Các Thành của Người Lê-vi – Luật về Việc Báo Thù Máu
Nguyễn Thị Thu Thủy
Câu Hỏi Gợi Ý:
1. Tại sao mỗi chi phái trong dân I-sơ-ra-ên cần nhường thành và đất cho người Lê-vi?
2. Có mấy thành ẩn náu trong dân I-sơ-ra-ên? Thành ẩn náu là thành gì?
3. Thành ẩn náu dành cho ai? Có quy định gì cho người ở trong thành ẩn náu?
Gợi Ý Áp Dụng:
1. Em sẽ chia xẻ điều gì cho những người chuyên tâm hầu việc Chúa?
2. Con dân Chúa trong thời Tân Ước có nơi nương náu mình hay không? Mỗi khi có sự phạm tội, sự khó khăn,… xảy đến trên đời sống em, thì em nương náu vào ai? Điều đó đã giúp ích cho em như thế nào?
Chia Sẻ:
Các bạn thiếu niên thân mến,
Chúng ta đã học biết, ngoài mười hai chi phái của dân I-sơ-ra-ên, thì còn một chi phái Lê-vi, là chi phái Chúa đã biệt riêng ra để làm các công việc của Đền Tạm. Chi phái Lê-vi được nhận thuế một phần mười từ dân sự để làm lương về công việc của họ làm trong Đền Tạm, vì vậy Chúa đã phán rằng: Họ sẽ không có cơ nghiệp giữa dân I-sơ-ra-ên. Như vậy, xứ Ca-na-an chia cho các chi phái khác làm sản nghiệp, nhưng không chia cho người Lê-vi. Vậy, khi vào xứ Ca-na-an thì người Lê-vi sẽ ở tại đâu? Chúa phán dặn điều gì về chỗ ở cho chi phái Lê-vi? Chúng ta sẽ cùng học Dân Số Ký 35 với chủ đề “Các Thành của Người Lê-vi – Luật về Việc Báo Thù Máu” để học biết về những điều Chúa phán dặn cho chi phái Lê-vi.
Chi phái Lê-vi không được chia xứ Ca-na-an làm sản nghiệp như các chi phái khác. Vì vậy, trước khi vào xứ Ca-na-an, tại đồng bằng Mô-áp, gần sông Giô-đanh, Chúa đã phán dặn Môi-se, về chỗ ở của chi phái Lê-vi như sau:
- Mỗi chi phái nhường thành của mình cho người Lê-vi ở, và cho luôn một miếng đất ở chung quanh các thành đó. Các thành để người Lê-vi ở, còn đất chung quanh thành thì để cho súc vật, sản vật, thú vật của họ.
- Đất chung quanh thành tính từ vách thành hướng ra ngoài nhường cho người Lê-vi là một ngàn cu-bít, phần đó để ở và nuôi gia súc. Rồi từ phía ngoài của một ngàn cu-bít đó đo thêm hai ngàn cu-bít về bốn phía đông, tây, nam, bắc, làm nơi trồng trọt. Vậy tổng cộng đất nhường cho người Lê-vi là ba ngàn cu-bít tính từ vách thành.
- Các thành nhường cho người Lê-vi tổng là 48 cái, trong đó: 6 cái thành làm thành ẩn náu, còn 42 cái thành để người Lê-vi ở. Chi phái nào có nhiều sản nghiệp hơn thì nhường nhiều thành cho người Lê-vi hơn, chi phái có sản nghiệp ít thì nhường ít hơn.
Chúng ta thấy rằng, chi phái Lê-vi được biệt riêng ra trong sự phụng sự Chúa các công việc chăm sóc Đền Tạm. Chúa ra quy định mười hai chi phái của dân I-sơ-ra-ên đóng thuế một phần mười cho chi phái Lê-vi, và chỗ ở của người Lê-vi Chúa cũng muốn các chi phái nhận được sản nghiệp thì nhường chỗ ở cho người Lê-vi. Các chi phái trong I-sơ-ra-ên có bổn phận chia xẻ của cải vật chất của mình từ vật thực cần dùng đến nơi ở cho người Lê-vi. Như vậy, các chi phái cũng được dự phần đồng công cùng người Lê-vi trong các công việc phụng sự Chúa.
Bài học chúng ta rút ra, đó là:
- Con dân Chúa có bổn phận chia xẻ những điều cần dùng từ vật thực cần dùng đến nơi ở cho những người được Chúa biệt riêng cho sự hầu việc Chúa. Chúng ta có thể chia xẻ từ ngay những việc rất nhỏ như mỗi bữa ăn, mỗi ngày tiết kiệm lại 5 hay 10 nghìn, mỗi dịp được thưởng dành ra một phần tiền dâng hiến cho những người chuyên tâm hầu việc Chúa. Nếu chúng ta ở gần thì có thể chia xẻ thức ăn, đồ dùng, nơi ở, phương tiện đi lại. Trong thời Tân Ước hiện nay, những người được Chúa biệt riêng ra cho sự hầu việc Chúa đó là người chăn để giảng dạy Lời Chúa, các trưởng lão để cai trị Hội Thánh.
