Chúa Jesus tại Giê-ru-sa-lem – Sự Chữa Lành Người Bệnh tại Ao Bê-tết-đa

304 lượt xem

Chúa Jesus tại Giê-ru-sa-lem – Sự Chữa Lành Người Bệnh tại Ao Bê-tết-đa

Nguyễn Thị Thùy Linh

Các con thân mến!

Tuần này chúng ta sẽ cùng nhau tiếp tục học về các phép lạ của Đức Chúa Jesus. Hôm nay chúng ta cùng học về phép lạ Chúa Jesus tại Giê-ru-sa-lem – Sự Chữa Lành Người Bệnh tại Ao Bê-tết-đa.

Câu chuyện này được ghi trong Giăng 5:1-9. 

1 Sau những sự đó, có một lễ hội của dân Do-thái, Đức Chúa Jesus đi lên {thành} Giê-ru-sa-lem.

2 Trong Giê-ru-sa-lem, gần cửa Chiên, có một cái ao, tiếng Hê-bơ-rơ gọi là Bê-tết-đa, có năm mái hiên.

3 Tại các nơi đó, một đám đông những kẻ đau ốm, những kẻ mù, những kẻ què, những kẻ teo khô bắp thịt, nằm chờ cho nước xao động.

4 Vì một thiên sứ thỉnh thoảng giáng xuống trong ao, làm khuấy động nước. Ai xuống ao trước hết, sau khi nước khuấy động, {thì} được trở nên lành bất cứ bệnh gì người ấy có.

5 Nơi đó, có một người kia bị bệnh đã ba mươi tám năm.

6 Đức Chúa Jesus thấy người ấy nằm, biết rằng, người ấy có {bệnh} đã lâu ngày. Ngài phán với người: Ngươi có muốn được lành chăng?

7 Người bệnh đáp lời Ngài: Lạy Chúa! Tôi chẳng có ai để quăng tôi xuống ao, trong khi nước bị khuấy động. Trong lúc tôi đến thì người khác đã xuống trước tôi rồi.

8 Đức Chúa Jesus phán với người: Hãy đứng dậy! Hãy vác giường của ngươi và đi!

9 Tức thì người ấy được lành, vác giường của mình và đi. Bấy giờ là ngày Sa-bát.

Sau câu số 9 tiếp theo có thêm chi tiết những người Do thái không cho người được chữa lành vác giường đi. Họ rạn hỏi người được chữa lành ai đã chữa bệnh trong ngày Sa-bát. Họ tìm cách bắt bớ và giết Chúa Jesus. 

Hôm nay chúng ta học về phép lạ mà Chúa Jesus đã làm ra tại ao Bê-tết-đa với một người đã bị bệnh ba mươi tám năm. 

Chúng ta không biết người bệnh này là nam hay nữ và bệnh gì vì Thánh Kinh không có ghi rõ chi tiết này. Nhưng theo cô đoán thì đây là người nam và người này bị bệnh có liên quan đến bệnh về liệt. Bởi vì không đi được kịp xuống ao và khi chữa lành thì Chúa Jesus bảo người vác giường mà đi thì chỉ có người nam mới vác nổi giường thôi. Chúng ta cũng không biết giường ở đây là như thế nào chắc có lẽ là một miếng ván nhỏ đủ chỗ người này nằm bao năm qua. 

Thánh Kinh cho chúng ta biết ở chỗ ao này có một đám đông những kẻ đau ốm. Bởi vì thiên sứ thi thoảng giáng xuống ao làm nước khuấy động ai xuống đó đầu tiên thì được lành hết bệnh tật. Có lẽ vì vậy mà những người đau ốm tập trung ở ao này chờ đợi cơ hội đến. 

Trong lần làm ra phép lạ này chúng ta có những ý để suy ngẫm đó là:

  • Vì sao một đám đông người bệnh mà chỉ có người bệnh 38 năm này được Chúa Jesus muốn chữa lành? Người bệnh có nhận biết Chúa Jesus không? 
  • Đức Chúa Jesus chữa lành trong ngày Sa-bát và bảo người được lành vác giường mình.
  • Phép lạ chữa lành siêu nhiên.

Trong lần làm phép lạ chữa bệnh này Chúa Jesus cũng đã chủ động đến hỏi người bệnh có muốn chữa lành không. Theo cách người này trả lời thì chúng ta có thể biết người này không biết Chúa là ai và có lẽ cũng chưa bao giờ nghe tiếng đồn về Chúa Jesus. Nên khi được Ngài hỏi, người này chỉ nói lên thực trạng là ông không có xuống ao được. Theo cách ông trả lời chúng ta hiểu suy nghĩ của ông đó là ông muốn được lành lắm nhưng ông đã không thể nào xuống được ao kia khi có thiên sứ xuống khuấy động nước. Và ông cũng không có mở lời xin Chúa Jesus chữa cho ông, qua đó chúng ta thấy có lẽ người này thật sự chưa biết người đang đứng trước mặt ông là ai. 

