Thiếu Niên Thảo Luận Tháng 4/2023

163 lượt xem

Hỏi: 

Trong Ma-thi-ơ 12:22, tại sao người mắc quỷ ám, đui và câm; nhưng Đức Chúa Jesus chữa cho người ấy nói được và nhìn thấy được, mà không nói gì về sự mắc quỷ ám?

Thiếu Niên Thảo Luận:

Hoàng Anh: Theo con hiểu: Người bị quỷ ám là người bị quỷ nhập vào thân thể, nó làm ra bệnh mù và câm, khi Chúa chữa lành chứng mù và câm thì đồng thời cùng lúc đó quỷ cũng đã ra khỏi thân thể người ấy. Mọi bệnh tật đều đến từ quyền lực của sự tối tăm, và bời chính sự pham tội của người đó. Vì người phạm tội nên không còn được tương giao với Chúa, ma quỷ thừa cơ để nhập vào người phạm tội, gây ra bệnh mù và câm. Nguồn gốc chứng mù và câm là do ma quỷ mang đến, nên có lẽ Chúa cùng lúc đuổi quỷ ra khỏi người bệnh và chữa lành chứng mù và câm cho người ấy.

Việt Thư: Dạ theo con là mỗi lời nói Chúa nói ra đều có tính gây dựng, mang lại bài học cho chúng ta. Có thể điều đó không gây ích lợi nên Chúa không nói ra ạ. Ngài chỉ muốn họ tập trung vào việc quyền năng chữa lành của Chúa đến từ Đức Chúa Trời, để họ biết kính sợ, vâng phục, tin Chúa.

Mỹ Đức: Dạ Chúa chữa cho người bị quỷ ám, đui và câm, đến nỗi người nói và thấy được. Ban đầu do bị quỷ ám nên người mới bị đui và câm, nên khi Chúa đuổi quỷ thì cũng đồng thời chữa được bệnh đui và câm của người ạ. Vì vậy con nghĩ không còn gì cần để nói ở đây nữa ạ.

Ban Chăm Sóc Thiếu Niên Hồi Đáp:

Có thể là người bị quỷ ám đó và những người xung quanh đã biết lý do nên Chúa không cần phải nói nữa.

Hỏi: 

Người anh trai của bạn bị chứng tâm thần, hay kêu la, không kiểm soát được lời nói và hành động của mình, bố mẹ bạn quyết định đưa đến bệnh viện khám chữa cho anh. Riêng bạn là người tin Chúa trong gia đình, và tin rằng, chứng tâm thần của anh bạn là do bị quỷ ám, vậy bạn có ý kiến gì với bố mẹ trong trường hợp này, và bạn cần phải làm gì để cứu giúp anh mình?

Thiếu Niên Thảo Luận:

Hoàng Anh: Trong trường hợp này, việc đầu tiên là con dâng trình người anh này lên ơn thương xót của Chúa trong lời cầu nguyện, xin Chúa ban cho anh ấy sớm tin nhận Chúa, để được Chúa chữa lành. Nhờ cậy ơn Chúa ban, cho con sẽ giải quyết theo sự hướng dẫn của Chúa. Con có thể nhân cơ hội đó để nói về sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus cho bố mẹ và những người trong gia đình biết, và nói về quyền năng chữa lành của Chúa trên mọi chứng bệnh về thuộc linh và thuộc thể của loài người. Nếu họ tin theo thì con sẽ cầu nguyện, dâng lời cảm tạ Chúa, nhân danh Chúa để đuổi quỷ ra khỏi anh ấy, và tiếp tục cầu thay cho anh ấy đứng vững đức tin vào Chúa.

Việt Thư: Dạ theo con là nếu được chúng ta có thể làm chứng cho bố mẹ biết chứng tâm thần là do bị quỷ ám, như đã được chép trong Thánh Kinh. Nếu như lúc ở nhà bạn bị bố mẹ bạn bắt bớ nhiều thì bạn chỉ nên cầu nguyện với Chúa xin Ngài ban phép lạ để chữa lành cho anh của mình, cầu nguyện cho anh mau khỏi bệnh khi đi thăm khám.

