Ba-lác và Ba-la-am
Nguyễn Thị Thu Thủy
Câu Hỏi Gợi Ý
1. Ba-lác và ai? Ba-la-am là ai? Tại sao Ba-lác lại đến nhờ Ba-la-am rủa sả dân I-sơ-ra-ên?
2. Tại sao Thiên Chúa lại phán với Ba-la-am là một thầy bói?
3. Tại sao lần thứ nhất Ba-la-am không đi cùng, mà lần thứ hai lại đi cùng trưởng lão Mô-áp và Ma-đi-an?
4. Tại sao Chúa lại nổi giận khi Ba-la-am đi cùng họ?
5. Vì sao con lừa cái mà Ba-la-am cưỡi lại không đi nữa? Vì sao con lừa cái lại biết nói?
Gợi Ý Áp Dụng
1. Em có biết về chương trình và ý định của Thiên Chúa dành cho con dân Chúa không?
2. Có những thế lực nào đang ra sức tấn công, cản trở chương trình và ý định của Thiên Chúa?
3. Thiên Chúa sẽ làm gì trước những sự cản trở đó? Em có thấy rằng mình đang được Chúa quan phòng trước âm mưu tấn công của ma quỷ và loài người không?
Chia Sẻ
Các em thiếu niên thân mến,
Chúng ta đã cùng nhau học qua 21 chương của sách Dân Số Ký, chương 1-chương 10 ghi lại sự chuẩn bị ra đi từ Núi Si-na-i của dân I-sơ-ra-ên, từ chương 10-chương 21 ghi lại quãng thời gian dân I-sơ-ra-ên kiều ngụ tại nơi đồng vắng Pha-ran. Hôm nay, chúng ta học đến Dân Số Ký chương 22, từ chương 22-chương 36 ghi lại quãng thời gian dân I-sơ-ra-ên kiều ngụ trong đồng bằng Mô-áp.
Trong Dân Số Ký chương 21 mà chúng ta đã học lần trước, có ghi lại sự việc dân I-sơ-ra-ên xin vua dân A-mô-rít cho phép họ đi ngang qua, nhưng vua đó không cho phép mà còn hiệp dân sự lại ra nghinh chiến với dân I-sơ-ra-ên. Vì vậy, dân I-sơ-ra-ên đã đánh bại họ và chiếm hết các thành của họ.
Khi dân I-sơ-ra-ên đi đến đóng trại trong đồng bằng Mô-áp, bên kia sông Giô-đanh, đối diện Giê-ri-cô; thì Ba-lác là vua dân Mô-áp lấy làm sợ sệt và khiếp sợ trước mặt dân I-sơ-ra-ên. Bởi vì Ba-lác đã thấy hết mọi điều dân I-sơ-ra-ên làm cho dân A-mô-rít, và thấy dân I-sơ-ra-ên rất đông. Ba-lác đã bàn với các trưởng lão sai người đến xin Ba-la-am rủa sả dân I-sơ-ra-ên:
“Vậy, ta xin ngươi hãy đến bây giờ, rủa sả dân này cho ta, vì nó mạnh hơn ta. Có lẽ ta sẽ đánh bại dân này và đuổi nó khỏi xứ được; vì ta biết rằng kẻ nào ngươi chúc phước cho, thì được phước; còn kẻ nào ngươi rủa sả, thì bị rủa sả.” (Dân Số Ký 22:6).
Ba-lác biết dân I-sơ-ra-ên mạnh hơn dân mình, nên sợ không dám chiến cự với dân I-sơ-ra-ên. Ba-lác muốn nhờ vào Ba-la-am là một thầy bói, chuyên về bói khoa và bùa chú để rủa sả dân I-sơ-ra-ên, rồi mới ra chiến trận để đánh dân I-sơ-ra-ên. Có lẽ Ba-la-am rất nổi tiếng trong việc bói khoa, bùa chú đến nỗi Ba-lác biết chắc rằng ai được Ba-la-am chúc phước thì sẽ được phước, còn ai bị Ba-la-am rủa sả thì sẽ bị rủa sả. Ba-lác nghĩ rằng nếu làm vậy thì dân Mô-áp sẽ đánh bại được dân I-sơ-ra-ên. Thế rồi, các trưởng lão Mô-áp cùng các trưởng lão Ma-đi-an đem theo lễ vật trong tay đến để dâng cho Ba-la-am và thuật lại lời của vua Mô-áp.
Qua đây, chúng ta nhìn thấy Ba-lác đại diện cho những người chống nghịch lại Chúa, còn Ba-la-am đại diện cho thế lực ma quỷ. Họ đã tìm đến nhau, kết nối với nhau để chống nghịch lại dân I-sơ-ra-ên, những người thuộc về Chúa. Vì vậy, nếu chúng ta là những con trai và con gái của Chúa, thì đừng bao giờ kết thân, mang ách chung với người ngoại. Lời Chúa dạy chúng ta rằng:
“Bởi vậy, Chúa phán: Các ngươi hãy ra khỏi giữa chúng nó và các ngươi hãy phân rẽ; các ngươi cũng đừng đụng đến đồ ô uế. Thì Ta sẽ tiếp nhận các ngươi. Ta sẽ làm Cha cho các ngươi. Các ngươi sẽ làm những con trai và những con gái cho Ta. Chúa Toàn Năng phán.” (II Cô-rinh-tô 6:17-18).
