Hỏi:
Trong một lần nọ A có thốt ra những lời không đàng hoàng mà con dân Chúa không nên nói. Một người lớn trong Hội Thánh tình cờ thấy vậy thì nhắc nhở bạn. A nói mình sẽ không tái phạm nhưng ở sau lưng, khi đi học trên trường thì bạn nói những lời không hay rất nhiều vì cho rằng sẽ không ai biết cũng không ai làm phiền bạn được nữa. Hành động trên của A có phải là chống đối sự dạy dỗ của Chúa và những bậc cầm quyền trên mình trong Hội Thánh hay không? Nếu về sau A ăn năn thì bạn cần làm những điều gì?
Thiếu Niên Thảo Luận:
Mỹ Đức: Dạ là phải ạ, bạn đã mặc kệ lời người lớn đó chỉ dẫn và còn làm trái lại ở nơi không ai có thể chỉ tội bạn. Nếu A ăn năn thì điều đầu tiên bạn cần làm là xưng tội với Chúa, xin Chúa tha thứ tội lỗi. Sau đó bạn cần xin lỗi người lớn đó vì đã có hành động thể hiện sự không tôn trọng, chống nghịch lại sự dạy dỗ của người đó trong Hội Thánh ạ. Cuối cùng là bạn thay đổi và từ bỏ việc nói những lời đó, thay vào đó là học cách im lặng đúng lúc và nói những lời dịu dàng, có ích cho sự gây dựng ạ.
Hoàng Anh: Hành động của A trong tình huống này có thể được xem là chống đối sự dạy dỗ của Chúa và những bậc cầm quyền trong Hội Thánh. A đã không tuân thủ lời nhắc nhở của người lớn trong Hội Thánh và tiếp tục nói những lời không đúng mực khi không có ai chứng kiến.
Nếu A cảm thấy hối hận về hành động của mình sau này, có một số điều mà A có thể làm:
– A nên thú nhận trách nhiệm và xin lỗi vì đã nói những lời không đúng mực và chống đối sự dạy dỗ của Chúa và các bậc cầm quyền trong Hội Thánh. Việc thể hiện sự chân thành và hối hận là một bước quan trọng trong việc khắc phục hành động sai lầm.
– A nên xin tha thứ từ Chúa, từ những người trong Hội Thánh và từ những người mà A đã ảnh hưởng bởi những lời nói không hay của mình. Xin tha thứ là một hành động quan trọng để tái thiết quan hệ và hòa giải với mọi người.
Việt Thư: Dạ theo con hành động của A đã vi phạm những sự dạy dỗ của Chúa và cả Hội Thánh. Một tội lỗi bạn có thể nghĩ nó nhỏ nhưng nó làm cho bạn bị trật mất đi phần ân điển của Chúa. Nếu về sau bạn ăn năn thì bạn nên thường xuyên cầu nguyện với Chúa, có sự kính sợ Ngài xin Ngài ban năng lực cho mình để mình không còn nói lời lẽ như thế. Ngoài ra bạn cũng luôn giữ mối tương giao với Chúa để trước khi bạn nói điều gì đó sẽ luôn có Lời Chúa để nhắc nhở, gìn giữ tấm lòng bạn ạ.
Ban Chăm Sóc Thiếu Niên Hồi Đáp:
Bạn A như vậy là phạm tội nói dối vì khi được chỉ ra những điều con dân Chúa không nên làm, hứa sẽ không làm, nhưng thực tế thì lại vẫn làm. Đồng thời cũng phạm tội giả hình, vì chỉ tránh làm trước mặt người khác để không bị nhắc nhở, nhưng thực chất thì vẫn làm. Như vậy là không vâng lời Chúa, không vâng lời cô chú trong Hội Thánh.
Nếu về sau A ăn năn thì cần phải xưng ra tội lỗi nói dối và tội giả hình để xin Chúa tha thứ, rồi gửi lời xin lỗi cô chú đã nhắc nhở mình.
Hỏi:
Có thử thách, nghịch cảnh nào từng xảy ra làm các bạn nản lòng và quyết định bỏ cuộc hay không? Các bạn nghĩ nên làm gì để vực dậy sau những lần trót bỏ cuộc như thế?
