Về Việc Làm Chứng
Nguyễn Thị Thu Thủy
Câu Hỏi Gợi Ý:
1. Lời Chúa dạy cần phải có mấy người làm chứng thì mới xác định sự phạm tội của một người? Em có biết chỗ nào trong Thánh Kinh cũng dạy như vậy?
2. Trong Cựu Ước, nếu có người làm chứng dối, hai bên có sự tranh tụng, thì phải làm thế nào? Hình phạt dành cho người làm chứng dối là gì?
3. Hiện nay, có còn áp dụng việc phải có hai nhân chứng để kết luận về sự phạm tội của một người không? Vì sao?
4. Hiện nay, nếu trong sự phán xét, biết rằng một người anh chị em đã làm chứng dối, thì phải hành xử thế nào?
Gợi Ý Áp Dụng:
1. Em rút ra bài học gì trong sự làm chứng về ai hoặc một sự việc nào đó? Vì sao?
2. Trong trường hợp phải nhận định về sự phạm tội của một người, thì em sẽ làm thế nào?
3. Trong trường hợp em bị người khác làm chứng dối, vu oan cho mình phạm tội, thì em sẽ hành xử thế nào?
Chia Sẻ:
Các bạn thiếu niên thân mến,
Trong cuộc sống, có nhiều tình huống chúng ta cần phải đứng ra để làm chứng, hoặc chính chúng ta cần có người làm chứng để xác nhận về một sự việc hoặc một người nào đó. Là con dân Chúa, mọi việc chúng ta làm đều cần theo ý muốn của Chúa, không nghịch lại điều răn, luật pháp của Ngài. Vậy Lời Chúa dạy chúng ta như thế nào trong việc làm chứng? Chúng ta cùng học Phục Truyền Luật Lệ Ký chương 19, chủ đề, về việc làm chứng, với câu gốc:
“Theo miệng của hai người chứng hay theo miệng của ba người chứng, [mà] sự việc mới được xác định.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 19:15b).
Lời Chúa dạy chúng ta rằng, khi xác định tội lỗi của một người, thì phải có ít nhất hai người chứng. Nếu chỉ có một người đứng ra làm chứng thì không thể chỉ dựa trên lời chứng đó để kết luận sự phạm tội.
“Nếu ai giết một người nào, người ta sẽ cứ theo lời khai của những người chứng mà giết kẻ sát nhân; nhưng một người chứng không đủ cớ để giết ai.” (Dân Số Ký 35:30).
“Cứ theo lời của hai hoặc ba người chứng mới xử tử kẻ đáng bị chết; nhưng cứ lời của một người chứng không đủ xử tử người.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 17:6).
Tuy nhiên, cũng có trường hợp cả hai đều làm chứng dối để vu oan, nhằm mục đích hãm hại người khác. Khi đó hai bên có sự tranh tụng nhau về việc xảy đến thì phải đưa sự việc đến thầy tế lễ và quan án để giải quyết. Sau khi quan án tra xét, nếu thấy lời chứng là gian dối nhằm vu oan thì phải có hình phạt. Hình phạt dành cho kẻ làm chứng dối để hại anh em mình, đó là kẻ đó đã định làm gì với người mà mình vu oan thì sẽ bị đối xử lại y như vậy. Ví dụ kẻ đó vu oan làm chứng dối rằng người anh em đó phạm tội ngoại tình và phải bị xử tử theo luật được chép trong Lê-vi Ký 20:10, thì hình phạt dành cho kẻ làm chứng dối đó cũng là bị xử tử.
Lời Chúa phán dạy, sự hình phạt kẻ phạm tội là cất sự ác khỏi giữa vòng dân sự. Điều đó là bảo vệ dân sự khỏi những sự phạm tội, khỏi những điều xấu. Cũng là để răn đe những người khác sợ mà không dám phạm tội.
Đó là lời phán dạy của Chúa trong thời kỳ Cựu Ước. Còn hiện nay, trong thời Tân Ước thì chúng ta làm như thế nào?
Trong thời Tân Ước hiện nay, chúng ta vẫn tuân theo luật lệ mà Chúa đã ban hành, đó là khi kết luận sự phạm tội của một người thì phải có ít nhất hai người chứng.
“Bởi miệng của hai hay ba chứng nhân mỗi lời nói sẽ được thành lập.” (II Cô-rinh-tô 13:1b).
