Phục Truyền Luật Lệ Ký 8 Môi-se Khuyên Dân I-sơ-ra-ên Biết Ơn Chúa và Trung Tín Khi Sống Trong Đất Hứa

93 lượt xem

Môi-se Khuyên Dân I-sơ-ra-ên Biết Ơn Chúa và Trung Tín Khi Sống Trong Đất Hứa

Nguyễn Thị Thu Thủy

Câu Hỏi Gợi Ý:

1. Tại sao Chúa lại dẫn dân I-sơ-ra-ên đi trong đồng vắng? Chúa đã hạ họ xuống và thử họ rao sao?
2. Theo sự hiểu của em, sự kiện dân I-sơ-ra-ên đi trong đồng vắng có đem lại ích lợi gì cho họ?
3. Vì sao sự nhớ lại trọn con đường nơi đồng vắng lại giúp cho dân sự biết ơn và trung tín với Chúa trong Đất Hứa?

Gợi Ý Áp Dụng:

1. Em có bao giờ trải qua sự thử thách và rèn tập của Chúa không? Đó là điều gì?
2. Sự thử thách và rèn tập của Chúa có mang lại ích lợi gì cho em?
3. Theo em, làm sao để một người luôn biết ơn Chúa và trung tín với Chúa cho đến cuối cùng?

Chia Sẻ:

Các bạn thiếu niên thân mến,

Hôm nay, chúng ta học Phục Truyền Luật Lệ Ký chương 8, chủ đề Môi-se Khuyên Dân I-sơ-ra-ên Biết Ơn Chúa và Trung Tín Khi Sống Trong Đất Hứa, với câu gốc:

“Hãy nhớ trọn con đường nơi đồng vắng mà Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi đã dẫn ngươi đi trong bốn mươi năm này, để hạ ngươi xuống và thử ngươi, để biết điều có ở trong lòng ngươi, hoặc ngươi có giữ gìn những điều răn của Ngài hay chăng.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 8:2).

Môi-se nhắc lại cho dân I-sơ-ra-ên nhớ về trọn con đường nơi đồng vắng mà Thiên Chúa đã dẫn họ đi khi ra khỏi xứ nô lệ Ê-díp-tô. Trong suốt chặng đường nơi đồng vắng, có nhiều thử thách Chúa cho phép xảy đến trên đời sống của dân sự. Như chúng ta đã biết dân I-sơ-ra-ên vốn là dân cứng cổ, bội nghịch, than van, lằm bằm và hay oán trách. Bởi vậy những khó khăn xảy đến là để hạ sự kiêu ngạo, cứng cỏi trong lòng của họ xuống và để thử thách đức tin của họ nơi Chúa. Thiên Chúa là Đấng Toàn Tri, Ngài biết hết mọi sự, và ngay cả mỗi sự thầm kín trong tấm lòng của một người, nên Ngài không cần phải làm điều gì để biết lòng của mỗi người đối với Ngài là thế nào. Tuy nhiên, những sự khó khăn, thử thách xảy đến trên đời sống của con dân Chúa sẽ tỏ ra cho chính mỗi người, ma quỷ và loài người nhìn biết tấm lòng của người đó đối cùng Chúa ra sao.

Thiên Chúa cho phép khó khăn xảy đến với dân I-sơ-ra-ên khi họ vào đồng vắng Sin thì không có thức ăn. Dân I-sơ-ra-ên đã lằm bằm, than van, oán trách Chúa và tôi tớ của Ngài, họ thương nhớ về những ngày được ăn thịt và bánh, họ đã vội quên cảnh lầm than, khổ cực tại xứ nô lệ Ê-díp-tô. Thiên Chúa đã làm phép lạ dẫn chim cút đến bay phủ trên trại quân và ban bánh ma-na từ trời xuống cho họ (Xuất Ê-díp-tô Ký 16). Kể từ đó, “dân I-sơ-ra-ên ăn ma-na trải bốn mươi năm, cho đến khi vào bờ cõi xứ Ca-na-an, là xứ có người ta ở” (Xuất Ê-díp-tô Ký 16:35). 