Thiếu Niên Thảo Luận:
Mỹ Đức: Dạ con đã từng có mấy lần vấp ngã trước thử thách, khó khăn. Con đã muốn bỏ cuộc, nhưng dần dần sự cáo trách của Chúa lại khiến con không thấy bình yên, thay vào đó là cảm giác tội lỗi, lo lắng. Cuối cùng con đã ăn năn trở lại với Chúa ạ. Do đó con nghĩ rằng sau những lần đã trót bỏ cuộc rồi thì mọi thứ còn lại sẽ tùy thuộc vào ơn thương xót và sự cáo trách cuối cùng của Chúa. Một khi đã lựa chọn như thế rồi thì con nghĩ sẽ không còn ai khác có thể khiến chúng ta quay trở lại ngoài Chúa, qua những sự cáo trách hay trừng phạt của Ngài. Thế thì ngay từ ban đầu chúng ta nên tỉnh thức, luôn nhớ lại Lời Chúa, cảnh giác trước mọi cám dỗ và thường xuyên tương giao với Chúa để không sa ngã vì yếu lòng ạ.
Hoàng Anh: Khi có thử thách, nghịch cảnh xảy ra, làm cho con nản lòng, vì con nghĩ rằng Hội Thánh quá khắt khe, nhưng con chưa từng có quyết định bỏ cuộc. Con nghĩ rằng, nếu một người nản lòng và quyết định bỏ cuộc là người không không kiên nhẫn, cần phải xét lại bản thân, ăn năn tội với Chúa, cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn để từ bỏ, và được mạnh mẽ đứng lên.
Việt Thư: Dạ đối với con đó là sự ngăn trở từ gia đình người thân trên bước đường con theo Chúa. Với con mỗi lần như vậy con sẽ tương giao với Chúa, đọc Lời Chúa, nghe thánh ca để Lời Ngài an ủi con, cũng như con chia sẻ với Hội Thánh biết tình trạng của mình để mình được vững vàng hơn, không bị lui đi trong đức tin ạ.
Ban Chăm Sóc Thiếu Niên Hồi Đáp:
Cô nghĩ rằng trên bước đường theo Chúa, khi gặp nghịch cảnh khó tránh khỏi có cám dỗ khiến mình suy nghĩ mệt mỏi, nản lòng và có ý định bỏ cuộc. Nhưng nếu thật có tấm lòng với Chúa thì dầu có cám dỗ, nhưng sẽ bởi thần trí được nhắc nhở, được Chúa gìn giữ vượt qua cám dỗ, thử thách. Chỉ e là lòng mình thay đổi thì khi gặp nghịch cảnh sẽ dễ dàng buông xuôi.
Cô cũng từng có sự nản lòng và có cám dỗ từ bỏ, bỏ cuộc. Trong lúc đó, chỉ có sự kêu cầu với Chúa, được Chúa an ủi, nhắc các câu Thánh Kinh, được Hội Thánh cầu thay, giúp đỡ mới giúp mình vượt qua. Để nâng đỡ đức tin cho mình thì chỉ có cầu nguyện và đọc Lời Chúa.
“Này là sự an ủi của tôi trong cơn hoạn nạn của tôi: Ấy là Lời của Ngài làm cho tôi được sống lại.” (Thi Thiên 119:50).
Hỏi:
Bạn A cảm thấy rất áp lực khi bị người nhà bắt bớ vì đức tin của mình, bạn đã khóc rất nhiều và nghĩ rằng theo Chúa khổ lắm. Nếu bạn là bạn của A, khi biết được điều đó bạn sẽ khuyên nhủ, dùng Lời Chúa động viên bạn A như thế nào ạ?
Thiếu Niên Thảo Luận:
Mỹ Đức: Dạ nếu con là bạn của A, con sẽ cầu thay cho bạn và động viên bạn hiểu rằng sự khó khăn bây giờ là nhất thời, nó xuất hiện để rèn tập đức tin của bạn và mọi chương trình ấy của Chúa dành cho bạn đều là tốt lành. Con sẽ dùng lời Chúa trong I Cô-rinh-tô 10:13 và I Phi-e-rơ 5:7-8.
