Phục Truyền Luật Lệ Ký 5 Bài Giảng Thứ Nhì: Truyền Lại Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời-Điều Răn Thứ Tư

84 lượt xem

Bài Giảng Thứ Nhì: Truyền Lại Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời
Điều Răn Thứ Tư: Tôn Thánh Ngày Thứ Bảy Làm Ngày Sa-bát

Nguyễn Thị Thu Thủy

Câu Hỏi Gợi Ý:

1. Sa-bát có nghĩa là gì? Như thế nào là thánh hóa ngày Sa-bát?
2. Trong ngày Sa-bát chúng ta không được làm công việc gì?
3. Con dân Chúa nên làm gì trong ngày Sa-bát?
4. Nếu chúng ta vâng giữ ngày Sa-bát của Chúa thì sẽ nhận được những ơn phước gì? Nếu không vâng giữ thì hậu quả sẽ ra sao?

Gợi Ý Áp Dụng:

1. Thời gian qua em có vâng giữ ngày Sa-bát như thế nào? Em hãy nêu lên sự phước hạnh của mình khi vâng giữ ngày Sa-bát.
2. Em có từng lâm vấp vi phạm ngày Sa-bát của Chúa không? Khi đó em có nhận ra sự sai phạm của mình và đã ăn năn sửa đổi như thế nào?

Chia Sẻ:

Các bạn thiếu niên thân mến,

Điều Răn Thứ Tư của Đức Chúa Trời răn dạy chúng ta “Hãy Tôn Thánh Ngày Thứ Bảy Làm Ngày Sa-bát”, được chép trong sách Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8-11, và Môi-se đã nhắc lại trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:12-15

12 Hãy giữ ngày Sa-bát. Hãy thánh hóa nó, y như Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi đã truyền lệnh cho ngươi.

13 Ngươi sẽ lao động và làm hết công việc của mình trong sáu ngày;

14 nhưng ngày Thứ Bảy là ngày Sa-bát của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi. Ngươi sẽ không làm công việc gì: ngươi, con trai, con gái, tôi trai, tớ gái, bò, lừa, bất cứ súc vật nào của ngươi, khách ở trong các cửa của ngươi, để tôi trai của ngươi và tớ gái của ngươi cũng được nghỉ ngơi như ngươi.

15 Hãy nhớ rằng, ngươi từng là nô lệ trong đất Ê-díp-tô. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi đã đem ngươi ra khỏi đó bởi bàn tay mạnh mẽ và cánh tay giơ thẳng ra. Vậy nên, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền lệnh cho ngươi phải giữ ngày Sa-bát.

Theo sự giảng dạy của người chăn, chúng ta cùng nhau học về ý nghĩa, nguồn gốc và mục đích của ngày Sa-bát.

Trong tiếng Hê-bơ-rơ, danh từ “Sa-bát” có nghĩa là nghỉ ngơi, không lao động, không làm việc để kiếm sống, bao gồm việc mua bán, không làm việc để tạo tiện nghi cho cuộc sống, các việc xây dựng và sửa chữa. Sa-bát không có nghĩa là nghỉ ngơi để lấy sức mà chỉ đơn giản là ngưng làm việc, ngưng làm một điều gì vì đã hoàn tất hoặc không muốn tiếp tục làm.

Sáng Thế Ký 2:2-3 cho chúng ta biết rằng, trong ngày Thứ Bảy, Thiên Chúa ngưng mọi công việc Ngài đã làm, Ngài ban phước cho ngày Thứ Bảy, và thánh hóa nó.

“Ngày Thứ Bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành các công việc của Ngài mà Ngài đã làm. Và trong ngày Thứ Bảy, Ngài ngưng mọi công việc của Ngài mà Ngài đã làm. Rồi, Ngài ban phước cho ngày Thứ Bảy, thánh hóa nó; vì trong ngày đó, Ngài ngưng mọi công việc của Ngài, những việc mà Thiên Chúa đã sáng tạo và đã làm.” (Sáng Thế Ký 2:2-3).

Như vậy, ngày Sa-bát được chính Đức Chúa Trời dựng nên trong công trình sáng tạo trời và đất. Ngày Sa-bát được thiết lập trước khi điều răn và luật pháp được ban hành. Ngày Sa-bát là ngày thứ bảy trong tuần lễ. Ngày Sa-bát được Đức Chúa Trời ban phước và thánh hóa nó. Ngày Sa-bát có nghĩa là ngày nghỉ làm việc. Ngày Sa-bát được dựng nên vì loài người.

Mục đích chính của sự Chúa dựng nên ngày Sa-bát là để thân thể của loài người và gia súc được nghỉ ngơi sau sáu ngày lao động mệt mỏi, đồng thời để loài người được nhóm hiệp, thông công, cùng nhau thờ phượng Thiên Chúa, và đón nhận các ơn phước từ Chúa ban cho.

“Rồi, Ngài đã phán với họ: Ngày Sa-bát đã được làm nên vì loài người, không phải loài người được làm nên vì ngày Sa-bát.” (Mác 2:27).

