
31 Ấy vậy, Ta phán với các ngươi, các tội lỗi và lời phạm thượng của người ta đều sẽ được tha; nhưng lời phạm thượng đến Đấng Thần Linh thì sẽ chẳng được tha đâu.
32 Nếu ai nói phạm đến Con Người, thì sẽ được tha; nhưng nếu ai nói phạm đến Đức Thánh Linh, thì dù đời này hay đời sau cũng sẽ chẳng được tha.
33 Hoặc cho là cây tốt thì trái cũng tốt, hoặc cho là cây xấu thì trái cũng xấu; vì xem trái thì biết cây.
34 Hỡi những dòng dõi của những rắn độc! Các ngươi là xấu, làm sao có thể nói những sự tốt? Vì do sự đầy dẫy của lòng mà miệng nói ra.
35 Người lành do lòng chứa sự lành mà phát ra điều lành; nhưng kẻ dữ do lòng chứa sự dữ mà phát ra điều dữ.
36 Nhưng Ta bảo các ngươi rằng, mỗi lời nói vô ích nào nếu loài người sẽ nói thì họ sẽ khai trình về chúng trong ngày phán xét.
37 Vì bởi những lời nói của ngươi mà ngươi sẽ được xưng là công chính, cũng bởi những lời nói của ngươi mà ngươi sẽ bị án phạt.
Các ý trong lời phán của Chúa Jesus
- Một nước mà chia xé nhau thì bị phá hoang; một thành hay là một nhà mà chia xé nhau thì không còn được.
- Nếu Chúa Jesus cậy thần quyền của Thiên Chúa để trừ quỷ, thì Vương Quốc của Đức Chúa Trời đã đến tận mỗi người
- Kẻ cướp muốn vào nhà thì phải trói người mạnh sức trong nhà thì mới có thể cướp được.
- Ai không hiệp với Ngài thì bị tan ra
- Phạm thượng đến Đấng Thần Linh thì không được tha tội
- Nhìn trái biết cây
- Lời nói vô ích sẽ bị phán xét.
Trong những ý này có ba ý mà chúng ta cần phải rút ra bài học cho chính bản thân chúng ta. Khi chúng ta đọc Lời Chúa với những câu chuyện được ghi chép lại trong Thánh Kinh thì chúng ta cần chú ý ở điểm là chúng ta không được chú tâm vào sự sai trái của nhân vật được ghi lại trong Thánh Kinh, không lên án họ hay là phán xét họ. Mà chúng ta học được những gì và rút kinh nghiệm những gì qua những câu chuyện mà Thánh Kinh ghi lại. Bởi vì sao, bởi vì nếu không cẩn thận thì chúng ta trở thành người phán xét người khác trong khi mình cũng phạm cùng một tội giống như họ chỉ khác ở hình thức phạm tội mà thôi. Mặt khác Thánh Kinh không phải ghi lại những gương xấu của họ để chúng ta đọc rồi phê phán, đánh giá họ, mà chúng ta đọc để suy ngẫm ý nghĩa của sự dạy dỗ trong Thánh Kinh, rút ra những bài học thuộc linh cho mình và đó cũng là những gương xấu mà chính chúng ta cũng mắc phải để chúng ta nhận biết mà ăn năn.
Có ba ý để chúng ta suy ngẫm đó là
- Phạm thượng đến Đấng Thần Linh thì không được tha tội
- Nhìn trái biết cây
- Lời nói vô ích sẽ bị phán xét.
“Trong tất cả những tội lỗi được Thánh Kinh đề cập đến, tội nói phạm đến Đức Thánh Linh là một tội đời đời vì không được tha trong đời này lẫn đời sau. Đây là tội kinh khủng nhất, một khi đã phạm là hư mất vĩnh viễn. Căn cứ vào bối cảnh lời phán của Đức Chúa Jesus thì tội nói phạm Đức Thánh Linh là tội gán ghép việc làm và quyền năng của Đức Chúa Jesus cho ma quỷ. Khi Đức Chúa Jesus làm phép lạ chữa lành cho một người mắc quỷ ám bị câm và đui thì những người Pha-ri-si nói rằng Chúa đã nhờ quyền năng của chúa quỷ để trừ quỷ. Trong bối cảnh đó, Đức Chúa Jesus phán những lời như sau:
“Ấy vậy, Ta phán với các ngươi, các tội lỗi và lời phạm thượng của người ta đều sẽ được tha; nhưng lời phạm thượng đến Đấng Thần Linh thì sẽ chẳng được tha đâu. Nếu ai nói phạm đến Con Người, thì sẽ được tha; nhưng nếu ai nói phạm đến Đức Thánh Linh, thì dù đời này hay đời sau cũng sẽ chẳng được tha..” (Ma-thi-ơ 12:31, 32).
