Phục Truyền Luật Lệ Ký 15 Năm Bãi Miễn – Sự Cứu Giúp Kẻ Nghèo – Tôi Tớ Hê-bơ-rơ – Con Đầu Lòng của Súc Vật

123 lượt xem

Năm Bãi Miễn – Sự Cứu Giúp Kẻ Nghèo – Tôi Tớ Hê-bơ-rơ – Con Đầu Lòng của Súc Vật

Nguyễn Thị Thu Thủy

Câu Hỏi Gợi Ý:

1. Luật lệ của năm bãi miễn là gì? Theo em, ý nghĩa của năm bãi miễn là gì?
2. Nếu ở giữa vòng dân sự có một người anh em bị nghèo, thì nên làm gì và chớ nên làm gì? Theo em vì sao nên làm vậy?
3. Luật cho việc nếu có người anh em của mình phải bán mình làm nô lệ là gì? Em có cảm nghĩ gì về luật này?
4. Chúa muốn dân sự làm gì đối với các con đầu lòng của súc vật?

Gợi Ý Áp Dụng:

1. Qua luật lệ về năm bãi miễn, sự cứu giúp người nghèo, cách đối xử với người nô lệ là anh em của mình, em nhận được bài học gì?
2. Từ bài học đó, em áp dụng như thế nào vào trong đời sống mình hiện nay?

Chia Sẻ:

Các bạn thiếu niên thân mến,

Mỗi khi chúng ta học về một điều luật lệ mà Chúa răn dạy, thì chúng ta đều rút ra được những bài học cho mình để áp dụng vào trong đời sống. Khi chúng ta học với tấm lòng hạ mình trước Chúa, yêu kính Chúa thì chúng ta sẽ mau chóng hiểu ra được sự công chính, sự thánh khiết và tình yêu của Chúa đối với mỗi chúng ta qua các điều luật đó. Cũng bởi vậy, mà Môi-se cứ tiếp tục các bài giảng của ông để nhắc lại các điều răn, luật pháp Chúa dành cho dân sự. Hôm nay, chúng ta cùng học Phục Truyền Luật Lệ Ký chương 15, về luật lệ của năm bãi miễn, sự cứu giúp kẻ nghèo, tôi tớ Hê-bơ-rơ, con đầu lòng của súc vật; với câu gốc:

“Ngươi phải giúp cho người, chớ cho mà có lòng tiếc; vì cớ ấy, Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi sẽ ban phước cho mọi công việc của ngươi, và mọi điều ngươi đặt tay vào mà làm.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 15:10).

Năm Bãi Miễn

Đầu mỗi năm thứ bảy là năm bãi miễn của dân I-sơ-ra-ên. Trong năm bãi miễn đó, chủ nợ sẽ bãi miễn món nợ từng cho người lân cận của mình vay, nghĩa là xem như người đó không còn nợ nữa, người chủ nợ cũng không đòi, không hối thúc người nợ phải trả lại cho mình. Đó là luật lệ của Chúa quy định đối với dân I-sơ-ra-ên, vì Chúa muốn rằng trong dân sự không nên có người nghèo nàn. Nếu họ vâng theo luật lệ này của Chúa, thì cứ sau mỗi bảy năm người thiếu nghèo, mang nợ lại có cơ hội được thoát khỏi cảnh nợ nần, và bắt đầu lại cuộc sống mới, và như vậy thật sự trong xứ sẽ không còn ai bị kể là nghèo nàn nữa. Và nếu dân sự vâng theo luật lệ này của Chúa, thì Chúa là Đấng ban phước cho họ, ban cho họ xứ Ca-na-an làm sản nghiệp, Ngài ban cho họ được giàu có, họ sẽ cho nhiều nước vay, còn họ thì chẳng cần vay nước nào. Như vậy, sau năm bãi miễn thì mọi người dân I-sơ-ra-ên đang mắc nợ, phải làm để trả nợ sẽ được tha món nợ, trở lại cuộc sống sinh hoạt thường ngày, mà không còn mang gánh nặng nợ nần nữa. Tuy nhiên, đó chỉ là luật lệ giữa người I-sơ-ra-ên với nhau, còn đối với người không phải là dân I-sơ-ra-ên, thì luật lệ về năm bãi miễn không áp dụng cho họ.

