Những Nơi Đóng Trại và Từng Chặng Đường
của Dân I-sơ-ra-ên Trong Hành Trình
Từ Ê-díp-tô Đến Sông Giô-đanh
Nguyễn Thị Thu Thủy
Câu Hỏi Gợi Ý:
1. Em hãy thống kê lại từng chặng đường, nơi đóng trại và sự kiện xảy đến liên quan.
2. Tại sao Chúa lại dẫn dân I-sơ-ra-ên đi một hành trình xa, trải qua nhiều gian nan, thử thách như vậy?
3. Những thử thách Chúa cho phép xảy ra đem lại ích lợi gì?
Gợi Ý Áp Dụng:
1. Có bao giờ em nhìn lại chặng đường theo Chúa của mình để tra xét và nhìn biết mình có yêu Chúa hay không?
2. Trong suốt chặng đường đã qua, Chúa đã chăn dắt em như thế nào? Qua ai? Điều đó có gây dựng như thế nào trong đức tin của em?
3. Có những thử thách, cám dỗ gì xảy đến trong suốt chặng đường đã qua? Em có đắc thắng không? Vì sao có? Vì sao không?
Chia Sẻ:
Các bạn thiếu niên thân mến,
Chúng ta đang học về hành trình dân I-sơ-ra-ên rời khỏi xứ nô lệ Ê-díp-tô tiến về vùng đất hứa Ca-na-an. Trong bài học trước thì chúng ta biết rằng, dân I-sơ-ra-ên đã đến xứ Ga-la-át, chuẩn bị cho việc vượt sông Giô-đanh đánh chiếm vùng đất hứa Ca-na-an. Hôm nay, chúng ta học Dân Số Ký 33 ghi chép lại những nơi đóng trại của dân I-sơ-ra-ên và từng chặng đường của họ trong hành trình từ Ê-díp-tô đến sông Giô-đanh. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán dặn Môi-se ghi chép lại các hành trình của dân I-sơ-ra-ên, tùy theo nơi họ đóng trại.
“Này là các nơi đóng trại của dân I-sơ-ra-ên khi họ ra khỏi xứ Ê-díp-tô tùy theo các đội ngũ, có Môi-se và A-rôn quản lý.” (Dân Số Ký 33:1).
Chặng Đường | Nơi Đóng Trại | Sự Kiện Liên Quan |
1. Từ Ram-se đến Su-cốt | Su-cốt | Dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Số người đàn ông khoảng 600.000 người không kể trẻ con (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:37). |
2. Từ Su-cốt đến Ê-tam | Ê-tam | Đấng Tự Hữu Hằng Hữu dẫn đường cho dân sự bằng trụ mây và trụ lửa (Xuất Ê-díp-tô Ký 13:20). |
3. Từ Ê-tam vòng về hướng Phi Ha-hi-rốt, đối ngang cùng Ba-anh Sê-phôn, đến Mít-đôn | Mít-đôn | Pha-ra-ôn đuổi theo, dân I-sơ-ra-ên hãi hùng kêu van Chúa. Chúa ngăn cản không cho người Ê-díp-tô lại gần dân I-sơ-ra-ên. Chúa làm phép lạ rẽ nước Biển Đỏ giải cứu dân I-sơ-ra-ên, khiến đạo binh của Pha-ra-ôn bị nhấn chìm dưới biển. (Xuất Ê-díp-tô Ký 14). |
4. Từ Phi Ha-hi-rốt đến Ma-ra | Ma-ra | Chúa thử thách dân sự tại Ma-ra, nước tại nơi đó đắng chẳng uống được. Dân sự oán trách, Môi-se kêu cầu, Chúa chỉ cho lấy cây gỗ liệng xuống nước thì nước hóa ra ngọt. (Xuất Ê-díp-tô Ký 15:22-26). |
5. Từ Ma-ra đến Ê-lim | Ê-lim | Tại Ê-lim có mười hai suối nước, bảy mươi cây chà là, dân sự đóng trại tại gần bên suối nước. (Xuất Ê-díp-tô Ký 15:27). |
6. Từ Ê-lim đến gần Biển Đỏ | Gần Biển Đỏ | |
7. Từ Biển Đỏ đến đồng vắng Sin | Đồng vắng Sin | Dân sự oán trách, than vãn muốn ăn thịt và bánh tại xứ nô lê Ê-díp-tô. Chúa làm phép lạ ban chim cút và bánh ma-na cho dân sự. (Xuất Ê-díp-tô Ký 16). |
