Dân Sự Lằm Bằm Vì Không Có Nước – A-rôn và Môi-se Bị Vấp Phạm vì Dân Sự
Nguyễn Thị Thu Thủy
Các bạn thiếu niên thân mến,
Chúng ta vốn đã không lạ gì với sự lằm bằm của dân I-sơ-ra-ên, đến nỗi khi nhắc đến họ trong cuộc hành trình tiến về vùng đất hứa Ca-na-an thì chúng ta nhớ đến ngay sự than van, lằm bằm, dấy nghịch, làm loạn của họ. Chúng ta cũng quen với hình ảnh khiêm nhường, chịu đựng của Môi-se và A-rôn, nhiều lần bị dấy nghịch nhưng vẫn cầu xin Chúa tha đừng diệt hết dân sự. Thế nhưng, hôm nay, chúng ta học Dân Số Ký chương 20, là một sự việc buồn hơn cả, đó là dân sự lại tiếp tục lằm bằm vì không có nước, và A-rôn, Môi-se lần này bị vấp phạm vì dân sự. Đến nỗi, Chúa đã phạt hai ông:
“Kế đó, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với Môi-se và A-rôn rằng: Bởi vì hai ngươi không có tin đến Ta, để tôn Ta nên thánh trước mặt dân I-sơ-ra-ên, vì cớ đó, hai ngươi sẽ không đem hội chúng này vào xứ mà Ta đã cho nó đâu.” (Dân Số Ký 20:12).
Khi dân I-sơ-ra-ên đi tới đồng vắng Xin và dừng lại tại Ca-đe, thì Mi-ri-am qua đời và được chôn tại đó. Tại đồng vắng Xin thì xảy ra việc không có nước cho dân sự uống. Thực tế thì nhiều lần dân sự ở trong đồng vắng và không có nước uống, Chúa dùng phép lạ khiến nước chảy ra, rồi còn ban ma-na, ban thịt cho họ. Thế nhưng thay vì có lòng yêu kính Chúa và đức tin nơi Chúa để dâng trình nan đề để cầu xin Chúa khi gặp khó khăn, thì họ lại bộc lộ bản tính bội nghịch của mình, họ lại nổi loạn cùng Môi-se và A-rôn. Họ ngang nhiên cãi nhau với Môi-se là người lãnh đạo Chúa đặt để trong việc dẫn dắt họ, họ chẳng xem ông ra gì, một mặt vẫn đi theo Môi-se, một mặt thì có thể lập tức phản nghịch lại nếu khó khăn xảy đến mà Môi-se chưa kịp giải quyết cho họ. Họ lại lôi chuyện cũ ra để than trách Môi-se, nhằm hàm ý tại Môi-se mà anh em của họ đã chết, giờ họ mong ước mình cũng chết luôn đi. Họ đổ lỗi cho Môi-se đã lừa họ dẫn họ vào đồng vắng để làm họ chết, bởi vì chỗ này chẳng có cây gì, chẳng có nước uống, là một nơi có độc. Họ oán trách Môi-se khiến họ phải chịu khổ, phải chết trong đồng vắng vì đói khát.
Không biết đây là lần thứ bao nhiêu họ tỏ ra sự vô tín, sự bội nghịch. Lần nào họ cũng tìm Môi-se và A-rôn để than van, oán trách, dấy loạn, cãi nhau chỉ vì một chút khó khăn tạm thời xảy đến như không có nước, không có đồ ăn, chỉ vì họ chưa được đáp ứng ngay nhu cầu xác thịt của mình. Họ chẳng hề ghi nhớ và biết ơn hai ông vì chính nhờ hai ông cầu thay và làm lễ chuộc tội nên họ được Chúa tha mà còn giữ được hơi thở. Thay vì tỏ lòng biết ơn thì họ lại tiếp tục bày tỏ ra bản tính bội nghịch của mình.
Trước sự dấy loạn đó của dân sự, Môi-se và A-rôn lui khỏi mặt hội chúng, và lại đến cầu khẩn với Chúa. Chúa phán với Môi-se cầm lấy gậy, rồi cùng A-rôn truyền nhóm hiệp dân sự, và nói với vầng đá thì vầng đá sẽ chảy nước ra, sẽ có nước cho dân sự và súc vật uống. Môi-se cầm lấy gậy như lời Chúa dặn, ông cũng truyền nhóm dân sự trước vầng đá như lời Chúa dặn. Nhưng sự sai trái bắt đầu từ đây, trong lời ông nói ra với dân sự. Môi-se nói với dân sự rằng “Hỡi dân phản nghịch! Hãy nghe, chúng ta dễ khiến nước chảy từ vầng đá này ra cho các ngươi được sao?” Rồi Môi-se giơ tay lên, đập vầng đá hai lần bằng cây gậy của mình.
