Phục Truyền Luật Lệ Ký 18 Phần Thuộc về Thầy Tế Lễ và Người Lê-vi

54 lượt xem

Phần Thuộc về Thầy Tế Lễ và Người Lê-vi

Nguyễn Thị Thu Thủy

Câu Hỏi Gợi Ý:

1. Vì sao thầy tế lễ và người Lê-vi lại không có phần, không có sản nghiệp chung với dân I-sơ-ra-ên?
2. Bổn phận của thầy tế lễ và những người thuộc chi phái Lê-vi là gì?
3. Chúa chăm sóc thầy tế lễ và người Lê-vi như thế nào?
4. Sự bắt chước các thói tục của dân ngoại được liệt kê trong câu 10 và 11 phạm tội với Chúa như thế nào?
5. Như thế nào là ở trọn vẹn với Thiên Chúa?

Gợi Ý Áp Dụng:

1. Mỗi chúng ta ngày nay có phải là thầy tế lễ của Chúa không? Nếu phải thì bổn phận của chúng ta là gì?
2. Nếu chúng ta làm tròn bổn phận của mình đối với Chúa thì lời hứa quan phòng, chăm sóc, chu cấp nào của Chúa ứng nghiệm trên chúng ta?
3. Dựa theo Lời Chúa dạy “Vì sự bội nghịch cũng như tội dùng tà thuật. Sự cố chấp cũng như tội ác và sự thờ lạy thần tượng.” (I Sa-mu-ên 15:23). Nếu con dân Chúa không vâng theo mệnh lệnh Chúa phán bảo trong Thánh Kinh hoặc qua những người giảng dạy, chăn dắt chúng ta, các bậc cầm quyền trên mình hoặc những lời khuyên theo đúng Thánh Kinh; thì có đồng phạm một tội gớm ghiếc trước mặt Chúa như trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 18:9-12 không? Vì sao? Từ đó rút ra bài học.

Chia Sẻ:

Các bạn thiếu niên thân mến,

Phục Truyền Luật Lệ Ký 18:1-14, là bài giảng của Môi-se nhắc lại cho dân I-sơ-ra-ên biết những phần thuộc về thầy tế lễ và người Lê-vi, cùng lời cảnh báo của Chúa về việc không bắt chước các dân ngoại dùng tà thuật. Lời Chúa nhắc cho dân I-sơ-ra-ên và cũng chính cho chúng ta ngày nay rằng:

“Ngươi phải ở trọn vẹn với Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 18:13).

Chúng ta biết rằng, thầy tế lễ là những người được Chúa chọn để chuyên tâm tập trung lo cho Đền Tạm và các công việc thờ phượng Chúa. Còn chi phái Lê-vi được biệt riêng phụ trách làm các công việc của Đền Tạm theo sự chỉ định của các thầy tế lễ. Chính vì họ là những người được biệt riêng để chuyên tâm lo phụng sự Chúa, nên họ không có phần, cũng không có sản nghiệp chung với dân I-sơ-ra-ên. Nghĩa là họ không được chia đất để chăn nuôi, trồng trọt như 12 chi phái trong dân I-sơ-ra-ên. Các thầy tế lễ được Chúa ban cho những của lễ tốt nhất mà dân I-sơ-ra-ên dâng lên cho Chúa, còn chi phái Lê-vi sẽ được nhận thuế một phần mười mà các chi phái trong dân I-sơ-ra-ên dâng (Dân Số Ký 18). Qua bài học hôm nay thì chúng ta biết rằng, khi một người Lê-vi ở bất cứ thành nào trong xứ Ca-na-an mà dân I-sơ-ra-ên sẽ vào, mà người đó có lòng thành tâm đến Đền Thờ để hầu việc Chúa thì họ cũng sẽ nhận được phần lương thực như những thầy tế lễ khác.

Như vậy, chúng ta học được rằng, Chúa luôn sắm sẵn mọi vật thực cần dùng cho những người có tấm lòng kính sợ Chúa, sẵn lòng hầu việc Ngài.

“Vì Thánh Kinh nói: Ngươi chớ khớp miệng con bò đang đạp lúa. Người làm công thì đáng được tiền công của mình.” (I Ti-mô-thê 5:18).

“Các anh chị em chẳng biết rằng, những ai làm việc thánh thì ăn những của dâng trong Đền Thờ; còn những ai hầu việc nơi bàn thờ thì được chia phần nơi bàn thờ sao? Cũng vậy, Chúa đã định rằng, những ai rao giảng Tin Lành thì sẽ sống bởi Tin Lành.” (I Cô-rinh-tô 9:13-14).