8. Từ đồng vắng Sin đến Đáp-ca | Đáp-ca | Cả hội chúng I-sơ-ra-ên đi từ đồng vắng Sin, đi từng trạm, tùy theo lệnh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu (Xuất Ê-díp-tô Ký 17). |
9. Từ Đáp-ca đến A-lúc | A-lúc | Cả hội chúng I-sơ-ra-ên đi từ đồng vắng Sin, đi từng trạm, tùy theo lệnh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu (Xuất Ê-díp-tô Ký 17). |
10. Từ A-lúc đến Rê-phi-đim | Rê-phi-đim | Không có nước uống, dân sự cãi lộn, oán trách Môi-se. Chúa làm phép lạ qua việc Môi-se cầm gậy đập vầng đá tại Hô-rếp có nước chảy ra. (Xuất Ê-díp-tô Ký 17). |
11. Từ Rê-phi-đim đến đồng vắng Si-na-i | Đồng vắng Si-na-i | Chúa giáng lâm trên đỉnh Núi Si-na-i và ban hành Mười Điều Răn (Xuất Ê-díp-tô Ký 19 & 20). |
12. Từ Si-na-i đến Kíp-rốt Ha-tha-va. | Kíp-rốt Ha-tha-va. | Dân I-sơ-ra-ên sinh lòng tham muốn, lằm bằm, khinh bỉ và chê đồ ăn Chúa ban, khóc lóc nhớ về Ê-díp-tô. Chúa làm phép lạ, khiến một trận gió dẫn chim cút đến. Dân sự bị phạt một tai vạ rất nặng, thịt còn nơi răng chưa nhai. (Dân Số Ký 11). |
13. Từ Kíp-rốt Ha-tha-va đến Hát-sê-rốt. | Hát-sê-rốt | Mi-ri-am và A-rôn nói nghịch Môi-se (Dân Số Ký 12). |
14. Từ Hát-sê-rốt đến Rít-ma | Rít-ma | |
15. Từ Rít-ma đến Ri-môn Phê-rết | Ri-môn Phê-rết | |
16. Từ Ri-môn Phê-rết đến Líp-na | Líp-na | |
17. Từ Líp-na đến Ri-sa | Ri-sa | |
18. Từ Ri-sa đến Kê-hê-la-tha | Kê-hê-la-tha | |
19. Kê-hê-la-tha đến Núi Sê-phe | Núi Sê-phe | |
20. Từ Núi Sê-phe đến Ha-ra-đa | Ha-ra-đa | |
21. Từ Ha-ra-đa đến Mác-hê-lốt | Mác-hê-lốt | |
22. Từ Mác-hê-lốt đến Ta-hát | Ta-hát | |
23. Từ Ta-hát đến Ta-rách | Ta-rách | |
24. Từ Ta-rách đến Mít-ga | Mít-ga | |
25. Từ Mít-ga đến Hách-mô-na | Hách-mô-na | |
26. Từ Hách-mô-na đến Mô-sê-rốt | Mô-sê-rốt | |
27. Từ Mô-sê-rốt đến Bê-ne Gia-can | Bê-ne Gia-can | |
28. Từ Bê-ne Gia-can đến Hô Ghi-gát | Hô Ghi-gát | |
29. Từ Hô Ghi-gát đến Dốt-ba-tha | Dốt-ba-tha | |
30. Từ Dốt-ba-tha đến Áp-rô-na | Áp-rô-na | |
31. Từ Áp-rô-na đến Ê-xi-ôn Ghê-be | Ê-xi-ôn Ghê-be | |
32. Từ Ê-xi-ôn Ghê-be đến đồng vắng Xin | Ca-đe | Mi-ri-am qua đời. Dân sự lằm bằm vì không có nước. A-rôn và Môi-se bị vấp phạm vì dân sự (Dân Số Ký 20). |
33. Từ Ca-đe đến Núi Hô-rơ | Núi Hô-rơ | A-rôn qua đời trên Núi Hô-rơ, được 123 tuổi (Dân Số Ký 33). |
34. Từ Hô-rơ đến Xa-mô-na. | Xa-mô-na | |
35. Từ Xa-mô-na đến Phu-nôn | Phu-nôn | |
36. Từ Phu-nôn đến Ô-bốt | Ô-bốt | |
37. Từ Ô-bốt đến I-giê-a-ba-rim, trên bờ cõi Mô-áp. | I-giê-a-ba-rim | |
38. Từ I-giê-a-ba-rim đến Đi-bôn Gát | Đi-bôn Gát | |
39. Từ Đi-bôn Gát đến Anh-môn Đíp-la-tha-im. | Anh-môn Đíp-la-tha-im | |
40. Từ Anh-môn Đíp-la-tha-im đến Núi A-ba-rim trước Nê-bô. | Núi A-ba-rim | Môi-se lên Núi A-ba-rim và nhìn xem xứ Ca-na-an. Chúa chọn Giô-suê thay thế cho Môi-se (Dân Số Ký 27). |