Chúng ta hiểu rằng, Chúa cho phép sự khó khăn xảy đến không tìm thấy thức ăn, bị đói là vì Ngài muốn dân sự có lòng hạ mình tìm kiếm Chúa, nhận biết Chúa là Đấng quyền năng vô đối, Ngài làm được mọi sự, để dân sự có lòng trông cậy nơi sự giải cứu của Ngài, kêu cầu sự cứu giúp từ nơi Ngài. Khi Ngài làm phép lạ ban bánh ma-na cho họ, là để khiến họ nhận biết rằng: “Loài người sẽ sống chẳng phải chỉ nhờ bánh, nhưng nhờ mỗi lời phán phát xuất từ miệng của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu mà loài người sẽ sống” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 8:3b). Bánh là thức ăn để nuôi dưỡng thân thể xác thịt, giúp cho thân thể xác thịt được lớn lên, khỏe mạnh. Loài người không chỉ nuôi dưỡng mỗi thân thể xác thịt, bởi vì còn có thân thể thiêng liêng là tâm thần. Lời Chúa chính là thức ăn thuộc linh giúp nuôi dưỡng thân thể thiêng liêng. Nếu người nào biết nuôi mình bằng mỗi lời phán của Chúa thì người đó sẽ thêm lên lòng tin cậy nơi Chúa, kinh nghiệm sự thành tín và quyền năng lạ lùng của Ngài, và càng thêm lên lòng kính sợ Chúa. Loài người sẽ sống nhờ mỗi lời phán phát xuất từ miệng của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là như vậy. Bên cạnh đó, người có lòng tin kính Chúa cũng trông cậy nơi Chúa là Đấng chăm sóc và chu cấp cho họ mọi nhu cầu trong đời sống thuộc thể của mình. Bởi chính Lời Chúa cũng phán rằng:

“Vậy, các ngươi chớ lo lắng, nói: Chúng ta sẽ ăn gì? Hoặc: Chúng ta sẽ uống gì? Hoặc: Chúng ta sẽ mặc gì? Vì các dân ngoại tìm kiếm tất cả những sự đó. Vì Cha trên trời của các ngươi biết rằng, các ngươi cần hết thảy những sự đó. Nhưng trước hết, các ngươi hãy tìm kiếm Vương Quốc của Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài, thì mọi điều ấy sẽ được thêm cho các ngươi.” (Ma-thi-ơ 6:31-33).

Chúng ta cũng nhìn thấy sự chăm sóc và chu cấp của Chúa trên dân I-sơ-ra-ên trong đồng vắng bằng các phép lạ của Ngài. Và chắc chắn rằng, trong đời sống của những người thật lòng tin kính Chúa và sống theo Lời Chúa sẽ luôn kinh nghiệm được sự chăm sóc và chu cấp của Chúa trên đời sống mình.

Trong bốn mươi năm đi trong đồng vắng, Thiên Chúa đã bảo vệ dân I-sơ-ra-ên, Ngài đi trước họ, ban ngày trong một trụ mây để dẫn đường, ban đêm trong một trụ lửa để soi sáng cho họ. Ngài bao phủ, bảo vệ, giữ gìn họ đến nỗi quần áo của họ cũng chẳng hư mòn, chẳng có điều gì tổn hại đến họ dù là đôi bàn chân bé nhỏ phải đi trong đồng vắng. Thiên Chúa là Đấng biết hết mọi sự, Ngài biết rõ trong lòng dân I-sơ-ra-ên đối cùng Chúa như thế nào, điều gì trong họ còn cần ăn năn, hạ mình, sửa đổi. Bởi vậy, Ngài cho phép trong suốt bốn mươi năm đó, họ trải qua nhiều thử thách: không có nước uống, không có đồ ăn, phải tranh chiến với quân thù nghịch,… Thật ra những thử thách, khó khăn đó xảy đến, ngay cả sự đi lang thang trong đồng vắng bốn mươi năm cũng là do sự phạm tội của họ. Tuy nhiên, Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, nhẫn nại, Ngài sửa phạt dân sự, dùng những sự thử thách đó để rèn tập, để tỏ cho dân sự nhìn biết Chúa là Đấng họ phải hạ mình, lấy lòng kính sợ mà tôn kính Ngài.

