Tro Bò Cái Sắc Hoe Dùng Làm Nước Tẩy Uế
Nguyễn Thị Thu Thủy
Các bạn thiếu niên thân mến,
Hôm nay, chúng ta học Dân Số Ký chương 19, chủ đề “Tro Bò Cái Sắc Hoe Dùng Làm Nước Tẩy Uế”, với câu gốc:
“Này là lệ định của luật pháp mà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu có truyền rằng: Hãy nói với dân I-sơ-ra-ên và bảo dẫn đến ngươi một con bò cái con sắc hoe, không tật không vết, và chưa mang ách.” (Dân Số Ký 19:2).
Sau đây, chúng ta sẽ vừa tổng hợp các chi tiết trong bài học, vừa dựa theo sự giải thích của người chăn [1] để hiểu và rút ra các bài học.
- Đấng Tự Hữu Hằng Hữu truyền dặn dân I-sơ-ra-ên mang đến một con bò cái con sắc hoe, không tì vết và chưa mang ách. Con bò cái tiêu biểu cho sinh tế chuộc tội lớn nhất, đủ cho mọi người. Sắc hoe là màu đỏ như máu, tiêu biểu cho máu chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Phải có sự đổ máu thì mới có sự tha thứ. Không tật không vết tiêu biểu cho sự trọn vẹn thánh khiết, vô tội của Đức Chúa Jesus Christ.
- Giao cho thấy tế lễ Ê-lê-a-sa con bò cái con sắc hoe, rồi dẫn nó ra ngoài trại quân, người ta giết nó trước mặt mọi người. Tiêu biểu cho sự công chính của Đức Chúa Trời đối với tội lỗi và tội nhân được công khai thi hành.
- Thầy tế lễ Ê-lê-a-sa dùng ngón tay nhúng máu nó rảy bảy lần về phía trại của hội chúng. Tiêu biểu cho sự máu của Đức Chúa Jesus Christ rửa sạch hoàn toàn mọi tội lỗi.
- Con bò cái con đó bị thiêu trước mặt mọi người, thiêu hủy hoàn toàn cả da, thịt, máu và phân. Tiêu biểu cho sự tội nhân bị hủy diệt hoàn toàn bởi hình phạt của Thiên Chúa.
- Thầy tế lễ sẽ lấy nhánh hương nam, chùm kinh giới, chỉ len màu đỏ sậm liệng vào giữa đám lửa thiêu con bò cái con. Nhánh hương nam là loài gỗ quý vì thơm và vững chắc, tiêu biểu cho sự cao quý và vững chắc trong ơn cứu chuộc của Đấng Christ. Chùm kinh giới được dùng để tẩy uế và trị bệnh vì mùi thơm và dược tính của nó, tiêu biểu cho sự thánh hóa và chữa lành bởi ơn cứu chuộc của Đấng Christ. Chỉ len (làm từ lông chiên, một loài vật tinh sạch) tiêu biểu cho vật liệu quý và tinh sạch, màu đỏ sậm tiêu biểu cho máu. Sợi chỉ len màu đỏ sậm tiêu biểu cho dòng máu thánh khiết của sự sống mới trong Đấng Christ theo sau ơn cứu chuộc của Ngài.
- Thầy tế lễ và những người cùng phụ việc thiêu con bò cái con đều bị ô uế, phải tắm và giặt áo xống mình trong nước. Tiêu biểu cho sự bất cứ ai liên quan đến tội lỗi đều bị ô uế.
- Một người tinh sạch sẽ hốt tro con bò cái con đổ trong một nơi tinh sạch, giữ tro đó để dùng làm nước tẩy uế cho dân sự. Tiêu biểu cho sự chết và máu của Đức Chúa Jesus Christ lúc nào cũng có đủ để tha tội và làm cho sạch tội những ai tin nhận Ngài.
- Bất cứ ai đụng đến xác chết của một người nào thì sẽ bị ô uế trong bảy ngày. Ngày thứ ba và ngày thứ bảy phải dùng tro của con bò cái con làm nghi thức tẩy uế. Nếu không thì người đó vẫn không được tinh sạch, vẫn bị ô uế, bị truất khỏi dân sự. Sự chết là hậu quả của tội lỗi nên xác chết tiêu biểu cho sự ô uế. Ngày thứ ba làm nghi thức tẩy uế tiêu biểu cho sự Đức Chúa Jesus ở trọn trong lòng đất ba ngày ba đêm, sự chết chuộc tội của Ngài sẽ rửa sạch tội lỗi. Ngày thứ bảy làm nghi thức tẩy uế tiêu biểu cho sự thánh hóa trọn vẹn. Nếu người nào không tin nhận sự chết chuộc tội và chịu bằng lòng để Chúa thánh hóa đời sống mình thì vẫn ở trong sự ô uế, trong tội lỗi, trong sự hư mất.
Như vậy, chúng ta hiểu rằng, lệ định trong thời Cựu Ước dùng tro bò cái sắc hoe làm nghi thức tẩy uế cho người đụng đến xác chết, tiêu biểu cho máu của Đức Chúa Jesus Christ tẩy sạch bản tính tội cho tội nhân trong thời Tân Ước.
“Vì nếu máu của những bò đực và của những dê đực, cùng tro của bò cái con sắc hoe, rảy trên những kẻ ô uế làm nên thánh cho sự làm sạch xác thịt; thì máu của Đấng Christ, Đấng bởi thần quyền vĩnh hằng, dâng chính mình không tì vết lên Đức Chúa Trời, sẽ tẩy sạch tâm thức của các anh chị em khỏi những việc chết để phụng sự Thiên Chúa Hằng Sống, nhiều hơn biết bao?” (Hê-bơ-rơ 9:13-14).
