Đức Chúa Jeusu Chịu Cám Dỗ

573 lượt xem

Chủ để: Đức Chúa Jeusu Chịu Cám Dỗ

Nguyễn Thị Thùy Linh

Các con thương mến!

Tuần này chúng ta cùng nhau học Lời Chúa với chủ đề: Đức Chúa Jesus Chịu Cám dỗ. 

Trong bài học trước chúng ta đã cùng học về sự kiện Đức Chúa Jesus chịu báp-tem. Thánh Kinh cho chúng ta biết sau khi chịu báp-tem xong thì Đấng Thần Linh đưa Chúa Jesus vào trong đồng vắng để chịu cám dỗ. 

Trong bốn sách Tin Lành có hai sách ghi lại sự kiện này cách chi tiết là sách Ma-thi-ơ 4: 1-11, Lu-ca 4:1-13, sách Mác có nhắc đến nhưng chỉ sơ qua, sách Giăng thì không có ghi lại sự kiện này. 

Sự kiện Đức Chúa Jesus chịu cám dỗ bắt đầu liền sau khi Ngài chịu báp-tem dưới sông Giô-đanh. Đấng Thần Linh đưa Đức Chúa Jesus vào đồng vắng để chịu ma quỷ cám dỗ Ngài, trong bốn mươi ngày bốn mươi đêm Ngài kiêng ăn. 

Sự kiện này cô nghĩ không còn xa lạ gì với chúng ta, chúng ta đã từng học và đọc qua, hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau suy ngẫm cách chúng ta áp dụng thực tế ra sao nếu chúng ta cũng gặp những cám dỗ như Chúa Jesus đã từng chịu trong đồng vắng. 

Ma quỷ cám dỗ Chúa Jesus với ba điều điển hình

1/ Hóa đá thành bánh

2/ Thử Đức Chúa Trời

3/ Hứa ban cho Chúa Jesus toàn thế gian nếu như Chúa Jesus chịu sấp mình xuống mà thờ lạy nó. 

Như chúng ta đã từng học biết, Đức Chúa Jesus hoàn toàn là người thì Ngài 100% giống như chúng ta đây. Chúa Jesus cũng phải được thử rèn trước khi bước vào chức vụ. Cũng chính vì Ngài là 100% loài người như chúng ta nên Chúa Jesus cũng có những nhu cầu chính đáng cho cơ thể xác thịt, Ngài cũng biết đói, và đói thì cần phải ăn. Ma quỷ thật là tinh ranh lựa thời cơ khi Chúa Jesus đói thì liền đến cám dỗ. Việc ma quỷ bảo Chúa hóa đá này ra thành bánh, nếu Đức Chúa Jesus thật có hóa đá ra thành bánh thì cũng được thôi và cũng không có gì sai khi Ngài đang đói thì cần có thức ăn để qua cơn đói. Nhưng nếu Chúa Jesus làm thì đã nghe theo lời của ma quỷ, những gì đến từ ma quỷ nhìn qua thì có vẻ như hợp lý và cần thiết, nhưng chúng ta biết ma quỷ xúi giục để chúng ta phạm tội, những gì đến từ ma quỷ không có gì là tốt lành cả. Một điều nữa là khi chúng ta học những bài trước, chúng ta biết rằng Chúa Jesus là một người luôn làm theo ý muốn của Đức Chúa Cha, Đức Chúa Cha đã thỏa lòng về Ngài. Về sự việc Ngài kiên ăn và đói thì Ngài cũng chờ đợi sự mở đường, sự chăm sóc của Đức Chúa Cha, tuy rằng Ngài hoàn toàn có năng lực tự mình làm để đáp ứng nhu cầu cần thiết, nhưng không phải vì thế mà Chúa Jesus nghe theo lời ma quỷ mà hóa đá thành bánh để ăn. Và ma quỷ tinh ranh, lựa thời cơ yếu đuối nhất thì đến cám dỗ. 

