Lê-vi Ký 23 – Phần 1 Các Lễ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu

410 lượt xem

Các Lễ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu – Phần 1

Nguyễn Thị Thu Thủy

Các em thiếu niên thân mến,

Nội dung của Lê-vi Ký chương 23 là những lời Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với Môi-se về các ngày lễ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để Môi-se truyền lại cho dân I-sơ-ra-ên biết mà vâng giữ.

Có những ngày lễ sau:

1. Lễ Sa-bat Cuối Tuần
2. Lễ Vượt Qua
3. Lễ Bánh Không Men
4. Lễ Bó Lúa Đầu Mùa
5. Lễ Ngũ Tuần
6. Lễ Thổi Kèn
7. Lễ Chuộc Tội
8. Lễ Lều Trại

Theo sự giải thích của người chăn Huỳnh Christian Timothy [1]:

1. Lễ: là lòng tôn kính của mình trong khi giao tiếp với người khác hoặc trong khi thờ phượng một thần linh.

2. Nghi: là dáng vẻ, hình thức.

3. Lễ nghi: là sự thể hiện lòng tôn kính bằng lời nói, thái độ, cử chỉ, việc làm.

Thiên Chúa muốn dân I-sơ-ra-ên thể hiện lòng tôn kính Ngài bằng lời nói, thái độ, cử chỉ và việc làm qua sự vâng giữ các ngày lễ mà Chúa đã quy định. Vậy chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu xem, những ngày lễ đó là ngày nào, dân I-sơ-ra-ên vâng giữ như thế nào? Trong thời Tân Ước có cần phải vâng giữ nữa hay không? Những ngày lễ đó tiêu biểu cho sự kiện gì?

Trong bài học tuần này, chúng ta sẽ cùng nhau học về bốn ngày lễ: Lễ Sa-bat Cuối Tuần, Lễ Vượt Qua, Lễ Bánh Không Men, và Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa.

1. Lễ Sa-bat Cuối Tuần

Như chúng ta đã học biết, “Sa-bat” có nghĩa là nghỉ ngơi khỏi sự làm việc. Lễ Sa-bat cuối tuần chính là ngày Thứ Bảy hàng tuần. Mọi công việc được làm trong sáu ngày, nhưng ngày Thứ Bảy thì dân sự nghỉ ngơi mọi công việc, không làm bất cứ công việc gì. Mục đích là để thân thể xác thịt của loài người và súc vật được nghỉ ngơi, phục hồi năng lực. Và quan trọng nhất là để dân sự được nhóm lại cùng nhau trong sự thờ phượng Chúa và nhận ơn phước từ nơi Chúa ban.

“Công việc được làm {trong} sáu ngày, nhưng ngày Thứ Bảy {là} Sa-bát của Lễ Nghỉ, {là} một sự nhóm hiệp thánh; các ngươi sẽ không làm bất cứ công việc gì; ấy {là} Sa-bát của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu trong khắp những nơi các ngươi ở.” (Lê-vi Ký 23:3).

Có người cho rằng, việc vâng giữ ngày Sa-bat Thứ Bảy là của thời Cựu Ước, nay là thời Tân Ước, con dân Chúa không còn cần phải vâng giữ nữa. Nhưng Lời Chúa chép rất rõ trong Mười Điều Răn rằng:

“Hãy nhớ đến ngày Sa-bát để thánh hóa nó. Ngươi sẽ lao động và làm hết công việc của mình trong sáu ngày; nhưng ngày Thứ Bảy {là} ngày Sa-bát của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi. Ngươi sẽ không làm công việc gì: ngươi, con trai, con gái, tôi trai, tớ gái, và súc vật của ngươi, và khách ở trong các cửa của ngươi.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8-10).

Lễ Sa-bat Thứ Bảy hàng tuần được chính Thiên Chúa thiết lập từ khi sáng thế, được phán truyền trong Mười Điều Răn, và ngay cả trong Thánh Kinh Tân Ước cũng nhắc nhở nhiều lần rằng phải vâng giữ. Con dân Chúa vẫn vâng giữ lễ Sa-bat này cho đến khi trời cũ đất cũ qua đi.