“Đừng nhận lời cáo buộc một trưởng lão mà không có hai hoặc ba người làm chứng.” (I Ti-mô-thê 5:19).
“Nếu anh chị em cùng Cha của ngươi phạm tội nghịch lại ngươi, hãy đi, quở trách người, chỉ giữa ngươi với người. Nếu người nghe ngươi, ngươi được lại anh chị em cùng Cha của mình. Nhưng nếu người không nghe, hãy đem với ngươi một hoặc hai người nữa, để mọi lời trong miệng của hai hay ba người chứng được vững lập.” (Ma-thi-ơ 18:15-16).
Như vậy, chúng ta rút ra bài học rằng, khi chúng ta nhận định, đưa ra kết luận một người nào phạm tội thì phải có đủ hai lời chứng. Trong trường hợp có một người làm chứng, nhưng chính người phạm tội sau khi được hỏi thì đã nói ra hoặc thừa nhận mình phạm tội thì cũng đủ để kết luận sự phạm tội của người đó. Chúng ta cũng rút ra bài học rằng, khi nghe một người tố cáo tội của người khác, thì phải cẩn thận tra xem lời chứng của người đó có đúng hay không, trước khi dẫn đến sự kết luận họ phạm tội. Không vội vàng suy nghĩ ngay như vậy, mà mọi việc phải được xác minh rõ ràng, dựa trên Lời Chúa dạy về việc có hai nhân chứng, rồi mới nhận định sự việc.
Trường hợp sau khi tra xét, xác minh sự việc thấy lời chứng của người làm chứng là không đúng sự thật. Khi đó chúng ta cần xác minh lý do vì sao mà người làm chứng lại nói không đúng sự thật. Nếu do vô ý nhìn lầm, vô tình hiểu lầm sự việc dẫn đến lời làm chứng dối, thì khuyên họ ăn năn và xin lỗi người anh chị em cùng Cha mà mình đã làm chứng dối về họ. Nếu do cố ý muốn làm hại, hạ thấp người anh chị em cùng Cha thì đây là một tội nghiêm trọng. Trước nhất, cần kêu gọi người phạm tội ăn năn, tra xét với Chúa. Nếu người phạm tội thật lòng ăn năn, thì tha thứ cho họ, vì Lời Chúa dạy rằng, tha thứ cho anh chị em cùng Cha của mình đến bảy mươi lần bảy (Ma-thi-ơ 18:21-22), nghĩa là tha thứ cách trọn vẹn khi anh chị em của mình thật lòng ăn năn tội. Nhưng nếu người phạm tội gây ra sự thiệt hại vật chất cho người anh chị em cùng Cha thì cần phải đền bù lại sự thiệt hại đã gây ra đó. Nếu người phạm tội không có khả năng để đền bù thì trình dâng sự việc lên Chúa, mà không bắt ép họ phải đền bù lại.
Nếu người phạm tội không ăn năn thì cần phải thi hành kỷ luật, dứt phép thông công. Theo mệnh lệnh Đức Thánh Linh đã truyền dạy trong I Cô-rinh-tô 5:13b, “hãy trừ bỏ kẻ gian ác khỏi các anh chị em.”
Qua bài học này, chúng ta hiểu rằng, sự đứng ra làm chứng về một sự việc nào, hoặc một ai đó rất quan trọng, nhất là khi liên quan đến sự phạm tội. Vì vậy, chúng ta cần ghi nhớ rằng, khi chúng ta đứng ra làm chứng thì phải cẩn trọng, cầu nguyện với Chúa xin Chúa cho chúng ta làm chứng đúng với những gì mình biết, mình nhìn thấy. Nếu có thêm suy nghĩ hay nhận định của riêng mình hoặc được hỏi đến thì cần nói rõ đó chỉ là sự suy nghĩ, suy luận của mình mà thôi. Tuyệt đối, không được dựa trên cảm xúc, tình cảm cá nhân để thêm vào những lời chứng. Vì như vậy, sẽ khiến cho người nghe hiểu sai lệch sự việc. Lời Chúa dạy chúng ta hãy đơn sơ như chim bồ câu, chúng ta không nói hay làm để khiến người khác hiểu sai sự việc, hoặc phải hiểu theo ý của mình. Chúng ta chỉ cần đơn sơ trình bày lại những gì mình thấy, nghe và biết mà thôi. Chúng ta cần ghi nhớ rằng, mỗi một lời nói của mình chẳng phải chỉ nói trước mặt những người đang nghe mình làm chứng, mà đó còn là trước mặt Đức Chúa Trời.
