Giảng cho Thiếu Niên – Người Trẻ Tuổi

734 lượt xem

202117 Bài Giảng Trong Năm 2021
Giảng cho Thiếu Niên
Người Trẻ Tuổi

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

“Người trẻ tuổi phải làm sao cho đường lối mình được trong sạch?
Phải cẩn thận làm theo Lời của Ngài.” (Thi Thiên 119:9).

Các cháu thiếu niên thân mến,

Trước hết, bác Tim dâng lời cảm tạ Chúa, vì Ngài đã ban cho chúng ta có được Ban Chăm Sóc Thiếu Niên và buổi nhóm hàng tuần của thiếu niên qua Paltalk. Bác cũng cảm tạ Chúa, vì Ngài đã ban cho bác cơ hội được chia sẻ Lời Chúa cho các cháu trong buổi nhóm đầu tiên của thiếu niên. Và bây giờ thì bác xin chia sẻ với các cháu về ý nghĩa của Thi Thiên 119:9 “Người trẻ tuổi phải làm sao cho đường lối mình được trong sạch? Phải cẩn thận làm theo Lời của Ngài.”

Người trẻ tuổi là những người chưa tới 30 tuổi, bao gồm: ấu nhi, thiếu nhi, thiếu niên, và thanh niên. Chúng ta có thể phân chia như sau: ấu nhi là trẻ con chưa đi học, thiếu nhi là trẻ con đã tới tuổi đi học, khoảng sáu hay bảy tuổi cho tới dưới 12 tuổi; thiếu niên là trẻ con từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi; thanh niên là người từ 18 tuổi đến dưới 30 tuổi. Ngoài ra, người từ 30 tuổi đến dưới 45 tuổi gọi là trung niên; người từ 45 tuổi đến dưới 60 tuổi gọi là tráng niên; và người từ 60 tuổi trở lên gọi là lão niên.

Các danh từ: “con đường”, “đường lối”, được dùng trong Thánh Kinh có nghĩa bóng là cuộc đời, đời sống.

Tính từ “trong sạch” trong Thánh Kinh bao gồm các ý nghĩa: chân thật, thánh khiết, đúng theo các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa, không có sự khuất lấp, che giấu.

Lời của Ngài tức là Lời của Thiên Chúa, bao gồm lời phán của Thiên Chúa trong thần trí của chúng ta và lời phán của Thiên Chúa được ghi chép thành sách, gọi là Thánh Kinh.

Vậy, Thi Thiên 119:9 có nghĩa là: những người trẻ tuổi phải cẩn thận làm theo mọi lời phán của Thiên Chúa để đời sống của mình luôn được chân thật, ngay thẳng, thánh khiết, không vi phạm các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa.

Nếu các cháu đã đọc và suy ngẫm Thi Thiên 119 thì các cháu thấy rằng, Thi Thiên 119 là Thi Thiên dài nhất trong 150 Thi Thiên; mà cũng là đoạn Thánh Kinh dài nhất trong Thánh Kinh. Toàn bộ nội dung của Thi Thiên 119 là ca ngợi Lời của Thiên Chúa, được thể hiện qua các điều răn và luật pháp của Ngài.

Các điều răn của Thiên Chúa được tóm gọn trong Mười Điều Răn, chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-17 và được lập lại trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:6-21. Nhưng các điều răn của Thiên Chúa cũng được diễn giải cách chi tiết trong suốt Thánh Kinh. Luật pháp của Thiên Chúa vừa là các luật lệ liên quan đến các điều răn, vừa là án phạt dành cho những ai vi phạm các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa. Người làm theo Lời Chúa tức là người làm theo các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa, như đã chép trong Thánh Kinh; đồng thời, vâng theo sự phán dạy của Đức Thánh Linh trong thần trí của mình. Về sự phán dạy của Đức Thánh Linh trong thần trí của con dân Chúa, các cháu hãy đọc và nghe bài giảng “Sự Dẫn Dắt và Giảng Dạy của Đức Thánh Linh” trong loạt bài giảng về Thiên Chúa, đã được đăng trên khu mạng timhieuthanhkinh.com [1].