Ngày Sa-bát bắt đầu từ khi mặt trời vừa khuất bóng vào chiều Thứ Sáu và kéo dài cho đến khi mặt trời khuất bóng vào chiều Thứ Bảy. Vì thời điểm mặt trời khuất bóng mỗi địa phương khác nhau, nên chúng ta có thể chọn 6 giờ chiều ngày Thứ Sáu làm thời điểm bắt đầu ngày Sa-bát đến 6h chiều ngày Thứ Bảy làm thời điểm kết thúc ngày Sa-bát, theo thời điểm trung bình mặt trời khuất bóng tại Giê-ru-sa-lem.

Mệnh lệnh Chúa truyền cho loài người là hãy giữ ngày Sa-bát, hãy thánh hóa nó. Thánh hóa có nghĩa là làm cho tinh sạch hoặc giữ cho tinh sạch và biệt riêng ra cho Thiên Chúa. Vậy nên, đối với Thiên Chúa, ngày Thứ Bảy được biệt riêng để loài người tương giao với Thiên Chúa và thờ phượng Ngài, được Ngài ban phước một cách đặc biệt. Còn đối với loài người, trong ngày Thứ Bảy họ được nghỉ ngơi lao động, tạm gác những sự khó nhọc trong đời sống lại để nhận lấy ơn phước đặc biệt Chúa ban trong sự gần gũi tương giao với Chúa, và thông công với nhau.

Bổn phận của loài người là giữ ngày Sa-bát và thánh hóa ngày Sa-bát. Nghĩa là chúng ta biến ngày Sa-bát thành một ngày thánh, thuộc về Chúa, dùng theo thánh ý Chúa. Nghĩa là ngưng lao động kiếm sống, ngưng lao động để tạo tiện nghi cho cuộc sống. Nhưng dành thời gian nhóm hiệp thờ phượng Chúa. Đây là điều răn thứ tư của Chúa, vậy nên nếu người nào không vâng giữ thì nghĩa là phạm tội với Chúa. 

Để giữ ngày Sa-bát thì chúng ta cần học biết những việc không nên làm và những việc nên làm.

Những việc không nên làm:

  • Không lao động kiếm sống: đi làm, buôn bán, chăn nuôi, trồng trọt,…
  • Không lao động để tạo tiện nghi cho cuộc sống: xây cất, sửa chữa, dọn dẹp, giặt giũ,…
  • Không mua bán: mua đồ ăn, đồ dùng,…
  • Không mang vác nặng.
  • Không làm theo ý riêng.
  • Không bỏ qua sự nhóm hiệp.

Những việc nên làm:

  • Nhóm hiệp thờ phượng Chúa, hầu việc Chúa: tham dự các buổi nhóm thờ phượng Chúa, tham dự dẫn chương trình buổi nhóm, hát tôn vinh Chúa.
  • Dâng hiến lên Chúa.
  • Đọc Lời Chúa.
  • Chia sẻ Lời Chúa.
  • Làm những việc thiện, việc lành có tính cách chăm sóc, bảo vệ, cứu giúp, chữa lành, thăm viếng, rao giảng Tin Lành,…. Giải quyết các nhu cầu thiết thực như ăn uống, giải trí, thông công với gia đình, bạn bè, bảo vệ tài sản trong lúc cấp bách, kể cả chiến đấu trong chiến tranh trong ngày Sa-bát.

Các con đang còn đi học thì cũng nên sắp xếp các việc học và làm bài tập vào các ngày trong tuần để ngày Thứ Bảy thì dành riêng thời gian học Lời Chúa, nhóm hiệp, phụng sự Chúa, thông công với anh chị em cùng đức tin. Vào mỗi Thứ Sáu hàng tuần, các con cũng nên dành thời gian để tự dọn dẹp nhà và phòng của mình được sạch sẽ, tươm tất để chuẩn bị cho Thứ Bảy nhóm hiệp thờ phượng Chúa, cũng nên phụ giúp ba mẹ chuẩn bị trước thức ăn cho ngày Thứ Bảy. Tóm lại thì chúng ta nên chuẩn bị trước để đón ngày Sa-bát được chu đáo trong sự nhóm hiệp thờ phượng Chúa và dành thời gian cho chính mình cùng gia đình được nghỉ ngơi trong ngày Sa-bát.

Ví dụ tình huống: Trong ngày Thứ Bảy Sa-bát mỗi tuần, bạn A được nghỉ học. Bạn A dành thời gian ngủ, ăn uống, xem phim, đi chơi và tán gẫu với bạn bè. Bạn A cho rằng mình không làm việc kiếm sống, không lao động gì trong ngày Sa-bát, như vậy là đã vâng giữ ngày Sa-bát. Bạn A cũng không muốn tham dự nhóm thờ phượng Chúa vào sáng Thứ Bảy cùng gia đình, cùng Hội Thánh, mà cho rằng đó không phải buổi nhóm dành cho mình. Em hãy cho biết bạn A suy nghĩ như vậy là đúng hay sai? Giải thích lý do vì sao?

