Dân Số Ký 21 Con Rắn Lửa và Con Rắn Đồng

348 lượt xem

Con Rắn Lửa và Con Rắn Đồng

Nguyễn Thị Thu Thủy

Câu Hỏi Gợi Ý

1. Vì sao Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sai những con rắn lửa đến cắn dân I-sơ-ra-ên? Điều đó tiêu biểu cho việc gì?

2. Dân sự đã làm gì khi bị rắn lửa đến cắn? Điều đó tiêu biểu cho điều gì?

3. Chúa muốn Môi-se làm con rắn bằng đồng để làm gì? Điều đó tiêu biểu cho điều gì?

Gợi Ý Áp Dụng

1. Em hãy cho biết việc lắm bằm, than phiền, bội nghịch, và không tôn kính Chúa dẫn đến hậu quả gì?

2. Làm thế nào để từ bỏ những thói xấu như hay lằm bằm, than phiền, và từ bỏ tội bội nghịch không tôn kính Chúa?

3. Qua bài học này, em hãy tra xét xem mình có  còn những hành động, lời nói nào là lắm bằm, than phiền, và bội nghịch, không tôn kính Chúa không?

Chia sẻ:

Hôm nay chúng ta tiếp tục học về hành trình tiến về vùng đất hứa của dân I-sơ-ra-ên. Trong Dân Số Ký chương 21 này ghi lại sự kiện dân I-sơ-ra-ên chiến thắng dân Ca-na-an, dân A-mô-rít và dân Ba-san. Đồng thời ghi lại sự việc dân I-sơ-ra-ên nói nghịch lại Thiên Chúa và Môi-se, nên Ngài sai những con rắn lửa đến cắn dân sự khiến chết rất nhiều. Chúng ta học Dân Số Ký 21, chủ đề “Con Rắn Lửa và Con Rắn Đồng”, với câu gốc:

“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với Môi-se rằng: Hãy làm lấy một con rắn lửa, rồi treo nó trên một trụ gỗ. Nếu ai bị cắn và nhìn nó, thì sẽ được sống.” (Dân Số Ký 21:8).

Khi vua A-rát, người Ca-na-an biết tin dân I-sơ-ra-ên đi đến do thám thì đã hãm đánh dân sự và bắt mấy người cầm tù. Nhưng dân sự hứa nguyện xin với Chúa, nếu Chúa phó dân Ca-na-an vào tay họ, thì họ sẽ diệt các thành của nó. Chúa nhận lời dân sự và phó dân Ca-na-an cho. Dân I-sơ-ra-ên diệt hết dân đó cùng các thành, rồi đặt tên chỗ đó là Họt-ma.

Thế nhưng, khi dân I-sơ-ra-ên đi từ Núi Hô-rơ vòng theo xứ Ê-đôm thì giữa đường dân sự ngã lòng. Lý do khiến họ ngã lòng vẫn là nơi họ đang dừng chân đó không có bánh, không có nước để đáp ứng kịp thời làm thỏa mãn xác thịt của họ. Dân sự lại than trách, đổ lỗi vì Môi-se khiến họ đi khỏi xứ Ê-díp-tô và vu oan cho ông khiến họ phải chết nơi đồng vắng. Nhưng lần này họ còn nói nghịch lại Thiên Chúa, và tỏ rõ sự bội nghịch, bất kính, và rất xem thường Chúa qua câu nói “linh hồn chúng tôi đã ghê gớm thứ đồ ăn đạm bạc này.” Thứ đồ ăn đạm bạc mà dân sự nói đến chính là ma-na mà Chúa đã ban cho họ (Xuất Ê-díp-tô Ký 16). Họ ghê gớm đồ ăn mà Chúa ban cho họ và chính nó nuôi họ bao nhiêu năm qua, trong suốt hành trình trải qua các đồng vắng tiến về vùng đất hứa. Quả thật, đó là sự vô ơn và xem thường và phạm thượng Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu. Bởi vì họ ghê gớm thứ Chúa ban thì chẳng khác nào họ đã ghê gớm Chúa rồi. Chúng ta hãy thử hình dung, một người con được nuôi dưỡng bao nhiêu năm nhờ những bữa cơm đạm bạc bởi sự nhọc nhằn của ba mẹ, mà nay được khôn lớn, trưởng thành. Thế nhưng, một ngày người con đó thản nhiên chê bai đồ ăn và nói với bố mẹ rằng mình đã ghê gớm thứ đồ ăn đạm bạc này. Như vậy, có phải người con đã vô ơn với ba mẹ trong khi bao nhiêu năm qua, nhờ những bữa ăn ấy mà người con được nuôi lớn lên. Như vậy, có phải người con đã không hề tôn trọng ba mẹ mình mà dám nói ra câu nói hỗn hào, xem thường bậc sinh thành ra mình.