Chúng ta rút ra được bài học là trong đời sống của chúng ta rất thường hay đối diện với những cám dỗ như thế này. Nhu cầu cho thân thể xác thịt như ăn uống, chăm sóc cho thân thể là cần thiết nhưng chúng ta phải làm cánh đúng đắn. Chúng ta không thể vì đói mà thò tay lấy cắp đồ ăn của người khác, chúng ta không thể vì muốn đạt điểm cao mà gian lận trong kỳ thi, chúng ta không thể vì thích một chiếc áo mà mua nó trong ngày Sa-bát, chúng ta không vì để thỏa mãn ham muốn xác thịt mà tìm xem những hình ảnh khiêu gợi, đồi trụy trên các trang mạng xã hội. Mà chúng ta phải thật sự tỉnh thức, chịu đựng để mọi việc làm của chúng ta theo ý Chúa và không phạm tội. Đương nhiên đã kiêng ăn bốn mươi ngày Chúa Jesus đã bị đói, nhưng để chờ sự chăm sóc đến từ Đức Chúa Cha thì Chúa Jesus phải chịu đựng sự đói thêm một khoản thời gian nữa. Đây cũng là bài học chúng ta phải biết quản trị thân thể xác thịt của mình, không chìu theo, đáp ứng theo mà dễ dàng bị sa vào sự cám dỗ của ma quỷ. Chờ đợi sự chăm sóc của Chúa là như thế nào. Điển hình cụ thể như việc chúng ta thích một món đồ nào đó, nhưng hiện tại khả năng chưa đủ tiền để mua, trong tâm trí của chúng ta xuất hiện suy nghĩ hay mình đi vay mượn tiền của ai đó tạm thời mua trước, rồi từ từ có tiền rồi trả lại sau. Việc mua không sai, nhưng việc đi vay mượn đi mua là sai, chúng ta có thể dâng trình sự mình thích đó lên cho Chúa, Chúa sẽ ban cho chúng ta theo cách của Ngài, Chúa cho món đồ đó giảm giá hoặc là có người tặng chúng ta…Khi trong cuộc sống của chúng ta mọi sự biết dâng trình và chờ đợi Chúa như vậy chúng ta vừa rèn tập được sự nhẫn nại, chịu đựng, quản trị được thân thể mình và vừa kinh nghiệm được sự chăm sóc của Chúa trên đời sống chúng ta, và cũng đắc thắng được mọi sự cám dỗ, thắng được những sự mê tham của mắt. Những gì cám dỗ mà chúng ta nhìn thấy được, muốn có được, muốn sở hữu, muốn giải quyết những nhu cầu xác thịt đó là sự mê tham của mắt. 

Khi chúng ta đối diện với những sự cám dỗ tương tự có hình thức như vậy thì chúng dùng Lời Chúa để đáp trả, chúng ta ghi nhớ câu Thánh Kinh trong:

 “Vậy, cho dù các anh chị em ăn hay uống, hay làm sự gì khác, hãy làm mọi sự vì sự vinh quang của Thiên Chúa”. (I Cô-rinh-tô 10:31).

2/ Thử Đức Chúa Trời,

Ma-thi-ơ 4:5-7 ghi lại ma quỷ đem Chúa Jesus vào thành thánh, đặt Ngài lên nóc đền thờ và bảo Chúa Jesus nhảy xuống đi vì Lời Chúa có chép: “Ngài sẽ truyền cho các thiên sứ chung quanh ngươi, họ sẽ nâng ngươi trong tay, kẻo chân ngươi vấp nhằm đá chăng”. Chúng ta chú ý câu nói của ma quỷ. “Nếu ngươi là con Đức Chúa Trời”.