Mỹ Đức: Dạ con nghĩ rằng trước hết bạn nên cầu hỏi ý Chúa xem đó có thật là quỷ ám hay không, vì con nghĩ bệnh về tâm thần không phải lúc nào cũng là quỷ ám và có những người sinh ra đã bị như vậy. Con nghĩ trước hết bạn nên để ba mẹ chữa thử cho anh trai bạn trên bệnh viện, nếu không được thì lúc đó con nghĩ bạn có thể nhân danh Chúa đuổi quỷ cho anh trai ạ.

Ban Chăm Sóc Thiếu Niên Hồi Đáp:

Như cô đã từng hướng dẫn các con, chúng ta cần phải xác định được đối tượng bị quỷ nhập là vì lý do gì, rồi mới có thể quyết định việc có đuổi quỷ hay không. Trong bài giảng của người chăn, mà cô đã gửi cho các con đọc: https://timhieuthanhkinh.com/hoi-dap-su-duoi-quy/, có ghi rất rõ các đối tượng bị quỷ nhập. Trong trường hợp này, nếu người anh trai thuộc đối tượng 1, tự cho phép quỷ nhập, hoặc từ nhỏ bị bán cho ma quỷ; thì cần nói về Chúa cho người anh trai, khuyên anh khước từ ma quỷ và chịu tin nhận Chúa. Nếu thuộc đối tượng 2, bị ma quỷ ngang nhiên xâm nhập thì có thể nhân danh Chúa đuổi quỷ cho họ, sau đó thì khuyên họ ăn năn tội chịu tin nhận Chúa, nếu không, ma quỷ sẽ quay trở lại tiếp tục làm hại họ.

Trong trường hợp này, nên phân định rõ anh trai thuộc đối tượng nào và tiến hành sớm đuổi quỷ trước khi ba mẹ đưa anh đi bệnh viện. Vì chúng ta biết rằng việc dùng thuốc chữa trị cho người bị quỷ nhập là không có tác dụng.

Hỏi:

Bạn A có một lần không hài lòng về việc một con dân Chúa trong Hội Thánh được Chúa chọn làm trưởng lão vì bạn cảm thấy không có cảm tình với người này. Nếu bạn là bạn của A bạn sẽ phản ứng và giải thích như thế nào cho bạn A biết là việc làm của bạn là sai?

Thiếu Niên Thảo Luận:

Hoàng Anh: Nếu là bạn của A, con sẽ giải thích cho A biết rằng việc một con dân Chúa được chọn  làm trưởng lão là do chính Chúa sắp đặt qua sự lựa chọn của Hội Thánh, và việc bạn A không có cảm tình với người con dân Chúa kia là sai, vì Chúa đã dạy cho chúng ta rằng: “Chớ có lòng ghét anh em mình; hãy quở trách người lân cận của mình, đừng vì người mà phạm tội!” (Lê-vi Ký 17:19).  A nên xét lại mình xem, vì lý do gì khiến A không có cảm tình với người ấy. nếu không có lý do chính đáng thì A cần phải ăn năn tội với Chúa và xin lỗi người ấy.

Việt Thư: Dạ nếu con là bạn của A, con sẽ mau chóng nói cho bạn biết việc làm của bạn là sai và kêu gọi bạn ăn năn. Người được Chúa chọn để làm trưởng lão là nằm trong thánh ý của Chúa, theo chương trình tốt đẹp Ngài đã sắp đặt sẵn để họ dẫn dắt thuộc linh cho con dân Ngài. Nếu chúng ta cảm thấy ghen tị hay không vừa lòng là chúng ta đã phạm tội kiêu ngạo, chống lại ý Chúa.