Như vậy, trước khi dân I-sơ-ra-ên tiến vào vùng đất hứa Ca-na-an, và sẽ sinh sống trong đó; thì Môi-se nhắc cho dân I-sơ-ra-ên nhớ về ơn thương xót lớn lao mà Chúa đã đối cùng họ trong bốn mươi năm nơi đồng vắng. Dẫu rằng, sự bội nghịch của dân I-sơ-ra-ên khiến cho Chúa muốn diệt hết thảy họ, nhưng bởi sự thành tín, thương xót và chậm giận của Ngài, mà Ngài tha thứ và ban cho họ thêm cơ hội. Chúa vẫn sắm sẵn xứ Ca-na-an tươi tốt cho họ, trong xứ Ngài sắm sẵn mọi sự, các khe suối nước uống, cây cối lương thực cần dùng, trong xứ đó họ sẽ ăn bánh no đủ chẳng thiếu món gì. 

Bởi vậy, dân I-sơ-ra-ên cần ghi nhớ và nhận biết rằng, chẳng phải bởi họ tốt đẹp gì, xứng đáng gì, hay giỏi giang gì mà có thể đi ngang qua đồng vắng mênh mông với đầy những rắn lửa, bọ cạp, vượt qua những khó khăn thử thách, mà đi đến được ở trong xứ Ca-na-an tươi tốt. Dân sự cần ghi nhớ ơn thương xót mà Chúa đối cùng mình trong suốt hành trình bốn mươi năm, Chúa đã rèn tập họ, hạ sự kiêu ngạo của họ xuống và khiến họ nhận biết Chúa. Ngài thương xót mà đem họ vào trong xứ Ca-na-an và dành ban cho họ những điều tốt đẹp nhất. Môi-se nhắc chừng dân sự đừng nổi lên lòng tự cao, cho rằng ấy là nhờ mình tài giỏi và mạnh sức mà đoạt được xứ Ca-na-an.

Môi-se nhắc chừng dân I-sơ-ra-ên khi đã được ban cho xứ tốt tươi, với những sự no đủ, dư dật, với nhiều điều tốt đẹp thì cũng hãy cẩn thận giữ mình luôn sống trung tín với Chúa. Nghĩa là sống nếp sống vâng giữ mọi điều răn, mệnh lệnh, luật lệ mà Chúa đã truyền do dân sự qua Môi-se. Điều duy nhất mà dân I-sơ-ra-ên có thể báo đáp lại ơn thương xót mà Chúa đã dành cho họ khi Ngài dẫn họ ra khỏi xứ nô lệ, đồng hành cùng họ trong đồng vắng, dẫn họ vào trong xứ tốt tươi; ấy là trung tín sống theo những điều răn, luật pháp của Ngài.

Lời khuyên dạy của Môi-se dành cho dân I-sơ-ra-ên cũng chính là Lời Chúa khuyên dạy chúng ta ngày nay, đó là biết ơn Chúa và sống trung tín với Chúa.

Là con dân chân thật của Chúa thì luôn có lòng biết ơn Chúa. Chúng ta chẳng những biết ơn Chúa về những ơn phước thuộc thể Chúa ban cho thịnh vượng, được dư dật trong cuộc sống. Mà còn là sự biết ơn Chúa khi có những khó khăn, thử thách xảy đến trong đời sống. Dẫu rằng, theo con mắt xác thịt thì thấy thiệt hại, mất mát, khổ cực. Tuy nhiên con mắt thuộc linh chúng ta nhìn biết sự Chúa cho phép những thử thách xảy đến là để thử luyện, rèn tập, sửa đổi giúp cho chúng ta được trọn vẹn trong Chúa, đón nhận những ơn phước thuộc linh mà Ngài ban cho chúng ta.

“Hỡi các anh chị em cùng Cha của tôi, khi các anh chị em rơi vào mọi sự thử thách khác nhau, hãy xem mỗi sự đều là sự vui mừng. Hãy biết rằng, sự thử nghiệm đức tin của các anh chị em đem lại sự nhẫn nại. Nhưng hãy để sự nhẫn nại làm trọn việc nó, để các anh chị em được nên trọn vẹn, không thiếu sót.” (Gia-cơ 1:2-4).

“Hỡi những người yêu dấu! Khi các anh chị em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường. Nhưng các anh chị em có phần trong sự thương khó của Đấng Christ bao nhiêu, thì hãy vui mừng bấy nhiêu, để cho đến ngày vinh quang của Ngài hiện ra, thì các anh chị em cũng được vui mừng lớn.” (I Phi-e-rơ 4:12-13).