Trước sự bội nghịch, bất kính, coi thường Thiên Chúa của dân I-sơ-ra-ên, thì Ngài đã sai những con rắn lửa đến trong dân sự. Những con rắn đó cắn họ khiến cho người chết rất nhiều. Theo sự giải thích của người chăn thì những con rắn đó gọi là rắn lửa vì chất độc của nó khiến cho người bị nó cắn có cảm giác nóng rát như bị lửa cháy nơi vết cắn. Con rắn lửa là hình phạt của Thiên Chúa dành cho sự bội nghịch của dân I-sơ-ra-ên. Tiêu biểu cho việc hậu quả của sự phạm tội là sự chết, như Lời Chúa chép “cái nọc của sự chết là tội lỗi” (I Cô-rinh-tô 15:56) và sách Rô-ma 6:23 chép “vì tiền công của tội lỗi là sự chết”.

Nhưng Thiên Chúa từ ái, chậm giận và thương xót tội nhân, nên khi dân sự đến gặp Môi-se để nhờ ông cầu xin Chúa cho rắn lìa xa khỏi họ, thì Chúa đã phán bảo Môi-se làm một con rắn lửa bằng đồng rồi treo nó trên một trụ gỗ, để ai bị rắn lửa cắn thì nhìn con rắn bằng đồng đó thì sẽ được sống. Thế rồi, Môi-se làm y như vậy, và người nào bị rắn cắn mà nhìn con rắn bằng đồng thì không bị chết, nhưng được sống. Như vậy nếu ai tin lời phán dặn của Thiên Chúa qua Môi-se thì họ sẽ được sống, còn ai không tin, không nhìn lên con rắn đồng thì khi họ bị rắn lửa cắn thì vẫn bị chết.

Con rắn tiêu biểu cho tội lỗi, đồng tiêu biểu cho sự phán xét. Hình ảnh con rắn đồng bị treo lên trụ gỗ tiêu biểu cho sự kiện tội lỗi phải bị hình phạt. Hết thảy mọi người đều đã phạm tội với Đức Chúa Trời, và bị lên án chết cho sự phạm tội của mình. Nhưng Đức Chúa Trời đã ban ân điển, tức ơn thương xót của Ngài qua sự kiện Con Một của Ngài là Đức Chúa Jesus đã chịu bằng lòng gánh thay tội lỗi của nhân loại và chịu chết để đền tội. Để ai tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus đã gánh thay mọi tội lỗi của mình, thì người ấy được ban cho sự sống vĩnh cửu.

“Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh quang của Đức Chúa Trời. Họ nhờ ân điển của Ngài được xưng công chính cách nhưng không, bởi sự chuộc tội trong Đấng Christ Jesus.” (Rô-ma 3:23-24).

“Như Môi-se đã treo lên con rắn trong đồng vắng, Con Người cũng phải bị treo lên như vậy. Bởi đó, ai tin nơi Ngài thì không bị hư mất, nhưng được sự sống vĩnh cửu. Vì Ðức Chúa Trời đã yêu thế gian đến nỗi Ngài đã ban Con Một của Ngài, để ai tin nơi Đấng ấy sẽ không bị hư mất nhưng được sự sống vĩnh cửu.” (Giăng 3:14-16).

Như xưa kia để thoát khỏi hình phạt bị rắn lửa cắn chết thì dân sự phải nhìn lên con rắn đồng treo lên trụ gỗ để được sống như thể nào. Thì ngày nay trong thời Tân Ước, bất cứ ai muốn được thoát khỏi án phạt của tội lỗi là sự chết thì cần tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus. Người đó cần tin rằng mọi tội lỗi của mình đã được Đức Chúa Jesus gánh thay cả rồi, ăn năn tội và tuyên xưng đức tin nơi Chúa thì sẽ thoát khỏi sự hư mất đời đời nơi Hỏa Ngục, nhận được sự sống đời đời phước hạnh nơi Thiên Đàng.

