Thiếu Niên và Sự Trở Lại của Đấng Christ

321 lượt xem

YouTube: https://youtu.be/sqF3N2Ct9wg

202204 Bài Giảng Trong Năm 2022
Thiếu Niên và Sự Trở Lại của Đấng Christ

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Các cháu thiếu niên thân mến,

Các cháu đang ở trong lứa tuổi đẹp nhất của đời người mà người thế gian đã dùng các mỹ từ để diễn tả: tuổi xanh, tuổi hoa, tuổi mật ngọt, tuổi mộng mơ…Nhưng tuổi thiếu niên cũng là giai đoạn nguy hiểm nhất trong đời người; vì các cháu có thể làm ra những quyết định thiếu khôn sáng, tác hại lâu dài về sau.

Tuổi thiếu niên là khoảng thời gian giao thoa giữa trẻ con và người lớn. Trẻ con thì không còn là trẻ con mà người lớn thì vẫn chưa là người lớn. Sinh lý và tâm lý đều biến đổi khác thường. Thân thể phát triển, nảy nở với nhiều cảm xúc, suy nghĩ mới lạ kéo đến trong tâm trí.

Tuổi thiếu niên dễ liều mình để chứng tỏ mình có bản lãnh, đủ hiểu biết và khôn sáng. Tuổi thiếu niên dễ liều mình khám phá về tình dục và ma túy. Và tuổi thiếu niên cũng dễ “nổi loạn”. Nổi loạn với cha mẹ vì cảm thấy mình bị áp bức, gò bó, không được làm theo ý riêng. Nổi loạn với bản thân vì muốn giải tỏa các áp lực về tâm lý và sinh lý. Áp lực tâm lý là sức ép của sự muốn chứng tỏ giá trị của bản thân. Áp lực sinh lý là sự thôi thúc của bản năng tình dục.

Nhưng nếu các cháu thuộc về Chúa thì chính Chúa là Đấng bồng ẵm các cháu, đem các cháu đi qua khoảng thời gian của tuổi thiếu niên một cách đầy hạnh phúc. Trong Thánh Kinh ghi lại nhiều tấm gương sáng của tuổi thiếu niên. Nào là Giô-sép, Đa-vít, Đa-ni-ên, ba người bạn của Đa-ni-ên, Giê-rê-mi, Giô-si-a. Vậy, vấn đề không phải tuổi thiếu niên là giai đoạn nguy hiểm nhất trong đời người; mà vấn đề là các cháu thiếu niên có thuộc về Chúa hay không. Trong bài giảng vào ngày Sa-bát hôm qua, bác đã giải thích rõ, thế nào là một người thuộc về Chúa [1]. Còn bây giờ, bác muốn chia sẻ với các cháu về sự các cháu, trong lứa tuổi thiếu niên, nên sống như thế nào trong những ngày sắp tới, trước khi Chúa đến.

Nếu các cháu đã nghe bài giảng “Sự Trở Lại của Đấng Christ” mà bác đã giảng trong buổi nhóm đầu năm của Hội Thánh, thì các cháu đã hiểu rằng, kể từ hôm nay, chúng ta chỉ còn nhiều lắm là năm năm và hơn ba tháng một chút để sống trong thế gian này, trước khi Chúa đến. Phần lớn trong các cháu sẽ không học xong đại học trước khi Chúa đến. Trong thực tế, Chúa có thể đến sớm hơn. Chúa có thể đến vào bất kỳ lúc nào. Vì thế, chúng ta phải sẵn sàng để được Chúa đón đi trong mọi nơi, trong mọi lúc, bằng cách luôn sống thánh khiết theo Lời Chúa.

Những ai trong các cháu đang còn đi học thì hãy hết lòng trong sự học, đạt thành tích học tập tốt để làm vui lòng cha mẹ và cũng để thêm kiến thức cho mình. Nhưng nên xin cha mẹ cho mình chuyển sang học Trung Học Nông Lâm, để có thể học được kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Điều đó sẽ giúp ích rất lớn cho bản thân và gia đình trong những ngày khó khăn sắp đến. Nếu đang sống trong thành phố, các cháu xin cha mẹ cho phép làm vườn rau trong sân nhà hoặc trồng rau trong chậu, nuôi gà, nuôi chim cút trong chuồng để rút kinh nghiệm. Nếu không thể học Trung Học Nông Lâm thì các cháu vẫn có thể tự học chăn nuôi, trồng trọt qua YouTube và các sách hướng dẫn về chăn nuôi, trồng trọt. Nếu đang sống ở vùng quê thì các cháu hãy giúp cha mẹ chăn nuôi và trồng trọt, nhắm vào mục đích sao cho sự chăn nuôi và trồng trọt có thể tạo ra đủ thực phẩm cho gia đình, trong thời kỳ khó khăn. Là khi có tiền cũng không mua được thức ăn.

Ngoài ra, các cháu cũng hết lòng vâng phục cha mẹ nếu sự làm theo ý muốn của cha mẹ không khiến cho các cháu phạm tội. Nếu sự làm theo ý muốn của cha mẹ khiến cho các cháu phạm tội thì các cháu cương quyết không làm, nhưng nhỏ nhẹ nói lý do và giải thích cho cha mẹ. Phần lớn đây là trường hợp đối với các cháu có cha mẹ là người không tin Chúa.