Chúng ta cũng nhận thấy dường như người bệnh này đã tuyệt vọng, căn bệnh suốt 38 năm hình như không chữa trị được, ông chỉ còn trông chờ vào sự chữa lành ở ao Bê-tết-đa. 

Chúng ta đã biết Thiên Chúa không tạo dựng nên sự đau yếu bệnh tật mà Ngài đã dựng nên loài người tốt lành giống như hình và như tượng của Ngài. Nhưng vì sự phạm tội của tổ phụ loài người mà tội lỗi đi vào trong thế gian. Tội lỗi làm cho băng hoại đi những sự tốt lành, đẹp đẽ mà Thiên Chúa đã tạo dựng nên, hậu quả của tội lỗi để lại cho loài người gánh lấy những đau yếu, bệnh tật trên thân thể xác thịt và sự chết ở linh hồn. Tội lỗi đã làm cho sự bệnh tật ngày một thêm nhiều, đa dạng và ngày càng trầm trọng hơn. Có khi một người mang những đau yếu, bệnh tật từ trong lòng mẹ, khi sinh ra đã bị mang bệnh tật bẩm sinh. Chúng ta thấy đó, vậy loài người cần gì, có phải cần sự chữa trị, cần được khỏi bệnh như người bệnh 38 năm này và chỉ biết trông chờ phép lạ từ cái ao kia nhưng ông bất lực vì không thể nhanh chóng xuống ao đầu tiên khi có thiên sứ đến làm nước trong ao khuấy động. Đến đây thì chúng ta liên tưởng điều gì với cuộc sống hiện tại của chúng ta? 

Câu hỏi: Em đã bao giờ bất lực trước một nghịch cảnh nào đó chưa? Khi ấy em đã làm gì?

Trong cuộc đời của một người có rất nhiều điều khiến cho người đó bị bất lực. Hết phương cứu chữa hay không còn cách nào để giải quyết chỉ biết trông chờ vào một điều gì đó là phép lạ xảy ra. Cô thấy người thế gian khi bất lực họ thường bảo: “ý trời”. Có nghĩa là ông trời đã muốn như vậy thì họ cũng không có cách nào để cứu vãn. Lời đó có hàm ý quyền tối cao và sau cùng là của ông Trời rồi. Khi đã là ý của Trời thì không ai có thể làm cho thay đổi được. Nhưng thật lạ người ta lại không thờ phượng ông Trời là Đấng Tối Cao. Người thế gian khi đối diện với nghịch cảnh họ chỉ biết một là dùng chính năng lực của họ để giải quyết như tiền bạc, điều kiện, danh tiếng, uy tín, tài năng mà họ có để giải quyết. Hai là họ không thể dùng đến vật chất nữa thì tìm đến thần linh. Họ xem bói, thờ lại tà thần, giả thần để cầu xin một phép lạ xảy ra giải quyết nan đề của họ. Là con dân Chúa thì chúng ta có Thiên Chúa là Đấng giải quyết những nan đề bất lực đó của chúng ta. Như bệnh tật, thiên tai, dịch bệnh… Loài người đã không thể sử dụng năng lực của mình. Như trường hợp dịch Covid-19 bùn phát mỗi ngày có bao nhiêu người bệnh, người chết. Tuy loài người ra sức chống đỡ nhưng vẫn không thể nào quét sạch hoàn toàn được. Như thiên tai xảy ra núi lửa, động đất, sóng thần thiệt hại bao nhiêu tài sản và tính mạng con người nhưng loài người bất lực. Lúc ấy thì sao? Người không tin Chúa chỉ biết kêu cứu từ ông Trời, người tin Chúa thì kêu cầu từ Thiên Chúa. 

Đức Chúa Jesus Ngài đến không phải chỉ để chữa lành những tật bệnh trên thân thể xác thịt như teo tay, đui, mù, phong hủi, bại liệt.. Mà mục đích của Ngài đến để chữa và cứu về bệnh thuộc linh. Ngài đến để cứu loài người ra khỏi tội lỗi, giải phóng loài người ra khỏi nô lệ của tội lỗi, phục hòa loài người với Đức Chúa Trời. Khi loài người tuyệt vọng trong tội lỗi, bất lực vì không thắng được tội lỗi thì chỉ có Chúa Jesus là con đường duy nhất cứu loài người ra khỏi tội và ban năng lực để một người có đời sống đắc thắng. 

Chúng ta đặt câu hỏi: Tại sao một đám đông người bệnh mà chỉ có người bệnh 38 năm này được Chúa Jesus muốn chữa lành?

