Sự Cầu Nguyện

42 lượt xem

Phạm Trịnh Minh Anh

Câu Gốc:Trong khi cầu nguyện, các ngươi lấy đức tin xin việc gì bất kỳ, hết thảy đều được cả.” (Ma-thi-ơ 21:22).

Câu Hỏi Gợi Ý:

1. Các con hiểu như thế nào về sự cầu nguyện? Tầm quan trọng và lợi ích của việc cầu nguyện là gì?
2. Như thế nào là cầu nguyện trong đức tin?
3. Làm thế nào để biết rằng những điều chúng ta xin trong khi cầu nguyện là đẹp ý Chúa và tin chắc rằng Ngài sẽ ban cho chúng ta?

Gợi Ý Áp Dụng:

1. Các con có thường đến với Chúa trong sự cầu nguyện không? Trong khi cầu nguyện các con thường thưa với Chúa những điều gì?
2. Những điều các con xin Chúa thì có xảy ra như lời Chúa phán là “hết thảy đều được cả” không?
3. Hãy chia sẻ một lời cầu nguyện mà các con được Chúa đáp lời, và một lời cầu nguyện mà Chúa chưa đáp lời hoặc Chúa đã không đáp lời các con. Khi lời cầu nguyện không được đáp ứng theo cách các con mong đợi, các con cảm thấy như thế nào? Các con có biết lý do vì sao Chúa không ban cho điều các con xin không?

Chia Sẻ:

Các bạn thiếu niên thương mến,

Cảm tạ Chúa hôm nay ban cho cô có cơ hội được cùng các con suy ngẫm về chủ đề Sự Cầu NguyệnCô biết đối với các con, thì sự cầu nguyện không có gì xa lạ, và các con đã thực hành sự cầu nguyện từ lâu rồi. Nhưng cô vẫn muốn cùng các con suy ngẫm chủ đề này, vì đời sống của chúng ta phải là một đời sống của sự cầu nguyện.

Cầu nguyện là sự chúng ta ra mắt Thiên Chúa, tương giao với Ngài trong tâm thần của chúng ta. Trong khi cầu nguyện, lòng chúng ta hướng lên Chúa dâng lên Ngài lời tôn vinh, cảm tạ, lời tâm tình, ăn năn, cùng những lời cầu xin, cầu thay của chúng ta, tìm biết ý của Ngài về những điều chúng ta thắc mắc. Nếu chúng ta luôn đến với Chúa chỉ để cầu xin Chúa điều này điều kia mà thôi, thì đó không phải là sự tương giao đúng nghĩa. Các con hãy thử tượng tượng, các con có một người bạn và các con rất thương quý bạn ấy, nhưng mỗi khi bạn ấy đến với con thì con biết bạn chỉ đến để hỏi xin các con điều này điều nọ, hoặc xin các con giúp bạn làm việc này việc kia. Sau khi con giúp thì bạn có nói lời cảm ơn các con, nhưng tiếp theo thì quên mất sự hiện diện của con, vì bạn chỉ lo làm các việc riêng khác của bạn. Vậy, các con thấy mối quan hệ giữa mình và người bạn ấy như thế nào? Nếu bạn cứ tiếp tục làm như vậy thì mối quan hệ giữa con và bạn ấy sẽ ra sao?

Chúng ta cần hiểu rằng, sự cầu nguyện là một đặc ân lớn mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Bởi vì trong thế gian này, cùng là loài người với nhau, nhưng không phải chúng ta muốn gặp gỡ, trò chuyện với bất kỳ người nào cũng được. Chưa nói đến nhân vật lớn, quan trọng, hay những người nổi tiếng, mà ngay đến cha mẹ, anh chị em ruột, bạn bè thân thiết, là những người thân thương gần gũi với chúng ta, thì cũng không phải lúc nào chúng ta muốn tâm sự với họ, là họ cũng có thể có thời gian cho chúng ta.