Chúng ta hãy cùng điểm lại những lần mà dân sự than van và lời nói của Môi-se từng nói với họ. Trong Xuất Ê-díp-tô Ký 16, ghi lại sự việc tại đồng vắng Sin, khi dân sự oán trách vì không có bánh ăn, thì Môi-se và A-rôn nói với họ: “Chiều nay các ngươi sẽ nhận biết rằng ấy là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã rút các ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô,…”. Và Môi-se nói: “Chiều này Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ phát thịt cho các ngươi ăn, rồi sáng mai bánh nhiều dư dật, vì Ngài đã nghe lời các ngươi oán trách Ngài rồi.” Trong Dân Số Ký chương 16, khi Cô-rê, Đa-than và A-bi-ram hiệp nhau phản loạn lại Môi-se và A-rôn, trước khi Chúa sửa phạt họ thì Môi-se nói: “Nhờ điều này các ngươi sẽ biết rằng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu có sai ta để làm các điều này, và ta chẳng tự ta làm sự gì.”
Chúng ta có thể nhìn thấy trong những lần đó, khi Môi-se nghe những lời Chúa phán dặn dân sự qua ông, thì ông tin cậy Chúa, tin vào những lời Chúa phán với ông. Khi gặp dân sự, thì bởi đức tin của ông nơi Lời Chúa phán mà mọi lời ông nói ra đều nhắc đến danh của Chúa. Thế nhưng lần này, khi nghe lời Chúa phán dặn hai ông chỉ cần nói với vầng đá nước sẽ chảy ra, thì hai ông đã không tin như vậy. Chính vì thế khi đứng trước dân sự, hai ông đã hoài nghi không tin rằng nhờ vâng theo Lời Chúa mà mình có thể khiến cho vầng đá có nước chảy ra. Chính câu nói “chúng ta dễ khiến nước chảy từ vầng đá này ra cho các ngươi được sao?” là một câu nói bày tỏ sự hoài nghi về Lời Chúa phán. Từ đó dẫn đến việc làm theo ý riêng, đó là Môi-se giơ tay lên, dùng gậy để đập vào vầng đá hai lần, chứ ông không làm theo Lời Chúa dặn là chỉ cần nói với vầng đá mà thôi.
Thánh Kinh ghi lại nhiều lần Môi-se làm y như mọi điều Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã phán dặn mình. Thế nhưng lần này, vì sao mà không còn hình ảnh của Môi-se luôn làm y theo mọi điều Chúa phán dặn nữa? Đây không phải lần đầu tiên Môi-se vâng lời Chúa khiến cho từ vầng đá chảy ra nước uống cho dân sự. Ông đã từng vâng lời Chúa đập vầng đá tại Hô-rếp khiến nước từ đó chảy ra cho dân sự uống.
Qua Lời Chúa phán, chúng ta biết rằng, bởi vì Môi-se và A-rôn đã không tin Lời Chúa, không hành động bởi đức tin mình nơi Chúa, việc làm của hai ông không còn vì mục đích để tôn thánh danh Chúa trước dân sự. Chúng ta có thể hiểu rằng, trước sự dấy loạn của dân sự, Môi-se và A-rôn đã vì áp lực trước dân sự, vì yếu đuối mệt mỏi, nên trong lòng sinh sự hoài nghi lời Chúa phán, không tin vào lời Chúa phán dặn mình mà làm y theo. Qua đây chúng ta học được rằng, thật Chúa là Đấng dò xét lòng dạ loài người, Ngài biết rõ bởi vì hai ông không tin Lời Ngài phán nên đã chọn làm như vậy.
Qua sự việc Môi-se và A-rôn phạm tội, chúng ta rút ra bài học rằng, không phải một người được ơn Chúa, yêu kính Chúa là không bao giờ phạm tội. Chính vì vậy, Lời Chúa phán dặn rằng: “Vậy thì, ai tưởng mình đứng, hãy coi chừng, kẻo ngã!” (I Cô-rinh-tô 10:12). Chúng ta cũng học được rằng, trước sự phạm tội của bất kỳ ai, chúng ta cần cẩn thận giữ gìn chính mình, đừng để ma quỷ cám dỗ, giăng bẫy khiến chúng ta vì tức giận, vì lỗi của họ mà vấp phạm trong lời nói và việc làm của mình. Chúa không cấm chúng ta không được buồn, không được giận. Nhưng Lời Chúa dạy chúng ta: “Khi các anh chị em giận thì đừng phạm tội. Chớ để mặt trời lặn trên cơn giận của các anh chị em. Đừng nhường chỗ cho Ma Quỷ.” (Ê-phê-sô 4:26-27).
Chúng ta cũng học được rằng, bài học hôm nay Chúa cho phép ghi lại trong Thánh Kinh, không phải để chúng ta lên án người phạm lỗi, phạm tội mà chê bai họ. Nhưng để chúng ta nhìn tấm gương của người đi trước mà rút ra bài học cho chính mình. Bởi vì, chúng ta thử hình dung nếu mình trong hoàn cảnh của Môi-se và A-rôn liệu có làm tốt hơn hai ông khi bao nhiêu lần chịu cảnh dấy loạn, phản nghịch của dân sự hay không? Hay ngay vừa khi dân sự dấy nghịch thì chúng ta đã lập tức vấp phạm rồi!
