Phục Truyền Luật Lệ Ký 5 Bài Giảng Thứ Nhì: Truyền Lại Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời-Điều Răn Thứ Tám

146 lượt xem

Bài Giảng Thứ Nhì: Truyền Lại Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời
Điều Răn Thứ Tám: Ngươi Sẽ Không Trộm Cắp

Nguyễn Thị Thu Thủy

Câu Hỏi Gợi Ý:

1. Như thế nào là trộm cắp? Điều gì dẫn đến một người có hành động trộm cắp? Nêu ví dụ về những hành động gọi là trộm cắp.
2. Nếu con dân Chúa không nhóm hiệp thờ phượng Chúa vào Sa-bát mỗi tuần, dùng thời gian Chúa ban để làm những việc không ích lợi, không làm gương tốt, không làm vinh hiển danh Chúa thì có phạm tội trộm cắp không? Trộm cắp điều gì? Trộm cắp của ai?
3. Nếu con dân Chúa tiêu xài tiền hoang phí, không cứu giúp anh chị em khi họ gặp khó khăn thì có phạm tội trộm cắp không? Trộm cắp điều gì? Vì sao?

Gợi Ý Áp Dụng:

1. Nếu có sự cám dỗ lấy đồ của người khác thì em sẽ nhân danh Chúa như thế nào? Câu Thánh Kinh nào giúp cho em tránh khỏi sự cám dỗ ấy?
2.
Để không phạm tội trộm cắp thời gian và tiền bạc của Chúa thì em phải sử dụng chúng như thế nào?

Chia Sẻ:

Các bạn thiếu niên thân mến,

Điều Răn Thứ Tám của Đức Chúa Trời được chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:15 và được Môi-se nhắc truyền lại cho dân I-sơ-ra-ên trong Bài Giảng Thứ Nhì của ông tại sách Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:19

“Ngươi sẽ không trộm cắp.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:19).

Điều Răn Thứ Tám dạy chúng ta không được trộm cắp. Theo sự giảng dạy của người chăn thì, “trộm cắp” là hành động lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác; gọi là “trộm” khi hành động chiếm đoạt xảy ra lúc chủ nhân ngủ mê hoặc vắng mặt; gọi là “cắp” khi chủ nhân có mặt nhưng lơ đễnh hoặc bị làm cho mất cảnh giác. Nếu công khai dùng sức mạnh hoặc đe dọa bằng vũ khí hay quyền thế để chiếm đoạt tài sản của người khác thì gọi là “cướp.” Vậy, “trộm cắp” là từ ngữ gọi riêng các hành động lén lút còn “trộm cướp” là từ ngữ gọi chung các hành động lén lút lẫn công khai dùng sức mạnh hay thế lực để chiếm đoạt tài sản của người khác.

Ngoài điều răn cấm trộm cắp, thì Lời Chúa còn răn dạy không được trộm cướp.

“Chớ lường gạt kẻ lân cận ngươi, chớ cướp giật người.” (Lê-vi Ký 19:13a).

Chúng ta cần ghi nhớ rằng: “Lấy một vật gì không phải của mình mà không được sự đồng ý của người chủ là phạm tội trộm cắp.” 

Hành động trộm cắp phát xuất từ lòng tham. Lòng tham là sự ưa thích một điều gì đó quá mức, như: tham ăn, tham tiền, tham danh tiếng… và muốn chiếm lấy làm của riêng một điều gì đó không phải là của mình, là điều bị Chúa nghiêm cấm trong điều răn thứ mười. Vì tham ăn nên xảy ra hành động ăn vụng. Vì tham tiền nên xảy ra việc trộm cắp tiền bạc, của cải. Vì tham danh tiếng nên xảy ra việc đánh cắp công lao của người khác.

