Dân Sự Dấy Loạn và Bị Đánh
Nguyễn Thị Thu Thủy
Câu Hỏi Gợi Ý:
1. Tại sao dân I-sơ-ra-ên than trách Môi-se và A-rôn? Sự than trách ấy thể hiện điều gì?
2. Dân sự đã dấy loạn cùng Chúa và những tôi tớ Chúa như thế nào?
3. Chúa định sửa phạt dân sự như thế nào?
4. Tại sao Môi-se cầu xin Chúa tha cho dân sự?
5. Chúa quyết định sửa phạt sự dấy loạn của dân sự như thế nào?
6. Sau sự dấy loạn ấy, dân sự có thái độ như thế nào?
Gợi Ý Áp Dụng:
1. Hành động như thế nào là tỏ ra sự phản kháng, bất mãn, làm loạn, chống đối với điều Chúa dạy dỗ và những bậc cầm quyền trên mình? Em có bao giờ phạm phải không?
2. Tại sao một người lại có sự phản kháng, làm loạn và chống đối Lời Chúa và những bậc cầm quyền trên mình?
3. Theo em, hành động đó là đúng hay sai, có nghiêm trọng không?
4. Em rút ra bài học gì cho mình, sau khi học về gương xấu của dân I-sơ-ra-ên?
Chia Sẻ:
Các bạn thiếu niên thân mến,
Trong buổi học trước về Dân Số Ký chương 13, chúng ta đã học biết, sau khi đi do thám xứ về, có nhiều người đã theo con mắt xác thịt mà nhận định họ không thể vào xứ mà Chúa đã hứa ban cho họ. Điều đó đã làm ảnh hưởng tới dân sự, họ la lên, khóc lóc trong đêm. Đến nỗi:
“Hết thảy dân I-sơ-ra-ên than trách cùng Môi-se và A-rôn; cả hội chúng nói với hai người rằng: Ước gì chúng tôi đã chết trong xứ Ê-díp-tô, hay là đã chết trong đồng vắng này!” (Dân Số Ký 14:2).
Lời than trách đó của họ thể hiện rằng họ không có đức tin vào lời Chúa phán hứa đã dành ban xứ Ca-na-an cho họ, cũng không tin vào quyền năng của Chúa qua những phép lạ Chúa làm ra bấy nhiêu lâu nay. Họ thậm chí đã phạm thượng với Chúa khi cho rằng thà mình chết trong xứ Ê-díp-tô, hay chết trong đồng vắng còn hơn là đi vào xứ Ca-na-an để bị dân đó đánh chết. Họ đã vu khống khi gán cho Chúa tội giết người, khi họ khẳng định rằng Chúa dẫn họ vào để bị giết bởi gươm, vợ và con họ sẽ làm một miếng mồi. Họ đã gán cho Chúa tội nói dối khi khẳng định rằng trở về xứ Ê-díp-tô là tốt hơn. Họ đã bội nghịch Chúa khi muốn lập lên một quan trưởng để trở về xứ Ê-díp-tô. Thật sự qua đây chúng ta thấy họ không có lòng yêu kính Chúa. Họ chỉ làm theo điều Chúa bảo nếu điều đó mang lại lợi ích cho họ, nhưng khi con mắt xác thịt nhìn thấy khó khăn thì họ sẵn sàng mở lời ra than trách, đòi quay trở về tìm nơi ở thỏa mãn ý muốn họ. Họ không ghi nhớ việc Chúa giải cứu họ khỏi ách nô lệ thế nào. Họ cũng không nhớ rằng Chúa gọi họ ra khỏi xứ Ê-díp-tô để hầu việc Chúa. Vì thế, khi nhìn thấy khó khăn về thuộc thể xảy đến thì họ dấy loạn, muốn lập lên một quan trưởng để dẫn họ trở về lại xứ nô lệ.
Qua bài học về gương xấu của dân I-sơ-ra-ên, là cơ hội để mỗi chúng ta tra xét lại trên đời sống mình.
Về phương diện thuộc linh, có khi nào trong đời sống, vì vâng giữ theo điều răn luật pháp Chúa, mà có sự khó khăn, thử thách xảy đến trên đời sống mình; mà mình lại than trách Chúa, rồi muốn bỏ điều răn Chúa mà trở về với cuộc sống nô lệ cho tội lỗi xưa cũ không?
Về phương diện thuộc thể, có khi nào trong đời sống, vì vâng theo tiếng gọi của Chúa trong việc chuyển nơi ở, chuyển công việc, chuyển nơi học, mà gặp sự khó khăn, thử thách xảy đến; mình lại than trách Chúa, muốn trở về nơi chốn cũ để được thoải mái trong tiện nghi của xác thịt không?
Lời Chúa dạy chúng ta:
“Hãy đem xa khỏi các anh chị em những sự: cay đắng, giận, thịnh nộ, than van, phạm thượng, cùng mọi điều độc ác.” (Ê-phê-sô 4:31).
