Bài Giảng Thứ Nhì: Truyền Lại Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời
Điều Răn Thứ Chín: Ngươi Sẽ Không Nói Chứng Dối
Nguyễn Thị Thu Thủy
Câu Hỏi Gợi Ý:
1. Nói dối nghĩa là gì? Nói chứng dối là gì? Nói chứng dối có phải là nói dối không? Vì sao?
2. Theo Thánh Kinh, người lân cận là những ai? (Tham khảo Lu-ca 10:25-37). Vậy, em hiểu Điều Răn Thứ Chín của Chúa dạy chúng ta điều gì?
3. Lý do gì khiến một người nói chứng dối nghịch lại người lân cận mình?
4. Nếu đời sống của con dân Chúa không sống đúng theo Lời Chúa, thì có phải là sự nói chứng dối về Chúa đối cùng người lân cận không? Vì sao?
Gợi Ý Áp Dụng:
1. Em nhận biết tội nói dối, nói chứng dối mang lại hậu quả nghiêm trọng như thế nào?
2. Đời sống của em có là lời chứng chân thật về Chúa giúp cho người lân cận nhìn biết quyền năng biến đổi của Chúa, sự tốt lành của Chúa, sự thực hữu của Ngài không?
Chia Sẻ:
Các bạn thiếu niên thân mến,
Điều Răn Thứ Chín của Đức Chúa Trời được chép trong sách Xuất Ê-díp-tô Ký 20:16, và được Môi-se nhắc truyền lại trong bài giảng thứ nhì của ông:
“Ngươi sẽ không nói lời chứng dối, nghịch kẻ lân cận của ngươi.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:20).
Chúng ta vốn biết nói dối là phạm tội, và có lẽ đây là tội mà ai cũng từng lâm vấp phạm phải cách nhiều nhất.
Lời Chúa cho chúng ta biết hậu quả của sự phạm tội nói dối như sau:
“Còn những kẻ hèn nhát, không tin, đáng gớm ghiếc; những kẻ giết người; những đĩ đực; những kẻ phù phép; những kẻ thờ thần tượng; và tất cả những kẻ nói dối sẽ có phần của chúng trong hồ đốt với lửa và lưu huỳnh. Đó là sự chết thứ nhì.” (Khải Huyền 21:8).
“Bất cứ một sự ô uế nào cũng sẽ không thể vào được trong thành. Cũng không một việc làm gớm ghiếc nào hoặc một lời nói dối nào được vào trong thành; nhưng chỉ những kẻ được ghi trong Sách Sự Sống của Chiên Con.” (Khải Huyền 21:27).
Lời Chúa rất tỏ tường, những kẻ nói dối thì ở trong hồ lửa đời đời, và không một lời nói dối nào được vào trong thành. Điều đó cho chúng ta thấy sự nguy hiểm và hậu quả nghiêm trọng của sự phạm tội nói dối, dầu chỉ là một lời nói dối.
Điều Răn Thứ Chín Chúa dạy chúng ta không được nói chứng dối. Nói chứng dối là một phương diện của sự nói dối. Nói chứng dối là nói dối khi làm chứng về người khác. Khi chúng ta nói một điều gì không thật về người ấy là chúng ta đã nói chứng dối nghịch lại người ấy. Sự nói chứng dối có thể là vì ác ý, muốn làm hại hoặc trả thù người khác, có thể là vì thiện ý muốn bảo vệ hoặc tôn cao người khác, và cũng có thể là vì không biết rõ sự thật.
Theo sự giải thích của người chăn, trong nguyên ngữ Thánh Kinh, từ ngữ “kẻ lân cận” gồm những người thân thuộc, quen biết hoặc có mối tương quan xã hội nào đó với chúng ta như: cha mẹ, vợ chồng, người yêu, anh chị em, bạn bè, hàng xóm, người cộng sự, hoặc là người cùng quốc tịch. Từ ngữ này còn có một ý bao quát là “người khác”, tức là bất cứ ai ngoài chính mình. Trong Lu-ca 10:25-37, câu chuyện Đức Chúa Jesus kể lại cho một thầy dạy luật giúp cho chúng ta biết như thế nào là người lân cận của mình.
Như vậy, nói chứng dối nghịch lại kẻ lân cận có nghĩa là thuật lại không đúng sự thật những gì mình đã thấy và biết về người lân cận. Chúng ta có thể vì cố ý hoặc vô ý mà nói chứng dối. Trường hợp cố ý nói chứng dối thì có ba lý do:
Cố ý nói chứng dối để hãm hại hoặc trả thù người khác. Mục đích là muốn làm hại người khác.
Cố ý nói chứng dối để tôn cao, lấy lòng người khác do thói quen ưa xu nịnh.
Cố ý nói chứng dối để bảo vệ người khác, hoặc tự bảo vệ và thủ lợi cho mình. Vì muốn trốn tránh trách nhiệm về một việc làm sai trái nào đó của mình, có thể đổ tội cho người khác, hoặc bị mua chuộc để nói dối nhằm đạt được quyền lợi riêng cho mình.