Như vậy, chúng ta hãy cùng nhìn lại bài học hôm nay và suy ngẫm. Những lời than van, lằm bằm, oán trách của dân sự đối với Môi-se là đang đối với Chúa. Những lời chê bai, khinh thường đồ ăn được ban cho là ma-na, chính là đang nói nghịch lại Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy cùng tra xét xem, trong đời sống thường ngày của chúng ta, có khi nào mình đã than van, lằm bằm, oán trách người Chúa đặt để trong sự chăn dắt thuộc linh cho mình không? Có khi nào vì thấy những quy định của Ban Chăm Sóc trong việc cần nộp bài chia sẻ đúng giờ, cần định dạng bài viết, nghỉ nhóm cần phải xin phép có lý do chính đáng,… thì chúng ta thấy khó chịu, mệt mỏi, phiền hà và rắc rối? Có khi nào chúng ta khó chịu vì Ban Chăm Sóc đưa ra những quy định không theo ý thích, ý muốn của mình? Có khi nào chúng ta đã từng tạ ơn Chúa vì sự ban cho của Ngài, nhưng rồi đổi lòng, xem thường sự ban cho của Chúa, và quay ra khinh chê sự ban cho của Ngài, và mở miệng nói lời phạm thượng với Chúa hay không? 

Nếu như trong sự hạ mình đến trước Chúa tra xét, mà chúng ta nhìn nhận ra mình vẫn còn có những thói xấu đó thì hãy mau chóng ăn năn. Bởi vì những thói xấu đó là tội và bởi vì sự hình phạt dành cho những người có bản tính bội nghịch Thiên Chúa là sự chết.

Thói quen lằm bằm, than van, nói nghịch lại người chăn dắt thuộc linh cho mình chính là đang nói nghịch lại Thiên Chúa. Đó là thói xấu cần phải từ bỏ. Lời Chúa cũng dạy chúng ta trong Rô-ma 1:29-31 về bản tính tội lỗi của tội nhân như sau:

29 Họ đầy dẫy mọi sự: không công chính, tà dâm, ý xấu, tham lam, ác dữ; chan chứa những điều ganh ghét, giết người, cãi lẫy, gian trá, thói xấu, nói lén;
30 gièm chê, chẳng tin kính, xấc xược, kiêu ngạo, khoe khoang, khôn khéo về sự làm dữ, không vâng lời cha mẹ;
31 dại dột, trái lời giao ước, không có tình nghĩa tự nhiên, không có lòng thương xót.

Như vậy, để từ bỏ được thói quen hay lằm bằm, than van thì người đó cần phải nhận thức được đó là tội lỗi nghiêm trọng, là bản tính tội lỗi cần từ bỏ và phải hết lòng cầu xin Chúa tha thứ cho mình. Khi đã hết lòng ăn năn tội, nghĩa là hối tiếc và đau buồn về sự phạm tội của mình thì cần trong danh của Đức Chúa Jesus dứt khoát xua đuổi thói tật xấu đó ra khỏi mình. Chỉ khi đó thì mới được Chúa ban cho năng lực để đắc thắng sự phạm tội. Con người mới ở trong Chúa thì luôn tạ ơn Chúa vì mọi điều Chúa cho phép xảy ra là để rèn tập mình (Rô-ma 8:28), khi nghịch cảnh xảy đến thì tra xét mình với Chúa xem mình có lầm lỡ phạm tội gì hay không để kịp thời ăn năn, nếu không phải là do mình phạm tội thì hết lòng đặt đức tin nơi Chúa, cầu nguyện xin Chúa mở lối cho ra khỏi nghịch cảnh (I Cô-rinh-tô 10:13).

Để có thể làm được điều này thì một người cần phải cứ tiếp tục ở trong Đấng Christ, bền lòng trung tín trong việc vâng giữ các điều răn của Chúa, sống nếp sống thánh khiết không phạm tội với Chúa.

“Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ thì người ấy là một tạo vật mới. Những sự cũ đã qua đi. Này, mọi sự đã trở nên mới.” (II Cô-rinh-tô 5:17).

Nguyện kính xin Chúa giúp chúng ta ghi nhớ bài học hôm nay về hậu quả của sự phạm tội, để chúng ta biết kinh sợ và gớm ghét tội lỗi. Nguyện xin mỗi chúng ta luôn ở trong Đấng Christ, là một tạo vật mới trong Ngài, đời sống kết nhiều bông trái trong Chúa!

Để lại một bình luận