Vì vậy, sự than van là một thói xấu mà con dân Chúa cần chừa bỏ, cần đem xa ra khỏi đời sống mình. Bởi tính xấu đó không đem lại lợi ích gì về cả thuộc thể lẫn thuộc linh cho chính mình và cả những người xung quanh.
Lời Chúa dạy: “Các anh chị em cũng đừng lầm bầm như mấy người trong họ đã lầm bầm, và đã bị diệt bởi sự hủy diệt.” (I Cô-rinh-tô 10:10).
Đứng trước sự dấy loạn của dân sự, Môi-se và A-rôn đã sấp mình xuống trước mặt cả dân sự, Giô-suê và Ca-lép là hai trong mười hai người đi do thám xứ đã xé áo quần mình. Họ làm như vậy là bởi vì họ nhận biết dân sự đã phạm tội nghiêm trọng trước mặt Chúa, họ sợ hãi thay cho dân sự. Giô-suê và Ca-lép khuyên can dân sự đừng dấy loạn, đừng sợ dân xứ đó, vì Chúa ở cùng chúng ta, Chúa ban xứ đó cho chúng ta, xứ đó là xứ đượm sữa và mật. Thế nhưng trước lời nói đó của hai người, dân sự chẳng suy nghĩ lại, họ còn ném đá hai người họ.
Nhưng sự vinh quang của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu hiện ra trên hội mạc, trước mặt dân sự. Chúa phán với Môi-se về sự bội nghịch của dân sự, và Ngài sẽ giáng cho dân sự dịch lệ và tiêu diệt phần cơ nghiệp của họ, nhưng Chúa sẽ làm cho Môi-se thành một dân lớn mạnh hơn họ.
Trước ý định sửa phạt của Chúa dành cho dân sự, Môi-se đã cầu xin Chúa đừng giết hết dân này, xin Chúa chậm giận tha thứ sự gian ác cho họ.
Chúng ta đã quen với hình ảnh bội nghịch, lằm bằm, than van của dân I-sơ-ra-ên; và cũng quen với hình ảnh Môi-se cầu xin Chúa tha thứ cho họ. Dầu rằng rất nhiều lần họ than trách ông, nói nghịch lại ông; nhưng khi Chúa sửa phạt họ thì ông lại cầu xin Chúa thay cho họ. Chúng ta thấy ông có tấm lòng thương xót họ, như một người cha nhân từ cầu xin thay cho đàn con ngây dại cứ hết lần này đến lần khác phạm sai lầm, không ngoan ngoãn. Chính Chúa cũng đặt để và ban cho Môi-se một tấm lòng như vậy, vì Chúa biết đó là điều cần có của một người lãnh đạo khi chịu trách nhiệm dẫn dắt một dân cứng cổ như dân I-sơ-ra-ên. Qua việc Môi-se cầu xin thay cho dân sự, chúng ta rút ra bài học rằng, khi anh chị em cùng Cha phạm lỗi, phạm tội thì mình phải có tấm lòng tha thiết cầu nguyện với Chúa cho họ. Dẫu rằng, tội của họ nặng đến đâu, thì hãy cứ bởi tấm lòng mà cầu xin Chúa thương xót họ, chậm giận, ban cho họ có cơ hội nhận ra lỗi lầm, kịp thời được sửa sai trước khi quá muộn. Qua việc Giô-suê và Ca-lép khuyên can dân sự, chúng ta cũng rút ra bài học, khi nhận biết anh chị em cùng Cha phạm tội với Chúa thì phải hết lòng khuyên nhủ họ, dẫu việc đó có khó khăn, hay nguy hại đến mình. Qua Môi-se, Giô-suê và Ca-lép chúng ta học được thái độ, cách ứng xử đúng theo Lời Chúa khi anh chị em phạm tội.
Lời Chúa dạy:
“Vậy, các ngươi hãy có lòng thương xót như Cha của các ngươi cũng có lòng thương xót.” (Lu-ca 6:36).
“Vậy các anh chị em là những người được chọn của Đức Chúa Trời, là những người thánh và rất yêu dấu của Ngài, hãy có lòng thương xót! Hãy mặc lấy sự từ ái, khiêm nhường, nhu mì, nhẫn nại!” (Cô-lô-se 3:12).
Chúa nhận lời Môi-se tha cho dân sự, nhưng Ngài hình phạt hết thảy họ từ 20 tuổi trở lên là những người đã than trách Chúa sẽ không được vào trong xứ mà Chúa đã thề ban cho họ, họ sẽ ngã chết trong đồng vắng. Chỉ trừ ra Giô-suê và Ca-lép và những trẻ con dưới 20 tuổi mà họ cho rằng nó sẽ bị làm miếng mồi thì được vào xứ mà chính miệng họ đã chê bai. Nhưng họ phải chịu lang thang trong đồng vắng 40 năm, một năm đền một ngày cho 40 ngày họ đi do thám xứ. Còn riêng 10 người đi do thám xứ về phao phản xứ, khiến cho cả hội chúng than trách Môi-se thì đều bị một tai vạ hành chết trước mặt Chúa.