Qua luật lệ mà Chúa ban cho dân I-sơ-ra-ên về năm bãi miễn, chúng ta học được rằng, Chúa là Đấng giàu lòng thương xót đối cùng mỗi người. Bởi vậy, Ngài cũng muốn dân sự của Ngài đối cùng với nhau bằng tấm lòng thương xót, tha thứ, bỏ qua, tạo điều kiện cho người anh chị em của mình có được điều kiện tốt nhất. Lời Chúa dạy chúng ta rằng:

“Vậy, bất cứ điều gì mà các ngươi muốn người ta làm cho các ngươi thì các ngươi cũng hãy làm như vậy cho họ. Vì ấy là luật pháp và những lời tiên tri.” (Ma-thi-ơ 7:12).

Mỗi chúng ta đều là những tội nhân phạm đầy những tội lỗi, gian ác, xấu xa trước mặt Đức Chúa Trời, mà Ngài còn thương xót, tha thứ, ban cho chúng ta ăn năn và có cơ hội được làm lại cuộc đời mới. Nếu chúng ta muốn được Chúa thương xót thì chúng ta cũng phải có lòng thương xót. Bởi vì:

“Đối với người có lòng thương xót, Ngài sẽ tỏ chính mình Ngài cách thương xót. Đối với người trọn vẹn, Ngài sẽ tỏ chính mình Ngài cách trọn vẹn.” (Thi Thiên 18:25).

Sự Cứu Giúp Kẻ Nghèo

Lời Chúa dặn dân sự, nếu có một người anh em của họ bị nghèo khó, thiếu thốn sự cần dùng, mà họ có món đồ mà người đó cần dùng thì hãy cho vay. Không nên cứng lòng mình, giữ món đồ trong khả năng mình có, trong quyền hạn của mình mà lại không cho anh em nghèo khó của mình vay mượn. Hành động mà họ cần làm đó là đưa tay cứu giúp người anh em nghèo khó đó, để người nghèo khó có đủ dùng cho sự thiếu thốn, khó nghèo của mình. Lời Chúa còn dặn dân sự rằng, cẩn thận coi chừng tấm lòng mình, chớ toan tính rằng sắp đến năm thứ bảy là năm bãi miễn, phải tha các món nợ, nên không cứu giúp cho người anh em khó nghèo của mình. Lời Chúa nói đó là một ác tưởng, tức là tư tưởng ác độc, và phạm tội với Chúa. Đồng thời Lời Chúa cũng dạy rằng, nếu đã đưa tay cứu giúp cho người anh em khó nghèo của mình thì đừng cho mà có lòng tiếc. Phải cứu giúp người anh em nghèo khó với tấm lòng kính sợ Chúa, muốn vâng theo điều Chúa dạy, vì yêu Chúa và vì thương xót người mà làm. Như vậy thì Chúa sẽ ban phước trên mọi công việc họ làm, và những dự định họ sẽ làm.

Lời Chúa trong I Giăng 3:17-18 cho chúng ta biết rằng:

“Nếu ai có của cải đời này, thấy anh chị em cùng Cha của mình đang túng thiếu mà đóng lòng lại, thì tình yêu của Đức Chúa Trời thế nào ở trong người ấy được! Hỡi các con cái bé nhỏ, chớ yêu bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật.”

