Dân Số Ký 34 Giới Hạn Xứ Ca-na-an – Những Người Phân Chia Xứ

180 lượt xem

Giới Hạn Xứ Ca-na-an – Những Người Phân Chia Xứ

Nguyễn Thị Thu Thủy

Câu Hỏi Gợi Ý:

1. Sự giới hạn xứ Ca-na-an do ai quy định? Tại sao cần có sự quy định?
2. Dân I-sơ-ra-ên sẽ chia xứ Ca-na-an theo hình thức như thế nào, chia cho những chi phái nào?
3. Ai là người chọn những người sẽ đứng ra chia xứ? Vì sao cần có người chia xứ?

Gợi Ý Áp Dụng:

1. Em có nhận biết mọi sự, mọi thứ đều do Chúa quy định, sắp xếp và ban cho? Hãy nêu lên ví dụ trong đời sống mình từ thuộc thể đến thuộc linh giúp em nhìn biết điều đó.
2. Em có nhận biết Chúa đã đặt để, giao cho những thẩm quyền trên mình quyền sắp đặt và cai trị? Hãy nêu lên ví dụ trong đời sống mình.

Chia Sẻ:

Các bạn thiếu niên thân mến,

Dân Số Ký 34 ghi lại lời phán dặn của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu với Môi-se về việc dân I-sơ-ra-ên sẽ vào xứ Ca-na-an để nhận xứ làm sản nghiệp, Chúa phân định giới hạn xứ cho họ và chọn ra những người sẽ làm công việc phân chia xứ.

Trước tiên, chúng ta cùng nhau học về giới hạn xứ Ca-na-an mà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã định cho dân I-sơ-ra-ên. 

Bản Đồ: Giới Hạn Xứ Ca-na-an Theo Dân Số Ký 34
(Ghi chú bằng tiếng Việt bởi Phạm Trịnh Minh Anh)

1. Giới hạn phía Nam: giới hạn từ đầu Biển-mặn về bên hướng đông, chạy vòng phía nam Núi Ạc-ráp-bim, đi ngang về hướng Xin giáp phía nam Ca-đe-nê-a, chạy qua Hát-sa Át-đa, đi ngang hướng Át-môn. Rồi từ Át-môn giới hạn chạy vòng về lối suối Ê-díp-tô và giáp biển.

Như vậy, chúng ta thấy phía Nam của I-sơ-ra-ên tính từ đầu Biển-mặn. Biển-mặn hay còn gọi là Biển Chết. Sở dĩ nó có hai tên gọi như vậy là vì độ mặn ở Biển-mặn cao gấp 10 lần so với nước biển thường (hàm lượng muối trong nước biển thông thường 3%, nhưng ở Biển-mặn khoảng 32%). Cũng chính vì nó có độ mặn cao nên các loài cá và các thủy sinh vật không thể tồn tại trong đó. Tuy nhiên, hàm lượng khoáng chất trong nước Biển-mặn cao hơn nhiều so với các đại dương, giúp thư giãn, bổ dưỡng cho da, trị các vấn đề về da, và nó đã trở thành một trung tâm nghiên cứu sức khỏe và điều trị lớn vì một số lý do. [1]

2. Giới hạn phía Tây: giới hạn là dọc mé biển lớn.

Biển lớn này ngày nay được gọi là Biển Địa Trung Hải. Với giới hạn phía tây của xứ Ca-na-an chạy dài giáp với biển, mang lại nhiều lợi ích như điều hòa khí hậu, cung cấp lượng thực phẩm, cung cấp nguồn tài nguyên khoáng sản,…

3. Giới hạn phía Bắc: Từ biển lớn, lấy Núi Hô-rơ làm giới hạn đến đầu Ha-mát, giáp Xê-đát. Về hướng Xíp-rôn cho đến Hát-sa Ê-nan.

4. Giới hạn phía Đông: Từ Hát-sa Ê-nan tới Sê-pham, xuống đến Ríp-la về hướng đông của A-in, chạy xuống vươn tới ghềnh Biển Ki-nê-rết, chạy xuống phía sông Giô-đanh, giáp Biển-mặn.

Biển Ki-nê-rết hay còn gọi là Biển Ga-li-lê, là nơi chứa nước ngọt lớn nhất của I-sơ-ra-ên, là nguồn nước chính cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho họ. 

Sông Giô-đanh là nơi mà dân I-sơ-ra-ên sẽ vượt qua để tiến đánh vùng đất hứa Ca-na-an. Nhìn vào bản đồ (bên phải) chúng ta thấy, về phía bên này sông Giô-đanh, chính là xứ Ga-la-át mà hai chi phái Gát, Ru-bên cùng phân nửa chi phái Ma-na-se đã xin nhận làm sản nghiệp.