Các con đã học biết, trong thời Cựu Ước, tuy dân I-sơ-ra-ên là tuyển dân của Chúa cũng không thể trực tiếp đến ra mắt Chúa được, mà họ phải thông qua thầy tế lễ để dâng các của lễ lên Chúa. Ngay đến thầy tế lễ thượng phẩm cũng chỉ mỗi năm được vào nơi chí thánh để gặp Chúa một lần mà thôi. Vậy mà giờ đây, chúng ta lại được tự do mọi nơi, mọi lúc có thể đến để thưa chuyện với Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa vinh quang, vĩ đại, và đầy quyền năng.

  • Ngài là Đức Chúa Trời, Cha trên trời của chúng ta, Ngài yêu chúng ta, quan phòng, ban ơn, xuống phước cho chúng ta. Lời cầu nguyện dâng thân thể mỗi sáng và tối của chúng ta hướng về Đức Chúa Cha. Chúng ta cũng hướng về Ngài mà dâng lời cảm tạ. Chúng ta trình dâng lên Ngài những nan đề và nhu cầu trong đời sống của chúng ta, xin Ngài thương xót, tha thứ cho chúng ta mọi sự vi phạm. 
  • Ngài là Đức Chúa Jesus Christ, Vua trên muôn vua, Chúa trên muôn chúa, nhưng Ngài bên cạnh chúng ta, nghe chúng ta tâm tình, và thêm sức cho chúng ta trên bước đường theo Ngài. Mỗi giây phút chúng ta thầm nguyện trong lòng, là chúng ta đang trò chuyện với Đấng Christ, chúng ta tâm tình với Ngài niềm vui, nỗi buồn của chúng ta như chúng ta tâm tình, trò chuyện với người anh cả trong nhà và như người bạn rất thân của mình về mọi sự trong cuộc sống. Cầu xin Ngài thêm sức giúp chúng ta vượt qua khó khăn trở ngại mà chúng ta đang gặp phải.
  • Ngài là Đức Thánh Linh, Đấng ngự trong chúng ta, dạy dỗ chúng ta, dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật. Bất cứ khi nào chúng ta có điều không hiểu, thắc mắc phải làm thế nào để được đẹp lòng Chúa, thì chúng ta cầu hỏi Ngài. Khi lòng chúng ta đầy rối reng, không biết phải cầu nguyện thế nào thì chúng ta nhờ Ngài cầu thay cho chúng ta, và dạy chúng ta cầu nguyện. Chúng ta tâm tình với Ngài như người thầy, người cố vấn, người dẫn dắt mình trong mọi sự. Cầu xin Ngài dạy chúng ta cách suy ngẫm Lời Chúa, dạy chúng ta hiểu những điều mầu nhiệm về Thiên Chúa. 

Vậy tóm lại, trong khi cầu nguyện, lòng chúng ta hướng lên Đức Chúa Trời là Cha của chúng ta ở trên trời, dâng lên Ngài lời tôn vinh, cảm tạ, lời xưng tội, hay cầu xin Ngài tha thứ những sự vi phạm của chúng ta. Chúng ta cầu nguyện với Đức Chúa Jesus để tâm tình với Ngài, vì Ngài là Đấng trải qua mọi sự cám dỗ, thử thách trên đất mà không phạm tội, nên Ngài có thể cứu chúng ta, thêm sức cho chúng ta. Chúng ta cầu nguyện với Đức Thánh Linh xin Ngài ban cho chúng ta sự khôn sáng, trình dâng những điều chúng ta thắc mắc lên Ngài, và lắng nghe sự dạy dỗ của Ngài trong tâm thần của chúng ta. 

Điều quan trọng là, trong nhiều việc mà chúng ta có thể làm để Chúa được vui lòng, thì sự cầu nguyện là một sự lành và đẹp mắt Thiên Chúa mà ai ai trong chúng ta đều có năng lực để thực hiện.

