Dân Số Ký 17 Cây Gậy của A-rôn Trổ Hoa và Ra Trái

326 lượt xem

Cây Gậy của A-rôn Trổ Hoa và Ra Trái

Nguyễn Thị Thu Thủy

Câu Hỏi Gợi Ý

1. Chúa muốn mỗi chi phái của dân I-sơ-ra-ên nộp một cây gậy để làm gì?
2. Cây gậy của chi phái nào trổ hoa? Sự việc đó nói lên điều gì?
3. Cây gậy trổ hoa đó để ở đâu và để làm gì?

Gợi Ý Áp Dụng

1. Làm thế nào để nhận biết một người có thật sự được Chúa đặt để trong chức vụ hầu việc Chúa?
2. Đời sống của con dân Chúa như thế nào được gọi là có bông trái?
3. Em đã có những bông trái gì trong Chúa?

Chia Sẻ

Các bạn thiếu niên thân mến,

Dân Số Ký chương 16 mà chúng ta đã học qua ghi lại sự phản loạn của Cô-rê, Đa-than và A-bi-ram; họ nổi lên dấy nghịch lại Môi-se và A-rôn, liền theo đó là sự dấy nghịch của dân I-sơ-ra-ên. Những người dấy nghịch cho rằng Môi-se và A-rôn đã tự lập mình lên trên làm người lãnh đạo dân I-sơ-ra-ên khiến cho dân sự phải chết nhiều. Sau sự sửa phạt những người dấy nghịch đó, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán dặn Môi-se nói mỗi quan trưởng của mười hai chi phái đem nộp một cây gậy. Mỗi cây gậy đề tên của quan trưởng chi phái đó, chi phái Lê-vi đề tên A-rôn. Sau đó, Môi-se để các cây gậy trong hội mạc, trước Rương Chứng Cớ.

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán:

“Bất cứ người nào Ta chọn lấy, thì cây gậy người đó sẽ trổ hoa; vậy Ta sẽ làm cho nín đi trước mặt Ta những lời than trách của dân I-sơ-ra-ên đã phát ra đối nghịch lại các ngươi.” (Dân Số Ký 17:5).

Qua lời phán của Chúa, chúng ta biết rằng, lý do mà Chúa muốn dân I-sơ-ra-ên nộp cây gậy là vì Chúa muốn ấn chứng cho toàn dân sự biết người nào là người Chúa chọn đặt vào trong sự thờ phượng Ngài qua chức tế lễ. Chúa sẽ bày tỏ qua một phép lạ, đó là cây gậy của người mà Chúa chọn sẽ trổ hoa. Phép lạ này làm ra là để cho sự dấy nghịch, than van của dân sự bị dập tắt. Để họ nhìn vào mà biết và không thể có cớ phản loạn lại người mà Chúa đặt để trong sự hầu việc Ngài.

Môi-se nói với dân I-sơ-ra-ên thì hết thảy trưởng tộc tùy theo chi phái mang nộp cho ông một cây gậy. Môi-se để những gậy đó trong Trại Bảng Chứng trước mặt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Hôm sau khi Môi-se vào thì thấy cây gậy A-rôn về nhà Lê-vi đã trổ hoa, có trổ nụ, sinh hoa và trái hạnh nhân chín. Chúng ta thấy rằng, đây là một phép lạ của Chúa. Bởi vì một cây hạnh nhân được trồng xuống thì sau 3-5 năm mới bắt đầu cho ra trái. Nhưng đây chỉ qua một ngày thì đã có nụ, có hoa và có trái chín. Điều lạ hơn cả đó chỉ là một cây gậy chứ không phải một cây hạnh nhân.

Qua sự việc cây gậy của A-rôn trổ hoa chúng ta rút ra bài học rằng, muốn nhận biết một người có thật sự được Chúa giao phó cho một chức vụ nào đó hay không thì nhìn vào bông trái của người đó. Nghĩa là nhìn vào lời nói, việc làm, nếp sống của người đó có đúng với Lời Chúa dạy hay không. Lời Chúa dạy: “Hoặc cho là cây tốt thì trái cũng tốt, hoặc cho là cây xấu thì trái cũng xấu; vì xem trái thì biết cây.” (Ma-thi-ơ 12:33). Một người có nếp sống với những lời nói tầm phào, những lời nói dối, nếp sống lười biếng, ham mến yêu thích thế gian, không vâng giữ điều răn của Chúa thì đó là những trái xấu. Người như vậy không thể nào được Chúa đặt để trong chức vụ hầu việc Chúa. 

Chúng ta thấy A-rôn được Chúa đặt để trong chức vụ thầy tế lễ chuyên các công việc thờ phượng Chúa. Ngày nay, chúng ta cũng là những thầy tế lễ của Chúa. Vậy chúng ta cũng cần tra xét đời sống của mình có những bông trái gì trong Chúa.

“Nhưng trái của tâm thần là: tình yêu, sự vui mừng, sự bình an, sự nhẫn nại, sự từ ái, sự ngay lành, đức tin, sự nhu mì, và sự tiết độ. Không có luật pháp nào nghịch lại các sự đó.” (Ga-la-ti 5:22).

Một người muốn kết được bông trái trong Chúa thì trước nhất phải thật sự ở trong Chúa, nghĩa là thật lòng ăn năn tội, hết lòng yêu kính Chúa trên hết mọi sự.