Mỹ Đức: Dạ con sẽ giải thích cho A hiểu rằng anh chị em trong Chúa thì không được giận ghét, tị nạnh với nhau mà phải yêu thương nhau như Chúa đã yêu chúng ta. Con nhắc nhở bạn cần thay đổi thái độ với người con dân Chúa ấy, nếu có khúc mắc, hiểu lầm gì thì cần giải quyết nhẹ nhàng giữa hai người ngay. Con cũng sẽ nói cho A hiểu rằng không được chống đối, nói nghịch lại người được Thiên Chúa đặt để để dẫn dắt mình ạ.

Ban Chăm Sóc Thiếu Niên Hồi Đáp:

Chúng ta nên giải thích với bạn A, là con dân Chúa, mọi việc chúng ta dựa trên Lời Chúa để nhận định. Nếu như không hài lòng về việc một người nào đó được chọn làm trưởng lão, thì cần đưa ra lý do hợp lý. Ví dụ như người đó còn sống trong tội, còn có những lời nói, việc làm không làm gương, hoặc nếp sống không làm sáng danh Chúa giữa vòng con dân Chúa và người ngoại… Sau khi xét thấy việc làm của người đó chưa đúng với Lời Chúa mà chưa ăn năn, thì nên nói lên suy nghĩ của mình với các trưởng lão khác, và người chăn để được dạy dỗ thêm.

Chúng ta không thể vì người đó làm việc gì không hợp ý mình, không đúng ý mình, mình không thích rồi sinh ra sự không hài lòng. Vì các quyền đều bởi Thiên Chúa mà đến:

“Mọi linh hồn phải vâng phục các quyền cao hơn mình; vì chẳng có quyền nào mà chẳng đến bởi Thiên Chúa, các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ định.” (Rô-ma 13:1).

Hỏi:

Có người cho rằng Chúa ban ngày Sa-bát là không yêu thương con dân của Ngài vì việc có thêm một ngày đi làm sẽ giúp con dân Chúa tăng thêm thu nhập, giúp cho cuộc sống được tiện nghi hơn. Theo bạn quan điểm đó đúng hay sai ạ? Vì sao?

Thiếu Niên Thảo Luận:

Hoàng Anh:  Trước hết, mỗi con dân Chúa phải biết giữ ngày sa-bát thứ bảy là Điều Răn của Đức Chúa Trời phán truyền, làm ích lợi cho chúng ta cả về thuộc linh lẫn thuộc thể. Người nào cho rằng, Chúa ban ngày sa-bát là không yêu thương con dân của Ngài vì việc có thêm một ngày làm việc để giúp đời sống tốt hơn, thì phải ăn năn tội vì không tin Lời Chúa phán truyền.

Việt Thư: Dạ theo con mục đích của ngày Sa-bát là để chúng ta nghỉ ngơi khỏi công việc xác thịt. Chúng ta đã lao động gần suốt một tuần qua, sức người có giới hạn nên cần có 1 ngày nghỉ ngơi. Với con dân Chúa, Chúa là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống nên chúng ta phải có một ngày riêng để dành cho Ngài, để thờ phượng Chúa, được Chúa ban phước trong ngày Sa-bát tạm gác công việc kiếm sống.

Mỹ Đức:  Dạ theo con quan điểm đó là sai, nhất là khi cho rằng Chúa không yêu thương con dân Ngài khi đưa ra Điều Răn ấy. Vì ngày Sa-bát Chúa tạo ra để con dân Ngài được nghỉ ngơi, thờ phượng Chúa, hồi phục sức khỏe và vui thỏa với cuộc sống trong Chúa trên thế gian. Nếu suốt ngày lao động không ngừng thì sẽ dễ sinh bệnh và chết sớm, hơn nữa Chúa là Đấng săn sóc con dân Ngài trên mọi sự. Việc ngày thứ 7 không đi làm sẽ không khiến con dân Ngài phải chết đói ạ.