Đức Chúa Jesus Christ đã dâng chính thân thể không tì vết, dâng chính mạng sống của mình lên Đức Chúa Trời làm của lễ chuộc tội cho loài người. Sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus, máu vô tội của Ngài đổ ra chẳng những cứu chuộc tội nhân, mà còn có năng lực tẩy sạch bản tính tội lỗi. Những ai thật lòng ăn năn tội, đầu phục Chúa, tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài thì được thánh hóa, họ sẽ không còn phạm tội nữa, nhưng đời sống kết nhiều bông trái lành trong Chúa, họ chuyên tâm làm các việc lành, sống phụng sự Thiên Chúa.
Chúng ta là những người tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus, chúng ta được cứu chuộc ra khỏi địa vị tội nhân hư mất đời đời. Nhưng chúng ta hãy cùng tra xét xem, chúng ta có thật sự để máu thánh của Đấng Christ tẩy sạch bản tính tội của mình hay chưa? Chúng ta có bằng lòng để Chúa thánh hóa chúng ta không? Đời sống của chúng ta có còn phạm tội không? Có còn yêu thích tội lỗi nào không? Đời sống của chúng ta có bông trái lành gì trong Chúa không? Đời sống của chúng ta có phụng sự Thiên Chúa không? Hay chúng ta phụng sự cho thế gian, cho thần tôi của chính mình?
Lời Chúa phán rằng:
“Bất cứ người nào đụng đến xác chết của người nào và không làm cho mình được sạch, thì sẽ gây cho Đền Tạm của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu bị ô uế. Người đó sẽ bị truất khỏi I-sơ-ra-ên; vì nước tẩy uế không có rảy trên mình người, nên người vẫn ô uế; sự ô uế của người vẫn ở trên mình người vậy.” (Dân Số Ký 19:13).
Ngày nay trong thời kỳ Tân Ước, nếu người phạm tội mà không chịu ăn năn thì sẽ bị dứt thông công ra khỏi Hội Thánh (I Cô-rinh-tô 5:11-13).
Chúng ta hãy ghi nhớ rằng, nếu một người không chịu bằng lòng để máu thánh của Chúa tẩy sạch bản tính tội thì sẽ dễ dàng trở lại phạm tội, sống trong tội. Lời Chúa cảnh báo tội xem thường ơn cứu rỗi của Chúa như sau:
“Vì nếu chúng ta cố ý phạm tội, sau khi đã nhận lãnh tri thức về lẽ thật, thì không còn được chừa lại cho chúng ta sinh tế chuộc những tội lỗi. Nhưng chỉ có một sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa hừng sẽ thiêu nuốt những kẻ bội nghịch. Ai đã chối bỏ luật pháp của Môi-se, thì chết không có sự thương xót, bởi hai hay ba chứng nhân.” (Hê-bơ-rơ 10:26-28).
Tiếp theo, từ câu 14 cho đến hết ghi lại luật làm sạch cho người và vật bị ô uế. Nếu có người chết trong trại thì hết thảy người và vật ở trong đều bị ô uế trong bảy ngày. Đồ vật gì liên quan đến xác chết, mồ mả hay hài cốt thì đều bị ô uế trong bảy ngày. Kế đó, theo nghi thức dùng nước tro con bò cái sắc hoe mà tẩy uế cho người cùng vật, và trại bị ô uế.
Như vậy không chỉ có người nếu chạm đến sự ô uế thì bị ô uế mà còn cả đồ vật cũng bị ô uế theo. Chính vì vậy, những thứ ô uế như hình tượng, tranh ảnh, sách báo có hình tà thần, con rồng, hay hết thảy những vật gì dễ khiến cho con dân Chúa phạm tội thì cũng cần phải vứt chúng ra khỏi nhà, nhân danh Đức Chúa Jesus mà phá hủy chúng. Nếu chúng ta không cẩn trọng, không mau chóng loại bỏ những vật dụng ô uế ra khỏi nơi ở của mình thì ma quỷ có cớ tấn công chúng ta.
Trong thực tế, có những con dân Chúa khi vô tình mang vào trong nhà những đồ vật có in hình tượng hay hình con rồng mà không biết, thì họ đã bị ma quỷ quấy phá qua giấc mơ. Họ cảm thấy bất an và đi kiểm tra lại đồ đạc thì phát hiện ra đồ có hình tượng. Khi nhân danh Chúa hủy phá hình tượng, và xua đuổi tà linh thì họ không còn bị quấy phá nữa.
Ngày nay, trong trường hợp nhà có người thân qua đời, hay trong Hội Thánh có người qua đời, thì chúng ta vẫn có thể phụ các công việc liên quan đến sự an táng. Nhưng khi phải tiếp xúc với xác chết thì chúng ta nên đeo bao tay, đeo khẩu trang. Sau khi xong việc thì nên tắm rửa bằng xà bông để làm sạch thân thể mình.
Nguyện xin Lời Chúa qua bài học hôm nay giúp cho mỗi chúng ta biết trân quý sự hy sinh chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Nguyện đời sống của mỗi bạn thiếu niên kết nhiều bông trái lành trong Chúa để xứng đáng với sự cứu chuộc của Chúa.
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Thu Thủy
Ghi Chú:
[1] https://timhieuthanhkinh.com/than-hoc-bo-cai-sac-hoe-va-su-tai-thiet-den-tho-dang-tu-huu-hang-huu/