“Các trưởng lão khéo cai trị Hội Thánh thì xứng đáng với sự tôn kính gấp đôi, nhất là những người lao nhọc trong sự giảng dạy Lời và giáo lý. Vì Thánh Kinh nói: Ngươi chớ khớp miệng con bò đang đạp lúa. Người làm công thì đáng được tiền công của mình.” (I Ti-mô-thê 5:17-18).
“Người nào được dạy trong Lời, thì người ấy hãy chia hết thảy trong của cải mình cho người dạy.” (Ga-la-ti 6:6).
- Sự con dân Chúa chia xẻ cho những người chuyên tâm hầu việc Chúa là sự đồng công, cùng dự phần với họ. Chúa ban cho con dân Chúa có cơ hội làm việc lành để được nhận phần thưởng trong ngày Đấng Christ tái lâm.
“Còn ai trong danh Ta mà cho các ngươi một chén nước để uống, vì các ngươi thuộc về Đấng Christ, Ta nói với các ngươi, thật, người ấy sẽ không mất phần thưởng của mình.” (Mác 9:41).
- Chúng ta cũng học được sự chia xẻ, nhường nhịn đối với nhau trong tình yêu thương theo Lẽ Thật Lời Chúa dạy.
Trong 48 cái thành nhường cho người Lê-vi làm chỗ ở, có 6 cái thành được lựa ra làm thành ẩn náu. Thành ẩn náu là thành dành cho kẻ sát nhân vì vô ý đánh chết người, chạy lại đó ẩn náu mình.
“Những thành đó sẽ dùng làm thành ẩn náu để trốn khỏi kẻ báo thù máu, để cho kẻ sát nhân không chết cho đến chừng nào ứng hầu trước mặt hội chúng để chịu phán xét.” (Dân Số Ký 35:12).
Có ba thành ở phía bên kia sông Giô-đanh, và ba thành ở trong xứ Ca-na-an. Tất cả 6 thành ẩn náu này để dùng cho dân I-sơ-ra-ên, cho những người không phải dân I-sơ-ra-ên nhưng ở trong xứ, và cho luôn cả những người khách ngoại bang.
Kẻ sát nhân tức là kẻ làm cho người khác bị chết đi, như vậy phạm tội giết người, tức là vi phạm điều răn thứ sáu của Đức Chúa Trời: “Ngươi sẽ không phạm tội giết người” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:13). Nhưng sự giết người cũng chia làm hai trường hợp: một là cố ý giết người, hai là vô ý giết người.
Trường hợp cố ý giết người là dùng đồ bằng sắt để đánh người, hoặc một cục đá, hoặc cây để đánh và khiến bị chết người. Hoặc vì lòng ganh ghét mà xô lấn người, cố ý liệng vật gì trên người đó khiến cho người đó bị chết đi. Hoặc vì có thù nghịch mà đánh bằng tay khiến người đó chết đi. Đó là kẻ sát nhân chủ động và cố ý làm chết người. Trường hợp này không cho ở lại thành ẩn náu, nhưng phải nộp cho kẻ báo thù máu để bị giết đi, mạng đền mạng cho người mà mình đã làm chết. Như Lời Chúa dạy dỗ về tội sát nhân: “Người nào đánh chết một người, sẽ bị xử tử” (Xuất Ê-díp-tô Ký 21:12).
Trường hợp vô ý giết người, đó là do tình cờ gây nên sự chết, vốn dĩ vẫn hòa thuận nhau, không phải thù nghịch, không có ý làm hại, vô ý liệng vật gì, làm rớt cục đá trên mình người kia và khiến họ bị chết đi. Hoặc “thí dụ, nếu người đó đi cùng kẻ lân cận mình vào rừng đốn củi, tay người đang giơ rìu ra đốn, và lưỡi rìu sút cán trúng nhằm kẻ lân cận, làm cho kẻ ấy bị chết đi” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 19:5a). Trong những trường hợp vô ý làm chết người, thì được trú ẩn tại thành ẩn náu, để bảo tồn sự sống mình, không bị nộp cho kẻ báo thù máu mà làm chết đi. Nhưng phải ở lại thành ẩn náu cho đến khi nào thầy tế lễ thượng phẩm đương thời qua đời thì mới được trở lại nơi sản nghiệp của họ. Trong thời gian trú ẩn, nếu kẻ sát nhân đi ra khỏi thành ẩn náu, mà kẻ báo thù máu gặp và giết người đi, thì kẻ báo thù máu không bị mắc tội. Đó là do kẻ sát nhân đã không làm theo luật định ở trong thành ẩn náu.