II Ti-mô-thê 2:1-4
1 Vậy, ta khuyên rằng, trước hết, hãy làm những sự khẩn xin, những sự cầu nguyện, những sự hiệp nguyện, những sự tạ ơn cho mọi người,
2 cho các vua, cho hết thảy các bậc cầm quyền, để chúng ta được sống một đời yên tĩnh và bình an trong mọi sự tin kính và thành thật.
3 Ấy là một sự lành và đẹp mắt Thiên Chúa, Đấng Giải Cứu của chúng ta,
4 Đấng muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến với tri thức về lẽ thật.

Nếu bỏ qua sự cầu nguyện, thì chúng ta sẽ không có năng lực để làm bất cứ điều gì khác đẹp lòng Thiên Chúa.

Sự Cầu nguyện mang lại những ích lợi gì?

Nhờ sự cầu nguyện chúng ta sẽ:

1. Tránh khỏi sự cám dỗ, như lời Chúa dạy: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện, kẻo các ngươi rơi vào sự cám dỗ!” (Mác 14:38a).

2. Tránh khỏi sự khủng khiếp sẽ xảy đến trong bảy năm đại nạn và được ra mắt Chúa trong ngày Ngài đến đón Hội Thánh. Lời này được chính Đức Chúa Jesus phán, khi chúa nói tiên tri về việc thành Giê-ru-sa-lem bị tàn phá và sự Ngài sẽ trở lại trong Lu-ca 21:5-38.

Vậy, hãy tỉnh thức và luôn cầu nguyện, để các ngươi được xứng đáng tránh khỏi những sự sẽ xảy ra, và được đứng trước mặt Con Người.” (Lu-ca 21:36).

3. Được Chúa đáp ứng, giải cứu, dạy dỗ, thêm sức cho để chúng ta phụng sự Ngài. 

Qua Thánh Kinh chúng ta biết, Đức Chúa Jesus khi còn bước đi trên đất, Ngài đã luôn cầu nguyện. Các sứ đồ đầu tiên cầu nguyện để có thể phụng sự Chúa.

Còn chúng ta thì sẽ tiếp tục sự cầu nguyện và sự phục vụ Lời.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 6:4).

Người nào không tiếp tục ở trong sự cầu nguyện, sẽ không thể phụng sự Chúa cách đẹp lòng Ngài. Khi không ở trong sự cầu nguyện, thì chúng ta không thể hiểu được Lời Chúa, không được Ngài dạy dỗ trong khi suy ngẫm Lời Ngài. Có chăng chỉ là những sự hiểu từ lý trí, hiểu trên mặt chữ mà thôi. Sự hiểu ấy rất khô khan, cứng ngắc, khó áp dụng và sẽ nhanh chóng bị chúng ta lãng quên.

Khi sống trong thế gian, chúng ta sẽ đối diện nhiều sự khó khăn, thử thách. Nếu chúng ta biết dâng trình những nan đề, nhu cầu mình cần lên Chúa qua sự cầu nguyện, thì Ngài sẽ mở đường và ban những điều ích lợi cho chúng ta. Nhưng nếu chúng ta dùng sự khôn ngoan xác thịt để giải quyết nan đề trước khi đến với Ngài, thì Ngài sẽ để chúng ta làm theo ý của chúng ta. Vậy nên trong mọi sự chúng ta hãy làm theo lời dạy trong Phi-líp 4:6 là:

Chớ lo phiền gì hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, khẩn xin, và sự tạ ơn mà trình các sự mình xin lên Đức Chúa Trời.” (Phi-líp 4:6).

Trong sự đau ốm cũng vậy, nhờ lời cầu nguyện chúng ta sẽ được lành bệnh, vì Đức Chúa Jesus Christ là Đấng Chữa Lành. Chúng ta có thể tự mình cầu xin Chúa, hoặc nhờ Hội Thánh, hay các trưởng lão của Hội Thánh cầu nguyện cho chúng ta. 

Trong các anh chị em có ai đau ốm chăng? Người ấy hãy mời các trưởng lão của Hội Thánh đến, để họ cầu nguyện cho người, nhân danh Chúa mà xức dầu cho người.” (Gia-cơ 5:14).