41. Từ Núi A-ba-rim đến đồng bằng Mô-áp, gần sông Giô-đanh, đối ngang Giê-ri-cô. | Tổng số người nam trên 20 tuổi ra đi từ xứ Ê-díp-tô là 603.550 người, chỉ còn lại 2 người, còn lại ngã chết trong đồng vắng. Tu bộ lại dân I-sơ-ra-ên có 601.730 người nam trên 20 tuổi, là con cháu họ sinh ra (Dân Số Ký 26). |
Bảng: Những Nơi Đóng Trại và Từng Chặng Đường
của Dân I-sơ-ra-ên Trong Hành Trình Từ Ê-díp-tô Đến Sông Giô-đanh
Nhìn lại hành trình của dân I-sơ-ra-ên từ khi ra khỏi xứ nô lệ Ê-díp-tô đến sông Giô-đanh, với quãng thời gian 40 năm lang thang trải qua các đồng vắng. Chúng ta nhận thấy dân I-sơ-ra-ên là một dân cứng cổ, hay lằm bằm, than van, oán trách Chúa và người Chúa đặt để trong sự chăn dắt họ. Cứ mỗi khi gặp khó khăn, thử thách thì họ liền lập tức đòi hỏi, kêu than, lằm bằm, thậm chí còn nổi dậy chống nghịch và phản loạn, đòi trở về xứ nô lệ Ê-díp-tô. Chúa là Đấng biết trước mọi sự, Ngài nhìn biết rõ tấm lòng của mỗi người. Chính vì vậy, đó là lý do:
“Khi Pha-ra-ôn tha dân I-sơ-ra-ên đi, Thiên Chúa không dẫn dân ấy đi theo đường về xứ Phi-li-tin, là đường gần hơn hết, vì Ngài nói rằng: Kẻo khi dân thấy trận mạc, dời lòng trở về xứ Ê-díp-tô chăng. Cho nên Thiên Chúa dẫn chúng đi vòng theo đường trong đồng vắng, về hướng Biển Đỏ. Dân I-sơ-ra-ên cầm khí giới ra khỏi xứ Ê-díp-tô.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 13:17-18).
Nhìn lại suốt hành trình Thiên Chúa dẫn dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô, chúng ta thấy Thiên Chúa là Tình Yêu, dầu cho họ xấu xa, gian ác nhưng Chúa vẫn ban cho họ nhiều cơ hội nhận biết tình yêu của Ngài mà cải hối. Chúa vẫn nhẫn nại, chịu đựng, giải cứu, làm phép lạ, cứu họ ra khỏi tay quân thù nghịch, rèn tập họ qua những thử thách. Bên cạnh đó chúng ta thấy Thiên Chúa là Công Chính nên Ngài phán xét tội lỗi. Thiên Chúa là Thánh Khiết nên Ngài không chấp nhận tội lỗi, và Ngài sửa phạt kẻ phạm tội mà không chịu ăn năn. Ngoài ra, chúng ta còn nhìn biết Thiên Chúa là Đấng Thành Tín, Ngài luôn giữ trọn lời hứa của Ngài, Ngài dẫn dắt dân sự ra khỏi xứ nô lệ qua Môi-se. Trong từng chặng đường, từng nơi họ đóng trại đều có Môi-se và A-rôn quản lý.
Chúa dẫn dân I-sơ-ra-ên đi đường vòng, một hành trình xa, trải qua nhiều gian nan, thử thách là vì Ngài không muốn dân sự gặp chiến trận thì nản lòng quay trở về Ê-díp-tô. Để qua những thử thách thì dân sự bày tỏ ra tấm lòng của mình đối cùng Chúa là như thể nào, và để họ rèn tập mình qua hành trình đồng vắng trong sự nhận biết Chúa, tin cậy Ngài, đánh chiếm vùng đất hứa đượm sữa và mật mà Chúa ban cho. Nhưng tiếc thay, trong số 603.550 người nam từ 20 tuổi trở lên dời khỏi Ê-díp-tô, cuối cùng chỉ còn 2 người được vào vùng đất hứa là Giô-suê và Ca-lép. Số còn lại thì ngã chết trong đồng vắng vì cớ sự phạm tội của mình.