Khi trong lòng có ý muốn trộm cắp thì lương tâm bị cáo trách, nhận biết việc làm đó là sai, bởi vì luật pháp Chúa được ghi chép trong lòng người. Tuy nhiên tội lỗi ngày càng gia tăng, thế gian ngày càng băng hoại, đến nỗi người ta tự cho rằng, việc không thừa cơ lấy trộm là ngu dại, hèn nhát, bỏ lỡ cơ hội. Khi phạm tội trộm cắp còn cho là mình khôn ngoan, khéo léo mà không còn cảm thấy bị cáo trách, sợ hay hổ thẹn về việc làm của mình. Thậm chí còn lôi kéo, dụ dỗ người khác phạm tội trộm cắp và thỏa vui trong hành động trộm cắp gây ra.

Một số ví dụ điển hình về sự trộm cắp mà lương tâm chai lì khiến người ta không còn ý thức đó là hành động trộm cắp: nhìn trộm bài của người khác để chép thành bài của mình; lấy vài tờ giấy, bút chì, cục tẩy ở lớp về nhà dùng; dành thời gian làm việc để làm việc riêng như đọc báo, nói chuyện, gọi điện không liên quan đến công việc; bớt xén các vật dụng đồ dùng được cấp cho công việc để sử dụng cho việc cá nhân của mình, mua bán và cân đo, đong đếm gian lận, người làm thuê nhưng không hết lòng làm việc cho chủ của mình,…

Chúng ta cũng cần có sự cẩn trọng, giữ gìn và bảo vệ tài sản của mình, không để cách hớ hênh tạo sự cám dỗ cho người khác nổi lên lòng tham mà phạm tội trộm cắp.

Ngày nay, nếu con dân Chúa không sống đúng theo Lời Chúa dạy thì có thể sẽ phạm tội trộm cắp của Chúa.

1. Nếu bỏ qua sự nhóm hiệp thờ phượng Chúa vào mỗi Sa-bát theo mệnh lệnh, điều răn của Chúa thì phạm tội trộm cắp thời gian của Chúa. Chúa tạo nên ngày Sa-bát là để loài người nghỉ ngơi khỏi mọi công việc của đời này để thờ phượng Chúa. Đó là thời gian Chúa đã biệt riêng cho sự thờ phượng Ngài. 

2. Nếu chúng ta dành thời gian để làm ra những việc không ích lợi, không gây dựng, không làm gương tốt, không làm vinh hiển danh Chúa thì phạm tội trộm cắp thời gian của Chúa. Ví dụ như dành thời gian nói chuyện tầm phào với người ngoại, chơi những trò chơi có liên quan đến hình tượng, tà thần,…

3. Nếu chúng ta dành thời gian và tiền bạc để đóng góp, gây dựng cho những tổ chức tôn giáo rao giảng và thực hành những điều sai trật với Thánh Kinh, cho các hoạt động từ thiện chung với người ngoại thì phạm tội trộm cắp thời gian và tiền bạc của Chúa. Vì đã dùng ta-lâng Chúa ban cho mình để làm ra việc làm sai trật, không ích lợi. Ví dụ như việc tham gia các lễ hội giáng sinh của các giáo hội, tham gia ca múa hát cho các hoạt động cùng trường lớp để gây quỹ từ thiện,…

4. Nếu chúng ta không “chia hết thảy trong của cải mình cho người dạy” , tức là người dạy cách sống theo Lời Chúa (Ga-la-ti 6:6), thì chúng ta phạm tội trộm cắp tiền bạc của Chúa. Chia hết thảy trong của cải mình nghĩa là chia xẻ những nhu cầu trong cuộc sống như ăn uống, nơi ở, phương tiện,… khi người dạy Lời Chúa cho chúng ta cần đến. Nhưng không có nghĩa là đem của cải của mình ra phân chia cho người dạy Lời Chúa cho mình, và nếu người dạy Lời Chúa đã đủ ăn, đủ mặc, đủ phương tiện hầu việc Chúa thì điều đó cũng không cần thiết.

