Các Luật Lệ
Nguyễn Thị Thu Thủy
Câu Hỏi Gợi Ý:
1. Dân Số Ký chương 15 nói về những luật lệ gì?
2. Những luật lệ đó như thế nào? Áp dụng cho những ai? 3. Tại sao lại phải vâng theo những luật lệ đó? Nếu phạm luật thì sẽ thế nào?
Gợi Ý Áp Dụng:
1. Những luật lệ trong Dân Số Ký 15 còn áp dụng trong thời kỳ Tân Ước hiện nay không? Áp dụng như thế nào?
2. Con dân Chúa hiện nay vâng giữ những luật lệ nào trong Thánh Kinh? Tại sao phải vâng giữ? Em có vâng giữ không?
3. Có phải con dân Chúa chỉ cần vâng giữ luật lệ trong Thánh Kinh, còn các luật lệ khác của gia đình, địa phương, trường học, công ty, quốc gia thì không cần vâng theo?
Tham khảo về của lễ chay và lễ quán: https://timhieutinlanh.com/nyttn-cua-le-chay-va-le-quan/
Chia Sẻ
Các em thiếu niên thân mến,
Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau học Dân Số Ký chương 15, nói về các luật lệ. Đó là luật về của lễ quán và của lễ chay, luật về của lễ chuộc tội lầm lỡ, luật xử tử người vi phạm ngày Sa-bát, và luật về tua áo. Với câu gốc trong Dân Số Ký 15:30-31:
“Nhưng ai cố ý phạm tội, hoặc người sinh trong xứ, hay là khách ngoại bang, thì người ấy khinh bỉ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu; người sẽ bị truất khỏi dân sự mình, vì người đã khinh bỉ lời Đấng Tự Hữu Hằng Hữu và trái mệnh lệnh của Ngài: người hẳn sẽ bị truất diệt, tội gian ác người đổ lại trên mình người.”
Luật về Lễ Quán và Của Lễ Chay
Trước tiên, chúng ta cùng tìm hiểu luật về của lễ quán và của lễ chay. Của lễ chay là của lễ thức ăn bằng bột mì mịn hoặc hạt lúa đầu mùa. Của lễ quán là của lễ thức uống làm bằng rượu nho. Chúa truyền Môi-se phán dặn dân I-sơ-ra-ên khi vào đến xứ mà Chúa ban cho, dâng lễ vật cho Chúa thì phải dâng của lễ chay và của lễ quán cặp theo.
Quy định chung khi dâng của lễ chay đó là bánh phải làm bằng một phần mười ê-pha bột lọc nhồi với một phần tư hin dầu; và của lễ thức uống sẽ dâng một phần ba hin rượu.
Ngoài ra thì,
- với mỗi con chiên con khi dâng lên, thì phải dâng một lễ thức uống bằng một phần tư hin rượu.
- với mỗi con chiên đực, thì phải dâng một của lễ chay bằng hai phần mười ê-pha bột lọc nhồi với một phần ba hin dầu.
Nếu dâng một con bò con làm của lễ thiêu, hay của lễ trả sự hứa nguyện hay của lễ giao hòa thì sẽ dâng của lễ chay bằng ba phần mười ê-pha bột lọc nhồi với nửa hin dầu; và nửa hin rượu làm của lễ thức uống. Các con sinh khác như con bò đực, con chiên đực, con chiên con, con dê con cũng làm như vậy.
Chúa quy định luật lệ dâng của lễ có kèm theo của lễ quán và của lễ chay cho dân I-sơ-ra-ên và cả người ngoại sinh sống với họ. Tất cả sẽ có cùng một luật pháp và một phán quyết.
Chúa cũng truyền cho Môi-se phán dặn dân sự khi đã vào đến xứ mà Chúa ban cho và ăn bánh của xứ đó thì phải dâng giơ lên cho Chúa một lễ vật về bột nhồi đầu tiên của họ. Sự dùng bột nhồi đầu tiên dâng lễ vật lên Chúa thể hiện lòng biết ơn Chúa đã ban bánh cho họ, thể hiện lòng yêu kính Chúa khi dâng lên lễ vật đầu tiên họ thu hoạch được.
