Phục Truyền Luật Lệ Ký 17 Không Dâng Lễ Vật Có Tì Vết – Hình Phạt Tội Thờ Tà Thần – Thầy Tế Lễ Phán Xét Những Sự Tranh Tụng Khó Phân Xử

80 lượt xem

Không Dâng Lễ Vật Có Tì Vết – Hình Phạt Tội Thờ Tà Thần –
Thầy Tế Lễ Phán Xét Những Sự Tranh Tụng Khó Phân Xử

Nguyễn Thị Thu Thủy

Câu Hỏi Gợi Ý:
1. Của lễ là con bò đực, con chiên có tì vết, có tật tiêu biểu cho điều gì? Vì sao điều đó lại là một sự gớm ghiếc cho Thiên Chúa?
2. Hình phạt dành cho người thờ tà thần là gì? Khi nào thì có thể thi hành án phạt trên người phạm tội?
3. Ai sẽ là người phán xét những sự tranh tụng khó phân xử? Người kiêu ngạo không chịu vâng theo sự đã phán xét thì sẽ bị phạt ra sao?

Gợi Ý Áp Dụng:
1. Em nhận thấy những việc làm nào còn sót lại trong đời sống mình là có tì, có vết chưa đẹp lòng Chúa, cần loại bỏ khỏi đời sống mình?
2. Theo em nếu trong gia đình, trong Hội Thánh có người cứ kiêu ngạo, tự ái, buồn giận khi được người khác góp ý sửa những lỗi sai, không chịu ăn năn việc làm sai trái thì hình phạt dành cho họ là gì? Vì sao cần làm như vậy?
3. Em nhận thấy sự kiêu ngạo, không vâng lời có phải là tội nghiêm trọng trước mặt Thiên Chúa không?

Chia Sẻ:

Các bạn thiếu niên thân mến,

Hôm nay, chúng ta cùng nhau học và suy ngẫm Phục Truyền Luật Lệ Ký 17, chủ đề Không Dâng Lễ Vật Có Tì Vết – Hình Phạt Tội Thờ Tà Thần – Thầy Tế Lễ Phán Xét Những Sự Tranh Tụng Khó Phân Xử, với câu gốc:

“Ngươi chớ dâng cho Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi con bò đực, hoặc con chiên có tì vết, hay một tật gì; vì ấy là một sự gớm ghiếc cho Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 17:1).

Không Dâng Lễ Vật Có Tì Vết 

Chúng ta đã biết rằng trong sự thờ phượng Thiên Chúa, để bày tỏ lòng tôn kính Chúa thì dân I-sơ-ra-ên thường dâng các con sinh làm của lễ. Các con sinh dâng lên Chúa đều phải được kiểm tra kỹ càng, nhằm đảm bảo rằng chúng không có tì vết gì, cũng không có một tật gì. Bởi vì nếu dân I-sơ-ra-ên dâng những con vật có tì vết thì điều đó lấy làm gớm ghiếc cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.

“Khi các ngươi dâng một con vật mù làm của lễ, điều đó chẳng phải là dữ sao? Khi các ngươi dâng một con vật què hoặc đau, điều đó chẳng phải là dữ sao? Thử dâng nó cho quan trấn thủ ngươi, thì người có đẹp lòng và vui nhận cho ngươi sao? Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân phán như vậy.” (Ma-la-chi 1:8).

Chúng ta hình dung nếu chúng ta mang một món quà để tặng cho người mà chúng ta rất yêu quý, có địa vị cao trọng, thì có phải chúng ta sẽ lựa chọn món quà rất kỹ càng, sao cho được đẹp nhất, tốt nhất. Huống chi là chúng ta kính dâng lên Chúa, Đấng đã ban phước cho chúng ta có được mọi điều tốt lành đó, Đấng tạo dựng nên trời đất và chính mỗi người chúng ta. Vậy thì có phải rằng điều hiển nhiên là chúng ta phải lựa chọn điều tốt nhất, chuẩn bị cách chu đáo nhất để kính dâng lên Thiên Chúa bày tỏ lòng tôn kính và cảm tạ Ngài.