Về phương diện thuộc linh, các cháu hãy dành thời gian đọc và suy ngẫm Lời Chúa. Lời Chúa là còn lại đời đời. Vì thế tri thức về Lời Chúa mà các cháu có được hôm nay sẽ theo các cháu vào trong cõi đời đời. Bác tin rằng, Chúa cũng sẽ ban cho mỗi con dân Chúa phần quyền đồng trị với Chúa tùy theo sự hiểu biết Lời Chúa của họ trong đời này. Điều đó rất là dễ hiểu. Vì Lời Chúa là nền tảng của mọi sự. Có nghĩa là mọi sự được hình thành và vận hành bởi Lời Chúa. Lời Chúa cũng là thẩm quyền tuyệt đối trên mọi sự. Có nghĩa là chúng ta phải xem xét, nhận định mọi sự theo các tiêu chuẩn đã được đặt ra trong Lời Chúa. Chính vì thế mà sự hiểu biết Lời Chúa của con dân Chúa có liên quan đến sự mỗi người sẽ đồng trị với Chúa như thế nào trong vương quốc của Ngài.

Các cháu hãy tập thói quen đọc và chép câu gốc mỗi ngày với lòng khao khát và ưa thích Lời Chúa. Nếu mỗi ngày đọc và chép một câu Thánh Kinh đến 10 lần để được điểm cao vào buổi nhóm cuối tuần, thì điều đó sẽ chẳng ích lợi gì cho các cháu. Nhưng nếu các cháu từ tốn đọc và nắn nót chép câu Thánh Kinh ra giấy, trong tinh thần tìm kiếm sự dạy dỗ của Chúa trong câu Thánh Kinh ấy, thì các cháu sẽ kinh nghiệm được sự nghe Đức Thánh Linh phán dạy trong thần trí của mình. Mỗi khi các cháu đọc, các cháu cố phát âm cho thật rõ. Mỗi khi các cháu chép, các cháu hãy nắn nót sao cho nét chữ đẹp nhất. Cứ chép xong một lần là lớn tiếng đọc lại một lần. Hãy tìm niềm vui trong sự chép và đọc câu gốc, thì các cháu sẽ được vui thỏa. Các cháu sẽ nhận ra là mình đang thờ phượng Chúa trong khi chép và đọc Lời của Ngài. Và Đức Chúa Trời sẽ ban thưởng cho các cháu. Phần thưởng đó sẽ được Đức Chúa Jesus mang theo, trao cho các cháu, trong ngày Chúa đến để đón Hội Thánh vào trong thiên đàng.

Các cháu hãy đọc và suy ngẫm Lời Chúa từ Sáng Thế Ký đến Khải Huyền. Nếu trong khoảng thời gian năm năm tới đây mà các cháu có thể đọc suốt từ Sáng Thế Ký đến Khải Huyền được bảy lần, thì thật là phước hạnh cho các cháu. Sự đọc và suy ngẫm Lời Chúa như vậy sẽ khiến cho các cháu lớn lên về thuộc linh rất nhanh.

Mỗi ngày các cháu cũng suy ngẫm câu gốc hàng tuần để viết bài chia sẻ. Các cháu cầu nguyện, xin Đức Thánh Linh giúp các cháu hiểu đúng ý nghĩa của câu gốc và dẫn các cháu đến các câu Thánh Kinh khác có liên quan đến câu gốc. Xin Đức Thánh Linh giúp các cháu biết áp dụng ý nghĩa của câu gốc vào trong cuộc sống. Xin Đức Thánh Linh ban cho các cháu năng lực để sống đúng theo Lời Chúa.

Trong khi suy ngẫm câu gốc, nếu có điểm nào không hiểu, các cháu ghi thắc mắc ra giấy. Cầu nguyện, xin Đức Thánh Linh giúp các cháu hiểu. Suốt ngày, các cháu có thể suy ngẫm về thắc mắc đó. Buổi tối, trên giường ngủ, các cháu cũng có thể tiếp tục suy ngẫm về thắc mắc đó. Thì các cháu sẽ kinh nghiệm được sự Đức Thánh Linh dùng chính Thánh Kinh để giải đáp sự thắc mắc của các cháu. Cũng chính vì thế mà các cháu cần đọc suốt Thánh Kinh nhiều lần để Đức Thánh Linh giúp các cháu ghi nhớ nội dung của Thánh Kinh vào thần trí của các cháu. Rồi khi các cháu có thắc mắc, dù là thắc mắc về ý nghĩa Lời Chúa hay thắc mắc về cách áp dụng Lời Chúa trong cuộc sống để giải quyết các nan đề, thì chính Đức Thánh Linh sẽ nhắc cho các cháu nhớ các câu Thánh Kinh có liên quan; và giúp các cháu hiểu.

Các cháu cũng nên mỗi ngày nghe lại một bài giảng. Có thể nghe trong khi làm việc nhà, làm vườn. Có thể nghe để dỗ giấc ngủ.