Ban Chăm Sóc Thiếu Niên Hồi Đáp:

Nếu người có quan điểm đó là người không tin Chúa hoặc mới tin Chúa chưa có sự hiểu biết thì chúng ta nên giải thích cho họ hiểu, lý do vì sao mà Chúa lại ban cho chúng ta có ngày Sa-bát, và Chúa lại muốn chúng ta nghỉ ngơi trong ngày Sa-bát đó. Về thuộc thể, làm việc sáu ngày nên có một ngày để nghỉ ngơi, qua đó loài người được phục hồi lại sức khỏe để tiếp tục làm việc. Về thuộc linh, Chúa muốn dành ra một ngày để loài người có sự tương giao với Chúa qua việc cầu nguyện và đọc Lời Chúa. Như vậy, việc nghỉ ngày Sa-bát vừa mang lại ích lợi về thuộc linh và cả thuộc thể. Chúa vì yêu thương loài người mà lập nên ngày Sa-bát.

Về việc đi làm kiếm sống thêm thu nhập thì Lời Chúa đã nói rất rõ:

“Nhưng trước hết, các ngươi hãy tìm kiếm Vương Quốc của Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài, thì mọi điều ấy sẽ được thêm cho các ngươi.” (Ma-thi-ơ 6:33).

Chúng ta học Xuất Ê-díp-tô Ký 16:16-30 thì biết rằng, ngày thứ sáu Chúa ban cho dân sự số lượng ma-na gấp đôi, đủ để họ dùng trong ngày thứ bảy mà không cần phải đi lượm.

Thực tế, qua đời sống của con dân chân thật của Chúa đã chứng minh, họ vẫn nghỉ ngày Sa-bát mà Chúa vẫn ban cho họ được đầy đủ mọi vật thực cần dùng.

Còn nếu trường hợp người đưa lời nhận định như vậy là người đã biết đến Chúa, được học biết Lời của Chúa, nhất là về Mười Điều Răn mà nói như vậy thì họ không kính sợ Chúa.

Hỏi:

Việc một người ngoại chửi con dân Chúa là khùng điên hay là ngu dốt thì đó có phải là tội nói phạm đến Đấng Thần Linh không? Và nếu về sau người đó ăn năn thì có được tha tội không?

Thiếu Niên Thảo Luận:

Hoàng Anh: Người ngoại chửi con dân Chúa là khùng điên hay ngu dốt là câu nói rất bình thường của họ, vì họ không biết Chúa, nên họ không biết đó là tội. Nếu sau này người ấy được nghe, hiểu về Tin Lành của Chúa mà thật lòng ăn năn, tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, thì người ấy được Chúa tha cho tất cả mọi tội họ đã phạm từ trước.

Việt Thư: Dạ theo con đó là không phải là tội nói phạm đến Đấng Thần Linh. Đó là tội chỉ khi người ngoại ấy gán ghép việc những việc làm của Chúa là đến từ ma quỷ. Tuy nhiên họ phạm tội qua môi miệng xúc phạm người khác. Dạ theo con do họ không biết việc mình làm là sai nên nếu họ ăn năn thì Chúa vẫn tha tội cho họ ạ.

Mỹ Đức: Dạ là không, vì tội nói phạm đến Đấng Thần Linh là tội không bao giờ được tha thứ, và người ta phạm tội ấy khi gán ghép việc lành, phép lạ từ tay Đức Chúa Jesus cho Ma Quỷ. Trường hợp người ngoại nói con dân Chúa là điên, ngu mà không ý thức được lời mình đang nói thì đó là phạm thượng. Nếu về sau họ hiểu ra và ăn năn, tin nhận Chúa thì tội lỗi họ sẽ được tha ạ.