“Không có sự cám dỗ hoặc thử thách nào đã nắm giữ được các anh chị em, ngoại trừ nếu sự ấy thuộc về bản tính của loài người. Nhưng Đức Chúa Trời thành tín, là Đấng sẽ không để cho các anh chị em chịu cám dỗ hoặc thử thách nào vượt quá năng lực của các anh chị em; nhưng Ngài sẽ làm cho cùng với sự cám dỗ hoặc thử thách có một lối thoát, để các anh chị em có năng lực chịu đựng.” ( I Cô-rinh-tô 10:13).
“Hãy trao mọi điều lo lắng của các anh chị em cho Ngài, vì Ngài chăm sóc các anh chị em. Hãy tỉnh thức và cảnh giác! Kẻ thù nghịch các anh chị em là Ma Quỷ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh các anh chị em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được.” (I Phi-e-rơ 5:7-8).
Hoàng Anh: Nếu em là bạn của A và biết rằng A đang cảm thấy áp lực và khóc vì bị người nhà bắt bớ vì đức tin, em có thể động viên và dùng Lời Chúa để truyền động lực cho A như sau:
– Gợi nhớ về tình yêu và ân điển của Chúa: Em sẽ nhắc nhở A về tình yêu và ân điển vô điều kiện của Chúa dành cho chúng ta. Em sẽ trích dẫn các câu Kinh Thánh như Rô-ma 8:38-39:
“Vì tôi tin chắc rằng: Chẳng phải sự chết, chẳng phải sự sống, chẳng phải các thiên sứ, chẳng phải các kẻ cầm quyền, chẳng phải các quyền lực, chẳng phải những sự bây giờ, chẳng phải những sự sẽ đến, chẳng phải bề cao, chẳng phải bề sâu, chẳng phải bất cứ một tạo vật nào có thể phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ Jesus, Chúa của chúng ta.”.
Để cho A biết rằng không có gì có thể tách rời chúng ta khỏi tình yêu của Chúa.
– Khích lệ bằng câu Kinh Thánh: Em sẽ tìm những câu Kinh Thánh động viên để chia sẻ với A. Ví dụ như Giô-suê 1:9:
“Ta không có phán dặn ngươi sao? Hãy mạnh mẽ và can đảm, chớ run sợ cũng chớ ngã lòng. Vì Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của ngươi vẫn ở với ngươi bất cứ nơi nào ngươi đi.“
– Đề cao đức tin và sự kiên nhẫn: Em sẽ khuyên A hãy đề cao đức tin và sẵn sàng đối mặt với thách thức. Em sẽ nhắc A rằng trong Giăng 16:33, Đức Chúa Chúa Jesus đã nói rằng chúng ta sẽ gặp khó khăn trên thế gian, nhưng chúng ta có thể yên lòng vì Ngài đã thắng thế gian rồi.
Quan trọng nhất là, em sẽ nhắc A rằng Chúa luôn ở bên cạnh và yêu thương chúng ta.
Việt Thư: Dạ nếu con là bạn của A, con sẽ thể hiện thái độ cảm thông, ngồi xuống tâm tình với bạn, cũng như dùng Lời Chúa để thường xuyên động viên, khích lệ bạn. Lời Chúa có chép rằng dù cho người nhà có thể quên bạn nhưng Chúa sẽ không bao giờ bỏ bạn:
“Đàn bà sẽ quên con đang bú của mình, không thương xót con trai của lòng mình sao? Dù họ sẽ quên con của mình, nhưng Ta sẽ chẳng quên ngươi.” (Ê-sai 49:15).