Là con dân Chúa, chúng ta không thể cố ý nói chứng dối vì bất cứ lý do gì. Bởi vì chúng ta không còn lòng hơn thua, ganh ghét, giận lẫy mà trả thù ai. Chúng ta không hãm hại ai vì Chúa dạy chúng ta yêu thương mọi người như chính mình. Chúng ta cũng không nịnh nọt nói những lời lấy lòng người khác, mà là nói những lời chân thật, ngay thẳng. Chúng ta cũng không dùng lời giả dối để phủ nhận những sai lầm, lâm vấp của mình, mà chân thành nhận sai và khắc phục hậu quả. Bởi những người thuộc về Đấng Christ đã đóng đinh xác thịt với tình cảm và sự tham muốn trên thập tự giá rồi.
“Vậy, các anh chị em đã từ bỏ mọi điều độc ác, mọi điều gian trá, mọi thứ giả hình, lòng ganh ghét, và sự vu khống.” (I Phi-e-rơ 2:1).
Tuy nhiên, không tránh khỏi trường hợp vô ý nói chứng dối vì khi chúng ta quan sát không kỹ, hoặc nhớ không hết các dữ kiện, không hiểu đúng những điều mà mình chứng kiến. Dẫn đến nói không đúng, không đủ về sự việc liên quan. Vì vậy, chúng ta cần cẩn trọng và xin Chúa ban cho mình sự khôn sáng để lời nói của mình được đúng và chính xác.
Chúng ta cũng không được nói về chính mình cách không trung thực, vì như vậy cũng là nói chứng dối, như việc nói quá lên những điều mình có thể làm được sẽ trở thành khoác lác và kiêu ngạo. Sự nói chứng dối về chính mình có thể là do thói quen của con người cũ, muốn được thể hiện mình, hoặc nhằm tự bảo vệ hoặc thủ lợi cho mình.
Trên phương diện thuộc linh, khi một người xưng nhận mình là người tin Chúa nhưng lại không sống đúng theo Lời Chúa thì cũng phạm tội nói chứng dối về chính mình, nói chứng dối về Chúa.
“Ai nói: Tôi biết Ngài! Mà không giữ các điều răn của Ngài, là người nói dối, lẽ thật không ở trong người ấy.” (I Giăng 2:4).
“Nếu có ai nói rằng: Tôi yêu Đức Chúa Trời, mà lại ghét anh chị em cùng Cha của mình, thì ấy là kẻ nói dối. Vì ai chẳng yêu anh chị em cùng Cha mình thấy, thì không thể yêu Đức Chúa Trời mình chẳng thấy được.” (I Giăng 4:20).
Ví dụ như người xưng nhận mình là người tin nhận Chúa mà lại không lễ phép với cha mẹ, tranh giành với anh chị em trong gia đình, lười biếng làm việc, ỷ lại, tham lam, ích kỷ,…. Như vậy lời người đó xưng nhận mình là con dân Chúa chỉ là lời nói dối. Nếp sống của người đó là lời chứng giả dối về Chúa, về Tin Lành Cứu Rỗi của Chúa, khiến cho người lân cận có cái nhìn sai lệch. Đó chính là sự nói chứng dối về chính mình, về Chúa cách nguy hiểm nhất, khiến cho người ngoại gièm chê và không còn muốn nghe về Chúa, không muốn tiếp nhận Chúa nữa. Đó là sự nói chứng dối tai hại và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến linh hồn của những người lân cận.
Khi chúng ta làm chứng về Chúa cho người khác thì chúng ta cũng cần cẩn trọng để lời làm chứng của mình chân thật, theo sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh, chứ không theo sự khôn ngoan của xác thịt. Chúng ta cần nói cho người nghe biết về ơn cứu rỗi của Chúa, phước hạnh khi được trở nên địa vị con cái Chúa, nhưng cũng cần nói về cái giá phải trả khi tin Chúa. Chúng ta không thể chỉ nói về ơn phước Chúa ban theo cách dụ dỗ người nghe để họ tiếp nhận Chúa, như tin Chúa thì được chữa lành bệnh, có chỗ ăn chỗ ở,… Nếu chúng ta chỉ nói một nửa, mà giấu nhẹm sự chịu khổ khi phải đi theo Chúa thì chúng ta đã nói chứng dối về Chúa.
Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta một tấm lòng yêu kính Chúa và yêu mến điều răn luật pháp của Ngài! Nguyện mỗi lời nói của chúng ta luôn chân thật, ngay thẳng, mang lại sự gây dựng và ích lợi cho mọi người!
One Reply to “Phục Truyền Luật Lệ Ký 5 Bài Giảng Thứ Nhì: Truyền Lại Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời-Điều Răn Thứ Chín”