Chúng ta chỉ có thể hiểu rằng việc chữa lành ai, chữa như thế nào là quyền tự do lựa chọn của Chúa Jesus. Có lẽ khi đi vào chỗ trước của chiên đó thì thấy người bệnh này và được nghe biết người này bệnh đã lâu năm. Cũng có thể trong đám đông đó Chúa thấy người này không có khả năng tự mình xuống ao mà Ngài động lòng thương xót. 

Chúng ta tưởng tượng ra khung cảnh lúc ấy có đám đông những người bị đau yếu, bệnh tật ai cũng cần được chữa lành cả. Nhưng Chúa Jesus chỉ đến với người đau bệnh 38 năm này chữa lành cho ông. Chắc hẳn ông ấy rất vui mừng vì nhận được một phép lạ trên cuộc đời mình, từ giờ thì ông không cần phải lê lết nằm chờ sẵn để xuống ao nữa. Cuộc đời ông được bước sang một trang mới. 

Tới đây cô nghĩ đến chúng ta sống giữa thế gian tội lỗi này nhưng Chúa đã thương xót chúng ta, chọn chúng ta ban ân điển cho chúng ta để chúng ta được cứu, được rửa sạch những tội lỗi, không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa, chúng ta được sống một con người mới. 

Câu hỏi: Em nghĩ thế nào khi em là một trong những người đáng lẽ ra bị hư mất đời đời nhưng nay được biết đến Tin Lành cứu rỗi? 

Đối với bản thân cô cho đến giờ phút này cô vẫn chưa thể hiểu được vì sao Chúa lại ban cho cô ân điển và sự nhân từ của Chúa quá lớn trên đời sống cô. Đáng lẽ ra cô bị hư mất, chịu hình phạt vì những tội lỗi của mình. Nhưng lại được Chúa yêu thương, tha thứ, nhẫn nại, thương xót, chậm giận. Suy nghĩ đến việc giữa thế gian bao la rộng lớn này có bao nhiêu linh hồn đang sống động, có bao nhiêu người được biết đến Tin Lành Cứu Rỗi. Nhưng chính mình được nhận ân điển đó. Lòng cô biết ơn Chúa thật nhiều và luôn mong ước được sống trong ân điển của Thiên Chúa và mãi mãi được thuộc về Chúa. 

Trở lại trong câu chuyện chữa lành lần này chúng ta thấy Chúa Jesus vẫn chọn chữa lành cho người bệnh trong ngày Sa-bát thậm chí Ngài còn bảo người đó đứng dậy vác giường mình mà đi. Chính vì vậy mà khiến cho những người Do-Thái nóng giận tìm cách bắt bớ và giết Chúa Jesus. Vào thời bấy giờ những người dạy luật họ thêm bớt vào điều răn luật pháp của Chúa, thêm gánh nặng cho con dân Chúa trong ngày Sa-bát đặt ra các điều lệ mới trong đó có việc không được khiêng vác đồ nặng hay không được đi xa bao nhiêu km. Nên khi họ thấy Chúa Jesus chữa bệnh trong ngày Sa-bát còn kêu người bệnh vác giường đi thì họ đã tức giận không cho người bệnh vác giường đi. 

Câu hỏi: Theo em tại sao Chúa Jesus biết luật bấy giờ họ đưa ra như vậy mà vẫn chọn chữa bệnh trong ngày Sa-bát và còn bảo người bệnh vác giường mình đi. 

Thiên Chúa sáng lập nên ngày Sa-bát là để cho loài người biệt riêng mình ra với thế gian mà tương giao với Thiên Chúa. Ngày Sa-bát để loài người nghỉ ngơi phần xác thịt và tâm thần thì tương giao thờ phượng Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn người giữ ngày Sa-bát là giữ ở tấm lòng, không phải giữ bằng chữ nghĩa. Việc Chúa Jesus chọn chữa bệnh ngày Sa-bát là bởi vì Ngài chính là người đã sáng lập nên ngày Sa-bát. Ngài hiểu rõ ý nghĩa của ngày Sa-bát và Ngài không hề đặt ra những luật lệ máy móc như vậy. Và chúng ta tin rằng Chúa Jesus không làm sai nghịch lại với điều răn luật pháp. 

Ma-thi-ơ 12:6-8

6 Ta phán với các ngươi, tại chỗ này có một đấng tôn trọng hơn đền thờ.

7 Ước gì các ngươi hiểu nghĩa câu này: Ta muốn lòng thương xót, không muốn của tế lễ, thì các ngươi không trách những người vô tội;

8 vì Con Người là Chúa của ngày Sa-bát.

Ngày Sa-bát con dân Chúa hoàn toàn có thể làm việc lành. Con dân Chúa chỉ tránh làm việc mang tính mua bán, kiếm tiền vào ngày Sa-bát. Vấn đề là tấm lòng của mỗi người có biết tôn kính ngày Sa-bát hay không. Thiên Chúa là Đấng dò xét ở trong lòng. Ngài cần tấm lòng chứ không phải là hình thức, chữ nghĩa. 

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Để lại một bình luận