Ý kiến như vậy là sai. Vì dầu rằng những việc làm của bạn A không phải là lao động trong ngày Sa-bát, nhưng bạn A đã bỏ qua sự nhóm lại vào ngày Sa-bát. Trong khi được Chúa ban cho sự thuận tiện khi không phải đi học vào ngày Sa-bát, mà bạn A lại không dành thời gian để nhóm hiệp thờ phượng Chúa. Chúa ban cho ngày Sa-bát để loài người được nghỉ ngơi và dành thời gian tương giao với Chúa, thờ phượng Chúa. Bạn A lại không hề dành thời gian của ngày Sa-bát để cầu nguyện, học Lời Chúa, nhóm thờ phượng Chúa thì đó là hành động không thánh hóa ngày Sa-bát, làm theo ý riêng.

Ví dụ tình huống: Trong ngày Sa-bát, ba mẹ kêu bạn A ra vườn cho gà ăn sau đó vào phụ cùng ba mẹ nấu cơm. Nhưng bạn A cho rằng ngày Sa-bát không làm việc, nên bạn A không làm, chỉ nằm chờ đến bữa thì dậy ăn cơm. Bạn A như vậy là đúng hay sai? Vì sao?

Bạn A như vậy là sai. Vì đã lười biếng, thiếu tình yêu thương, không hiếu kính với cha mẹ. Nếu thật sự bạn A nghĩ rằng việc cho gà ăn và nấu cơm là phạm ngày Sa-bát thì cần nói với ba mẹ để ba mẹ cũng biết. Nhưng thực ra thì bạn A đã lười biếng không muốn làm và lấy lý do sao cho hợp lý. Việc ăn uống và việc cho gia súc ăn là điều cần làm vì điều đó giải quyết nhu cầu ăn uống, không phải là việc làm lao động kiếm sống.

Ơn phước mà con dân Chúa nhận được khi vâng giữ ngày Sa-bát, đó là:

  • Thân thể xác thịt được nghỉ ngơi khỏi sự lao động mệt nhọc trong sáu ngày, được phục hồi sức khỏe.
  • Được Chúa chu cấp cho vật thực đủ dùng, dầu cho nghỉ một ngày không làm việc. Như khi xưa dân I-sơ-ra-ên đi thu lượm ma-na trong ngày thứ sáu thì được lương thực gấp hai, đủ dùng cho cả ngày thứ bảy (Xuất Ê-díp-tô Ký 16:16-30).
  • Được thờ phượng Chúa, được tương giao với Chúa, được học Lời Chúa, được tôn vinh Chúa,… những điều đó giúp ích cho thuộc linh cho chúng ta được tăng trưởng trong Chúa.
  • Được Chúa ban cho sự vui thỏa trong Ngài và nhận những lời hứa ban phước từ Thiên Chúa:

“Nếu ngươi ngừa giữ chân mình trong ngày Sa-bát, không làm theo ý riêng mình trong ngày thánh của Ta; nếu ngươi xưng ngày Sa-bát là ngày vui thích, coi ngày thánh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là đáng kính; nếu ngươi tôn trọng ngày đó, không đi đường riêng mình, không theo ý riêng mình, và không nói lời riêng mình. Bấy giờ, ngươi sẽ vui thỏa trong Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, và Ta sẽ làm cho ngươi cưỡi lên các nơi cao trên đất, và lấy sản nghiệp của Gia-cốp, tổ phụ ngươi, mà nuôi ngươi; vì miệng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã phán vậy.” (Ê-sai 58:13-14).

  • Được biệt riêng ra thánh vì sự giữ ngày Sa-bát là dấu hiệu đời đời dành cho con dân Chúa.

“Ta cũng cho chúng nó những ngày Sa-bát của Ta để làm một dấu giữa Ta và chúng nó, để chúng nó biết rằng: Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu biệt chúng nó ra thánh.” (Ê-xê-chi-ên 20:12).

Như vậy, chúng ta nhận thấy rằng, vâng giữ ngày Sa-bát là mệnh lệnh Chúa truyền cho con dân Chúa, khi chúng ta vâng giữ điều răn của Chúa thì được Chúa ban cho nhiều ơn phước từ nơi Ngài. Vậy nên là con dân Chúa, chúng ta cần rèn tập nếp sống luôn trung tín vâng giữ ngày Sa-bát của Chúa.

“Chớ bỏ qua sự nhóm hiệp của chúng ta như thói quen của một số người, nhưng hãy khuyên bảo nhau, và khuyên bảo càng hơn, khi các anh chị em thấy ngày ấy càng gần.” (Hê-bơ-rơ 10:25).

Nguyện kính xin Chúa ban cho các con luôn vâng giữ trọn vẹn các điều răn của Chúa bằng cả tấm lòng tôn kính Ngài! Nguyện Chúa ban phước lại trên các con khi các con yêu kính Chúa và điều răn luật pháp của Ngài!

One Reply to “Phục Truyền Luật Lệ Ký 5 Bài Giảng Thứ Nhì: Truyền Lại Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời-Điều Răn Thứ Tư”

Để lại một bình luận