Ngày nay trong thời kì Tân Ước, con dân Chúa không còn dâng các của lễ chay và của lễ quán. Nhưng để thể hiện lòng biết ơn Chúa đã ban đồ ăn thức uống cho đời sống thuộc thể mình thì con dân Chúa luôn dâng lời cầu nguyện cảm tạ Chúa trước khi ăn. Và để thể hiện sự trông cậy nơi Chúa là Đấng quan phòng trên đời sống mình thì con dân Chúa luôn trình dâng mọi nhu cầu thuộc thể của mình lên Chúa. Con dân Chúa cần đọc, suy ngẫm và làm theo lời khuyên của Đức Chúa Jesus: “Bởi vậy, Ta phán với các ngươi: Đừng lo lắng về sự sống của các ngươi, các ngươi sẽ ăn gì, các ngươi sẽ uống gì, hoặc là các ngươi sẽ mặc gì cho thân thể của các ngươi. Không phải sự sống quý hơn đồ ăn và thân thể quý hơn quần áo sao?” (Ma-thi-ơ 6:25). Và theo lời khuyên của Sứ Đồ Phi-e-rơ “Hãy trao mọi điều lo lắng của các anh chị em cho Ngài, vì Ngài chăm sóc các anh chị em” (I Phi-e-rơ 5:7).
Luật về Của Lễ Chuộc Tội Lầm Lỡ
Khi dân sự phạm tội vì lầm lỡ mà không hay biết thì thầy tế lễ sẽ làm lễ chuộc tội cho cả dân sự, thì sẽ được tha. Của lễ là một con bò đực làm của lễ thiêu, cùng với của lễ chay và của lễ thức uống cặp theo; và một con dê đực làm của lễ chuộc tội. Toàn dân I-sơ-ra-ên và khách ngoại bang đều được tha tội.
Nếu một người lầm lỡ phạm tội, thì dâng một con dê cái giáp năm làm của lễ chuộc tội, thì sẽ được tha. Cả khách ngoại bang cũng theo luật này.
Nhưng đối với những người biết rõ là làm sẽ phạm tội với Chúa mà cố tình làm thì không phải là lầm lỡ phạm tội, mà là cố ý phạm tội. Người đó dầu là dân I-sơ-ra-ên hay là khách ngoại bang thì đã phạm phải tội khinh bỉ Chúa, khinh bỉ Lời Chúa, khinh bỉ mệnh lệnh Chúa. Người đó sẽ bị Chúa diệt khỏi vòng dân sự bởi tội gian ác mình. Đó chính là nội dung của câu gốc mà chúng ta đã học suốt tuần qua.
Trong thời Tân Ước hiện nay, vẫn có những trường hợp con dân Chúa lầm lỡ phạm tội và có những trường hợp cố ý phạm tội. Trường hợp lầm lỡ mà phạm tội là do yếu đuối, do nhất thời quên, do thiếu sự hiểu biết. Trường hợp cố ý phạm tội là biết rõ là tội, được Chúa cáo trách, được anh chị em nhắc nhở nhưng vẫn chọn phạm tội.
Ví dụ về trường hợp lầm lỡ phạm tội: Bạn A quên chưa làm bài tập toán, khi cô giáo bất ngờ hỏi trong lớp ai chưa làm bài tập, thì bạn A đã không dám thừa nhận mình chưa làm. Sau đó A rất hối hận vì mình như vậy là sai, nên sau tiết học đã tìm cô nói rõ sự thật.
Ví dụ về trường hợp cố ý phạm tội: Bạn B quên chưa làm bài tập toán, khi cô giáo bất ngờ hỏi trong lớp ai chưa làm bài tập. Bạn B nghĩ rằng cô giáo sẽ không kiểm tra vở của từng bạn nên sẽ không biết. Vậy B chọn không nói ra việc mình chưa làm bài tập. Sau đó, B nhanh chóng mượn vở của bạn để chép bài tập chưa làm đó.
Là con dân Chúa, nếu chúng ta lỡ phạm tội thì mau chóng xưng tội, ăn năn tội, xin Chúa tha thứ và nhắc nhở mình cẩn trọng để không tái phạm.
“Nếu chúng ta xưng nhận những tội lỗi của mình, thì Ngài là thành tín công chính để tha thứ cho chúng ta những tội lỗi của chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều không công chính.” (I Giăng 1:9).
Còn đối với những người cố ý phạm tội thì Lời Chúa trong Hê-bơ-rơ 10:26-28 sau dây dành cho họ:
“Vì nếu chúng ta cố ý phạm tội, sau khi đã nhận lãnh tri thức về lẽ thật, thì không còn được chừa lại cho chúng ta sinh tế chuộc những tội lỗi. Nhưng chỉ có một sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa hừng sẽ thiêu nuốt những kẻ bội nghịch. Ai đã chối bỏ luật pháp của Môi-se, thì chết không có sự thương xót, bởi hai hay ba chứng nhân.”