Các bạn thiếu niên thân mến,
Qua Lời Chúa ghi lại hành trình của dân I-sơ-ra-ên trong Dân Số Ký 33 hôm nay, chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại suốt linh trình của mình từ khi tin nhận Chúa đến hiện tại để tra xét mỗi việc xảy đến trên đời sống mình và mọi lời nói, thái độ và việc làm của mình có bày tỏ ra tấm lòng yêu kính Chúa hay không? Chúng ta cùng nhìn lại từng năm, từng tháng, từng ngày đã trôi qua, khi có ơn phước trên đời sống mình thì mình có nhận biết đó là từ nơi Chúa ban cho và kính dâng lời cảm tạ Chúa với tấm lòng biết ơn. Khi có những thử thách Chúa cho phép xảy đến trên đời sống mình thì mình có thái độ như thế nào? Có dâng lời cảm tạ Chúa và tra xét mình, kêu cầu Chúa để xin Chúa chỉ dạy vượt qua, hay là than van, lằm bằm, oán trách, làm ra những sự không đẹp lòng Chúa. Sau khi nhìn lại thì chúng ta thấy mình ra sao, bao nhiêu lần biết tạ ơn Chúa, đặt đức tin nơi Chúa, kêu cầu Chúa, trông đợi Chúa. Hay là chỉ toàn là những lời than van, oán trách, lằm bằm?
Nhìn vào suốt chặng đường của dân I-sơ-ra-ên thì họ lặp đi lặp lại sự than van, oán trách, vô ơn, bất tín, điều đó nói lên bản tính của họ. Cũng vậy, nếu chúng ta nhìn lại mà thấy mình lặp đi lặp lại tính xấu, thói xấu thì điều đó thể hiện bản tính của mình. Không phải là tại vì ai, điều gì, hay hoàn cảnh xảy đến khiến cho mình như vậy, mà vì đó là bản tính của mình.
“Không có sự cám dỗ hoặc thử thách nào đã nắm giữ được các anh chị em, ngoại trừ nếu sự ấy thuộc về bản tính của loài người. Nhưng Đức Chúa Trời thành tín, là Đấng sẽ không để cho các anh chị em chịu cám dỗ hoặc thử thách nào vượt quá năng lực của các anh chị em; nhưng Ngài sẽ làm cho cùng với sự cám dỗ hoặc thử thách có một lối thoát, để các anh chị em có năng lực chịu đựng.” (I Cô-rinh-tô 10:13).
Như vậy, nếu mỗi khi Chúa cho phép thử thách xảy đến mà qua đó chúng ta nhận thấy hoặc được chỉ ra mình còn thói hư, tật xấu của con người cũ xác thịt thì mau chóng hạ mình ăn năn, cậy nhờ ơn của Chúa để từ bỏ. Còn nếu như không hạ mình ăn năn từ bỏ, thì sẽ tiếp tục lâm vấp phạm tội càng thêm. Người như vậy đã bày tỏ ra mình không yêu kính Chúa, cũng giống như những người I-sơ-ra-ên khi thử thách xảy đến thì phạm tội chống nghịch Chúa. Thật ra người như vậy thì chỉ yêu chính mình và yêu những thú vui xác thịt thuộc về đời này, nên muốn làm ra những điều đó để thỏa với ý muốn của mình.
Người thật lòng tin kính Chúa vẫn có những thử thách và cám dỗ xảy đến trên đời sống mình, vì Chúa cho phép xảy ra để rèn tập họ, và để chính họ, thế gian và ma quỷ nhìn biết sự yêu kính Chúa của họ như thế nào. Nhưng người thật lòng tin kính Chúa thì trong mọi sự xảy ra họ đều biết cảm tạ Chúa vì mọi sự hiệp lại làm ích cho những người yêu mến Chúa.
“Hỡi những người yêu dấu! Khi các anh chị em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường. Nhưng các anh chị em có phần trong sự thương khó của Đấng Christ bao nhiêu, thì hãy vui mừng bấy nhiêu, để cho đến ngày vinh quang của Ngài hiện ra, thì các anh chị em cũng được vui mừng lớn.” (I Phi-e-rơ 4:12-13).
Một trong những điều quan trọng giúp cho chúng ta trưởng thành trong đức tin, đứng vững trước những cám dỗ, thử thách Chúa cho phép xảy đến, đó chính là nhận biết người chăn dắt thuộc linh cho mình. Bài học từ dân I-sơ-ra-ên cho chúng ta thấy, Chúa đã chăn dắt họ qua Môi-se, Ngài phán bảo với ông mọi ý muốn của Ngài dành cho dân sự, Ngài giao cho Môi-se và A-rôn trong việc quản lý việc đóng trại trong suốt hành trình. Vì vậy, các em cần nhận biết Chúa đã dùng ai để chăn dắt mình, để mau chóng nhận biết ý muốn của Chúa thông qua họ và sốt sắng làm theo.