Các cháu có thể dùng các trang mạng xã hội để rao giảng Tin Lành, bằng cách đăng lại các bài giảng đã có sẵn trên hai khu mạng timhieutinlanh.com và timhieuthanhkinh.com, đăng lại các bài làm chứng và chia sẻ của mọi người trong Hội Thánh. Hãy cầu nguyện dâng lên Chúa các trang mạng xã hội của mình. Xin Chúa dùng chúng đem lẽ thật và sự cứu rỗi đến nhiều người.

Các cháu cũng hãy dành thời gian tập hát thánh ca và hát thánh ca để tôn vinh Chúa trong các buổi nhóm. Mỗi khi chúng ta thật lòng tôn vinh Chúa thì Chúa sẽ ngự giữa sự tôn vinh của chúng ta. Như xưa kia, Ngài ngự giữa những sự tôn vinh của dân I-sơ-ra-ên (Thi Thiên 22:3).

Khi các cháu có bất cứ một nan đề nào, hãy trước hết đến với Chúa, dâng trình mọi sự lên Ngài. Xin Chúa dạy dỗ, mở đường, cứu giúp. Nếu cần, hãy kiêng ăn một ngày để cầu nguyện với Chúa. Hãy hết lòng tin cậy Chúa và phó thác mọi sự trong tay Chúa. Lời Chúa dạy:

“Chớ lo phiền gì hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, khẩn xin, và sự tạ ơn mà trình các sự mình xin lên Đức Chúa Trời.” (Phi-líp 4:6).

“Hãy trao mọi điều lo lắng của các anh chị em cho Ngài, vì Ngài chăm sóc các anh chị em.” (I Phi-e-rơ 5:7).

Đối với các cháu đang tốn phí nhiều thời gian cho việc chơi game, xem phim, hoặc nhắn tin trò chuyện với bạn bè thì các cháu hãy xin Chúa giúp cho mình bớt lại, để có nhiều thời gian dành cho các việc cần thiết. Vui chơi, giải trí, trao đổi với bạn bè không sai. Nhưng nếu các sự đó chiếm phần lớn thời gian của chúng ta thì chúng trở thành sai.

Đối với các cháu có cha mẹ không tin Chúa thì các cháu hãy hết lòng cầu xin Chúa ban cho cha mẹ thêm cơ hội để nghe, hiểu, và tin nhận Tin Lành. Và hãy nhớ rằng, chính nếp sống theo Lời Chúa của các cháu là lời rao giảng Tin Lành trung thực nhất và mạnh mẽ nhất. Các cháu hãy luôn tôn kính, lễ phép đối với cha mẹ, và vâng lời cha mẹ, như đối với Chúa.

Trong những ngày đầu tiên của năm mới 2022 này, bác muốn gửi đến các cháu thiếu niên lời kêu gọi sau đây của Đức Thánh Linh:

“Đêm đã khuya, ngày gần đến! Vậy, chúng ta hãy lột bỏ những việc của sự tối tăm mà mặc lấy áo giáp của sự sáng.” (Rô-ma 13:12).

“Đêm đã khuya” chỉ về sự tối tăm do tội lỗi mang đến trong thế gian đã sắp đầy trọn. Khi nó đầy trọn thì Đức Chúa Trời sẽ phán xét thế gian bằng Kỳ Tận Thế. Đó sẽ là khoảng thời gian kéo dài suốt bảy năm với những thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, đói kém, và loài người bị tà linh hành hại.

“Ngày gần đến” chỉ về sự Đấng Christ sắp tái lâm trên đất vào cuối Kỳ Tận Thế. Khi đó, Ngài sẽ tiêu diệt tất cả những ai không thật lòng ăn năn tội, không thật lòng tin nhận sự cứu rỗi của Ngài; rồi thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm của Ngài. Nhưng trước đó là sự Đấng Christ sẽ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian.

“Lột bỏ những việc của sự tối tăm” là từ bỏ tất cả những gì liên quan đến nếp sống cũ tội lỗi, là nếp sống mà đến cuối cùng sẽ đưa loài người vào những nẻo của sự chết (Châm Ngôn 16:25).

“Mặc lấy áo giáp của sự sáng” là sống nếp sống mới thể hiện sự yêu thương, thánh khiết, công chính mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta. Nếp sống ấy được gọi là áo giáp của sự sáng vì nếp sống ấy bảo vệ chúng ta khỏi mọi cám dỗ của tội lỗi, mọi sự hãm hại của ma quỷ, và nếp sống ấy chiếu sáng vinh quang của Thiên Chúa. Trong nếp sống ấy, từng ý nghĩ, lời nói, việc làm của chúng ta đều theo thánh ý của Thiên Chúa và vì sự vinh quang của Thiên Chúa (Phi-líp 2:13; I Cô-rinh-tô 10:31).

Bác mong rằng, tất cả các cháu đều đã sẵn sàng cho sự trở lại của Đấng Christ.

Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ các cháu. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
09/01/2022

Ghi Chú

[1] https://timhieutinlanh.com/mong-cho-chua/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/

Để lại một bình luận