5. Nếu chúng ta không cứu giúp anh chị em trong Chúa khi họ gặp sự hoạn nạn, nghèo thiếu thì chúng ta phạm tội trộm cắp tiền bạc của Chúa. Ví dụ như khi anh chị em gặp phải sự khốn khó xảy đến trong cuộc sống khiến không có đủ ăn, đủ mặc, hay do bệnh tật cần cứu chữa mà chúng ta lại không chia xẻ, không giúp đỡ, không tiếp trợ.

6. Nếu chúng ta tiêu xài tiền cách xa hoa phung phí thì chúng ta phạm tội trộm cắp tiền bạc của Chúa. Ví dụ như dùng tiền để mua sắm những đồ dùng, những tiện nghi không chỉ để phục vụ cho nhu cầu cần thiết trong cuộc sống, mà còn là để thể hiện, khoe khoang, để khẳng định mình. Như việc mua điện thoại thì mua điện thoại sang, đắt tiền, để khoe với bạn bè, để theo kịp xu hướng.

7. Nếu chúng ta cho rằng mình khôn ngoan, giỏi giang, siêng năng, hy sinh,… mà việc làm có được kết quả thì chúng ta phạm tội trộm cắp sự vinh quang của Chúa. Ví dụ như việc khoe rằng mình học giỏi và chăm chỉ nên được kết quả tốt trong kỳ thi, do mình có sự khôn sáng nên mình luôn được điểm cao trong các bài suy ngẫm, điểm cao trong sự học tập Lời Chúa,… Chúng ta cần ghi nhớ rằng, mọi sự đều là từ nơi Chúa ban cho mình mà mình mới có được, sự khôn sáng, sự tài năng, sự tốt lành, đều là bởi ơn thương xót của Chúa ban cho. Ngay cả thân thể xác thịt và chính hơi thở của mình cũng là từ nơi Chúa ban cho, chứ chẳng phải tự mình tạo nên.

Lý do khi chúng ta sử dụng thời gian, tiền bạc cho những việc không ích lợi, không gây dựng là phạm tội trộm cắp thời gian và tiền bạc của Chúa, là vì thời gian, tiền bạc và mọi thứ mình có trong cuộc đời này đều là từ nơi Chúa ban cho, Chúa giao cho mình các ta-lâng, mình chỉ là quản gia của Chúa, bổn phận của mình là phải làm lợi ra theo ý muốn của Chúa. Vậy nên khi mình sử dụng theo ý mình, không làm lợi ra thì mình đã trộm cắp của Chúa.

“Bạc là của Ta, vàng là của Ta. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân phán.” (A-ghê 2:8).

“Vậy, ai nấy hãy xem chúng tôi như những tôi tớ của Đấng Christ và những quản gia cho các sự mầu nhiệm của Thiên Chúa.” (I Cô-rinh-tô 4:1).

“Các ngươi cũng vậy, khi làm xong mọi việc đã truyền cho các ngươi thì hãy nói: Chúng tôi là những đầy tớ vô ích mà đã làm xong bổn phận chúng tôi phải làm.” (Lu-ca 17:10).

Tóm lại, để không vi phạm điều răn thứ tám, không trộm cắp, thì có hai điều chúng ta cần cần lưu ý, đó là:

– Luôn cảm tạ Chúa và thỏa lòng về những điều Chúa ban cho. 

– Luôn ý thức Chúa là Chủ, mình là tôi tớ của Chúa, là quản gia được Chúa giao cho các ta-lâng, và hết lòng cẩn thận làm lợi các ta-lâng được giao cho theo sự dạy dỗ của Chúa, chứ không sử dụng theo ý riêng mình.

Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta điều răn và luật pháp của Ngài. Nguyện kính xin Chúa ban cho chúng ta luôn hết lòng cẩn thận làm theo điều răn của Ngài, hầu cho đời sống của chúng ta là tôn vinh danh Chúa, làm đẹp lòng Ngài!

One Reply to “Phục Truyền Luật Lệ Ký 5 Bài Giảng Thứ Nhì: Truyền Lại Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời-Điều Răn Thứ Tám”

Để lại một bình luận