Cũng như trong sự khốn khổ Chúa vẫn sẽ thêm sức cho chúng ta, sự khó khăn xảy đến là lúc để chúng ta biết khi chúng ta vượt qua chúng ta sẽ nhận được nhiều phước hạnh từ Ngài ở đời sau. Nó là sự rèn tập cho chúng ta tính khoan nhẫn, thêm lên đức tin trong Chúa:
“Và Ngài đã phán với tôi: Ân điển của Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự đau yếu. Vậy, tôi vui lòng thà sẽ khoe mình trong những sự đau yếu của tôi, để cho sức mạnh của Đấng Christ ngự trên tôi. Vậy nên, tôi thỏa lòng trong những sự đau yếu, trong những sự sỉ nhục, trong những sự túng thiếu, trong những sự bách hại, trong những sự khốn khó vì Đấng Christ. Vì khi tôi yếu đuối thì ấy là lúc tôi mạnh mẽ.” (II Cô-rinh-tô 12:9-10).
Ban Chăm Sóc Thiếu Niên Hồi Đáp:
Nếu cô là bạn của bạn A, cô sẽ giải thích cho bạn A hiểu theo Lời Chúa dạy, mọi sự Chúa cho phép xảy ra hiệp lại làm ích cho những ai yêu Đức Chúa Trời (Rô-ma 8:28); và không có sự thử thách nào vượt quá năng lực của mình, Chúa đều mở đường cho ra khỏi (I Cô-rinh-tô 10:13). Đồng thời cô sẽ cầu thay cho bạn A, thông tin đến Hội Thánh nhờ cầu thay, giúp đỡ, và hướng dẫn cho bạn A tránh khỏi sự bắt bớ.
“Chúng ta đã biết rằng, mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu Đức Chúa Trời, là những người được gọi theo một mục đích của Ngài.” (Rô-ma 8:28).
“Không có sự cám dỗ hoặc thử thách nào đã nắm giữ được các anh chị em, ngoại trừ nếu sự ấy thuộc về bản tính của loài người. Nhưng Đức Chúa Trời thành tín, là Đấng sẽ không để cho các anh chị em chịu cám dỗ hoặc thử thách nào vượt quá năng lực của các anh chị em; nhưng Ngài sẽ làm cho cùng với sự cám dỗ hoặc thử thách có một lối thoát, để các anh chị em có năng lực chịu đựng.” (I Cô-rinh-tô 10:13).
Hỏi:
Là những con chiên trong Chúa chúng ta cần có những thái độ, hành động như thế nào trước những lời giảng dạy, sự dẫn dắt của người chăn ạ?
Thiếu Niên Thảo Luận:
Mỹ Đức: Dạ là con dân Chúa, chúng ta cần có thái độ tôn trọng, khiêm nhường, đơn sơ và nhu mì khi tiếp nhận những lời khuyên dạy của người chăn ạ. Khi đã chịu tiếp nhận rồi thì chúng ta hết lòng làm theo, giữ gìn đường lối mình theo những gì người chăn đã hướng dẫn ạ.
Hoàng Anh: Là những con chiên trong Chúa, chúng ta cần có những thái độ và hành động sau đây trước những lời giảng dạy và sự dẫn dắt của người chăn:
– Con dân Chúa cần có thái độ kính trọng người chăn.
– Vâng phục và làm theo những lời giảng dạy của người chăn.
– Cảm tạ Chúa, cầu nguyện cho người chăn luôn được ơn trong sự giảng dạy Lời Chúa, và dự phần vào việc tiếp trợ cho gia đình người chăn.
Việt Thư: Dạ theo con đối với người chăn dắt thuộc linh của mình, chúng ta phải luôn có sự kính trọng, biết ơn, khiêm nhường trước những người được Chúa chọn đặt để để hướng dẫn mình. Cũng như mình luôn vâng phục những lời khuyên dạy của người chăn. Luôn cầu thay, sẵn lòng tiếp trợ cho người chăn trong các mục vụ nhà Chúa ạ.
Ban Chăm Sóc Thiếu Niên Hồi Đáp:
Chúng ta cần có thái độ tôn kính người chăn dắt mình trong thuộc linh, có thái độ khiêm nhường, hạ mình, lắng nghe sự dạy dỗ của người chăn.
“Các trưởng lão khéo cai trị Hội Thánh thì xứng đáng với sự tôn kính gấp đôi, nhất là những người lao nhọc trong sự giảng dạy Lời và giáo lý.” (I Ti-mô-thê 5:17).