Đức Thánh Linh là Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh. Ngài hiện diện trong thân thể xác thịt của mỗi con dân Chúa, tương giao với con dân Chúa và phán dạy họ qua thần trí của họ. Thần trí là sự cảm nhận và hiểu biết của tâm thần. Tâm thần là phần thân thể thiêng liêng của loài người. Trong khi thân thể xác thịt tiếp xúc, cảm nhận, và có hiểu biết về thế giới thuộc thể, tức là thế giới vật chất; thì tâm thần là thân thể thiêng liêng, ở bên trong thân thể xác thịt, tiếp xúc, cảm nhận, và có hiểu biết về thế giới thuộc linh, tức thế giới của các thần linh. Thế giới thuộc linh bao gồm: Thiên Chúa, các thiên sứ, ma quỷ, và tâm thần cùng linh hồn của loài người. Ma quỷ là các thiên sứ phạm tội. Để biết thêm chi tiết về linh hồn và tâm thần của loài người thì các cháu hãy đọc và nghe loạt bài giảng với chủ đề “Loài Người” đã được đăng trên khu mạng timhieuthanhkinh.com [2].

Vậy, nhờ thân thể vật chất là xác thịt mà loài người tiếp xúc, cảm nhận, có hiểu biết, và suy luận trong lý trí về thế giới vật chất; nhờ thân thể thiêng liêng là tâm thần mà loài người tiếp xúc, cảm nhận, có hiểu biết, và suy luận trong thần trí về thế giới thiêng liêng. Người thuộc về Chúa sẽ nhận được sự phán dạy của Chúa trong thần trí. Người không thuộc về Chúa sẽ bị ma quỷ dẫn dụ và lừa dối trong thần trí. Linh hồn sẽ tổng hợp mọi suy luận trong lý trí và thần trí để đưa ra quyết định sau cùng cho mỗi hành động của một người.

Những người không tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, chưa được Đức Chúa Trời tái sinh, thì tâm thần của họ bị chết, tức là bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa, không được tương giao với Thiên Chúa, không được sự dẫn dắt của Thiên Chúa. Trái lại, tâm thần của họ bị ma quỷ dẫn dụ, lừa dối để họ có những quyết định dẫn đến những hành động nghịch lại các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa. Họ không thể nào có được đời sống trong sạch theo Lời Chúa. Ngay cả khi họ sống một đời sống không làm hại ai, chuyên tâm làm những điều thiện giúp ích người khác, thì đời sống của họ vẫn không là trong sạch theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa. Vì ít ra, họ đã phạm tội không thờ phượng Thiên Chúa, mà thờ phượng các hình tượng, các tà thần. Các cháu hãy tưởng tượng cha mẹ của các cháu sẽ cảm nhận như thế nào, khi các cháu không nhìn nhận họ là cha mẹ, không hiếu kính họ mà lại nhận kẻ thù của họ làm cha mẹ và hiếu kính, vâng phục kẻ thù của họ?

Ngoài ra, cho dù có ai chỉ vi phạm một lần, một điều răn nào đó của Thiên Chúa thì theo luật pháp của Thiên Chúa, người ấy sẽ bị hư mất đời đời. Điều đó giống như một chiếc áo đẹp, đắt tiền bị tàn thuốc làm cháy thủng một lỗ nhỏ; giống như bánh xe bị đinh chích thủng một lỗ nhỏ; giống như một ly nước trong, tươi mát bị nhiễm một con vi trùng COVID-19 nhỏ đến mắt thường không thấy được. Con dân Chúa có đời sống trong sạch không phải vì họ không hề phạm tội, nhưng vì họ biết thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Chính Đức Chúa Trời khiến cho họ trở nên trong sạch khi họ tin cậy Ngài và vâng phục Ngài. Đức Chúa Trời dùng máu hy sinh của Đức Chúa Jesus Christ để rửa sạch mọi sự vi phạm của những ai thật lòng ăn năn tội, và hoàn toàn tin nhận sự kiện Đức Chúa Jesus Christ đã chịu chết trên thập tự giá để chuộc tội cho nhân loại.

