Luật về Của Lễ Dâng Theo Kỳ Định
Nguyễn Thị Thu Thủy
Các bạn thiếu niên thân mến,
Hôm nay, chúng ta học Dân Số Ký 28, chủ đề “Luật về Của Lễ Dâng Theo Kỳ Định”.
Bảng: Luật về Của Lễ Dâng Theo Kỳ Định Trong Thời Cựu Ước
Các Kỳ Định Dâng Của Lễ |
Của Lễ Dâng | Quy Định Dâng |
Của lễ thiêu thường dâng mỗi ngày. | (1) Của lễ thiêu thường dâng: 2 con chiên đực một năm tuổi, không tì vết.
(2) Của lễ chay: 1/10 ê-pha bột nhồi với ¼ hin dầu ô-li-ve. (3) Của lễ thức uống: ¼ hin rượu cho mỗi một chiên con. |
– Một ngày dâng 2 lần vào buổi sáng và buổi tối. Buổi sáng dâng một con, buổi tối dâng một con. Cùng với của lễ chay và của lễ thức uống. |
Của lễ dâng vào ngày Sa-bát. | (1) Của lễ thiêu: Hai con chiên đực một năm tuổi, không tì vết. (2) Của lễ chay: 2/10 ê-pha bột lọc nhồi dầu. (3) Của lễ thức uống: ¼ hin rượu cho mỗi một chiên con. |
– Dâng vào mỗi ngày Sa-bát.
– Vẫn dâng của lễ thiêu thường dâng mỗi ngày. |
Của lễ dâng vào các ngày đầu tháng. | (1) Của lễ thiêu: 2 con bò đực, 1 con chiên đực, 7 con chiên một năm tuổi. Tất cả đều không tì vết.
(2) Của lễ chay: 3/10 ê-pha bột nhồi dầu với mỗi con bò đực, 2/10 ê-pha bột nhồi dầu với con chiên đực, 1/10 ê-pha bột nhồi dầu với mỗi con chiên. (3) Của lễ thức uống: ½ hin rượu nho với mỗi con bò đực, ⅓ hin rượu nho với con chiên đực, ¼ hin rượu nho với mỗi con chiên con. |
– Dâng vào các ngày đầu của mỗi tháng.
– Vẫn dâng của lễ thiêu thường dâng mỗi ngày. – Dâng cùng theo một con dê đực làm của lễ chuộc tội. |
Của lễ dâng vào Lễ Bánh Không Men | (1) Của lễ thiêu: 2 con bò đực con, 1 con chiên đực, 7 con chiên con một năm tuổi. Tất cả đều không có tì vết.
(2) Của lễ chay: 3/10 ê-pha bột nhồi dầu với mỗi con bò đực, 2/10 ê-pha bột nhồi dầu với con chiên đực, 1/10 ê-pha bột nhồi dầu cho mỗi con chiên con. |
– Dâng trong suốt kỳ bảy ngày của Lễ Bánh Không Men, bắt đầu từ ngày 15/1 đến ngày 21/1.
– Dâng cùng với của lễ thiêu thường dâng vào buổi sáng. |
Của lễ dâng trong kỳ lễ của các tuần (Lễ Ngũ Tuần). | (1) Của lễ thiêu: 2 con bò đực con, 1 con chiên đực, 7 con chiên con một năm tuổi.
(2) Của lễ chay: 3/10 ê-pha bột nhồi dầu về mỗi con bò đực, 2/10 ê-pha bột nhồi dầu về con chiên đực, 1/10 ê-pha bột nhồi dầu về mỗi con chiên con. |
– Dâng vào ngày hoa quả đầu mùa, khi dâng của lễ chay mới lên Chúa (nhằm ngày 6 tháng 3).
– Vẫn dâng các của lễ thiêu thường dâng. |
Đó là quy định về việc dâng các của lễ theo kỳ định mà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã phán dặn Môi-se:
“Hãy truyền lệnh cho con cháu của I-sơ-ra-ên! Hãy nói với chúng: Của lễ của Ta, bánh của Ta cho những của lễ thiêu của Ta có hương thơm cho Ta, các ngươi phải giữ, đem đến gần Ta trong kỳ định của chúng!” (Dân Số Ký 28:2).
Đó là luật lệ trong thời Cựu Ước mà dân I-sơ-ra-ên phải vâng theo. Nhưng trong thời Tân Ước con dân Chúa không còn phải dâng các sinh tế làm của lễ theo các quy định đó nữa. Bởi vì Đức Chúa Jesus đã dâng chính thân thể của mình làm của lễ chuộc tội một lần đủ cả cho toàn nhân loại.
“Đấng không cần mỗi ngày dâng sinh tế như các thầy tế lễ thượng phẩm, trước vì những tội của chính họ, sau vì những tội của dân chúng. Vì Ngài đã làm việc đó một lần đủ cả, khi dâng chính mình Ngài.” (Hê-bơ-rơ 7:27).
Ngày nay, trong thời Tân Ước, con dân Chúa không còn phải dâng các con sinh tế làm của lễ thiêu thường dâng nữa. Mà dâng chính thân thể của mình làm của lễ sống và thánh lên cho Chúa.
Lời Chúa dạy rằng:
“Vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi khuyên các anh chị em hãy bởi những sự thương xót của Đức Chúa Trời mà dâng các thân thể của các anh chị em làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của các anh chị em.” (Rô-ma 12:1).