Bên cạnh đó, con dân Chúa cần noi gương con dân Chúa tại thành Bê-rê trong việc tra xem Thánh Kinh để xét xem lời giảng có đúng không. Họ cũng với sự sẵn sàng của tâm trí, nếu đúng Thánh Kinh thì sẵn sàng tiếp nhận nghe theo.
“Những người này là đáng quý hơn những người ở Tê-sa-lô-ni-ca. Họ đã tiếp nhận Lời với mọi sự sẵn sàng của tâm trí, tra xem Thánh Kinh suốt ngày, để xét xem những lời giảng ấy có đúng như vậy hay không.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 17:11).
Hỏi:
Những người đi do thám cùng Ca-lép được nói trong Dân Số Ký 13:33b: “chúng tôi thấy mình khác nào con cào cào, và họ thấy chúng tôi cũng như vậy.” Theo bạn, những người tự cho mình là nhỏ bé như con cào cào như vậy, có phải là họ đã xúc phạm Chúa, và đó là lời nói dối không? Tại sao họ hạ thấp thân thể mình xuống ngang hàng với loài cào cào như vậy?
Mỹ Đức: Dạ theo con thì những người ví họ như con cào cào trước mặt dân lớn kia không phải là xúc phạm Chúa, vì con thấy rằng đây chỉ là sự so sánh để cho người ta hiểu dân đó to lớn đến mức nào thôi ạ. Con người đều là từ một ảnh tượng Chúa mà ra, con nghĩ rằng nếu họ làm gì tục tĩu với thân thể mình thì mới là xúc phạm ảnh tượng Chúa ạ. Và đó cũng không phải lời nói dối vì dân sống ở một xứ đượm sữa và mật thì to lớn đến mức khiến họ thấy mình nhỏ bé cũng không có gì vô lí ạ, đó cũng là sự thử thách đức tin cho dân sự để xem họ có xứng đáng được bước vào xứ đó không ạ.
Hoàng Anh: Những người đi cùng Ca-lép tự hạ thấp thân thể mình xuống như con cào cào là xúc phạm Thiên Chúa, vì Thiên Chúa tạo dựng nên loài người giống như hình, tượng của Ngài. Đó là họ đã nói ngoa lên, thì cũng là lời nói dối. Họ hạ thấp thân thể mình xuống ngang hành với loài cào cào là bởi họ cố tình chối bỏ quyền năng của Chúa, vì họ sợ hãi loài người hơn kính sợ Chúa.
Việt Thư: Dạ theo con đó không phải là lời nói xúc phạm Thiên Chúa ạ vì họ đang cảm thấy tự ti bởi thân hình thấp bé của mình so với những người ở xứ Ê-díp-tô. Tuy nhiên điều đó cũng thể hiện rằng họ không mạnh mẽ và tin cậy hoàn toàn vào sức mạnh Chúa sẽ luôn giải cứu họ. Họ vẫn còn nhìn theo con mắt xác thịt, dẫn đến bị lo sợ xem mình chỉ như những con người nhỏ bé không thể đấu lại đội quân lớn mạnh bên xứ kia ạ.
Ban Chăm Sóc Thiếu Niên Hồi Đáp:
Như chúng ta đã học thì biết rằng, lý do mà những người đi do thám về có những lời phao phản xứ là vì họ không tin kính Chúa. Họ đã theo con mắt xác thịt nhìn thấy mà đưa ra nhận định. Họ không tin cậy nơi Chúa nên khiếp sợ trước sự cao lớn của dân Ca-na-an. Lời nói khẳng định mình chỉ nhỏ bé như con cào cào đã khiến cho dân sự vấp phạm, dẫn đến phạm tội trọng với Chúa.
Là con dân Chúa, chúng ta có thể nói đùa để vui nhưng không nói tục tĩu, tầm phào, đùa giỡn về ngoại hình của ai. Cũng có thể nói ví sánh để diễn tả sự vật sự việc, nhưng phải là đem lại ích lợi, gây dựng cho người nghe.