Khi chúng ta thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ thì Đức Chúa Trời lập tức tái sinh chúng ta. Đức Chúa Trời tái sinh chúng ta là Ngài khiến cho linh hồn và tâm thần của chúng ta được sống lại, tức là được phục hồi sự tương giao với Thiên Chúa và có khả năng nhận biết mọi sự phán dạy của Thiên Chúa, dù là trực tiếp trong thần trí của chúng ta hoặc qua Thánh Kinh. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể hiểu rõ và làm theo Lời Chúa. Cũng từ khi đó, chúng ta nên chuyên tâm đọc, suy ngẫm Lời Chúa là Thánh Kinh, để cẩn thận làm theo. Đó cũng là một trong các luật lệ trong luật pháp của Thiên Chúa:

“Cuốn Sách Luật Pháp này chớ xa miệng ngươi, nhưng ngươi hãy suy ngẫm ngày và đêm, để cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong. Vì như vậy, ngươi sẽ được thịnh vượng trong đường lối mình và ngươi sẽ hành động thông sáng.” (Giô-suê 1:8).

Cuốn Sách Luật Pháp vào thời của Giô-suê là toàn bộ Thánh Kinh được ghi chép vào lúc ấy, từ Sáng Thế Ký đến Phục Truyền Luật Lệ Ký. Ngày nay, chúng ta có toàn bộ Thánh Kinh, từ Sáng Thế Ký đến Khải Huyền, và toàn bộ Thánh Kinh là cuốn Sách Luật Pháp của Thiên Chúa.

Nếu các cháu muốn cẩn thận làm theo Lời Chúa để giữ cho đời sống của mình được trong sạch, thì các cháu phải cẩn thận làm theo mọi điều đã được chép trong Thánh Kinh. Muốn có thể làm theo mọi điều đã được chép trong Thánh Kinh thì các cháu phải đọc Thánh Kinh và suy ngẫm ngày đêm. Mỗi ngày, các cháu có thể đọc một phân đoạn của Thánh Kinh, đọc nhiều lần một câu gốc để cuối tuần có thể thuộc lòng câu gốc đó. Suốt ngày và trong cả giấc ngủ, các cháu có thể suy nghĩ những gì đã đọc trong phân đoạn Thánh Kinh. Luôn nhớ cầu xin Đức Thánh Linh soi dẫn các cháu, giúp các cháu hiểu đúng điều các cháu đọc và suy ngẫm. Sau hết là các cháu cẩn thận làm theo những gì mình đã hiểu từ Lời Chúa. Cẩn thận làm là chú ý làm cho đúng một cách an toàn. Hình ảnh của một chuyên viên chất nổ tháo gỡ ngòi nổ của một quả bom hay hình ảnh của một diễn viên xiếc phóng dao ghim vào bia, chung quanh thân hình người mẫu giúp cho chúng ta hiểu thế nào là cẩn thận trong khi hành động.

Bác Tim mến chúc các cháu và mỗi người trẻ nào nghe hoặc đọc bài giảng này cũng đều có đầy thánh linh, tức năng lực của Thiên Chúa, để sống một đời sống thánh sạch, vì biết cẩn thận làm theo Lời Chúa.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời thành tín của sự bình an giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của chúng ta nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được, cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23). A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
05/09/2021

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://timhieuthanhkinh.com/thien-chua-14_su-dan-dat-va-giang-day-cua-duc-thanh-linh/

[2] https://timhieuthanhkinh.com/nhung-bai-can-doc-nghe-truoc/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/

Để lại một bình luận