Mỗi chúng ta ngày nay, chính là thầy tế lễ của Đức Chúa Trời, phận sự của chúng ta là mỗi ngày dâng thân thể mình lên Chúa làm của lễ sống và thánh hai lần sáng và tối, cầu thay cho Hội Thánh, cầu thay cho dân tộc mình. Khi chúng ta làm như vậy thì chính là chúng ta đang hầu việc Chúa, phụng sự Ngài. Khi chúng ta làm theo Lời Chúa dạy thì chính là chúng ta tìm kiếm Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Và Lời Chúa phán với chúng ta rằng:

“Vậy, các ngươi chớ lo lắng, nói: Chúng ta sẽ ăn gì? Hoặc: Chúng ta sẽ uống gì? Hoặc: Chúng ta sẽ mặc gì? Vì các dân ngoại tìm kiếm tất cả những sự đó. Vì Cha trên trời của các ngươi biết rằng, các ngươi cần hết thảy những sự đó. Nhưng trước hết, các ngươi hãy tìm kiếm Vương Quốc của Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài, thì mọi điều ấy sẽ được thêm cho các ngươi.” (Ma-thi-ơ 6:31-33).

Và Lời Chúa hứa với chúng ta rằng:

“Hỡi các thánh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, hãy kính sợ Ngài; vì kẻ nào kính sợ Ngài chẳng thiếu thốn gì hết. Sư tử con bị thiếu kém, và đói; nhưng người nào tìm cầu Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ chẳng thiếu của tốt gì.” (Thi Thiên 34:9-10).

Chúa là Đấng Thành Tín, Lời Ngài là chân thật. Vì vậy, nếu chúng ta hết lòng kính sợ Chúa, làm theo những điều Chúa dạy bảo chúng ta thì chắc chắn chúng ta được nhận lãnh mọi lời phán hứa của Chúa về sự chăm sóc của Ngài.

Sau khi Môi-se nhắc lại về lợi ích của thầy tế lễ và người Lê-vi, thì ông cũng nhắc lại lời cảnh bảo của Chúa cho dân I-sơ-ra-ên về việc không được bắt chước thói tục của dân ngoại. Những thói tục đó là sự gớm ghiếc trước mặt Chúa, và chính vì những sự gớm ghiếc đó mà Chúa đã đuổi các dân tộc trong xứ Ca-na-an ra khỏi vùng đất đó. 

Các thói tục gớm ghiếc mà Chúa cảnh báo dân I-sơ-ra-ên không bắt chước làm theo, đó là:

Đưa con trai và con gái qua lửa. Đây là việc làm dâng các con trẻ làm vật hiến tế cho tà thần. Mục đích nhằm tìm kiếm sự bảo vệ hoặc xin được ban phước từ tà thần. Thánh Kinh ghi lại trường hợp Vua A-hát đã dâng con mình và đốt trong lửa để dâng cho tà thần (II Các Vua 16:3).

  • Dùng tà thuật. Nghĩa là sử dụng phép thuật và sức mạnh siêu nhiên để thay đổi hoặc ảnh hưởng đến người hoặc sự việc.
  • Xem phong thủy: là hình thức tìm kiếm sự trợ giúp từ các yếu tố như đất, nước, khí để tạo ra sự cân bằng và thịnh vượng. Ngày nay chúng ta cũng thấy những điều này đầy dẫy, khi họ chọn hướng xây nhà, chọn hướng đặt cửa, sao cho hợp phong thủy để mong được tài lộc.
  • Kẻ niệm thần chú: là sử dụng lời nói, câu thần chú, âm thanh để có sức mạnh siêu nhiên.
  • Phù thủy: là người dùng ma thuật, phép thuật, hoặc các hình thức sức mạnh siêu nhiên để ảnh hưởng, thay đổi thế giới vật lý.
  • Kẻ hay dùng ếm chú: sử dụng các lời nguyện hoặc lời khẩn cầu để làm cho ai hoặc điều gì bị ảnh hưởng, thay đổi theo ý muốn của người ếm chú.
  • Người đi hỏi đồng cốt: là muốn liên hệ với các linh hồn để tìm kiếm sự chỉ dẫn hoặc thông tin.
  • Kẻ thuật số: sử dụng phương pháp bói toán, chiêm tinh, dự đoán tương lai qua các tín hiệu hoặc dấu hiệu, như ngôi sao để hiểu và tiên đoán tương lai.
  • Kẻ đi cầu vong: là kêu gọi hoặc giao tiếp với linh hồn người đã chết, để tìm kiếm sự chỉ dẫn hoặc trợ giúp. Thánh Kinh có ghi lại trong I Sa-mu-ên 28, trường hợp Vua Sau-lơ đi tìm người đàn bà biết cầu vong để muốn gặp Sa-mu-ên.