Như vậy, chúng ta thấy giới hạn một vùng đất dành cho dân tộc nào là bởi Thiên Chúa là Đấng định trước và ban cho. Bởi vì “Đất và muôn vật trên đất, thế gian và những kẻ ở trong đó, đều thuộc về Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Vì Ngài đã lập đất trên các biển, và đặt nó vững trên các dòng nước lớn” (Thi Thiên 24:1).

Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu đã ban cho tuyển dân của Ngài là I-sơ-ra-ên xứ Ca-na-an làm cơ nghiệp, là một nơi đượm sữa và mật, vinh quang nhất trong các đất (Ê-xê-chi-ên 20:6).

Sau khi nhận biết giới hạn của xứ Ca-na-an mà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ban cho họ, thì:

“Môi-se truyền lệnh này cho dân I-sơ-ra-ên mà rằng: Ấy đó là xứ các ngươi sẽ gieo thăm chia ra mà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã phán dặn cho chín chi phái và phân nửa của một chi phái.” (Dân Số Ký 34:13).

Lý do dân I-sơ-ra-ên có 12 chi phái mà chỉ chia cho chín chi phái và phân nửa của một chi phái là vì chi phái Ru-bên, chi phái Gát và phân nửa chi phái Ma-na-se đã chọn lấy phần sản nghiệp cho mình ở phía bên kia sông Giô-đanh (Dân Số Ký 32).

Kế đó Chúa cũng phán dặn Môi-se những người mà Chúa chọn đứng ra chia xứ. Đó là Thầy Tế Lễ Ê-lê-a-sa, Giô-suê người sẽ thay thế Môi-se trong việc dẫn dắt dân sự chiếm đánh vùng đất hứa. Ngoài ra còn có mười quan trưởng của mười chi phái, đó là Ca-lép (chi phái Si-mê-ôn), Ê-li-đát (chi phái Bên-gia-min), Bu-ki (chi phái Đan), Ha-ni-ên (chi phái Ma-na-se), Kê-mu-ên (chi phái Ép-ra-im), Ê-lít-sa-phan (chi phái Sa-bu-lôn), Pha-ti-ên (chi phái I-sa-ca), A-hi-hút (chi phái A-se), Phê-đa-ên (chi phái Nép-ta-li).

Đây là những người mà Chúa chọn họ đứng ra đảm nhận trọng trách chia sản nghiệp cho dân I-sơ-ra-ên trong xứ Ca-na-an. Như vậy, chúng ta hiểu rằng, các thẩm quyền đều đến từ Chúa. Họ được lập nên để hoàn thành chương trình, ý định của Ngài.

“Mọi linh hồn phải vâng phục các quyền cao hơn mình; vì chẳng có quyền nào mà chẳng đến bởi Thiên Chúa, các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ định. Cho nên, ai chống cự chính quyền tức là đối nghịch với sự sắp xếp của Đức Chúa Trời. Nhưng những kẻ đối nghịch sẽ chuốc lấy án phạt vào mình.” (Rô-ma 13:1-2).

Các quyền cao hơn mà Chúa đặt để loài người vào trong sự vâng phục, đó là: 

  • Trong gia đình chồng có quyền trên vợ, bố mẹ có quyền trên con cái; 
  • Trong Hội Thánh mọi người phải vâng phục lẫn nhau theo Lời Chúa dạy, vâng phục người chăn, các trưởng lão là những thẩm quyền Chúa đặt để trên mình; 
  • Trong xã hội người chủ có quyền trên tôi tớ, các bậc cầm quyền có quyền trên người dân, thầy cô có quyền trên học sinh,… 

Chúng ta vâng phục khi những mệnh lệnh, yêu cầu của những quyền trên mình không có điều gì sai nghịch Lời Chúa dạy. Chúng ta vâng phục với lòng tôn kính và nhận biết quyền mà họ đang thi hành là đến từ Đức Chúa Trời. Chúng ta cẩn thận làm theo những điều mà các quyền trên mình yêu cầu, sắp xếp, chỉ định với lòng nhận biết rằng: “Mọi sự đều nên làm cách phải lẽ và theo thứ tự” (I Cô-rinh-tô 14:40).

Hiện nay, trong lứa tuổi thiếu niên các em đang được Chúa đặt để dưới các quyền cai trị như trong gia đình thì dưới sự cai trị của bố mẹ.

“Hỡi những người làm con! Hãy vâng phục cha mẹ của mình trong Chúa, vì điều đó là công chính. Hãy tôn kính cha và mẹ của ngươi! Đó là điều răn thứ nhất với một lời hứa, để ngươi được phước và được sống lâu trên đất.” (Ê-phê-sô 6:1-3).