Ban Chăm Sóc Thiếu Niên Hồi Đáp:

Không phải là tội nói phạm đến Đấng Thần Linh, vì họ không gán ghép việc Đức Thánh Linh qua con dân Chúa làm ra là đến từ ma quỷ. Họ cũng không biết đến quyền năng của Chúa Thánh Linh có thể làm ra các phép lạ. Tội nói phạm đến Đấng Thần Linh là người biết đến Chúa, biết quyền năng của Chúa, nhận biết những phép lạ dấu kỳ là bởi quyền năng Chúa, nhưng lại lên tiếng phủ nhận và gán ghép việc làm đó là bởi ma quỷ mà đến.

Hỏi:

Mỗi lần đọc Thánh Kinh, A thường có suy nghĩ muốn đọc lướt qua các phần luật lệ ngày xưa trong sách Ngũ Kinh như Phục Truyền Luật Lệ Ký, Lê-vi Ký,… hay các gia phả được đề cập trong Thánh Kinh vì cho rằng nó dài và không cần thiết. Nhưng A vẫn đọc vì sợ bị cha mẹ la. Thế thì A có phạm tội hay không? Vì sao? 

Thiếu Niên Thảo Luận:

Hoàng Anh: Trước hết, mỗi con dân Chúa phải biết rằng: “Cả Thánh Kinh do Thiên Chúa hà hơi, có ích cho sự giảng dạy, cho sự quở trách, cho sự sửa trị, cho sự giáo dục trong sự công chính.”  (II Ti-mô-thê 3:16). Thánh Kinh là Lời Hằng Sống của Thiên Chúa, những ai chỉ muốn đọc lướt qua các phần luật lệ ngày xưa trong Ngũ Kinh của Môi-se, như Phục truyền luật lệ ký, Lê vi ký… thì phải nhanh chóng nhận biết đó là tội mình đã phạm mà ăn năn. A đã phạm hai tôi: Một là xem thường Lời Hằng Sống của Thiên Chúa, hai là tội giả hình. A cần phải học Giô-suê 1:8 trước khi bắt đầu đọc lại Thánh Kinh.

Việt Thư: Dạ theo con là vì bạn đọc Thánh Kinh chỉ để làm vừa lòng cha mẹ chứ không phải bạn đọc vì sự ham thích Lời Chúa, muốn nuôi dưỡng thuộc linh nên bạn đã phạm tội không yêu kính Chúa. Tuỳ theo bối cảnh khi xưa mà Chúa sẽ đặt ra các luật lệ khác nhau để cai quản hay trừng phạt dân sự. Nếu như chúng ta để lòng đọc thì chúng vẫn cho ta rất nhiều bài học để biết rằng ở thời nay Chúa đã nhân từ, nhẫn nại với chúng ta như thế nào khi có các luật không còn hà khắc như xưa ạ.

Mỹ Đức: Dạ con nghĩ trường hợp này A có phạm tội trong suy nghĩ. Khi bạn cho rằng những phần đó không cần thiết, tức là bạn đang xem thường Lời của Chúa, giả sử nếu không sợ cha mẹ thì bạn hẳn sẽ đọc lướt qua luôn, nhất là khi bạn biết cha mẹ sẽ la nếu bạn không đọc, chứng tỏ bạn biết nó là sai nhưng vẫn muốn phạm. Chúa đã tôn cao Lời Chúa hơn danh của Chúa, vì vậy A cần tôn kính mọi điều trong Thánh Kinh cũng giống như bạn tôn kính danh Chúa vậy.

Ban Chăm Sóc Thiếu Niên Hồi Đáp:

Có thể do A đã thiếu sự hiểu biết hoặc do A chưa có tấm lòng kính sợ Chúa và yêu mến Lời Chúa. A nên nói ra suy nghĩ của mình với bố mẹ, để được bố mẹ hướng dẫn. Chúng ta nên đọc Lời Chúa với lòng kính sợ Chúa, biết ơn Chúa đã ban Lời Chúa cho mình. Khi ấy những điều khó hiểu trong Thánh Kinh sẽ được Chúa dạy dỗ cho chúng ta.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Thu Thủy

Để lại một bình luận