Ngày nay, chúng ta không còn dâng các con sinh làm của lễ lên Chúa nữa. Tuy nhiên mỗi bài ca chúng ta hát tôn vinh Chúa, mỗi bài thơ chúng ta đọc để tôn vinh Chúa, mỗi bài suy ngẫm chia sẻ Lời Chúa, mỗi sự dâng hiến lên Chúa, và chính thân thể của chúng ta là của lễ kính dâng lên Chúa. Bởi vậy, chúng ta cần phải có tấm lòng tôn kính, biết ơn Chúa mà chuẩn bị sao cho được tươm tất, chu toàn nhất có thể để của lễ dâng là trọn vẹn, không tì vết, và kỉnh kiềng kính dâng lên Chúa.

Ví dụ như khi chúng ta hát tôn vinh Chúa, thì chúng ta cần có sự chuẩn bị và tập thật kỹ bài hát trước vài ngày để có sự nhuần nhuyễn, khi hát thì với tấm lòng muốn tôn vinh và cảm tạ Chúa. Nếu người hát tôn vinh Chúa nhưng lại mong muốn được thể hiện giọng hát hay và muốn được người khác trầm trồ, khen ngợi, hoặc là chuẩn bị cách không chu đáo, không tập trước, đến gần giờ nhóm thì chọn vội một bài để hát; thì như vậy là đã dâng của lễ có tì vết lên Thiên Chúa.

Khi chúng ta viết và đọc bài suy ngẫm, bài chia sẻ của mình thì chúng ta viết với tấm lòng kính sợ Chúa, muốn học biết Lời Chúa để cẩn thận làm theo, chúng ta chia sẻ sự hiểu của mình để tôn vinh Chúa, khích lệ Hội Thánh. Nếu người viết bài suy ngẫm lại với sự mệt mỏi, khó chịu, bị bắt ép phải làm, hoặc viết với mong muốn thể hiện mình hay mình giỏi; thì bài suy ngẫm đó là của lễ có tì vết dâng lên Chúa.

Cũng vậy, bất cứ một điều gì chúng ta suy nghĩ, nói và làm mà theo điều Chúa dạy dỗ, vì sự vinh quang của Chúa, đem lại sự gây dựng, ích lợi cho người khác thì đó là của lễ trọn vẹn kính dâng lên Chúa đẹp lòng Ngài. Tuy nhiên nếu nói hoặc làm ra những điều trái nghịch Lời Chúa, không vì vinh quang của Chúa, không gây dựng, không ích lợi thì điều đó là của lễ có tì vết. Bởi cớ chúng ta đã dâng lên Chúa thân thể mình làm của lễ, thì mỗi lời nói và việc chúng ta làm ra sẽ là của lễ dâng lên Chúa.

Vì vậy Lời Chúa kêu gọi chúng ta rằng:

“Vậy, các ngươi hãy nên trọn vẹn như Cha của các ngươi, Đấng ở trên các tầng trời, là trọn vẹn!” (Ma-thi-ơ 5:48).

Phi-líp 2:13-16

13 Vì chính Thiên Chúa tác động trong các anh chị em để các anh chị em vừa muốn vừa làm theo ý tốt của Ngài.

14 Làm hết thảy mọi việc mà không than trách và lý luận,

15 để cho các anh chị em không tì vết và thanh sạch, là những con cái của Đức Chúa Trời, không chỗ trách được ở giữa dòng dõi không ngay thẳng và gian tà. Ở giữa họ, các anh chị em chiếu sáng như những sự sáng trong thế gian,

16 giữ vững Lời của Sự Sống, để tôi có thể khoe mình trong ngày của Đấng Christ, rằng tôi đã không chạy cách vô ích cũng chẳng khó nhọc cách vô ích.

Hình Phạt Tội Thờ Tà Thần 

Lời Chúa dạy rằng nếu có một người lại đi hầu việc và quỳ lạy các thần khác, hoặc các vì tinh tú như mặt trời, mặt trăng, các thiên binh. Nghĩa là người đó đã vi phạm các giao ước, là các điều răn của Chúa, người đó đã làm điều ác trước mặt Chúa. Khi nghe biết về sự việc đó, thì phải tra hỏi kỹ càng, không được bỏ qua, nếu sự việc là thật, và có hai hoặc ba người chứng xác nhận sự việc, thì bất kể là người đó là nam hay nữ, đều phải chịu hình phạt ném đá cho đến chết. Lời Chúa dạy rằng, nếu dân sự làm như vậy là cất kẻ hung ác khỏi giữa mình.