“Các ngươi hãy cứ ở trong Ta và Ta trong các ngươi. Như nhánh nho không thể từ chính mình kết quả, trừ khi nó cứ ở trong gốc nho, thì các ngươi cũng không thể như vậy, trừ khi các ngươi cứ ở trong Ta. Ta là gốc nho, các ngươi là những nhánh nho. Ai cứ ở trong Ta và Ta trong người ấy thì người ấy sinh ra lắm trái; vì ngoài Ta, các ngươi chẳng có thể làm được điều gì.” (Giăng 15:4-5).

Khi Môi-se rút các cây gây và đưa cho cả dân I-sơ-ra-ên xem, và mỗi trưởng tộc nhận lại cây gậy của mình. Phép lạ đó của Chúa đã bày tỏ cách rõ ràng cho toàn dân I-sơ-ra-ên nhận biết A-rôn là người Chúa chọn vào trong chức vụ tế lễ để làm các công việc thờ phượng Ngài, ngoài ra Chúa không chọn ai khác trong các chi phái còn lại. Chắc hẳn khi mỗi người nhìn thấy cây gậy của A-rôn trổ hoa thì đã xấu hổ và không dám nói lên lời phản nghịch hay than trách gì nữa, chỉ lặng lẽ nhận về cây gây không trổ hoa của mình.

Qua sự việc những chi phái còn lại nhận về cây gậy không trổ hoa, chúng ta rút ra bài học rằng, nếp sống đẹp lòng Chúa là những bông trái trong Chúa khiến cho những lời than van, dèm chê, chống nghịch phải nín lặng. Con dân Chúa có thể bị người thế gian gièm chê vì sự khác biệt không thờ cúng, không làm những việc theo thói tục của thế gian giống họ. Nhưng nếp sống đúng với Lời Chúa dạy như hiếu kính cha mẹ, nếp sống yêu thương, nếp sống vâng phục, chân thật trong Chúa sẽ khiến cho người ngoại không thể chê trách gì được.

Nếu như nếp sống trong Chúa mà bị người ngoại chê trách và cho là không bằng người ngoại thì cần phải tra xét lại mình, soi đời sống mình dưới Lời Chúa để xưng tội với Chúa và khẩn trương sửa đổi.

Kế đó, Chúa phán dặn Môi-se đem cây gậy của A-rôn để trước Rương Chứng Cớ, để làm dấu cho con cái phản nghịch. Để cho toàn dân sự nghe biết phép lạ đó mà đừng bao giờ nói ra những lời than trách đối nghịch lại tôi tớ Chúa nữa. Chúa muốn Môi-se lưu giữ cây gậy tại đó và dùng nó để khiến cho nín lặng mọi lời than trách, để dân sự không bị chết bởi sự phản nghịch của mình. Chúng ta có thể hiểu rằng, cây gậy của A-rôn cứ luôn có hoa, có nụ, có trái hạnh nhân chín mà không hề bị tàn. Như vậy để giữ làm một dấu cho những kẻ phản nghịch. Đây cũng chính là một phép lạ nữa của Chúa.

Qua bài học hôm nay, chúng ta nhìn thấy được sự thương xót của Chúa dành cho dân sự, khi Ngài không diệt hết thảy dân sự vì sự bội nghịch của họ. Chúa nhậm lời cầu xin của Môi-se và A-rôn, chấp nhận lễ chuộc tội mà A-rôn làm cho dân sự mà tha tội chết cho họ. Chúa còn làm ra phép lạ để cho dân sự nhìn thấy bằng con mắt xác thịt rằng, A-rôn là người được Chúa chọn vào trong chức tế lễ phụng sự Ngài. Để dân I-sơ-ra-ên nhìn thấy mà không còn mở lời than trách, chống nghịch Chúa nữa, để họ khỏi bị diệt vì cớ tội lỗi của họ.

Chúng ta nhìn thấy được một người lãnh đạo vẫn khiêm nhường, vẫn vâng phục mọi lời phán dặn của Chúa là Môi-se. Chúa phán dặn ông điều gì thì ông làm y như vậy.

Chúng ta cũng nhìn thấy được sự cứng cổ của dân I-sơ-ra-ên, khi chính mắt họ nhìn thấy sự ấn chứng của Chúa tỏ ra về người Chúa chọn, mà họ không thật lòng ăn năn về điều phản nghịch của mình. Họ vẫn nói với Môi-se với sự đau buồn và sợ hãi, nhưng không phải đau buồn vì tội lỗi của mình. Mà vì họ sợ họ bị chết, bị diệt bởi Chúa. Họ chỉ đau buồn và sợ hãi vì thấy sao Chúa nghiêm khắc quá, khiến cho bất cứ ai đến gần Đền Tạm đều phải chết. Dân I-sơ-ra-ên thật sự không có lòng tin kính và vâng phục Chúa. Bởi vì nếu họ có một chút tấm lòng đầu phục Chúa thôi thì họ sẽ vâng theo mọi ý muốn của Chúa, và họ sẽ nhận biết chương trình, ý định tốt lành của Chúa dành cho họ là như thể nào.

Nguyện kính xin Chúa qua bài học hôm nay giúp cho mỗi một chúng ta tự tra xét đời sống mình xem mình có những bông trái gì trong Chúa. Nguyện kính xin Chúa ban cho chúng ta ai nấy đều có tấm lòng tha thiết yêu kính Chúa và kết nhiều bông trái lành trong Chúa.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Thu Thủy

Để lại một bình luận