Phục Truyền Luật Lệ Ký 2 Bài Giảng Thứ Nhất: Nhắc Lại Từ Khi Trở Lại Đồng Vắng về Hướng Biển Đỏ đến Khi Chiếm Xứ Hết-bôn

107 lượt xem

Nhắc Lại Từ Khi Trở Lại Đồng Vắng về Hướng Biển Đỏ đến Khi Chiếm Xứ Hết-bôn

Nguyễn Thị Thu Thủy

Câu Hỏi Gợi Ý:

1. Chúa căn dặn dân I-sơ-ra-ên như thế nào khi đi qua nơi ở của con cháu Ê-sau (tức dân Ê-đôm) và con cháu Lót (tức dân Mô-áp và dân Am-môn)? Vì sao?

2. Chúa phán dặn dân I-sơ-ra-ên như thế nào về Si-hôn? Vì sao vua Hết-bôn không chịu cho dân I-sơ-ra-ên đi qua địa phận của họ?

3. Vì sao dân I-sơ-ra-ên có thể đánh chiếm và chiến thắng được từ A-rô-e đến Ga-la-át?

Gợi Ý Áp Dụng:

1. Theo em, hiện nay con dân Chúa theo mệnh lệnh của Chúa để chiến đấu với điều gì? Làm thế nào để chiến thắng?

2. Em hãy nêu lên ví dụ em đã theo mệnh lệnh của Chúa để chiến đấu như thế nào? Có chiến thắng hay không? Vì sao lại chiến thắng? Vì sao thất bại?

Chia Sẻ:

Các bạn thiếu niên thân mến,

Trong những chương đầu của sách Phục Truyền Luật Lệ Ký, chúng ta đang học về bài giảng thứ nhất của Môi-se nhắc lại về hành trình của dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Phục Truyền Luật Lệ Ký chương 2, vẫn là bài giảng thứ nhất của Môi-se, với chủ đề “Nhắc Lại Từ Khi Trở Lại Đồng Vắng về Hướng Biển Đỏ đến Khi Chiếm Xứ Hết-bôn”, câu gốc:

“Ngày nay, Ta bắt đầu gieo trên các dân tộc trong thiên hạ sự sợ hãi và khiếp sợ về danh ngươi, đến nỗi khi nghe nói về ngươi, các dân tộc đó sẽ run rẩy và bị sự khiếp sợ vây hãm trước mặt ngươi.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 2:25).

Môi-se nhắc lại những sự kiện từ khi dân I-sơ-ra-ên trở lại đồng vắng về hướng Biển Đỏ đến khi chiếm xứ Hết-bôn, với các mệnh lệnh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu dành cho dân sự như sau:

  • Không được tranh chiến và chiếm xứ của dân Ê-đôm, tức con cháu Ê-sau.
  • Không được tranh chiến với dân Mô-áp, tức con cháu của Lót.
  • Đánh chiếm xứ Hết-bôn.

Trong hành trình, dân I-sơ-ra-ên có đi qua địa phận của dân Ê-đôm, tức con cháu của Ê-sau. Chúng ta vốn biết rằng, Ê-sau và Gia-cốp là hai người con song sinh của I-sác. Gia-cốp là tổ phụ của mười hai chi phái I-sơ-ra-ên. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu truyền lệnh cho dân I-sơ-ra-ên, khi trải qua địa phận của con cháu Ê-sau, thì họ phải giữ lấy mình, không được tranh chiến với dân Ê-đôm, bởi vì đó là anh em của họ, Chúa không ban cho họ xứ đó. Chúa truyền lệnh phải dùng tiền bạc mà mua lương thực và nước của dân Ê-đôm, bởi vì Chúa đã ban phước trên mọi công việc làm của dân I-sơ-ra-ên, Chúa ban cho họ không thiếu điều gì. Vì vậy, họ nên theo khả năng của mình mà mua lương thực và thức uống cho mình.

Qua đây, chúng ta học được rằng: con dân Chúa không nên tranh chiến, chiếm đoạt điều gì thuộc về anh chị em cùng Cha của mình, và con dân Chúa nên theo sự ban ơn của Chúa mà chuẩn bị cho những nhu cầu của mình, không nên lợi dụng anh chị em cùng Cha.

Chúng ta thấy Lời Chúa phán dặn dân I-sơ-ra-ên khi đi qua địa phận của anh em mình ấy là “hãy giữ lấy mình, chớ có tranh cùng chúng nó”. Điều gì Chúa đã ban cho thuộc về người khác và Chúa không ban cho mình, thì con dân Chúa phải giữ mình, tức là giữ mình không rơi vào sự tham muốn, không rơi vào sự muốn chiếm đoạt những thứ của người khác không thuộc về mình.