“Vì Ta phán {với} các ngươi, thật, cho tới khi trời và đất qua đi, một chấm hay một nét sẽ không qua đi khỏi luật pháp, cho tới khi mọi sự được trọn.” (Ma-thi-ơ 5:18).

2. Lễ Vượt Qua

Lễ Vượt Qua theo lịch Do Thái nhằm ngày 14 tháng 1. Bắt đầu sau khi mặt trời lặn ngày 13, và kết thúc khi mặt trời lặn ngày 14. Câu chuyện về Lễ Vượt Qua được ghi chép trong sách Xuất Ê-díp-tô Ký chương 12, mà chúng ta từng học qua.

Chiên con bị giết trong Lễ Vượt Qua, dân I-sơ-ra-ên dùng máu của chiên con bôi vào cửa nhà. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu hành hại xứ Ê-díp-tô, đánh chết mọi con đầu lòng của cả người lẫn thú. Nhưng nhà nào bôi máu của chiên con thì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu vượt qua và không hủy diệt họ.

Lễ Vượt Qua làm hình bóng cho sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Máu của Ngài đổ ra trên thập tự, hầu cho hễ ai tin nhận thì không bị hủy diệt. Đức Chúa Jesus Christ chính là Chiên Con Lễ Vượt Qua. Ngài đã bị giết vì cớ tội lỗi của chúng ta, Ngài đã chết thay để đền tội cho chúng ta.

“Vậy, hãy làm cho mình sạch men cũ, để các anh chị em trở nên bột nhồi mới không men, như các anh chị em là bánh không men vậy. Vì Đấng Christ {là} Chiên Con Lễ Vượt Qua của chúng ta, đã bị giết thay cho chúng ta.” (I Cô-rinh-tô 5:7).

Thời Tân Ước hiện nay, chúng ta không còn phải vâng giữ ngày Lễ Vượt Qua như xưa kia dân I-sơ-ra-ên nữa. Vì Đức Chúa Jesus đã chịu chết thay cho chúng ta rồi. Nhưng nếu ai muốn kỉ niệm ngày này để nhớ về sự thương khó của Chúa thì cứ kỉ niệm. Mục đích của sự kỉ niệm Lễ Vượt Qua là để nhớ về sự thương khó của Ngài, để cảm tạ Chúa vì sự Ngài đã chịu chết thay cho chúng ta.

3. Lễ Bánh Không Men

Lễ Bánh Không Men kéo dài 7 ngày, bắt đầu sau khi mặt trời lặn của ngày 14 tháng 1, kết thúc vào lúc mặt trời lặn ngày 21 tháng 1 (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:18). Trong suốt bảy ngày lễ đó, dân sự chỉ được ăn bánh không men, không được ăn bất cứ thức ăn gì có men, trong nhà cũng không được chứa bất kỳ thứ gì có men.

Chúng ta đã biết men tiêu biểu cho tội lỗi. Vậy Lễ Bánh Không Men làm hình bóng cho sự những người tin nhận sự chết của Đức Chúa Jesus Christ, thì được phục hòa với Đức Chúa Trời, được trở nên một con người mới với đời sống mới thánh khiết, sống và vâng giữ theo điều răn và luật pháp Chúa. Lễ Bánh Không Men diễn ra trong bảy ngày, điều đó không có nghĩa là con dân Chúa chỉ cần sống thánh khiết bảy ngày là xong. Nhưng con số 7 trong Thánh Kinh nói lên sự trọn vẹn, nghĩa là con dân Chúa phải có đời sống thánh khiết trọn vẹn suốt linh trình theo Chúa.