Dẫu biết rằng người bệnh cần thuốc và thầy thuốc, nhưng có những lúc thầy thuốc cũng không thể giúp được, thì chúng ta cầu xin Chúa chữa cho chúng ta cách siêu nhiên, nếu Chúa không làm thế, Ngài sẽ thêm sức cho chúng ta có thể chịu đựng được. Điều quan trọng là dù thế nào chúng ta cần luôn vững tin nơi tình yêu, và sự toàn năng của Chúa, vâng theo thánh ý của Ngài.

Cầu Nguyện Như Thế Nào?

Lời Chúa dạy rằng:

Nhưng khi ngươi cầu nguyện, hãy vào trong nơi phòng riêng của ngươi, đóng cửa của ngươi, cầu nguyện với Cha ngươi trong nơi kín nhiệm.” (Ma-thi-ơ 6:6a).

Câu trên không có ý đòi hỏi chúng ta phải có phòng riêng thì mới cầu nguyện, nhưng chúng ta cần biệt riêng một khoảng thời gian và nếu được thì tìm một nơi riêng tư, tránh sự làm phiền của người khác để yên tĩnh đến với Chúa, tương giao với Ngài trong sự cầu nguyện. Thánh Kinh cho chúng ta biết, Đức Chúa Jesus đã nhiều lần dậy thật sớm đi lên núi, hay vào nơi hoang vắng, để một mình cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Nếu không tìm được nơi riêng tư, thì lòng chúng ta chính là một nơi kín nhiệm, để chúng ta cầu nguyện với Chúa. Chúng ta hãy yên lặng, hướng tâm trí mình về Chúa, mặc kệ những tiếng ồn ào bên ngoài, loại bỏ những sự âm thanh gây khó chịu trong lòng, để tâm thần chúng ta yên tĩnh, tự do hướng về Chúa. Hãy tập cầu nguyện với Chúa trong mọi hoàn cảnh. Như Sứ Đồ Phao-lô dù trong hoàn cảnh bị giam giữ nơi lao tù ông vẫn có thể cầu nguyện và tôn vinh Chúa cách dạn dĩ.

Cho tới giữa đêm, Phao-lô và Si-la vẫn cầu nguyện và tôn vinh Đức Chúa Trời. Những tù nhân đều đã nghe họ.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 16:25).

Vậy chúng ta hãy đến với Chúa trong sự dạn dĩ và bền lòng trong sự cầu nguyện không thôi với Ngài.

Hãy luôn luôn cầu nguyện! Các anh chị em hãy tỉnh thức trong sự ấy, trong sự tạ ơn.” (Cô-lô-se 4:2).

Để có thể luôn luôn cầu nguyện, mà Thánh Kinh gọi là sự cầu nguyện không thôi, thì mỗi phút giây, chúng ta hãy tập cầu nguyện với Chúa trong lòng mình, luôn suy tưởng về Chúa, trò chuyện với Ngài trong tâm thần của mình. Hãy luôn cảm tạ Chúa trong mọi sự. Trong các việc làm thường ngày thì tìm kiếm ý muốn của Ngài để biết nên hay không nên làm điều gì. Cầu xin Chúa thêm sức để làm việc gì cũng hết lòng mà làm, nhẫn nại, kiên trì trong công việc Chúa ban, để khiến Ngài được vui lòng.

Trong các anh chị em có ai chịu khổ chăng? Người ấy hãy cầu nguyện. Có ai vui mừng chăng? Người ấy hãy hát những lời tôn vinh.” (Gia-cơ 5:13).

Vì sao Chúa không đáp lời cầu xin của chúng ta?

Như câu gốc mà các con đã học thuộc:

Trong khi cầu nguyện, các ngươi lấy đức tin xin việc gì bất kỳ, hết thảy đều được cả.” (Ma-thi-ơ 21:22).

Vậy tại sao Chúa dường như không nghe chúng ta nữa? Có ba điều cô muốn chia sẻ với các con.