“Thật sự, Ta nói với các ngươi, mọi tội lỗi sẽ tha cho con cái loài người, và hết thảy những lời phạm thượng họ sẽ nói ra cũng vậy; nhưng ai phạm thượng, nghịch lại Đức Thánh Linh thì chẳng hề được tha, đáng bị án phạt vĩnh cửu.” (Mác 3:28, 29)
Đức Chúa Jesus là Đấng trọn vẹn, phản ánh tất cả những sự đầy dẫy của Đức Chúa Trời trong thân xác của một con người, ai thấy Đức Chúa Jesus tức là đã thấy Đức Chúa Cha và kinh nghiệm được quyền năng cả thể của Đức Thánh Linh. Cho nên, gán ghép những việc làm của Chúa cho quỷ tức là gọi Đức Thánh Linh là quỷ một cách có ý thức. Xét theo ý nghĩa rõ ràng trong lời phán của Đức Chúa Jesus, chúng ta thấy tội nói phạm đến Đức Thánh Linh là “tội đến nỗi chết”. Tuy nhiên, những người Pha-ri-si phạm tội này là những người không tin nhận Đấng Christ. Một người đã tin nhận Đấng Christ thì không thể phạm tội này. Người tin nhận Đấng Christ có thể phạm tội chối Chúa, bội đạo nhưng không thể phạm tội gán ghép những việc làm của Chúa cho ma quỷ.” [Hết trích]
https://timhieutinlanh.com/toi-den-noi-chet/
Sự nhìn trái biết cây.
Như lời của Chúa Jesus phán về một người có những tâm tính xấu thì họ không thể nào thể hiện một đời sống tốt. Tâm tính có nghĩa là lương tâm và bản tính của người đó. Chúa Jesus muốn nói đến bản chất thật bên trong của một người. Cũng có những người có tâm tính xấu nhưng họ cố ra vẻ như là người tốt, lương thiện nhưng thực tế thì chỉ là vẻ bề ngoài, khi đụng chuyện xảy ra với họ như đụng đến quyền lợi của họ là họ sẽ bộc phát ngay con người thật bên trong của họ.
Cô rất ấn tượng và suy ngẫm nhiều về một ví dụ mà cô từng nghe trong một bài giảng của người chăn. Đó là một đóa hoa Quỳnh Hương cho dù chúng ta có vùi dập, chà nát thì nó vẫn tỏa ra hương thơm của nó, càng vùi dập thì nó càng thơm. Nhưng nếu là một loài hoa có mùi hôi thì chỉ cần lại gần, ngủi thôi cũng nghe mùi hôi khó chịu của nó. Vậy thì bản chất nó là hôi thì nó không thể nào tỏa ra hương thơm được.
Nhìn trái biết cây là chúng ta nhìn vào đời sống của một người chúng ta có thể đánh giá họ qua hành động, lời nói, cách ứng xử, tư tưởng, việc làm mà họ thể hiện ra bên ngoài. Một người luôn biết nghỉ cho người khác thì hành động và tư tưởng của họ thể hiện khác với một người ích kỷ chỉ biết yêu bản thân mình.
Ví dụ: Người biết nghĩ cho người khác thì luôn đặt quyền lợi của người khác lên trên quyền lợi của mình, cụ thể như việc thà người gác công việc mình lại giúp người khác xong rồi mới lo đến việc mình, khác với một người lúc nào cũng chăm lo cho mình, muốn mình được hơn rồi mới lo đến người khác.