Theo sự dạy dỗ của người chăn:
Của lễ sống khác với của lễ chết. Của lễ chết là vật sống bị giết chết để dâng lên Đức Chúa Trời. Của lễ sống là thân thể sống động của một người được dâng lên Đức Chúa Trời. Của lễ thánh là của lễ hoàn toàn được biệt riêng cho Đức Chúa Trời. [1]
Chúng ta dâng lên Chúa thân thể mình làm của lễ sống và thánh mỗi ngày hai lần sáng và tối khi chúng ta cầu nguyện với Chúa. Buổi sáng thức dậy, buổi tối trước khi đi ngủ, chúng ta có thể thưa với Chúa như sau: “Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha kính yêu của con, con xin kính dâng lên Chúa thân thể con làm của lễ sống và thánh đẹp lòng Ngài.” Vào buổi sáng, thì chúng ta cầu nguyện xin Chúa gìn giữ chúng ta một ngày được sự bình an, không phạm tội với Chúa, nhưng luôn làm những điều đẹp lòng Ngài. Vào buổi tối, thì chúng ta cầu nguyện xin Chúa ban cho chúng ta một đêm ngủ nghỉ bình an, không phạm tội với Chúa trong giấc ngủ, nhưng được sự dạy dỗ của Chúa trong giấc mơ.
Thật vậy, chúng ta dâng thân thể mình lên Chúa làm của lễ sống và thánh không phải chỉ bằng lời nói khi cầu nguyện, mà bằng mỗi việc làm trong đời sống mình. Điều đó có nghĩa là dùng chính thân thể mình mà làm ra những điều Chúa dạy dỗ. Ví dụ như Chúa dạy đọc và suy ngẫm Lời Chúa ngày và đêm thì chúng ta học Lời Chúa mỗi ngày. Ví dụ Chúa dạy chúng ta hiếu kính cha mẹ, thì chúng ta vâng lời làm ngay những điều cha mẹ sai bảo mà không sai nghịch Lời Chúa. Ví dụ Chúa dạy chúng ta giữ gìn thân thể mình là đền thờ của Chúa thì chúng ta siêng năng tắm gội giữ gìn thân thể mình luôn sạch sẽ.
Trong thời Cựu Ước, vào mỗi ngày Sa-bát, ngoài của lễ thiêu thường dâng mỗi ngày, sẽ dâng lên Chúa của lễ thiêu, của lễ chay và của lễ thức uống. Nhưng hiện nay trong thời Tân Ước không còn dâng các của lễ đó nữa, mà chúng ta dâng lên Chúa những của lễ như sau: sự nhóm hiệp thờ phượng Chúa trong ngày Sa-bát; thời gian tương giao với Chúa qua việc đọc Lời Chúa, chia sẻ Lời Chúa; lời ca tiếng hát tôn vinh Chúa; sự thông công và thăm viếng anh chị em cùng Cha,…
“Công việc được làm trong sáu ngày, nhưng ngày Thứ Bảy là Sa-bát của Lễ Nghỉ, là một sự nhóm hiệp thánh; các ngươi sẽ không làm bất cứ công việc gì; ấy là Sa-bát của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu trong khắp những nơi các ngươi ở.” (Lê-vi Ký 23:3).
“Hỡi các anh chị em cùng Cha! Vậy thì nên làm thế nào, khi các anh chị em nhóm hiệp mà ai nấy trong các anh chị em có bài thánh ca, có lời giảng dạy, có một ngôn ngữ khác, có sự mạc khải, có sự thông giải các ngôn ngữ? Hãy làm tất cả cho sự gây dựng!” (I Cô-rinh-tô 14:26).
“Hãy làm lành và chớ quên sự thông công. Vì những của lễ như vậy đẹp lòng Đức Chúa Trời.” (Hê-bơ-rơ- 13:16).
Ngoài của lễ thiêu là các con sinh tế dâng lên Chúa, chúng ta thấy còn có của lễ chay và của lễ thức uống dâng cùng. Theo sự giảng dạy của người chăn, “Của lễ chay là bột mì mịn nhồi với dầu, là một hình thức bánh không men, tiêu biểu cho đời sống đầy dẫy thánh linh, không vướng tội. Của lễ quán là rượu nho, tiêu biểu cho niềm vui của đời sống trong Chúa, trong sự tôn vinh danh Chúa và làm ơn cho mọi người, thông công với anh chị em cùng đức tin.” [2]
Vậy chúng ta hiểu rằng, chính đời sống thánh khiết, theo đuổi sự nên thánh, gớm ghét tội, giữ mình không phạm tội, chính là của lễ dâng lên Chúa. Chỉ khi nào một người thật lòng tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus, hoàn toàn đầu phục Chúa, chết đi con người cũ của mình thì mới có năng lực từ nơi Chúa ban để sống đầy dẫy thánh linh, không vướng tội. Và như vậy, người đó sẽ có niềm vui của cuộc đời mới trong Chúa, họ sẽ không ngớt lời tôn vinh và cảm tạ danh Chúa, đời sống của họ bày tỏ ra bông trái gây dựng khích lệ cho anh chị em cùng Cha và luôn giữ mối thông công mật thiết với anh chị em cùng Cha. Đó cũng chính là của lễ dâng lên Chúa.
Cảm tạ Chúa về bài học hôm nay! Nguyện xin đời sống của mỗi chúng ta là của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời và được Ngài vui nhận.
Ghi Chú: [1] [2] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-ro-ma-12_1-8/