Tóm lại, những tà thuật liệt kê trên đều lấy làm gớm ghiếc trước mặt Chúa, vì đó là sự thờ lạy thần tượng, thờ thần khác ngoài Chúa, là phạm tội ngoại tình thuộc linh. Hết thảy những điều đó là vi phạm giao ước của Chúa với dân I-sơ-ra-ên, tức là Mười Điều Răn.

Là con dân Chúa, chúng ta cũng không sử dụng hay bắt chước làm ra tà thuật, hay những điều mê tín dị đoan của người ngoại. Có rất nhiều chiêu trò do ma quỷ dùng tay của những người thuộc về chúng tạo nên để dẫn dụ và lôi kéo loài người. Mục đích của chúng là khiến chúng ta xa rời Chúa, không còn tin cậy Chúa nữa. Bất cứ điều gì, vật gì chúng ta không hiểu rõ là có sai nghịch Lời Chúa không thì không làm, không sử dụng. “Vì bất cứ điều gì làm mà không bởi đức tin thì điều ấy là tội lỗi” (Rô-ma 14:23a). Chúng ta “Hãy xem xét mọi sự! Điều gì lành thì giữ lấy! Hãy tránh mọi hình thức của sự ác!” (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:21-22).

Ngoài ra, Lời Chúa dạy trong I Sa-mu-ên 15:23 cho chúng ta biết rằng: “Vì sự bội nghịch cũng như tội dùng tà thuật. Sự cố chấp cũng như tội ác và sự thờ lạy thần tượng.”

Sự bội nghịch nghĩa là sự tranh cãi, kiên quyết đưa ra ý kiến trái nghịch, hoặc là sự phản loạn. Như vậy chúng ta hiểu rằng, sự tranh cãi với lẽ thật Lời Chúa, hoặc với một người dùng Lời Chúa để khuyên nhủ, cứ nhất quyết đưa ra những ý kiến trái nghịch với Lời Chúa, với quy định, phép tắc hợp Lời Chúa thì đó chính là sự bội nghịch. Như trường hợp mười trong số mười hai thám tử đi do thám xứ quay trở về khiến dân I-sơ-ra-ên trở lòng đòi trở lại xứ Ê-díp-tô cũng chính là bội nghịch mệnh lệnh của Chúa, là phản loạn. 

Sự cố chấp nghĩa là không chịu thay đổi ý kiến, quan điểm, hành động của mình dù đã được giải thích và đưa ra những dẫn chứng thuyết phục. Như vậy, sự nhất nhất cho là mình đúng, hoặc giải thích, biện hộ cho việc làm của mình mặc dù đã được giải thích và đưa dẫn Lời Chúa dạy, thì đó là sự cố chấp. Như trường hợp Pha-ra-ôn cũng là sự cố chấp khi nhất quyết không chịu thay đổi ý định của mình, quyết không cho dân I-sơ-ra-ên đi, dù Môi-se và A-rôn có thưa trình, dù Chúa giáng mười tai họa xuống xứ Ê-díp-tô. 

Như vậy, sự bội nghịch và sự cố chấp là phạm tội với Chúa, cũng giống như tội dùng tà thuật và thờ lạy thần tượng, điều đó là gớm ghiếc trước mặt Chúa, bởi vì vi phạm vào các điều răn của Chúa. Người phạm sự bội nghịch và giữ sự cố chấp là người thờ thần tôi, phạm điều răn thứ nhất khi đã thờ thần khác ngoài Chúa, phạm điều răn thứ nhì khi tôn ý muốn của mình lên trên ý muốn của Chúa, phạm điều răn thứ bảy khi đã yêu mình hơn là yêu Chúa.

Lời Chúa dạy chúng ta phải ở trọn vẹn với Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu. Điều đó có nghĩa là chúng ta hết lòng, hết sức, hết linh hồn mà yêu Chúa. Người tin kính Chúa là người nghe và làm theo mọi lời phán dặn của Chúa. Người được kể là trọn vẹn với Chúa, thì luôn bước đi trong điều răn, luật pháp của Chúa.

“Luật pháp của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là trọn vẹn, bổ linh hồn lại. Sự chứng cớ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là chắc chắn, làm cho kẻ ngu dại trở nên khôn sáng.” (Thi Thiên 19:7).

“Phước cho những người trọn vẹn trong đường lối của mình, đi trong luật pháp của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (Thi Thiên 119:1).

Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta và khiến cho chúng ta được nên trọn vẹn, không tì, không vết, sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ. A-men!

One Reply to “Phục Truyền Luật Lệ Ký 18 Phần Thuộc về Thầy Tế Lễ và Người Lê-vi”

Để lại một bình luận