Ngày nay, trong thời Tân Ước con dân Chúa cũng không con phải vâng giữ và làm theo quy định của Lễ Bánh Không Men nữa. Vì chính nếp sống thánh khiết của những người tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus là cách tốt nhất để bày tỏ sự vâng giữ và làm theo điều răn luật pháp Chúa. Nếu ai muốn kỉ niệm Lễ Bánh Không Men thì cứ kỉ niệm. Mục đích là để cảm tạ Chúa vì sự chết chuộc tội của Ngài mà mình có cơ hội sống một đời sống mới thánh khiết đẹp lòng Đức Chúa Trời; và tra xét, nhắc nhở mình về nếp sống sao cho đẹp lòng Chúa.

4. Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa

Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa vào ngày 16 tháng 1, tiếp liền theo ngày Sabat thứ nhất của Lễ Bánh Không Men (Lê-vi Ký 23:15). Nghĩa là Ngày Lễ Bánh Không Men bắt đầu từ sau khi mặt trời lặn ngày 14, thì lễ Dâng Bó Lùa Đầu Mùa bắt đầu sau khi mặt trời lặn của ngày 15. Ngày lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa kết thúc khi mặt trời lặn của ngày 16.

Khi dân I-sơ-ra-ên vào trong xứ Ca-na-an, họ thu hoạch mùa màng, gặt lúa, thì họ phải đem đến cho thầy tế lễ bó lúa đầu mùa. Thầy tế lễ sẽ cầm bó lúa đưa lên đưa xuống trước mặt Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.

Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa làm hình bóng cho sự phục sinh của Đức Chúa Jesus Christ, vì Đấng Christ là trái đầu mùa của sự sống lại.

“Nhưng bây giờ, Đấng Christ đã được sống lại từ những người chết, trở thành trái đầu mùa của những người ngủ. Vì sự chết {đến} bởi một người, thì sự sống lại của những kẻ chết cũng {đến} bởi một người.” (I Cô-rinh-tô 15:20-21).

Trong Đấng Christ – trái đầu mùa của sự sống lại, chúng ta có hy vọng trong sự phục sinh một thân thể đẹp đẽ, vinh quang, bất tử.

“Như trong A-đam mọi người đều chết, thì cũng vậy, trong Đấng Christ mọi người đều sẽ được sống lại. Nhưng mỗi người theo thứ tự riêng của mình: Đấng Christ {là} trái đầu mùa; sau đó, {là} những ai thuộc về Đấng Christ, trong sự đến của Ngài.” (I Cô-rinh-tô 15:22-23).

Thật cảm tạ ơn Thiên Chúa! Nhờ sự chết chuộc tội của Đấng Christ, chúng ta được thoát khỏi án phạt của sự chết đời đời nơi hỏa ngục. Lại nhờ sự sống lại của Đấng Christ, mà trong ngày Đấng Christ tái lâm, những người đã chết trong Chúa được phục sinh, những người đang sống được biến hóa. Những người tin và hết lòng sống đẹp lòng Chúa sẽ sống trong một thân thể xinh đẹp, phản chiếu sự vinh quang của Thiên Chúa và đời đời sống phước hạnh bên Thiên Chúa.

Ngày nay trong thời Tân Ước, con dân Chúa không còn phải giữ Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa. Vì hình thật là Đức Chúa Jesus đã đến, chịu chết, và Ngài đã sống lại, chúng ta không còn phải giữ ngày lễ làm hình bóng. Nhưng nếu muốn chúng ta vẫn có thể kỉ niệm, để suy ngẫm về sự sống lại cách vinh quang của Đấng Christ, để giục giã lòng mình sốt sắng cho ngày đến của Đấng Christ, để hướng lòng mình về những sự ở trên trời.

Cảm tạ Chúa về bài học những ngày lễ mà Thiên Chúa truyền cho dân I-sơ-ra-ên, để qua đó chúng ta có cơ hội học biết và suy ngẫm về sự dạy dỗ của Chúa. Bốn ngày lễ còn lại: Lễ Ngũ Tuần, Lễ Thổi Kèn, Lễ Chuộc Tội, Lễ Lều Trại, chúng ta sẽ học trong phần 2.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Thu Thủy

Ghi Chú:

[1] https://timhieutinlanh.com/hoi-thanh-phan-13-le-sa-bat/

Để lại một bình luận