Người thật lòng tin kính Chúa sẽ nhìn biết những ơn phước thuộc linh Chúa ban cho qua những sự thử thách xảy đến, là sự trọn vẹn, là thêm lên lòng tin cậy Chúa, thêm lên sự nhẫn nại, được dự phần trong sự thương khó với Chúa, được những phần thưởng vinh quang trong ngày Chúa tái lâm. Đó là những ơn phước Chúa ban cho khiến cho chúng ta vui mừng và biết ơn Chúa không thôi.

Lòng biết ơn Chúa sẽ khiến cho chúng ta luôn luôn biết cảm tạ Chúa trong mọi sự vì nhận biết, mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu Đức Chúa Trời, là những người được gọi theo một mục đích của Ngài (Rô-ma 8:28). Lòng biết ơn Chúa sẽ khiến cho chúng ta dù trong nghịch cảnh vẫn dâng lời tạ ơn Chúa. “Trong mọi sự, hãy tạ ơn! Vì đó là ý muốn của Thiên Chúa trong Đấng Christ Jesus đối với các anh chị em” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:18).

Lòng biết ơn Chúa sẽ khiến chúng ta nhận biết rằng, Chúa đang thử thách, rèn tập chúng ta trong Ngài. “Vì, Thiên Chúa ơi! Ngài đã thử thách chúng tôi. Ngài đã luyện chúng tôi như bạc được luyện” (Thi Thiên 66:10). Để sự thử thách đức tin nơi Chúa của chúng ta trở nên quý hơn vàng hay hư nát, dù bị thử lửa nhưng sinh ra sự khen ngợi, tôn trọng, và vinh quang cho các anh chị em trong sự hiện ra của Đức Chúa Jesus Christ (I Phi-e-rơ 1:7).

Lòng biết ơn Chúa sẽ giúp cho chúng ta kiên trì, nhẫn nại vượt qua được mọi sự thử thách Chúa cho phép xảy ra. Ngài luôn ban năng lực cho chúng ta và mở đường cho chúng ta ra khỏi.

“Không có sự cám dỗ hoặc thử thách nào đã nắm giữ được các anh chị em, ngoại trừ nếu sự ấy thuộc về bản tính của loài người. Nhưng Đức Chúa Trời thành tín, là Đấng sẽ không để cho các anh chị em chịu cám dỗ hoặc thử thách nào vượt quá năng lực của các anh chị em; nhưng Ngài sẽ làm cho cùng với sự cám dỗ hoặc thử thách có một lối thoát, để các anh chị em có năng lực chịu đựng.” (I Cô-rinh-tô 10:13).

Lòng biết ơn Chúa sẽ giúp cho chúng ta trung tín sống nếp sống đẹp lòng Ngài, vâng giữ mọi điều Chúa răn dạy, quyết không phạm tội với Chúa dù rơi vào nghịch cảnh, thử thách.

“Mạng sống tôi hằng bị cơn nguy hiểm, nhưng tôi không quên luật pháp Chúa.” (Thi Thiên 119:109).

“Sự gian truân và sự sầu khổ vây hãm tôi; dù vậy, các điều răn Ngài là điều tôi ưa thích.” (Thi Thiên 119:143).

“Tôi sẽ hằng giữ luật pháp của Ngài cho tới đời đời!” (Thi Thiên 119:44).

Chúng ta cũng cần giữ nếp sống trung tín vâng giữ các điều răn dạy của Chúa cho đến ngày Đấng Christ tái lâm, theo lời kêu gọi của Chúa: “Con hãy giữ điều răn cho không vết tích, không chỗ trách được, cho tới kỳ sự hiện ra của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta” (I Ti-mô-thê 6:14).

Cảm tạ Chúa đã ban Lời Ngài để chúng ta được học và suy ngẫm. Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ai nấy luôn có tấm lòng biết ơn Chúa và trung tín với Chúa cho đến cuối cùng!

One Reply to “Phục Truyền Luật Lệ Ký 8 Môi-se Khuyên Dân I-sơ-ra-ên Biết Ơn Chúa và Trung Tín Khi Sống Trong Đất Hứa”

Để lại một bình luận