Chúng ta thấy ma quỷ dùng chính Lời Chúa mà cám dỗ Đức Chúa Jesus. Nếu Đức Chúa Jesus làm theo lời của ma quỷ thì sẽ như thế nào? Nếu Đức Chúa Jesus nhảy từ trên nóc đền thờ xuống là đã nghi ngờ Đức Chúa Trời nên mới thử, thử xem Lời đó có ứng nghiệm với mình không, nhưng nếu Đức Chúa Jesus biết chắc Lời đó sẽ ứng nghiệm mà Ngài vẫn nhảy xuống thì dẫn đến việc Đức Chúa Jesus thể hiện chính mình. Để chứng minh cho ma quỷ là Ngài chính là con Đức Chúa Trời. Đức Chúa Jesus chính là con Đức Chúa Trời nên Ngài không cần phải thử nữa. Chúng ta thấy thật là nguy hiểm khi ma quỷ dùng chính Lời Chúa để cám dỗ. Và càng nguy hiểm hơn nếu chúng ta không tĩnh thức trước những bẩy rập của ma quỷ. 

Ví dụ như có một người đến nhà bạn A chơi, thì chợt nhìn thấy tấm hình chụp gia đình có ba người, người đó hỏi bạn A người kia có phải bố của A không, nếu là bố thì hãy chứng minh đi thì họ mới tin. Vậy thì A có nên làm theo yêu cầu của người đó không? 

Trong sự việc này Chúa Jesus không làm theo thách thức của ma quỷ chúng ta hiểu có hai lý do. 

Thứ nhất là Ngài chính là con Đức Chúa Trời nên không cần phải chứng minh làm gì, nếu Chúa Jesus làm thì đã nghi ngờ.

Thứ hai là nếu Chúa Jesus biết chắc mình là con của Đức Chúa Trời rồi mà vẫn làm theo yêu cầu của ma quỷ thì Chúa Jesus đã thể hiện chính mình cho ma quỷ. Thể hiện ta đây là con Đức Chúa Trời.

Qua câu trả lời của Đức Chúa Jesus thì chúng ta không được phép thử Đức Chúa Trời. Chúng ta tin hoặc không tin chứ không được phép thử Ngài. Thánh kinh Chúa phán với chúng ta là dùng danh Chúa để xua đuổi ma quỷ, chúng ta không thể đi tìm gặp những ngươi bị tà linh thì đều đứng đó nhân danh Chúa xem có hiệu nghiệm không, chúng ta không thể đi vào giữa vùng những người bị nhiễm bệnh dịch lây lan xem Lời Chúa trong Thi Thiên 91:3 có ứng nghiệm không, Chúa có gìn giữ chúng ta khỏi dịch bệnh độc hại không. Nếu chúng ta làm như vậy chúng ta sẽ chết bởi vì Chúa không bảo vệ chúng ta, giải cứu chúng ta khi chúng ta tự đặt mình vào môi trường bị cám dỗ, bị bách hại. Lời Chúa bảo vệ chúng ta khi chúng ta “bị rơi vào” hoàn cảnh đó, bất khả kháng thì Chúa sẽ giải cứu, bảo vệ chúng ta, như việc bây giờ có ba bốn người trói chúng ta lại rồi tiêm vacxin vào người chúng ta, thì trong lúc đó chúng ta kêu cầu Chúa, xin Chúa gìn giữ chúng ta không bị ảnh hưởng bởi những chất độc hại trong vacxin. Nó khác với việc chúng ta tự nguyện đi đến bảo người ta tiêm cho mình đi. 

“Các ngươi hãy đem hết thảy phần mười vào kho, để cho có lương thực trong nhà Ta; và từ nay các ngươi hãy lấy điều này mà thử Ta, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân phán, xem Ta có mở các cửa sổ trên trời cho các ngươi, đổ phước xuống cho các ngươi đến nỗi không chỗ chứa chăng!” (Ma-la-chi 3:10). 

Đây là trường hợp duy nhất Chúa cho phép chúng ta thử Chúa. 

Hình thức cám dỗ này chúng ta rất thường hay gặp trong cuộc sống. Một phần do chúng ta thiếu hiểu biết Lời Chúa và một phần do chúng ta thiếu đức tin nơi Chúa nên khi hoàn cảnh, tình huống xảy ra thì chúng ta một là áp dụng Lời Chúa sai cách, áp dụng cách cứng nhắc, hai là chúng ta nghi thờ Thiên Chúa. Ma quỷ sẽ cám dỗ chúng ta khi đức tin của chúng ta không vững vàng. Ma quỷ dùng chính Lời Chúa để xúi giục chúng ta phạm tội. Để thể hiện chính mình đó là sự kiêu ngạo của đời. 