Đức Chúa Jesus dùng ví dụ cây xấu thì không sinh được trái tốt rất sống động và thực tế. Từ đó chúng ta hiểu rằng, nếu bản chất con người bên trong là xấu thì những hành động lời nói, suy nghĩ của họ thì không có điều tốt, lương thiện. Đức Chúa Jesus khẳng định điều đó rằng: “Vì do sự đầy dẫy của lòng mà miệng nói ra. Người lành do lòng chứa sự lành mà phát ra điều lành; nhưng kẻ dữ do lòng chứa sự dữ mà phát ra điều dữ.”
Lời nói vô ích sẽ bị phán xét
Lời nói vô ích là gì? Là những lời không có ích lợi như nói tầm phào, đùa cợt, nói bông đùa xã giao cách thái quá. Lời nói dối, vu khống… Đều là những lời nói vô ích vì nó không gây dựng, ích lợi, có ân hậu cho người nghe đến.
Chúa Jesus cảnh báo rằng: “ Nhưng Ta bảo các ngươi rằng, mỗi lời nói vô ích nào nếu loài người sẽ nói thì họ sẽ khai trình về chúng trong ngày phán xét.”
Câu chuyện hôm nay tuy chúng ta học về phép lạ của Đức Chúa Jesus nhưng bên cạnh đó chúng ta được học thêm nhiều bài học khác từ lời phán của Chúa Jesus với những người Pha-ri-si. Một bài học quan trọng mà cô muốn gửi đến các con đó là: Nếu ngày nay chúng ta xưng mình là con dân Chúa, học biết Lời Chúa, hiểu biết Thánh Kinh mà đời sống chúng ta chỉ sinh ra những trái xấu thì chúng ta chính là những người Pha-ri-si thời nay. Chúng ta thấy một lời nói vô ích của chúng ta còn sẽ phải khai trình trước ngày phán xét thì huống hồ gì cả một đời sống không kết quả lành, quả ngọt thì chúng ta có phải khai trình không? Điều đáng buồn hơn là chúng ta biết Lời Chúa mà đời sống không kết quả tốt.
Nguyện rằng bài học hôm nay Chúa ghi khắc trong mỗi tấm lòng của chúng ta, bài học thuộc linh rất quan trọng cho đời sống của một người theo Chúa. Dù là ở độ tuổi nào, tin Chúa bao lâu thì một người con dân Chúa kết quả tốt đó là điều cần phải ghi nhớ mỗi ngày.
Để có thể kết quả tốt thì bản chất bên trong của người đó phải được đổi mới và dựng nên mới, có như vậy thì việc sinh bông trái mới là những trái mới. Ví dụ như người được dựng nên mới sẽ nói tiếng mới, có ích lợi, gây dựng có ân hậu và làm tôn vinh Thiên Chúa. Người dựng nên mới có đời sống mới là nếp sống thánh khiết, công chính và yêu thương.
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ
Các câu Thánh Kinh tham khảo:
(Ma-thi-ơ 12:22-37)
Câu hỏi gợi ý suy ngẫm:
* Thái độ của những người Pha-ri-si khi thấy Chúa Jesus chữa lành người bị quỷ ám là gì? Vì sao họ lại như vậy?
* Em suy nghĩ gì về lời phán của Chúa Jesus với những người Pha-ri-si đó.
* Em hiểu câu: “Ai không ở với Ta, thì nghịch lại Ta; ai không hiệp lại với Ta, thì tan ra.” Nghĩa là gì?
* Như thế nào là nói phạm thượng đến Đấng Thần Linh?
* Em hiểu nhìn trái biết cây là có nghĩa gì?
* Em hiểu câu này là gì? “Nhưng {Ta} bảo các ngươi rằng, mỗi lời nói vô ích nào nếu loài người sẽ nói thì họ sẽ khai trình về chúng trong ngày phán xét.”
Bài học áp dụng:
* Đời sống của em đã có bao giờ nghịch lại với tiêu chuẩn của Chúa chưa?
* Em đã có bao giờ nghi ngờ tình yêu của Chúa chưa?
* Em đã có bao giờ nói phạm đến Đấng Thần Linh chưa?
* Đời sống của em đang là trái tốt hay trái xấu?
* Em đã có từng nói những lời vô ích chưa? Nếu có em có nhận biết đó là lời vô ích không? Nếu nhận ra thì em đã ăn năn chưa?