Chúa cũng phán dặn dân I-sơ-ra-ên, nên dùng tiền để mua đồ ăn và thức uống cho mình, khi trải qua địa phận anh em của họ là Ê-sau. Lý do là bởi vì Chúa đã ban phước cho họ, sắm sẵn cho họ đủ để họ có thể dùng tiền mà mua đồ ăn, thức uống cho mình. Vì vậy, chúng ta là con dân Chúa, khi đã được Chúa ban cho có khả năng để mua sắm thức ăn cho mình thì nên chủ động, nếu anh chị em của mình có đồ mình cần dùng thì nên mua và gửi tiền cho họ, thay vì lợi dụng để có được thứ mình muốn mà không phải mất tiền.

Lời Chúa dạy chúng ta trong sách I Tê-sa-lô-ni-ca 4:4-7

4 Mỗi người trong các anh chị em phải biết giữ thân mình trong sự thánh sạch và sự tôn trọng;

5 không ở trong sự ham muốn điều ham muốn bất chính, như những dân ngoại không biết Đức Chúa Trời.

6 Chớ có ai lấn lướt hay là lợi dụng anh chị em cùng Cha của mình trong việc gì; vì Chúa là Đấng báo trả tất cả những sự đó, như chúng tôi đã nói trước với các anh chị em và đã làm chứng.

7 Vì Đức Chúa Trời chẳng gọi chúng ta đến sự ô uế, nhưng gọi chúng ta vào trong sự thánh khiết.

Hành động lấn lướt nghĩa là dùng quyền để chèn ép người khác, xúc phạm người khác, bắt người khác phải làm theo ý muốn của mình mà không nghĩ đến lợi ích của họ. Lợi dụng nghĩa là cố ý muốn nhận được sự cứu giúp của người khác trong khi chưa thật sự cần thiết hoặc mình có đủ khả năng để thực hiện nhưng vẫn muốn nhận được cứu giúp. Là con dân chân thật của Chúa, chúng ta không được có thói xấu là lấn lướt hay lợi dụng anh chị em cùng Cha của mình, vì như vậy là lấn lướt và lợi dụng Chúa. Chúa là Đấng sẽ báo trả tất cả những sự đó cho người có lòng kiêu ngạo, xem thường con dân Chúa.

Ví dụ tình huống:

A và B là hai anh em cùng tham dự trong cuộc thi cuối năm do Ban Chăm Sóc tổ chức. B có lòng yêu kính Chúa, chuẩn bị bài thi của mình tốt và chu đáo, nên được khen thưởng, được điểm cao và được trao giải nhất. Bố mẹ đồng ý cho B dùng một phần thưởng đó để mua một bộ đồ dùng học tập mà B đang cần và một hộp bánh mà B rất thích. A thấy B được điểm cao và đoạt giải cao hơn mình, thì trong lòng thấy buồn. A muốn được điểm cao và được giải cao như B, A cũng thích bộ đồ dùng học tập và hộp bánh của B nhưng số tiền phần thưởng của A không đủ. A nghĩ mình là anh của B nên cũng được hưởng chung phần thưởng của B. Vì vậy, A đã đề nghị B dùng số tiền phần thưởng còn lại của B để mua cho A một bộ đồ dùng học tập và một hộp bánh giống như vậy. 

Câu hỏi: Theo em bạn A làm như vậy là đúng hay sai? Vì sao đúng, vì sao sai? Nếu em là A, em sẽ làm như thế nào?

A suy nghĩ và làm như vậy là sai. Vì đó là phần thưởng của B cho sự học Lời Chúa. A dùng quyền làm anh và đề nghị như vậy là lấn lướt và lợi dụng B. Việc A muốn được điểm cao và phần thưởng như B là không sai. Nhưng A nên tra xét với Chúa vì sao mà mình được điểm thấp, vì sao B được điểm cao, để đến với Chúa cầu xin Chúa cho mình cũng yêu Chúa, yêu Lời Chúa, sốt sắng học Lời Chúa và chuẩn bị chu đáo cho cuộc thi. Thay đổi cụ thể bằng hành động của mình mỗi ngày suy ngẫm Lời Chúa, sốt sắng tham dự vào các tiết mục trong buổi nhóm học Lời Chúa. Đương nhiên, nếu em B vì tình yêu thương mà chủ động chia sẻ cho A, vì thương A, vì muốn A cũng được hưởng chung niềm vui với B, muốn khích lệ A trong kỳ thi sau cố gắng, mà chia bánh cho B, hai anh em cùng dùng chung bộ đồ dùng học tập thì không có gì sai. A có thể nhận với tấm lòng biết ơn Chúa và yêu thương em đã chia sẻ với mình.