Chúng ta thấy rằng, người đi thờ lạy thần khác thì người đó đã vi phạm điều răn thứ nhất Chúa dạy trước mặt Chúa thì không được có các thần khác. Chẳng những vậy người đó cũng thờ thần tôi, đã kiêu ngạo trước mặt Chúa, vì biết điều răn của Chúa, nhận giao ước của Chúa, tuy nhiên vẫn làm theo ý riêng của mình. Nếu dân I-sơ-ra-ên không tra hỏi kỹ càng, bỏ qua sự việc thì sẽ để lại tấm gương xấu về sự thờ lạy thần khác cho dân tộc mình. Nếu dân I-sơ-ra-ên không vâng lệnh Chúa hình phạt người đó bằng sự ném đá cho đến chết, thì đã để lại kẻ hung ác giữa dân tộc mình, sẽ bị Chúa giáng họa thay vì được ban phước.

Cũng vậy, nếu ngày nay, trong Hội Thánh có người kiêu ngạo sống nghịch lại với điều răn của Chúa, chỉ làm theo điều mình cho là phải mà không đối chiếu với Lời Chúa dạy, thì người đó cũng phạm tội thờ thần tôi, hầu việc chính mình, làm gương xấu cho người khác. Chúng ta cũng cần làm theo Lời Chúa dạy: “Vậy, hãy trừ bỏ kẻ gian ác khỏi các anh chị em” (I Cô-rinh-tô 5:13b). Sau sự khuyên bảo và chờ đợi, nếu người phạm tội không ăn năn thì phải bị dứt thông công ra khỏi Hội Thánh, để Hội Thánh giữ gìn sự thánh khiết, để làm gương cho người khác và không bị mất phước bởi cớ tội ác của người đó. Dẫu rằng người phạm tội không phải chịu luật xử phạt ném đá cho đến chết, vì hiện nay là thời kỳ ân điển. Tuy nhiên hình phạt dành cho họ là đời đời đau khổ trong hỏa ngục với lửa ngày đêm thiêu đốt, nếu họ không mau chóng ăn năn.

“Còn những kẻ hèn nhát, không tin, đáng gớm ghiếc; những kẻ giết người; những đĩ đực; những kẻ phù phép; những kẻ thờ thần tượng; và hết thảy những kẻ nói dối, phần của chúng [là] trong hồ đốt với lửa và lưu huỳnh. Đó là sự chết thứ nhì.” (Khải Huyền 21:8).

Chúng ta cũng cần tỉnh thức, cẩn thận, canh giữ chính mình bởi vì không chỉ có sự kiêu ngạo là sự thờ thần khác, mà còn là những sự tà dâm, ô uế, tình cảm xấu xa, tham muốn độc ác, sự tham lam, cũng là sự thờ hình tượng. Chúng ta cần lắng nghe và sốt sắng làm theo lời kêu gọi của Đức Thánh Linh trong Cô-lô-se 3:5, rằng: “Vậy, hãy làm chết các chi thể của các anh chị em, là những sự ở trên đất: tà dâm, ô uế, tình cảm xấu xa, tham muốn độc ác, và tham lam, ấy là sự thờ hình tượng.”

Thầy Tế Lễ Phán Xét Những Sự Tranh Tụng Khó Phân Xử

Lời Chúa dạy rằng, nếu trong thành có sự tranh tụng khó phân xử thì cùng với quan án của thành đó, tìm đến thưa trình với những thầy tế lễ chi phái Lê-vi đang phụng sự Chúa tại Đền Thờ. Sau khi được chỉ dạy cho những điều phải phán xét thể nào thì phải cẩn thận làm y theo lời đó, bởi đó là luật pháp của Chúa mà họ truyền dạy cho. Nếu người nào không chịu vâng theo thầy tế lễ, không chịu làm theo thì người đó đã kiêu ngạo, và phải bị xử tội chết, để cất sự ác khỏi giữa I-sơ-ra-ên, và cũng là để cảnh tỉnh những người khác.