Khi gặp những cám dỗ có hình thức như thế này, hoặc tương tự như thế này, thì chúng ta dùng Lời Chúa để đáp trả trong:

“Vì bất cứ điều gì {làm mà} không bởi đức tin thì {điều ấy} là tội lỗi”. (Rô-ma 14:23b).

3/ Ma quỷ hứa ban cho Chúa Jesus toàn thế gian nếu như Chúa Jesus chịu sấp mình xuống mà thờ lạy nó.

Lần thứ ba này sự cám dỗ của ma quỷ thật là kinh khủng, thể hiện nguyên cái bản chất kiêu ngạo của nó. Khi nó muốn Đức Chúa Jesus quỳ xuống thờ lạy nó. Thì nó sẽ ban cho cả thế gian. Khi đọc đến lần cám dỗ thứ ba này thì cô suy ngẫm thấy là ma quỷ có lẽ không biết chắc Đức Chúa Jesus có phải thật là con Đức Chúa Trời không, Đức Chúa Jesus đó chính là Ngôi Lời nhập thể làm người hay không, vì nếu ma quỷ biết chắc thì ma quỷ sẽ biết người mà nó đang cám dỗ đó là Đấng sáng tạo nên muôn loài vạn vật trên đất bao gồm cả cái thế gian mà ma quỷ hứa ban cho Ngài. Thật vô lý khi ma quỷ biết Chúa Jesus chính là Thiên Chúa Ngôi Lời thì vốn dĩ đương nhiên cả vũ trụ này thuộc về Chúa Jesus rồi vì Ngài dựng nên chúng, thì đâu cần phải đợi ma quỷ ban cho thì Ngài mới có quyền. Ma quỷ nữa tin nữa ngờ nên mới thử thách Chúa Jesus nhiều lần với câu: “Nếu ngươi là con Đức Chúa Trời”. 

Hình thức cám dỗ này của ma quỷ xảy ra hằng ngày với chúng ta, bản chất tội lỗi của loài người là sự tham lam, ích kỷ và tư lợi, luôn muốn đạt được thật nhiều thứ, muốn hơn người khác, muốn khoe khoang. Những thú vui, tiền của, danh lợi của thế gian sẽ thắng hơn nếu một người ham thích và chú về nó. Là một con dân Chúa thì sẽ dễ phạm tội khi chú về những điều đó hơn là tìm kiếm và thờ phượng Đức Chúa Trời. Và nếu chúng ta chạy theo những điều đó thì vô hình chung chúng ta đã chịu thờ lạy và làm nô lệ cho ma quỷ, cho tội lỗi. 

Ai cũng muốn mình xinh đẹp hơn người khác, muốn mình giàu có hơn người khác, muốn mình giỏi hơn và muốn mình cao trọng hơn người khác…những sự đó vừa tham lam lại vừa kiêu ngạo. 

Mỗi khi những hình thức cám dỗ như thế này đến thì chúng ta dùng Lời Chúa để đáp trả trong: 

“Vì sự tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác. Có nhiều kẻ vì theo đuổi nó mà họ sai lạc, rời khỏi đức tin, và tự chuốc lấy cho mình nhiều điều đau đớn”. (I Ti-mô-thê 6:10).

Kết luận và rút ra bài học qua sự kiện ma quỷ cám dỗ Đức Chúa Jesus. 

Qua ba điều ma quỷ cám dỗ Chúa Jesus chúng ta thấy những phương diện mà ma quỷ cám dỗ đều có một điểm chung đó là sự kiêu ngạo. Xúi giục cho chúng ta sự muốn thể hiện chính mình, xúi giục sự tham muốn địa vị, danh vọng. Tất cả những điều đó là chỉ muốn mình hơn người khác mà thôi. 

Làm sao để chúng ta có thể đắc thắng những cám dỗ đó mà không bị sập bẫy trong bài học ngày hôm nay? 