Luật lệ dùng để phán xét như sau:
- Theo lời chứng của hai người trở lên thì mới xử tử kẻ phạm tội giết người.
- Không được nhận tiền chuộc mạng của một người sát nhân cố ý giết người. Vì nếu có kẻ làm đổ máu ra trong xứ mà không làm đổ máu kẻ sát nhân lại thì xứ sẽ bị ô uế.
- Không được nhận tiền chuộc của người sát nhân vô ý giết người ở trong thành ẩn náu, phải để họ ở trong thành cho đến khi thấy tế lễ thượng phẩm qua đời.
Toàn dân I-sơ-ra-ên, đặc biệt là những người đứng ra chịu trách nhiệm xét xử phải làm theo những lời mà Chúa đã phán dặn luật về việc báo thù máu. Bởi họ cần giữ gìn, không làm ô uế xứ Ca-na-an là nơi họ ở, và Chúa ngự giữa nơi đó, Chúa phán Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ngự giữa dân I-sơ-ra-ên.
Trong thời Tân Ước hiện nay, quyền xét xử và lên án phạt cho kẻ phạm tội giết người thuộc về các bậc cầm quyền, cơ quan chức năng có trách nhiệm. Vì vậy, nếu luật pháp thi hành sự xử tử người cố ý giết người hoặc hình phạt cho người vô ý giết người thì đó là điều đúng và cần vâng phục.
Đức Chúa Jesus Christ đã chịu chết và gánh thay mọi hình phạt tội lỗi của hết thảy mỗi người, vì vậy ngay cả một người phạm tội giết người nếu thật lòng tin nhận Chúa, ăn năn tội thì vẫn được tha thứ tội, được cứu khỏi sự chết đời đời. Tuy nhiên sự hình phạt trong đời này do sự phạm tội thì vẫn phải gánh chịu.
Trong thời Tân Ước hiện nay, chúng ta không báo thù ai, vì Chúa dạy chúng ta không được trả thù, sự trả thù thuộc về Chúa. Nhưng điều đó không có nghĩa là không tố giác kẻ phạm tội nghịch lại luật lệ địa phương, quốc gia với các bậc cầm quyền. Sự tố giác kẻ phạm tội không phải là trả thù, mà đó là việc lành, giúp giữ gìn an ninh xã hội và cũng là vâng phục các bậc cầm quyền. Nếu kẻ phạm tội gây thiệt hại cho chúng ta phải chịu xét xử thì chúng ta nên xin giảm nhẹ hình phạt cho kẻ phạm tội.
Như vậy chúng ta thấy rằng, mỗi sự phạm tội xảy đến dù là cố ý hay vô tình đều phải gánh chịu hậu quả và trả giá cho hành động phạm tội gây nên. Chúng ta cũng học biết và nhìn thấy tình yêu, sự từ ái, sự thương xót, sự công chính của Chúa khi Ngài dành sẵn các thành ẩn náu cho những người phạm tội giết người nhưng là do sự vô ý mà gây nên. Cảm tạ Chúa vì lòng thương xót, sự công chính của Chúa trên những người phạm tội nhưng không phải là cố ý, mà chỉ là sự vô ý mà thôi. Chúng ta cũng rút ra bài học rằng, khi còn sống trong thân thể xác thịt ở giữa thế gian này, không tránh khỏi những lúc lâm vấp, phạm tội với Chúa vì vô ý, vì thiếu hiểu biết, vì yếu đuối, vì nhất thời và cũng không tránh khỏi những khó khăn xảy đến trên đời sống. Người thật lòng yêu kính Chúa sẽ chạy đến với Chúa để tìm kiếm sự tha thứ và sự cứu giúp từ nơi Ngài. Vì Lời Chúa chép:
“Hỡi dân chúng, hãy nhờ cậy nơi Ngài luôn luôn, hãy dốc đổ sự lòng mình ra tại trước mặt Ngài: Thiên Chúa là nơi nương náu của chúng ta.” (Thi Thiên 62:8).
“Thiên Chúa là nơi nương náu và sức lực của chúng tôi, Ngài sẵn giúp đỡ trong cơn gian truân.” (Thi Thiên 46:1).
“Lạy Chúa! Vì Ngài là thiện và sẵn tha thứ, dư dật sự từ ái cho hết thảy những ai kêu cầu Ngài.” (Thi Thiên 86:5).
Nguyện rằng mỗi chúng ta luôn tìm đến Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu là nơi nương náu của chúng ta, kêu cầu danh Ngài, tìm kiếm mặt Ngài luôn luôn.
One Reply to “Dân Số Ký 35 Các Thành của Người Lê-vi – Luật về Việc Báo Thù Máu”