1. Chúng ta cần tra xét lại chính mình, xem còn điều gì trong chúng ta đang khiến Chúa buồn lòng. Điều Răn Thứ Nhất của Chúa: “Trước mặt Ta, ngươi sẽ không có các thần khác.“, vậy chúng ta có đang ưa thích điều gì hơn Chúa không? Hãy xưng ra với Chúa và ăn năn từ bỏ điều ấy.

Nếu trong lòng tôi, tôi hướng về tội ác, Chúa sẽ chẳng nghe tôi.” (Thi Thiên 66:18).

Thánh Kinh chép, Tiên Tri Đa-ni-ên đã xưng tội lỗi của mình và tội lỗi I-sơ-ra-ên trước khi ông dâng lời nài xin lên Chúa cho dân tộc mình (Đa-ni-ên 9:4;20)

Chúng ta hãy nhớ đến lời cầu nguyện của người pha-ri-si và người thu thuế trong Lu-ca 18:9-14, để thấy Chúa đẹp lòng với lời cầu nguyện nào.

Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà rằng: Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót lấy tôi, vì tôi là kẻ có tội!” (Lu-ca 18:13).

2. Chúng ta có tôn kính sự hiện diện của Chúa trong đời sống mình không? Nếu chúng ta đã biết rằng Thiên Chúa là Đấng toàn tại, mọi sự chúng ta suy nghĩ hay làm đều ở trước mặt Chúa, thì chúng ta phải nghĩ và làm những gì? Trong sự cầu nguyện chúng ta có dám khuya môi múa mép trước Chúa? Khi miệng chúng ta nói lời tôn vinh Chúa, nhưng trong lòng trống rỗng, không thật lòng tôn kính Ngài, thì đó chỉ là những lời nịnh bợ, lẻo mép mà thôi. Chúng ta cũng hãy cẩn thận, đừng cầu nguyện với Chúa bằng những lời lặp lại vô ích. 

“Khi các ngươi cầu nguyện, đừng lặp lại cách vô ích như các dân ngoại. Vì họ tưởng rằng, họ sẽ được nghe trong sự nói nhiều của họ.” (Ma-thi-ơ 6:7).

Chúng ta cần phân biệt giữa sự bền lòng, kiên trì cầu nguyện lâu dài cho một nan đề, với sự lặp lại những lời vô ích. Những bài kinh cầu nguyện chính là những lời lặp đi lặp lại cách vô ích. Những sự cầu nguyện máy móc, nói theo thói quen, không thật lòng, không có tình cảm, không có cảm xúc hay ý thức gì trong khi nói cũng là những lời lặp lại vô ích. Những lời ấy không những không đến được với Chúa, mà còn bị Chúa phạt.

Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình! Vì các ngươi làm bộ đọc lời cầu nguyện cho dài mà nuốt nhà đàn bà góa; vì cớ đó, các ngươi sẽ bị án phạt nặng hơn.” (Ma-thi-ơ 23:14).

Khi chúng ta cầu xin sự tha thứ của Đức Chúa Trời, muốn Ngài thương xót chúng ta, thì chúng ta cũng phải có lòng thương xót, tha thứ cho người khác.

Mác 11:24-26
24 Bởi vậy Ta nói với các ngươi: Mọi điều các ngươi xin trong lúc cầu nguyện, hãy tin đã được, tất điều đó sẽ ban cho các ngươi.
25 Khi các ngươi đứng cầu nguyện, nếu có sự gì bất bình cùng ai, thì hãy tha thứ, để Cha các ngươi ở trên trời cũng tha lỗi cho các ngươi.
26 Nhưng nếu không tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ không tha lỗi cho các ngươi.

3. Những lời cầu xin trái lẽ, không bởi đức tin thì chắc chắn cũng không được Chúa đáp lời.

Các anh chị em cầu xin mà không nhận được, vì các anh chị em cầu xin trái lẽ, để dùng theo sự ham muốn khoái lạc của mình.” (Gia-cơ 4:3).