Có 2 cách

1/ Kính sợ Đức Chúa Trời

2/ Ghét tội và chọn không phạm tội. 

Chỉ cần con dân Chúa có hai điều này thì khả năng chiến thắng cám dỗ có thể nói là 100%. Và đòi hỏi một điều kiện để có thể có được hai cách đó chính là “tấm lòng” của chúng ta. 

Chúng ta không cần phải học thuộc lòng hết Thánh Kinh, để khi cám dỗ đến rồi chúng ta lựa ra câu nào để đáp trả. Hay chúng ta lúc nào cũng mang theo bên người chúng ta Thánh Kinh để khi gặp cám dỗ thì tìm Lời Chúa để đáp trả thì mới đúng và chiến thắng. Mà điều cốt lõi chúng ta cần là một tấm lòng kính sợ Chúa và cương quyết chọn không phạm tội. Hai điều đó trở nên như một bản chất của chúng ta, thì tự nhiên cám dỗ đến thì chúng ta sẽ có phản ứng ngay. Khi đó Đức Thánh Linh sẽ nhắc nhớ chúng ta Lời Chúa khi chúng ta đã học và đọc Lời Chúa mỗi ngày. Nếu chúng ta không có tấm lòng thì cho dù có để quyển Thánh Kinh kế bên cạnh, hay Đức Thánh Linh có nhắc thì chúng ta cũng sẽ bỏ qua mà chìu theo sự ham muốn của xác thịt, nên chúng ta cứ hết lần này đến lần khác tái phạm và thua trận là như vậy. 

Chúng ta nhìn thấy tấm gương mà Đức Chúa Jesus đã để lại cho chúng ta đó, thì chúng ta nhìn thấy được vũ khí mạnh nhất vẫn là sự kính sợ Đức Chúa Cha và chọn không phạm tội ở trong Chúa Jesus. 

Điều đó cũng giống như việc chúng ta cài đặt sẵn phần mềm ngăn ngừa virus vào máy tính chúng ta, khi chúng ta tải chương trình nào về mà trong đường link đó có virut thì tự động phần mềm diệt virus đó sẽ diệt và ngăn không cho phép máy tính đó tải về. 

Thì cũng vậy, nếu từ trong bản chất của chúng ta kính sợ Chúa thì chúng ta chọn không phạm tội, khi cám dỗ đến thì phản ứng tự nhiên là chống trả. Sự kính sợ Chúa là khởi đầu của sự khôn ngoan là như vậy. 

Cám dỗ sẽ đến trong tâm trí chúng ta trước, lúc đó chưa hẳn là phạm tội, nhưng nếu chúng ta nuôi dưỡng sự đó, rồi suy nghĩ đến, dẫn đến hành động thì khi đó chúng ta phạm tội. 

Ví dụ. Trong tâm trí chúng ta tự nhiên gợi lên một tư tưởng một hình ảnh khiêu gợi, rồi chúng ta suy nghĩ đến hình ảnh đó, sau đó quyết định lên google tìm xem những hình ảnh đó thì chúng ta đã phạm tội. 

Ngược lại nếu tư tưởng đó đến, chúng ta lập tức nhân danh Chúa xua đuổi nó đi và cầu nguyện xin Chúa cất đi khỏi chúng ta tư tưởng ô uế đó, cứu chúng ta khỏi sự cám dỗ. Thì chúng ta chiến thắng, giống như việc một người đi đến một nơi để dự thi mà đã bị loại từ vòng gửi xe rồi thì làm sao mà đi vào được đến nơi để dự thi. 

Một vũ khí tối tân nữa mà Chúa ban cho con dân Chúa là được dùng danh Chúa để xua đuổi tà linh. Xua đuổi những tư tưởng xúi giục chúng ta phạm tội trong tâm trí. Chúa chuẩn bị và ban cho chúng ta cả rồi, phần còn lại là của chúng ta. Chúa không đánh trả ma quỷ dùm chúng ta, mà Ngài ban vũ khí cho chúng ta đánh trận. 

Chúc các con là những người lính giỏi của Thiên Chúa. 

Để lại một bình luận