Chúng ta thấy tuy là hình phạt nhưng vẫn thể hiện bản tính của Ngài, đó là yêu thương, công chính và thánh khiết. Chúa thánh khiết nên Ngài không chấp nhận sự phạm tội. Chúa là công chính nên Ngài hình phạt những kẻ đã đủ trưởng thành, có sự hiểu biết mà vẫn chọn phạm tội. Chúa là tình yêu nên Ngài thương xót, không hình phạt những người còn chưa có đủ sự trưởng thành, chưa đủ sự hiểu biết.
Ngày nay, là thiếu niên dưới 20 tuổi, các em còn chưa đủ tuổi trưởng thành theo Thánh Kinh, và còn có những điều chưa hiểu biết. Nhưng không phải vì vậy mà chúng ta lấy đó làm lý do chính đáng để phạm lỗi, phạm tội. Mà chúng ta cần có tấm lòng biết ơn Chúa vì sự nhân từ, thương xót, yêu thương của Chúa mà tập rèn mình trong nếp sống tin kính Chúa.
Môi-se thuật lại những điều Chúa phán với ông về hình phạt mà Chúa đã quyết định cho sự phạm tội của dân sự, thì có sự thảm sầu rất lớn trong dân sự. Thế nhưng, dân sự lại dậy sớm đi lên đỉnh núi mà nói rằng họ sẽ đi lên tới chỗ mà Chúa đã phán hứa, vì họ phạm tội. Môi-se ngăn cản họ và cho họ biết họ đã trái lệnh Chúa, sẽ chẳng được thịnh vượng đâu, nếu đi lên sẽ bị quân nghịch đánh bại, vì Chúa không còn ở giữa họ nữa rồi. Môi-se cảnh báo họ sẽ bị gươm của dân A-ma-léc và Ca-na-an giết. Thế nhưng họ vẫn cố ý đi lên đỉnh núi, họ vẫn cố chấp không nghe lời ngăn cản của Môi-se. Cuối cùng thì họ bị dân A-ma-léc và dân Ca-na-an đổ xuống đánh bại và phân thây dân sự.
Chúng ta thấy đây là sự tiêu biểu cho việc phạm tội mà lại không ăn năn thì sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề như thế nào. Sau khi nghe lời Môi-se truyền lại về hình phạt cho sự bội nghịch của họ thì họ thảm sầu, nhưng lại không hề tỏ ra ăn năn hối cải về sự bội nghịch của mình. Họ chỉ buồn vì Chúa sẽ không ban phước cho họ nữa, mà sẽ hình phạt họ. Nhưng họ không hề nhận biết việc làm của mình là sai và cần phải sửa. Họ vẫn cố chấp và thích làm theo ý riêng của mình. Vẫn không nghe lời khuyên can của Môi-se. Và cuối cùng thì họ bị giết chết bởi sự cố chấp của họ.
Qua đây chúng ta cũng rút ra bài học rằng, người không thật lòng ăn năn, hối tiếc về tội lỗi mình đã phạm thì họ sẽ lại bày tỏ ra sự phạm tội của mình. Bởi vì một người thật lòng ăn năn thì họ đau buồn hối tiếc về sự phạm tội của mình, họ sợ tội và hết lòng cẩn trọng để không lặp lại sự phạm tội đó.
Qua bài học hôm nay, chúng ta thấy rằng, hậu quả của sự phạm tội chống nghịch lại Chúa rất nghiêm trọng. Sự chống nghịch lại Chúa thường bày tỏ qua việc than trách, nói nghịch lại người mà Chúa đặt để trong sự chăn dắt thuộc linh mình, làm ngược lại với điều Chúa phán dạy. Đặc biệt nghiêm trọng với những người từng biết đến Chúa, từng ăn năn tội, từng kinh nghiệm những ơn phước, những phép lạ, tình yêu của Chúa; nhưng lại chọn quay trở về sống trong tội thì đó là sự bội nghịch rất lớn.
Lời Chúa chép rằng:
“Vì nếu chúng ta cố ý phạm tội, sau khi đã nhận lãnh tri thức về lẽ thật, thì không còn được chừa lại cho chúng ta sinh tế chuộc những tội lỗi. Nhưng chỉ có một sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa hừng sẽ thiêu nuốt những kẻ bội nghịch. Ai đã chối bỏ luật pháp của Môi-se, thì chết không có sự thương xót, bởi hai hay ba chứng nhân.” (Hê-bơ-rơ 10:26-28).
Nguyện rằng qua bài học về sự dấy loạn của dân I-sơ-ra-ên hôm nay giúp cho chúng ta nhận biết và ý thức về hậu quả kinh khiếp của tội lỗi chống nghịch Chúa, để chúng ta không lâm vấp phải những tội lỗi mà dân sự đã từng phạm. Nguyện xin Chúa ban cho các bạn thiếu niên ai nấy có tấm lòng kính sợ Chúa, hết lòng vâng phục Chúa và những người Chúa đặt để trong việc chăm sóc thuộc linh cho mình.