Qua sự sửa phạt của Chúa dành cho Môi-se và A-rôn, đó là họ không được đem dân sự vào trong xứ mà Chúa đã ban cho nữa, có thể chúng ta nghĩ sao Chúa nghiêm khắc quá, họ mới phạm tội một lần, sao Chúa không tha cho họ. Thế nhưng, thực tế thì Môi-se và A-rôn là những người từng nghe Chúa phán nhiều lần, từng chứng kiến mọi lời Chúa phán thì Ngài đều làm thành. Chính họ là những người truyền dặn lại Lời Chúa phán cho dân sự và nhìn thấy Chúa đều thành tín với Lời Ngài phán ra. Có thể nói rằng, đáng lẽ bấy nhiêu điều Chúa làm cách thành tín như vậy, thì càng khiến cho hai ông vững vàng vào mọi lời Chúa phán càng hơn, khiến cho mọi lo lắng, mọi áp lực đều tan biến. Nhưng hai ông đã vì cớ sự phạm tội của dân sự mà phạm tội. Theo sự hiểu của cô thì đó là hình phạt xứng với việc làm của hai ông. Và cô hiểu rằng, đã là tội nhân thì không có thể đòi hỏi hay thắc mắc về hình phạt, bởi vì Chúa là Đấng Công Chính. Lời Chúa dạy rằng: “Đầy tớ này đã biết ý chủ mình, mà không sửa soạn sẵn và không theo ý ấy, thì sẽ bị đòn nhiều. Nhưng đầy tớ không biết ý chủ, mà làm việc đáng phạt, thì bị đòn ít. Vì ai được ban cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều; và ai đã được giao cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều hơn.” (Lu-ca 12:47-48).
Có một bài học nữa mà chúng ta học được qua phân đoạn Thánh Kinh này, đó là chúng ta không xét kết quả việc làm để nhận định người đó có làm theo ý Chúa hay không. Bởi vì trong trường hợp này, nước từ vầng đá vẫn chảy ra nhưng Môi-se và A-rôn vẫn bị kể là không tin Chúa và làm theo ý riêng mình. Để nhận định một người có làm theo ý Chúa hay không thì dựa theo hành động của người đó làm ra đúng hay sai so với Lời Chúa dạy. Ví dụ, một người làm công việc không nghỉ ngày Sa-bát kiếm được nhiều tiền để lo cho gia đình và một người chịu mất việc vì quyết tâm vâng giữ điều răn của Chúa, rồi gia đình tạm thời chịu khó khăn trong một khoảng thời gian. Thì rõ ràng, chúng ta không thể nhận định người có thể lo cho gia đình là người làm theo Lời Chúa dạy được. Cũng chính vì vậy, mà mỗi khi chúng ta nhận được điều gì tốt lành, không hẳn chứng minh rằng chúng ta đang ổn và được Chúa ban phước đâu. Quan trọng vẫn là chúng ta tra xét mọi việc làm và nếp sống của mình có đúng theo Lời Chúa dạy hay không.
Từ câu 14 cho đến câu 21, ghi lại sự kiện vua Ê-đôm không đồng ý cho dân I-sơ-ra-ên đi qua xứ của mình. Mặc dầu, Môi-se đã sai sứ giả đến tâu với vua Ê-đôm xin phép được đi ngang qua và với lời hứa không đụng đến hay lấy bất cứ thứ gì thuộc về xứ của vua. Nhưng vua Ê-đôm quyết không cho dân I-sơ-ra-ên đi qua. Cho dù họ có tiếp tục xin và đề nghị trả tiền nếu có uống nước ở xứ đó. Nhưng vua đã cầm sẵn binh khí mà ra đón dân I-sơ-ra-ên. Và như vậy, dân I-sơ-ra-ên không đi ngang qua được mà phải từ Ca-đe vòng lên đến Núi Hô-rơ. Tại đó thì A-rôn về nơi tổ phụ mình, không được tiếp tục hành trình dẫn dân I-sơ-ra-ên vào vùng đất hứa nữa, vì cớ sự phạm tội không vâng lời Chúa dặn. Người kế nhiệm chức thầy tế lễ thượng phẩm là con trai của A-rôn, thầy tế lễ Ê-lê-a-sa.
Nguyện kính xin Chúa qua bài học hôm nay nhắc nhở chúng ta về việc phải hết sức cẩn trọng làm y theo mọi điều Chúa dạy dỗ trong Thánh Kinh mà chúng ta đã được học biết. Bởi mỗi hành động đúng sai sẽ được thưởng phạt rõ ràng bởi Chúa là Đấng Công Chính.
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Thu Thủy