Hỏi:
Bạn A học kém một số môn tự nhiên, nên bạn đã cầu xin Chúa giúp mình học tốt hơn lên, nhưng Chúa không đáp lời. Vì vậy, bạn A tỏ ra buồn nản, vì bạn ấy đã hết lòng cầu xin, tin cậy vào Chúa. Theo bạn, bạn A suy nghĩ và tỏ thái độ như vậy là đúng hay sai, tại sao?
Thiếu Niên Thảo Luận:
Mỹ Đức: Dạ A tỏ ra thái độ như vậy là sai. Vì thái độ khi cầu nguyện điều gì đó từ Chúa không nên là buồn nản khi Chúa không đáp lời. A cần hiểu rằng mọi việc Chúa làm đều có chương trình của Ngài và tốt cho bạn. Và theo con, nếu bạn muốn giỏi thì bạn nên thử đăng ký những lớp học thêm, hoặc hỏi bạn cùng lớp giảng bài cho, chứ không nên chỉ cầu nguyện bằng môi miệng mà không làm gì cả ạ.
Hoàng Anh: Bạn A suy nghĩ và tỏ thái độ như vậy là sai. Vì bạn ấy thể hiện sự lười biếng, không muốn dành nhiều thời gian cho việc học tập, dựa vào Chúa mà quên bổn phận của mình. Bạn A phải biết rằng, Chúa không làm thay cho bạn, nhưng Chúa chỉ ban ơn thêm sức, hướng dẫn bạn ấy hoàn thành việc học tập của mình. Sự cầu xin Chúa ban cho mình học tập tốt là phải lẽ, nhưng khi Chúa không đáp lời mà bạn ấy tỏ ra suy nghĩ và thái độ buồn nản là sai, vì bạn ấy không kiên nhẫn trong, không cầu hỏi ý Chúa, để nhận biết nguyên nhân Chúa không đáp lời cầu xin. Bạn A phải xét lại mình, ăn năn, xin Chúa thay đổi suy nghĩ và thái độ bất kính đó, để từ bỏ và xây dựng phương pháp học tập tốt hơn cho mình.
Việt Thư: Dạ theo con suy nghĩ của bạn như vậy là sai ạ. Vì việc bạn không khá lên trong môn học cũng đến từ nhiều lý do. Có thể bạn không chịu cố gắng hơn hoặc còn lười biếng thì Chúa cũng không thể đáp lời cầu xin cho bạn. Nếu bạn đã cố gắng hết sức nhưng kết quả vẫn không khá lên khiến bạn buồn chán nghĩa là bạn đã không hết lòng tin tưởng vào ý Chúa, nghi ngờ Chúa. Theo con bạn vẫn cứ trung tín cầu nguyện, đó cũng là sự rèn tập Chúa cho bạn để bạn luôn biết vững tin nơi Chúa, dù cho hoàn cảnh có khó khăn, bạn vẫn gìn giữ sự tương giao, đặt để đức tin ở Ngài ạ.
Ban Chăm Sóc Thiếu Niên Hồi Đáp:
Trong trường hợp của A, bạn nên cầu nguyện xin Chúa ban cho mình sự khôn sáng cùng phương pháp học tập có hiệu quả. Sau đó, mỗi ngày dành thời gian học bài, ôn bài, rèn luyện làm bài tập. Không thể chỉ cầu nguyện xin Chúa cho mình học tốt nhưng lại lười học bài, lười ôn bài và không làm bài tập.
Cũng giống như việc cầu nguyện xin Chúa ban cho việc làm, thì mình cần đi tìm việc, hoặc nhờ mọi người xung quanh giới thiệu giúp. Chứ không thể chỉ cầu nguyện rồi không đi tìm việc, cũng không nói cho ai biết mình đang cần tìm việc.
Lời Chúa cũng dạy đức tin phải có hành động. Không thể chỉ nói tin Chúa, yêu Chúa, yêu anh chị em mình. Nhưng thực tế thì lại không cầu nguyện, không đọc Thánh Kinh, không giúp đỡ anh chị em khi họ cần.
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Thu Thủy