Không phải trong thời Tân Ước, Chúa không còn diệt ngay kẻ cố tình phạm tội. Hãy nhớ tới trường hợp của hai vợ chồng A-na-nia và Sa-phi-ra đã đồng mưu nói dối Đức Thánh Linh nên bị Chúa đánh chết (Công Vụ Các Sứ Đồ 5).
Người Vi Phạm Ngày Sa-bát Bị Xử Tử
Từ câu 32 đến câu 36 là một ví dụ điển hình về việc cố ý phạm tội và bị hình phạt truất diệt khỏi vòng dân sự. Đó là một người dân I-sơ-ra-ên biết rõ luật pháp Chúa là không được lao động trong ngày Sa-bát, nhưng lại cố ý đi lượm củi trong ngày Sa-bát. Người đó bị bắt gặp và giam tù, chờ quyết định xử phạt. Bởi vì vào thời điểm đó, mới chỉ có điều răn thứ tư là sẽ không làm công việc gì trong ngày thứ bảy, chưa có luật lệ xử phạt người phạm tội đó. Sau đó, Chúa phán hình phạt dành cho kẻ cố ý phạm tội đó là cả hội chúng ném đá người đó ngoài trại quân. Và người đó bị ném đá chết y như Chúa phán dặn.
Hiện nay trong thời kỳ Tân Ước, con dân Chúa không bị thi hành ngay án phạt, bởi vì đây là thời kỳ ân điển. Thế nhưng, nếu người phạm tội không ăn năn thì tiền công của tội lỗi là sự chết. “Vì người nào giữ trọn luật pháp, mà phạm một điều, thì cũng bị tội như đã phạm hết thảy.” (Gia-cơ 2:10). Hình phạt của sự phạm tội là hư mất đời đời trong hỏa ngục tăm tối, đau đớn.
Luật về Tua Áo
Chúa phán dặn Môi-se nói với dân sự hãy làm một cái tua nơi các góc đường biên áo, trên mỗi tua kết một sợi dây màu xanh da trời.
Cảm tạ Chúa, Sa-bát vừa qua, trong bài giảng của người chăn có hình ảnh để giúp chúng ta biết về tua áo.
Hình Minh Họa Tua Áo
Nguồn: https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2023/06/TuaAoMauXanh.png
Hình Minh Họa Áo Có Tua
Nguồn: https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2023/06/TuaAo.png
Dân I-sơ-ra-ên phải mang cái tua đó mục đích là để khi thấy thì sẽ nhớ lại hết thảy các điều răn của Chúa mà làm theo. Mỗi khi tư dục của lòng và mắt nổi lên, nhìn thấy tua áo thì họ như được nhắc nhớ lại những điều răn mà làm theo điều răn của Chúa. Chúa muốn họ nhìn thấy và nhớ rằng, Chúa là Đấng dẫn họ ra khỏi xứ Ê-díp-tô, Chúa là thánh, họ hãy vâng theo điều răn luật pháp Chúa.
Người Pha-ri-si thích làm lớn các đường biên áo của họ để tỏ ra mình là người rất tin kính Chúa, luôn tự nhắc mình trong việc ghi nhớ điều răn của Chúa (Ma-thi-ơ 23:5).
Ngày nay, con dân Chúa không làm tua áo để nhắc nhở mình nhớ đến các điều răn của Chúa nữa. Bởi vì ngày nay, con dân Chúa cần làm theo mệnh lệnh của Chúa trong Giô-suê 1:8 là suy ngẫm Lời Chúa ngày đêm và cẩn thận làm theo. Các điều răn của Chúa ghi trong tấm lòng của con dân Chúa. Có Đức Thánh Linh ngự trong thân thể để dẫn dắt, nhắc nhở, cáo trách.
Ngày xưa Chúa là Đấng đem dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ nô lệ, ngày nay Chúa chính là Đấng cứu chuộc chúng ta ra khỏi tội lỗi. Con dân Chúa cũng cần ghi nhớ rằng, Đức Chúa Jesus Christ đã hy sinh thân mình để đền tội cho mình. Vì vậy, đời sống phải biết ơn Chúa, yêu kính Chúa thể hiện cụ thể qua sự vâng giữ các điều răn Chúa dạy.
Nguyện kính xin Chúa qua bài học hôm nay giúp cho chúng ta học biết và ghi nhớ về hậu quả của việc cố ý phạm tội sẽ thế nào. Nguyện kính xin Chúa ban cho hết thảy chúng ta có lòng kính sợ Chúa, được Chúa nhắc nhở và gìn giữ không cố ý phạm tội với Chúa.
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Thu Thủy