Ba-la-am là một thầy bói, chuyên thờ lạy nhiều tà thần. Khi những người tìm đến nhờ ông sự việc có liên quan đến thần nào thì ông sẽ tìm kiếm thần đó. Vì vậy, khi sứ giả của vua Mô-áp tìm đến ông nhờ rủa sả dân I-sơ-ra-ên thì Ba-la-am biết mình phải tìm kiếm Thiên Chúa Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Trong đêm đầu tiên thì Ba-la-am đã nhận biết ông không thể nhận lời vua Mô-áp đi rủa sả dân I-sơ-ra-ên, vì Thiên Chúa phán với Ba-la-am rằng: “Ngươi chớ đi với chúng nó, chớ rủa sả dân này, vì dân này được ban phước.” Sáng sớm hôm sau, Ba-la-am vâng lời và trả lời từ chối các sứ giả của vua Mô-áp.
Thế nhưng, Ba-lác lại sai nhiều sứ thần hơn, tôn trọng hơn những người đến trước đó mà đến gặp Ba-la-am để nài xin với lời hứa hẹn sẽ cho Ba-la-am danh tiếng và mọi điều Ba-la-am muốn. Trước địa vị, danh tiếng, và mọi điều hứa hẹn, thì Ba-la-am đã nói: “Dù Ba-lác sẽ cho ta nhà người đầy vàng và bạc, ta cũng chẳng được vượt qua lời của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ta, để làm một việc hoặc nhỏ hay lớn.” Qua câu nói đó thì chúng ta thấy rõ lòng tham lam của Ba-la-am khi ngụ ý nói ra muốn được cho nhiều vàng bạc. Bởi vì Ba-la-am vốn đã biết rõ Thiên Chúa không cho phép mình rủa sả dân I-sơ-ra-ên, nhưng lại xin mấy người đó ở lại một đêm, để xem Chúa có đổi ý để cho mình đi hay không. Có lẽ Ba-la-am nghĩ rằng, cũng như những thần khác mà mình tìm kiếm, sẽ đổi ý khi thấy những lời hứa hẹn về những vật dâng giá trị. Đêm đó, Chúa phán với Ba-la-am rằng: “Nếu các người ấy đến để gọi ngươi, hãy đứng dậy đi với chúng nó; nhưng chỉ hãy làm theo lời Ta sẽ phán.” Thì lập tức sáng sớm hôm sau, Ba-la-am dậy thắng lừa cái mình đi cùng các sứ thần của Mô-áp. Chúng ta để ý thì thấy lời Chúa phán dặn rõ nếu những sứ thần của Mô-áp đến gọi Ba-la-am thì mới đứng dậy đi với họ. Thế nhưng vì lòng Ba-la-am đã quá muốn nhận lời để làm vì những điều họ hứa sẽ cho ông, nên đã bắt một ý trong lời phán của Chúa để làm theo ý riêng phục vụ lòng ưa muốn xác thịt của mình. Các sứ thần của Mô-áp chưa có đến gọi Ba-la-am mà ông đã chủ động đi với họ.
Chúng ta thấy sự mua chuộc, sự cám dỗ từ địa vị, danh lợi, tiền tài, vật chất ở thế gian là rất lớn. Được những sứ thần đáng tôn trọng đại diện cho vua, cho một đất nước đến thỉnh cầu mình với những lời hứa hẹn cho mọi thứ mà mình muốn. Ba-la-am đã bất chấp lời Thiên Chúa đã phán trước đó với mình. Cách Ba-la-am hành xử là muốn dùng Thiên Chúa để phục vụ cho những sự ưa muốn của mình, cũng như cách mà Ba-la-am từng hành xử với những tà thần mà mình thờ lạy. Đó là xem Chúa như một vị thần phục vụ cho những ưa muốn xác thịt của mình.
Chúng ta là con dân của Chúa chớ học theo cách hành xử của Ba-la-am. Bởi vì Ba-la-am chỉ tìm cầu ý Chúa với mục đích muốn Chúa đáp ứng những nhu cầu xác thịt của mình. Ba-la-am cũng không phải vâng lời Chúa, mà chỉ muốn lợi dụng Chúa. Khi thấy một ý của Chúa trong lời Chúa phán hợp với ý của mình thì lập tức làm theo ý riêng mình mà không màng tới trọn lời Chúa phán ra sao. Thấy trong câu Chúa phán có từ hãy đứng dậy đi với chúng nó thì lập tức lật đật làm theo ý muốn của mình, vì nó hợp ý mình. Mà không màng tới lời Chúa phán rõ rằng, nếu các người ấy đến để gọi thì mới đứng dậy đi với chúng, nhưng hãy chỉ làm theo lời Chúa phán. Đó không phải là vâng lời Chúa, mà xem thường Chúa, lợi dụng Chúa phục vụ cho ý riêng của mình.