“Nhưng [Ta] bảo các ngươi rằng, mỗi lời nói vô ích nào mà loài người sẽ nói, họ sẽ khai trình về chúng, trong ngày phán xét. Vì bởi những lời nói của ngươi, ngươi sẽ được xưng công chính. Cũng bởi những lời nói của ngươi, ngươi sẽ bị phán tội.” (Ma-thi-ơ 12:36-37).
Chúng ta cũng cần ghi nhớ điều răn thứ chín Chúa dạy chúng ta rằng:
“Ngươi sẽ không nói chứng dối, nghịch kẻ lân cận của ngươi.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:16).
Tình Huống: Bạn A không vui vì anh trai của mình đã thường xuyên không chiều theo những ý muốn của A trong việc đi chơi, mua sắm đồ dùng, hay những việc khác. Một hôm, A nhìn thấy anh trai đi cùng với những người bạn mà trước đó bố mẹ đều nhắc hai anh em không được đi chơi cùng những người bạn đó, vì họ có nếp sống xấu, sẽ gây ảnh hưởng xấu đến hai anh em. A thấy như vậy liền về mách lại với bố mẹ và nói anh trai đã không nghe lời bố mẹ, đi chơi cùng họ. A còn nói anh trai không yêu thương mình, nhưng lại đi cùng những người xấu, anh trai cũng không hiếu kính cha mẹ khi không vâng lời.
Bố mẹ lo lắng vì nhận được thông tin từ A như vậy. Khi anh trai về, bố mẹ hỏi lại thì biết không phải anh trai đi chơi cùng, mà cô giáo giao cho nhiệm vụ đi cùng những người bạn đó đến nhà cô giáo để lấy những vật dụng cần cho buổi học ngoại khóa ngày mai.
Câu Hỏi: Em hãy cho biết bạn A đã phạm tội gì? Vì sao? Nếu là A thì em thấy mình cần phải sửa đổi những điều gì? Em sẽ làm gì nếu mình ở trong trường hợp như vậy?
Qua ví dụ tình huống trên, chúng ta thấy rằng một trong những điều rất dễ và hay lâm vấp trong đời sống, đó là khi kể lại một sự việc của người anh chị em mình mà lại thêm cảm xúc, thêm nhận định riêng của mình vào để nói ra lời chứng. Khi đó lời chứng của chúng ta trở thành lời nói xấu, lời vu khống về anh chị em mình. Điều đó gây chia rẽ, gây tổn hại các chi thể trong cùng một thân thể Chúa.
“Chớ buông lời phao vu trong dân sự mình, chớ lập mưu kế nghịch sự sống của kẻ lân cận mình: Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Trong lòng ngươi, ngươi sẽ không ghét anh em của ngươi. Ngươi hãy nghiêm khắc quở trách người lân cận của ngươi, và đừng mang tội vì người ấy.” (Lê-vi Ký 19:16-17).
“Hỡi các anh chị em cùng Cha, chớ vu khống lẫn nhau! Ai vu khống anh chị em cùng Cha của mình và kết tội anh chị em cùng Cha của mình, tức là vu khống luật pháp và kết tội luật pháp. Nhưng nếu ngươi kết tội luật pháp, thì ngươi chẳng phải là người vâng giữ luật mà là quan án.” (Gia-cơ 4:11).
Chúng ta cũng không theo cảm xúc, hay tình cảm cá nhân mà hùa vào cùng người khác để làm chứng về sự việc nào hoặc ai đó khi chính mình không phải là người trực tiếp nhìn thấy và nghe biết sự việc. Bởi vì như vậy cũng không đúng trong việc làm chứng, và rất dễ lâm vào việc làm chứng dối.
“Ngươi chớ đồn chuyện dối; chớ hùa cùng kẻ hung ác để làm chứng dối. Ngươi chớ hùa đảng đông để làm quấy; khi ngươi làm chứng trong việc kiện cáo, chớ nên trở theo bên phe đông mà phạm sự công chính.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 23:1-2).
Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta bài học hôm nay về sự làm chứng. Nguyện mỗi chúng ta luôn ghi nhớ Lời Chúa dạy và được Chúa ban cho sự thông sáng để áp dụng bài học vào trong đời sống!
One Reply to “Phục Truyền Luật Lệ Ký 19 Về Việc Làm Chứng”