Chúng ta thấy rằng, Chúa đã chỉ định người phán xét sự tranh tụng khó phân xử là thầy tế lễ, Chúa cũng ban luật pháp của Ngài để các thầy tế lễ dựa vào đó mà phân xử. Vì vậy, người không chịu vâng theo sự phân xử của thầy tế lễ đã vừa không vâng theo luật pháp Chúa, vừa chống nghịch lại thẩm quyền mà Chúa đặt để trên mình. Người như vậy đã phạm tội kiêu ngạo, thích làm theo ý riêng, chống nghịch lại Chúa, và cũng phạm tội thờ thần khác, vi phạm điều răn đầu tiên của Chúa, họ không có lòng kính sợ Chúa. 

Người có lòng kính sợ Chúa thì sẽ gớm ghét những điều Chúa gớm ghét. Bởi vì: “Sự kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, ấy là ghét điều ác; Ta ghét sự kiêu ngạo, xấc xược, con đường ác, và miệng gian tà.” (Châm Ngôn 8:13).

Thực tế, người kiêu ngạo là người hay vòng vo, lý luận, cãi lộn, khiến có sự tranh cạnh, kết cục của người kiêu ngạo là sự bại hoại, sa ngã, bị hạ thấp xuống, bị Chúa gớm ghét, sửa phạt.

“Kẻ kiêu ngạo chẳng đứng nổi trước mặt Ngài; Ngài ghét hết thảy những kẻ làm ác.” (Thi Thiên 5:5).

“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ diệt hết thảy những môi dua nịnh, lưỡi nói những lời kiêu ngạo.” (Thi Thiên 12:3).

“Bất cứ ai kiêu ngạo trong lòng là sự gớm ghiếc cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Dù tay trong tay, nó sẽ chẳng không bị phạt. [Tay trong tay có nghĩa là liên kết với người khác.]” (Châm Ngôn 16:5).

“Sự kiêu ngạo của một người sẽ làm hạ người ấy xuống; nhưng người có thần trí khiêm nhường sẽ được sự tôn trọng.” (Châm Ngôn 29:23).

Như vậy chúng ta đã biết rằng, Chúa đã đặt để trên chúng ta có các thẩm quyền trên mình, và Ngài muốn chúng ta vâng phục họ, miễn là điều đó không sai nghịch Lời Chúa. Tội không vâng phục các thẩm quyền Chúa đặt để trên mình là tội kiêu ngạo, thích làm theo ý riêng, là điều Chúa rất gớm ghét. Vậy nên chúng ta hãy ghi nhớ Lời Chúa dạy và luôn cẩn thận trong sự vâng phục các thẩm quyền mà Chúa đặt để trên mình. Đối với các bạn thiếu niên, các thẩm quyền Chúa đặt để trên mình trong sự chăm sóc, chăn dắt thuộc linh đó là ba mẹ, Ban Chăm Sóc, các trưởng lão, người chăn. 

“Hỡi những người làm con! Hãy vâng phục cha mẹ của mình trong Chúa, vì điều đó là công chính.” (Ê-phê-sô 6:1).

“Cũng vậy, các bạn trẻ hãy vâng phục các trưởng lão. Mọi người hãy vâng phục lẫn nhau, mặc cho mình sự khiêm nhường; vì Đức Chúa Trời chống cự những kẻ kiêu ngạo mà ban ơn cho những người khiêm nhường.” (I Phi-e-rơ 5:5).

Nguyện xin Lời Chúa cứ ở trong mỗi chúng ta và nguyện mỗi chúng ta đều có tấm lòng hạ mình vâng phục mọi điều Chúa đã phán dạy.

 

One Reply to “Phục Truyền Luật Lệ Ký 17 Không Dâng Lễ Vật Có Tì Vết – Hình Phạt Tội Thờ Tà Thần – Thầy Tế Lễ Phán Xét Những Sự Tranh Tụng Khó Phân Xử”

Để lại một bình luận