Một thực tế đáng buồn, đó là có những người mang danh là con dân Chúa, nhưng lại lợi dụng lời khuyên của các trưởng lão, người chăn, thậm chí cả Lời Chúa để phục vụ cho ý muốn xác thịt của mình. Họ không chiếu theo Lời Chúa dạy mà phân định việc nào được làm, việc nào không được làm. Nhưng chọn làm theo ý riêng của mình, rồi trích Lời Chúa để biện minh cho việc làm của mình, trích lời khuyên của người chăn và các trưởng lão một phân nửa lấy đó làm cớ cho việc làm của mình. Những người như vậy là đang lợi dụng Chúa, lợi dụng anh chị em mình để phục vụ cho ý muốn xác thịt của mình. Những người như vậy thật sự không có lòng yêu kính Chúa.
Lời Chúa dạy chúng ta yêu Chúa với hết thảy tấm lòng mình, hết thảy linh hồn mình, hết thảy tâm trí mình (Mác 12:30). Người thật yêu kính Chúa thì không còn sống cho chính mình nữa, nhưng Chúa sống trong họ (Ga-la-ti 2:20). Người thật yêu kính Chúa biết rằng “Và, thế gian với sự tham muốn đều qua đi, nhưng ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại cho đến vĩnh cửu.” (I Giăng 2:17).
Khi Ba-la-am không nghe theo mệnh lệnh của Chúa mà quyết định làm theo ý riêng của mình thì cơn thịnh nộ của Ngài đã nổi phừng lên. Vì vậy, Thiên Sứ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đứng trên đường để cản Ba-la-am. Lừa cái nhìn thấy Chúa đứng trên đường tay cầm cây gươm thì không dám đi tiếp mà rẽ vào trong ruộng. Ba-la-am đánh nó và dẫn nó vào đường đi tiếp, nhưng lừa cái vẫn không dám đi, nó nép vào vách, nhưng Ba-la-am lại đánh nó. Trong một ngả hẹp không có qua bên trái hay bên phải được, thì lừa cái thấy Chúa nên đã nằm quỵ dưới Ba-la-am, Ba-la-am lại tiếp tục đánh lừa cái. Chúng ta có thể thấy sự nôn nóng của Ba-la-am khi mau chóng muốn làm xong lời mình nhận với Ba-lác là rủa sả dân I-sơ-ra-ên để sớm nhận được những điều mình mong muốn. Thậm chí, Ba-la-am còn tức giận muốn giết lừa cái đi.
Bấy giờ, Chúa mở miệng lừa ra để nó nói chuyện với Ba-la-am, để Ba-la-am biết rằng bình thường lừa cái vốn không như vậy, để Ba-la-am có cơ hội tra xét lại việc làm của mình. Rồi Chúa mở mắt cho Ba-la-am nhìn thấy Thiên Sứ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đứng trong đường, tay cầm gươm. Lúc đó Ba-la-am mới hoảng sợ và cúi đầu, sấp mặt xuống đất. Chúa cho Ba-la-am biết rằng, vì lừa cái thấy Ngài nên rẽ ra không dám đi tiếp, chứ nếu không thì Chúa đã giết ông. Ba-la-am sợ và biết rằng mình đã phạm tội, và biết Chúa không bằng lòng nên xin trở về không dám đi nữa.
Qua đây chúng ta thấy rằng, lòng tham tiền bạc đã làm cho Ba-la-am mù mắt không thể nhìn biết được ý muốn của Chúa, mà cứ mù quáng làm theo ý của mình và tự lừa dối mình. Chúng ta cũng học được rằng điều gì Chúa không cho phép xảy ra thì chính Ngài sẽ cho phép có sự việc xảy đến để cản trở, không cho phép sự đó được thành. Chúa hoàn toàn có quyền giết Ba-la-am, bởi vì Chúa là Đấng cầm quyền trên muôn loài vạn vật, là Đấng ban sự sống cho muôn loài. Nhưng Ngài chọn không giết Ba-la-am, mà dùng Ba-la-am để hoàn thành chương trình ý định của Ngài. Chúa cho phép Ba-la-am đi cùng các sứ thần của Ba-lác nhưng chỉ được nói những điều mà Chúa sẽ phán dặn Ba-la-am. Chúng ta thấy chương trình của Chúa, dầu thế lực của loài người hay ma quỷ muốn chống nghịch lại Chúa, nhưng Ngài khiến cho mọi việc phải thuyên chuyển theo ý định và chương trình của Ngài. Sự bảo vệ của Chúa trên đời sống của con dân Ngài là toàn diện, từng chút một. Không một kẻ nào có thể phá hủy được chương trình và lời hứa của Ngài.
Cuối cùng Ba-la-am cũng đến nơi gặp Ba-lác. Rồi Ba-lác dẫn Ba-la-am lên Ba-mốt-ba-anh để nhìn thấy toàn cảnh trại quân I-sơ-ra-ên. Sự việc tiếp diễn như thế nào thì chúng ta cùng học trong các chương kế tiếp.
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Thu Thủy