Như vậy, người nào thấy anh chị em cùng Cha của mình đang khó khăn, thiếu thốn mà trong khi mình có khả năng cứu giúp mà không cứu giúp thì người đó không hề yêu kính Chúa. Vì không yêu kính Chúa, nên họ chẳng thể nhận ra rằng mình đã từ chối chính Chúa khi không tiếp trợ, cứu giúp cho người anh chị em cùng Cha của mình đang gặp khó khăn. Bởi Lời Chúa cho chúng ta biết bất cứ điều gì làm cho anh chị em của mình, chính là làm cho Chúa, bất cứ điều gì từ chối làm cho anh chị em của mình, chính là từ chối làm cho Chúa (Ma-thi-ơ 25:40 và 45).

Là con dân chân thật của Chúa, chúng ta không chỉ thực hành việc tiếp trợ, cứu giúp để cho đúng luật pháp. Mà còn là hết lòng cứu giúp, tiếp trợ, cầu thay để giúp sức cho người anh chị em đang khó nghèo đó sớm ổn định lại cuộc sống. Chúng ta cần làm với tấm lòng kính sợ Chúa và hết lòng làm như đang làm cho Chúa. Những ai cứu giúp anh chị em của mình với tấm lòng kính sợ Chúa, yêu thương anh chị em, thì nhận được phần thưởng của Chúa ban cho. Bởi Lời Chúa dạy rằng:

“Ai thương xót kẻ nghèo, tức cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu vay mượn; Ngài sẽ báo lại việc ơn lành ấy cho người.” (Châm Ngôn 19:17).

“Vì bất cứ ai sẽ cho các ngươi uống một chén nước trong danh Ta, vì các ngươi thuộc về Đấng Christ, Ta bảo các ngươi, thật, người ấy sẽ không mất phần thưởng của mình.” (Mác 9:41).

Tôi Tớ Hê-bơ-rơ

Chúng ta biết rằng Chúa không cho phép dân I-sơ-ra-ên mua nô lệ trong vòng chính anh em họ cùng là người I-sơ-ra-ên, vì Chúa không muốn họ làm nô lệ (Lê-vi Ký 25). Nhưng trong trường hợp một người vì mắc nợ mà không có thể trả lại, thì có thể đến bán mình mà hầu việc cho người mà mình đã nợ. Tuy nhiên, người chủ không nên bắt người mang nợ mình làm việc như tôi mọi, mà phải đối cùng họ như người làm thuê, hoặc khách phương xa đến trú ngụ tạm. Họ sẽ làm việc trong sáu năm, đến năm thứ bảy thì được tha nợ, và cũng được phép rời khỏi nhà chủ. Khi người đó rời khỏi nhà chủ, thì Chúa muốn người chủ cấp cho người đó một vật gì, hoặc trong bầy súc vật mình, hoặc trong sân đạp lúa mình, hoặc trong hầm rượu của mình. Đó là những của cải thuộc về người chủ mà Chúa đã ban phước cho họ, Chúa muốn người chủ ban cho người đó một phần để giúp họ dễ dàng trong sự bắt đầu cuộc sống mới. Nếu trong trường hợp, người đó đã đến hạn được giải phóng nhưng lại không muốn rời khỏi nhà chủ mình, muốn ở lại để phục dịch người thì sẽ phải lấy cái dùi để xỏ qua tai, và như vậy người đó sẽ làm tôi.

Trong thời Tân Ước hiện nay, chúng ta không còn mua nô lệ nữa, tuy nhiên trong trường hợp công việc cần có người làm công thì chúng ta vẫn có thể thuê người làm. Nếu anh chị em cùng Cha đang cần công việc làm, đang có khó khăn thì chúng ta có thể thuê người anh chị em đó làm công cho mình. Như vậy có thể giúp cho người anh chị em của mình có một công việc để làm, có thu nhập để sinh sống. Tuy nhiên, chúng ta đối xử với anh chị em của mình cách tôn trọng, đừng xem thường coi khinh, áp bức họ. Lời Chúa dạy chúng ta cách đối xử của một người làm chủ đối cùng người làm của mình như sau:

“Hỡi những người làm chủ, hãy đối đãi họ cùng một cách. Hãy bỏ sự hăm dọa, vì biết rằng, Chủ của các anh chị em và của họ ở trên trời, Ngài chẳng tư vị ai.” (Ê-phê-sô 6:9).