Mệnh lệnh thứ hai mà Chúa phán dặn dân I-sơ-ra-ên là không được vây hãm và chiến trận với dân Mô-áp, vì Chúa không ban cho dân I-sơ-ra-ên xứ đó làm sản nghiệp, Chúa ban A-rơ cho con cháu Lót làm sản nghiệp, mà chúng ta biết Lót là cháu của Áp-ra-ham. Như vậy, chúng ta thấy dân I-sơ-ra-ên đã theo mệnh lệnh của Chúa mà không chiếm địa phận mà Chúa đã dành ban cho con cháu Ê-sau và con cháu của Lót.

Mệnh lệnh thứ ba mà Chúa phán dặn dân I-sơ-ra-ên, đó là hãy đứng dậy đi ngang qua khe Ạt-nôn, hãy khởi chiếm lấy và giao chiến cùng Vua Si-hôn, vì Chúa đã ban xứ Hết-bôn cho dân sự.

Môi-se sai sứ giả đến để xin phép Vua Si-hôn cho dân I-sơ-ra-ên đi ngang qua xứ Hết-bôn, với lời hứa sẽ chỉ đi ngang qua mà không đụng đến đồng ruộng, không vào vườn nho của xứ. Dân I-sơ-ra-ên sẽ dùng bạc để mua lương thực và nước uống, chứ không lấy không điều gì. Thế nhưng Vua Si-hôn của xứ Hết-bôn không chấp nhận cho dân I-sơ-ra-ên đi ngang qua, thậm chí còn hiệp hết dân sự ra nghinh đón để chiến trận cùng dân I-sơ-ra-ên. Chúng ta thấy Vua Si-hôn được ban cho cơ hội để đối xử tốt với tuyển dân của Ngài, nhưng ông đã khước từ, lòng ông đã trở nên cứng cỏi. Bởi sự biết trước của Chúa, Ngài đã phán dặn I-sơ-ra-ên chiếm đánh Hết-bôn. Dân sự giao chiến đánh bại, diệt hết các thành, diệt hết nam, nữ, con trẻ, không chừa một ai. Cướp lấy súc vật và hàng hóa và chiếm xứ Hết-bôn.

Ba-lác là vua của Mô-áp thấy mọi điều I-sơ-ra-ên đã làm cho dân A-mô-rít và chiếm lấy xứ Hết-bôn, nên lấy làm sợ sệt và khiếp sợ trước dân I-sơ-ra-ên (Dân Số Ký 22). Đúng như Lời Chúa đã nói “Ta bắt đầu gieo trên các dân tộc trong thiên hạ sự sợ hãi và khiếp sợ về danh ngươi, đến nỗi khi nghe nói về ngươi, các dân tộc đó sẽ run rẩy và bị sự khiếp sợ vây hãm trước mặt ngươi.” Như vậy, từ A-rô-e ở trên bờ khe Ạt-nôn cho đến Ga-la-át, dân I-sơ-ra-ên đánh chiếm hết các thành, vì Chúa đã phó các thành đó cho họ.

Qua bài học hôm nay, chúng ta học được rằng, trong hành trình tiến về đất hứa của dân I-sơ-ra-ên, họ đánh chiếm hay không đánh chiếm một vùng đất nào là theo mệnh lệnh của Chúa. Nơi nào Chúa cấm không cho chiếm lấy thì dân sự cần giữ mình, vâng theo mà không được phép chiếm lấy. Nơi nào Chúa phó cho và kêu gọi họ tiến lên đánh chiếm thì họ cần can đảm đứng lên đánh chiếm. Việc của dân I-sơ-ra-ên cần làm là hết lòng vâng phục mệnh lệnh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu truyền dặn cho họ qua Môi-se. Thực ra những vùng đất nào mà ý muốn Chúa đã ban cho dân I-sơ-ra-ên, mà họ vâng phục, can đảm làm theo mệnh lệnh thì được Chúa ban cho. Họ không cần lo ngại đến bất cứ điều gì như thành trì vững vàng, hay dân ở xứ họ đánh chiếm cao lớn. Bởi vì:

“Chẳng có sự khôn sáng nào, sự thông minh nào, hay là mưu kế nào, mà chống địch Đấng Tự Hữu Hằng Hữu được. Ngựa sắm sửa về ngày chinh chiến; nhưng sự thắng trận thuộc về Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (Châm Ngôn 21:30-31).