Như vậy, Chúa đặt để và giao cho cha mẹ chúng ta quyền cai trị mình. Vậy hết thảy mọi ý muốn và sự sắp xếp của cha mẹ muốn chúng ta làm từ thuộc thể đến thuộc linh không sai nghịch Lời Chúa, thì chúng ta có bổn phận làm y theo. Ví dụ như trong thuộc thể ba mẹ muốn chúng ta gọn gàng, dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa, ăn uống xong dọn dẹp cẩn thận, giờ giấc sinh hoạt đúng giờ; trong thuộc linh ba mẹ muốn chúng ta mỗi ngày đều có giờ giấc trong việc cầu nguyện và đọc Thánh Kinh,.. Tất cả những điều đó không sai nghịch Lời Chúa thì chúng ta có bổn phận vui lòng, hết sức làm y theo ý muốn và sự sắp xếp của ba mẹ. Vì Chúa muốn rèn tập chúng ta trong sự kỷ luật, trong nề nếp, mà khi chúng ta hết lòng nghe theo ý muốn của ba mẹ thì nếp sống của chúng ta được đẹp lòng ba mẹ, đẹp lòng Chúa.

Trong Hội Thánh, Chúa đặt để chúng ta dưới sự chăm sóc của Ban Chăm Sóc, dưới sự cai trị của các trưởng lão, dưới sự chăn dắt của người chăn. 

“Cũng vậy, các bạn trẻ hãy vâng phục các trưởng lão. Mọi người hãy vâng phục lẫn nhau, mặc cho mình sự khiêm nhường; vì Đức Chúa Trời chống cự những kẻ kiêu ngạo mà ban ơn cho những người khiêm nhường.” (I Phi-e-rơ 5:5).

Vì vậy, chúng ta cũng cần làm theo sự sắp xếp của Ban Chăm Sóc, các trưởng lão và người chăn. Chúng ta cũng có thể đóng góp ý kiến để gây dựng, mang lại ích lợi, nhưng nếu các quyền cao hơn mình đã thống nhất quyết định, thì chúng ta hiểu rằng, đó là ý muốn và sự sắp xếp của Chúa cho mình qua các quyền cao hơn mình.

Trong xã hội, Chúa đặt để các thầy cô giáo trên quyền của học sinh, vậy những điều thầy cô quy định không sai nghịch Lời Chúa thì các bạn hết lòng vâng theo. Ví dụ: giữ trật tự trong lớp học, giữ gìn vệ sinh lớp học, không sao chép bài bạn,… Còn những điều thầy cô quy định sai nghịch Lời Chúa thì không vâng theo, ví dụ như: đi vào chùa chiền để thắp hương cầu xin, hoặc mời gọi tin vào bất cứ một thần nào để xin cho các dịp thi; tham dự các lễ hội sai nghịch Lời Chúa,… Ngoài ra chúng ta còn cần vâng theo các luật lệ của các bậc cầm quyền trên mình, ví dụ như luật giao thông không vượt đèn đỏ, đội mũ bảo hiểm, không đốt phá rừng, không xả rác bừa bãi. Còn những luật lệ trái nghịch Lời Chúa: không đọc Thánh Kinh, không được tin Chúa, không được thờ phượng Chúa,… thì chúng ta không vâng theo.

Qua bài học này, chúng ta thấy rõ rằng, Chúa là Đấng thiết lập các quyền cai trị trên mình cả thuộc linh lẫn thuộc thể. Vì vậy, chúng ta cần có lòng vâng phục, kính trọng các quyền trên mình. Mỗi khi nhận được đề nghị hay yêu cầu từ các quyền trên mình mà không sai nghịch Lời Chúa thì tiếp nhận với tấm lòng nhận biết thánh ý Chúa trên mình mà làm y theo.

Nguyện Chúa ban cho các bạn thiếu niên tấm lòng kính sợ Chúa, nhận biết các quyền Chúa đặt để trên mình và hết lòng vâng phục để rèn tập một nếp sống đẹp lòng Chúa.

Ghi Chú:

[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Bi%E1%BB%83n_Ch%E1%BA%BFt#Th%C3%A0nh_ph%E1%BA%A7n_h%C3%B3a_h%E1%BB%8Dc_v%C3%A0_hi%E1%BB%87u_%E1%BB%A9ng_s%E1%BB%A9c_kh%E1%BB%8Fe

One Reply to “Dân Số Ký 34 Giới Hạn Xứ Ca-na-an – Những Người Phân Chia Xứ”

Để lại một bình luận