Con Đầu Lòng của Súc Vật

Luật lệ dân I-sơ-ra-ên phải biệt riêng ra thánh cho Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu mọi con đầu lòng đực sinh trong bầy bò hay chiên, có ý nghĩa để nhắc dân sự nhớ rằng chính Chúa là Đấng đã dùng tay quyền năng của Ngài mà rút họ ra khỏi xứ nô lệ Ê-díp-tô. Khi Pha-ra-ôn vua xứ Ê-díp-tô cứng lòng không tha dân I-sơ-ra-ên đi, thì Ngài đã giết hết các con đầu lòng trong xứ đó, từ con trưởng nam người ta cho đến con đầu lòng súc vật, nhưng riêng dân I-sơ-ra-ên thì bình an vô sự. Bởi vậy, nên mọi con đực sinh đầu lòng, cùng những con trưởng nam của dân I-sơ-ra-ên đều thuộc về Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Mỗi năm, dân I-sơ-ra-ên sẽ dâng con đầu lòng đực thuộc bầy súc vật của mình lên Chúa, rồi họ cùng người nhà ăn nó trước mặt Chúa. Tuy nhiên nếu con đầu lòng đực trong bầy súc vật có tì vết như bị què, bị đui, hoặc bị tật nặng nào đó thì không dâng cho Chúa, mà phải ăn trong thành.

Luật lệ về việc dâng các con đầu lòng cho Chúa nhắc nhớ dân I-sơ-ra-ên ghi nhớ ân huệ lớn lao của Chúa dành cho họ, để họ luôn nhớ rằng chính Chúa là Đấng đã giải cứu họ ra khỏi xứ nô lệ Ê-díp-tô, chính Chúa là Đấng đã bảo toàn họ được bình an khỏi những tai vạ mà Ngài giáng xuống xứ Ê-díp-tô. 

Qua đây chúng ta cũng học được bài học, phải luôn có lòng biết ơn Chúa, ghi nhớ ơn thương xót mà Chúa đã ban cho mình, cứu chuộc mình ra khỏi sự nô lệ cho tội lỗi, giải cứu chúng ta khỏi án phạt là sự chết đời đời. 

Thi Thiên 103:1-4

1 Hỡi linh hồn ta, hãy tôn vinh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Mọi điều ở trong ta hãy ca tụng danh thánh của Ngài!

2 Hỡi linh hồn ta, hãy tôn vinh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Chớ quên mọi ân huệ của Ngài.

3 Đấng tha thứ mọi sự gian ác của ngươi. Đấng chữa lành mọi bệnh tật của ngươi.

4 Đấng cứu chuộc mạng sống của ngươi khỏi chốn hư mất. Đấng đội cho ngươi mão bằng sự từ ái và sự thương xót.

Chỉ khi nào chúng ta luôn ghi nhớ ân huệ lớn lao Chúa dành ban cho mình, thì chúng ta mới cẩn thận để mỗi việc mình làm ra được đẹp lòng Chúa và đều là của lễ dâng lên Chúa bày tỏ tấm lòng biết ơn Chúa.

Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta Lời Ngài để qua đó chúng ta học biết được thánh ý của Chúa, để chúng ta cẩn thận làm theo mọi điều Chúa đã phán dạy. Nguyện Chúa ban cho chúng ta tấm lòng kính sợ Chúa, yêu mến Lời Ngài! Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta trở nên trọn vẹn, không tì, không vết, luôn sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ!

 

One Reply to “Phục Truyền Luật Lệ Ký 15 Năm Bãi Miễn – Sự Cứu Giúp Kẻ Nghèo – Tôi Tớ Hê-bơ-rơ – Con Đầu Lòng của Súc Vật”

Để lại một bình luận