Hiện nay, trong độ tuổi thiếu niên (12-17 tuổi), bố mẹ của các em (người tin kính Chúa) chính là người mà Chúa đặt để trực tiếp chăn dắt các em. Vì bố mẹ là người chăm sóc, nhận biết tình trạng thuộc linh của các em, sẽ đưa ra lời khuyên, lời hướng dẫn, dạy dỗ. Kế đến là Ban Chăm Sóc Thiếu Niên là người mà Chúa đặt để trong việc chăm sóc các em. Vì họ được Chúa kêu gọi vào trong việc chăm sóc các thiếu niên trong Hội Thánh. Ngoài ra còn có các trưởng lão và người chăn, là người chăn dắt bầy chiên và giảng dạy Lời Chúa cho hết thảy chúng ta nhận biết lẽ thật Lời Chúa và sống theo.
Vậy nếu đã nhận biết ai là người mà Chúa đặt để trong sự chăn dắt mình, thì các bạn thiếu niên hãy cầu nguyện xin Chúa ban cho mình tấm lòng vâng phục mọi điều khuyên dạy theo Lời Chúa của những người chăn dắt mình một cách vui lòng. Bởi vì vâng phục người chăn dắt mình, chính là vâng phục Chúa.
Ví dụ, khi bố mẹ đề nghị thời gian biểu sinh hoạt là 6h-6h30 sáng cầu nguyện và học Thánh Kinh, trước khi ăn sáng và đi học. Thì chúng ta phải mau chóng nhận biết đó là ý muốn của Chúa dành cho mình trong sự nề nếp và trung tín cầu nguyện học Thánh Kinh, và lập tức nhanh chóng vui vẻ sắp xếp để làm y theo lời khuyên dạy của bố mẹ. Mỗi ngày đều cầu nguyện xin Chúa ban ơn cho mình trung tín làm như điều bố mẹ dạy. Còn nếu chúng ta khó chịu, bực bội, than van, thì chúng ta đang than van với Chúa. Thái độ, lời nói và hành động đó tỏ ra sự không yêu kính Chúa và không vâng phục bố mẹ.
Ví dụ, khi Ban Chăm Sóc Thiếu Niên ra quy định nộp bài chia sẻ phải theo mẫu quy định để được gọn gàng, sạch đẹp và có sự thống nhất. Thì chúng ta phải mau chóng nhận biết đó là ý muốn Chúa muốn rèn tập mình trong sự cẩn thận, và mau chóng học biết và làm theo quy định. Cầu nguyện xin Chúa ban ơn cho mình làm được đúng như quy định, điều gì không hiểu thì thưa trình để được hướng dẫn. Còn nếu chúng ta thờ ơ, không quan tâm, thậm chí còn cảm thấy phiền phức và không muốn làm như vậy thì chúng ta đã xem thường thẩm quyền Chúa đặt để trên mình.
Mỗi người, mỗi độ tuổi đều có những sự cám dỗ hoặc thử thách Chúa cho phép xảy ra khác nhau. Vấn đề là thái độ, lời nói và việc làm của chúng ta khi đối diện với thử thách và cám dỗ sẽ bày tỏ ra chúng ta có yêu kính Chúa hay không. Vậy cô xin dùng Lời Chúa trong Gia-cơ 1:2-4 để khích lệ các con, như sau:
“Hỡi các anh chị em cùng Cha của tôi, khi các anh chị em rơi vào mọi sự thử thách khác nhau, hãy xem mỗi sự đều là sự vui mừng. Hãy biết rằng, sự thử nghiệm đức tin của các anh chị em đem lại sự nhẫn nại. Nhưng hãy để sự nhẫn nại làm trọn việc nó, để các anh chị em được nên trọn vẹn, không thiếu sót.” (Gia-cơ 1:2-4).
Nguyện Lời Chúa thánh hóa các con, và khiến các con được nên trọn vẹn trước Chúa. Nguyện qua mỗi sự thử thách và cám dỗ Chúa cho phép xảy ra thì các con càng ngày càng yêu kính Chúa và trưởng thành trong đức tin của mình nơi Chúa!
One Reply to “Dân Số Ký 33 Những Nơi Đóng Trại và Từng Chặng Đường của Dân I-sơ-ra-ên Trong Hành Trình Từ Ê-díp-tô Đến Sông Giô-đanh”