Sự kiện dân I-sơ-ra-ên đi trong đồng vắng tiến về vùng đất hứa Ca-na-an, tiêu biểu cho Hội Thánh của Chúa trải qua những ngày sống trên đất tiến về Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Đời sống của mỗi con dân Chúa là đời sống của một người lính luôn ở trong cuộc chiến thuộc linh. Để có thể chiến thắng vượt qua mọi cám dỗ và thử thách, không phạm tội với Chúa thì con dân Chúa cần tiếp nhận mọi mệnh lệnh của Chúa và can đảm làm theo. Người lính ở trong Chúa phải chiến đấu với con người cũ xác thịt, chiến đấu với thế gian và chiến đấu với ma quỷ. Nhưng nếu con dân Chúa đặt đức tin nơi Chúa, làm theo mệnh lệnh Chúa phán dặn dưới đây thì họ sẽ toàn thắng:

“nhưng tôi kỷ luật thân thể mình, bắt nó phải phục, kẻo sau khi tôi đã giảng dạy những người khác mà chính mình phải bị bỏ.” (I Cô-rinh-tô 9:27).

Điều đó có nghĩa là con dân Chúa phải có sự kỷ luật thân thể mình nghĩa là đối xử nghiêm khắc với thân thể xác thịt, để dập tắt mọi ham muốn bất chính. Ví dụ như: không nhận lời mời ăn của cúng thần tượng dù món đó là món rất ngon và trong khi mình cũng đang đói; không sử dụng máy tính, điện thoại để chơi những game không đẹp lòng Chúa; lập thời gian biểu cho mình và rèn mình trong việc học Lời Chúa, phụ giúp ba mẹ, và việc học tập, vệ sinh thân thể;…

“Ta đã bảo các ngươi những điều đó để trong Ta các ngươi có sự bình an. Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian nhưng hãy can đảm! Ta đã thắng thế gian rồi!” (Giăng 16:33).

Con dân Chúa không thỏa hiệp với thế gian, không run sợ trước những bắt bớ, gây khó dễ từ phía thế gian. Ví dụ như: không tham dự các lễ hội sai nghịch Lời Chúa ở trường, lớp dù cô giáo ép buộc; không thờ cúng dù người thân bắt ép; không tham gia vào các trò chơi xấu dù các bạn trong lớp gây áp lực muốn chúng ta cùng tham gia;…

“Hãy mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, để các anh chị em có thể đứng vững mà đối phó những mưu kế của Ma Quỷ. Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải nghịch lại thịt và máu, mà là nghịch lại những chủ quyền, nghịch lại những thế lực, nghịch lại những kẻ cai trị của sự tối tăm thuộc về thế gian này, nghịch lại những sự xấu xa thuộc linh ở trong các tầng trời.” (Ê-phê-sô 6:11-12).

Con dân Chúa dùng mọi khí giới Chúa ban cho để nhận ra và tránh khỏi âm mưu, bẫy rập của Ma Quỷ. Ví dụ như: không tham dự chung trong các buổi hoạt động từ thiện gây quỹ của trường lớp như biểu diễn âm nhạc, diễn kịch vì sẽ mang ách chung với kẻ chẳng tin. Không tham dự chung trong việc ăn uống, đi chơi với lớp và trường nếu không biết rõ địa điểm và các chương trình; để tránh việc đến các nơi thờ thần tượng và phải tham dự vào các chương trình không đúng Lời Chúa. Nếu do sơ ý tham dự, khi nhận biết mau chóng cầu nguyện xin Chúa giải cứu mình ra khỏi môi trường đó. Con dân chân thật của Chúa luôn chủ động tránh trước khỏi mọi môi trường cám dỗ dễ khiến mình phạm tội.

Chúng ta là con dân của Chúa, là người lính giỏi của Chúa, thì hãy can đảm làm theo mọi mệnh lệnh của Chúa phán bảo mình. Chỉ cần lòng chúng ta yêu kính Chúa và hết lòng vâng phục Ngài thì chúng ta không cần phải sợ hãi bất cứ điều gì, vì Lời Chúa hứa với chúng ta rằng:

“Ta không có phán dặn ngươi sao? Hãy mạnh mẽ và can đảm, chớ run sợ cũng chớ ngã lòng. Vì Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của ngươi vẫn ở với ngươi bất cứ nơi nào ngươi đi.” (Giô-suê 1:9).

“Và này, Ta ở với các ngươi luôn cho đến tận thế. A-men!” (Ma-thi-ơ 28:20).

Nguyện xin Chúa ban cho các bạn thiếu niên có tấm lòng yêu kính Chúa, khi học biết Lời Chúa thì luôn sẵn sàng vâng phục và làm theo mọi lời phán dạy của Ngài! A-men!

One Reply to “Phục Truyền Luật Lệ Ký 2 Bài Giảng Thứ Nhất: Nhắc Lại Từ Khi Trở Lại Đồng Vắng về Hướng Biển Đỏ đến Khi Chiếm Xứ Hết-bôn”

Để lại một bình luận