Ngoài ba điều trên, thì vẫn có khi Chúa không ban cho chúng ta điều chúng ta cầu xin, dù điều ấy không có gì sai nghịch Lời Chúa cả, và thật lòng chúng ta muốn xin điều ấy vì cớ tình yêu với Chúa. 

Lời phán của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu: Vì những ý tưởng của Ta chẳng phải những ý tưởng của các ngươi, những đường lối của các ngươi chẳng phải những đường lối của Ta. Vì các tầng trời được nâng cao hơn đất, vậy nên, những đường lối của Ta được nâng cao hơn những đường lối của các ngươi và những ý tưởng của Ta được nâng cao hơn những ý tưởng của các ngươi.” (Ê-sai 55:8-9).

Thật vậy, những ý tưởng của chúng ta không thể sánh với những ý tưởng của Chúa. Ngài có chương trình tốt lành cho chúng ta. Có những việc lành, chúng ta thật lòng muốn làm vì Ngài, nhưng Ngài lại muốn chúng ta làm điều khác. Vậy chúng ta có hạ mình đầu phục trước ý muốn của Ngài không? 

Như việc Phao-lô đã ba lần cầu nguyện xin Chúa cất bỏ “cái dằm xóc vào thịt”, đó có thể là một căn bệnh nào đó ông đang mang. Tuy nhiên, Chúa không cất bỏ “cái dằm” đó, mà trả lời: “Ân điển Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự đau yếu.” (II Cô-rinh-tô 12:7-9).

Vậy nên, chúng ta hãy cứ vững bền trong sự cầu nguyện, và làm theo lời Chúa dạy: “Hãy cầu nguyện trong thánh linh.” (Giu-đe 20b).

“Cầu nguyện trong thánh linh” là cầu nguyện bởi sự dẫn dắt của chính Đức Thánh Linh, trong sự hiểu biết thánh ý của Thiên Chúa, qua các lẽ thật trong Thánh Kinh, kiên trì, nhẫn nại trong khi cầu nguyện, vững tin trong sự chờ đợi, và luôn luôn trông cậy Ngài. 

Khải Huyền 5:8; 8:3-4 cho chúng ta biết lời cầu nguyện của con dân Chúa là một thức hương thơm, được đặt trong bình xông hương bằng vàng trên thiên đàng. Khói hương mang theo mùi thơm của hương bay lên trước Đức Chúa Trời tiêu biểu cho những lời cầu nguyện của con dân Chúa được thần cảm bởi Đức Thánh Linh, sẽ được Đức Chúa Trời, đại diện cho Ba Ngôi Thiên Chúa, vui nhận. Vậy chúng ta hãy dâng lên Chúa những lời tôn vinh, cảm tạ và cầu xin đẹp ý Chúa, chứ đừng như hai người con trai của thầy tế lễ A-rôn, là Na-đáp và A-bi-hu dâng một thứ lửa lạ trước mặt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, nên “một ngọn lửa từ trước mặt Đấng Tự Hằng Hữu lòe ra, thiếu đốt họ, và họ chết trước mặt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (Lê-vi Ký 10:2).

Cô xin mượn lời của Sứ Đồ Phi-e-rơ để kết lại bài học hôm nay của chúng ta:

Sự cuối cùng của muôn vật đã gần. Vậy, các anh chị em hãy có tâm trí sáng suốt mà cầu nguyện.” (I Phi-e-rơ 4:7).

Thật, chúng ta đã ở rất gần “sự cuối cùng của muôn vật”, vậy chúng ta hãy tỉnh thức, hãy cầu nguyện không thôi để bị không rơi vào những sự cám dỗ. Nguyện mỗi người chúng ta đều luôn biết giữ mình trong mối tương giao với Thiên Chúa qua sự cầu nguyện. A-men!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Phạm Trịnh Minh Anh

One Reply to “Sự Cầu Nguyện”

Để lại một bình luận