Thiếu Niên Thảo Luận Tháng 01/2022

272 lượt xem

Hỏi:

Bạn A có lịch học thêm trong ngày Sa-bát, vậy bạn A có vi phạm ngày Sa-bát hay không?

Đáp:

Chúng ta đã học biết Mười Điều Răn mà Thiên Chúa muốn chúng ta vâng giữ, trong đó điều răn thứ tư Chúa phán dặn loài người sẽ lao động và làm hết công việc của mình trong sáu ngày, nhưng ngày thứ bảy thì không làm công việc gì, kể cả loài vật (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8-11).

Điều đó có nghĩa là chúng ta không lao động kiếm sống, không làm các việc để tạo sự tiện nghi trong cuộc sống như sửa chữa, quét dọn, không mua bán,….trong ngày Sa-bát.

Hiện nay hầu như các trường học đều có lịch học chính quy từ thứ 2 đến thứ 7 trong tuần. Các em vẫn đi học theo lịch nhà trường quy định cách bình thường, vì việc học không phải là lao động kiếm sống, không phải mua bán, hay làm việc để tạo tiện nghi trong cuộc sống. Nên việc học không vi phạm điều răn thứ tư. Việc học cũng là bổn phận mà học sinh cần làm tròn.

Riêng việc học thêm, nếu không phải là quy định của nhà trường, chỉ là việc chúng ta đăng ký học thêm, thì chúng ta không đăng ký học vào ngày Sa-bat, mà dành thời gian để nhóm hiệp thờ phượng Chúa với anh chị em, cũng như để cho thân thể được nghỉ ngơi sau một tuần học tập và làm việc.

Hỏi:

Tại sao Chúa không kêu gọi người phụ nữ vào trong chức vụ sứ đồ vậy ạ?

Đáp:

Trong Thánh Kinh không nói lý do tại sao Chúa không chọn phụ nữ làm sứ đồ. Theo ý hiểu của cô, đó là ý muốn của Chúa chọn những người nam cho chức vụ sứ đồ. Kế tiếp, cô suy nghĩ sứ đồ là người đi khắp nơi rao giảng Tin Lành, là công việc nhiều vất vả và nguy hiểm. Người nữ lại yếu đuối hơn người nam về thể xác. Hơn nữa, Chúa dựng nên người nữ để phụ giúp cho người nam. Vì vậy, công việc cần nhiều sức lực, đi tiên phong, thì phù hợp với người nam. Còn người nữ thì phụ giúp người nam.

Trong I Cô-rinh-tô 9:5 cho chúng ta biết vợ của các sứ đồ đã theo chồng hầu việc Chúa.

Hỏi:

Các mùa lễ hội của Thiên Chúa diễn ra theo lịch của người Do Thái, khác với lịch dương mà chúng ta hiện nay đang dùng. Vậy, còn ngày Sa-bát Thứ Bảy của lịch dương có giống với Thứ Bảy Sa-bát của lịch Do Thái không ạ?

Đáp:

Giờ của đất nước I-sơ-ra-ên sau giờ của Việt Nam chúng ta khoảng 5 tiếng. Nghĩa là ví dụ bây giờ là 19h tối Chủ Nhật tại Việt Nam, thì bên I-sơ-ra-ên là khoảng 14h chiều Chủ Nhật. Vì thế, chúng ta sẽ bước vào ngày Thứ Bảy Sa-bat trước dân I-sơ-ra-ên khoảng 5 tiếng đồng hồ.

Cho dù, ngày Sa-bat Thứ Bảy của dân I-sơ-ra-ên không trùng vào ngày Sa-bat Thứ Bảy tại Việt Nam, thì điều đó cũng không có ảnh hưởng gì đến việc con dân Chúa giữ ngày Sa-bat Thứ Bảy. Vì Lời Chúa chép:

“Công việc được làm {trong} sáu ngày, nhưng ngày Thứ Bảy {là} Sa-bát của Lễ Nghỉ, {là} một sự nhóm hiệp thánh; các ngươi sẽ không làm bất cứ công việc gì; ấy {là} Sa-bát của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu trong khắp những nơi các ngươi ở. (Lê-vi Ký 23:3).

Như vậy, chúng ta đi đâu, sinh sống ở đất nước nào thì vâng giữ ngày Sa-bat Thứ Bảy theo lịch của đất nước đó.

Hỏi:

Khi con dân Chúa chuẩn bị đi làm công tác truyền giáo, thì có cần phải làm giống như Lời Chúa dạy cho mười hai sứ đồ như: không đem theo bánh, không sở hữu vàng, bạc, tiền trong dây lưng, bao đi đường, hai áo, những giày và những gậy không ạ?

Đáp:

Lời dạy của Chúa trong Ma-thi-ơ 10:9-10:

“Đừng sở hữu vàng, hoặc bạc, hoặc tiền trong dây lưng của các ngươi; cũng đừng {đem} cái bao đi đường, hoặc hai áo, hoặc những giày, hoặc những gậy. Vì người làm việc thì xứng đáng với thức ăn của người ấy.” (Ma-thi-ơ 10:9-10).

Qua bài giảng chú giải Ma-thi-ơ của người chăn.., chúng ta biết rằng trong bối cảnh ngày xưa khi các sứ đồ đi rao giảng cho dân I-sơ-ra-ên thì hầu hết là những người đã biết Chúa, như vậy các sứ đồ không phải mang theo gì, đi tới nhà nào, nhà đó tiếp đón.

Còn ngày nay, khi các sứ đồ đi rao giảng Tin Lành thì hầu hết là dân ngoại, chưa biết Chúa, họ không có thói quen tiếp đón hay chu cấp cho những người rao giảng Lời Chúa. Vì vậy, chúng ta cần phải mang theo tiền đi đường, đổ xăng, thuê mướn nhà trọ,…

Nhưng Chúa cũng muốn dạy các sứ đồ khi đi hầu việc Chúa rằng những người rao giảng Tin Lành thì không phải lo lắng về chi phí hay tự bỏ chi phí cho các nhu cầu cuộc sống của mình, mà được nhận sự tiếp trợ từ những người nghe họ giảng. Những người được Chúa kêu gọi vào chức vụ sứ đồ được quyền nhận tiếp trợ từ con dân Chúa.

Hỏi:

Bạn A đã từng cư xử rất kiêu ngạo và nóng nảy trong quá khứ. Tuy nhiên kể từ khi biết đến Chúa, bạn dần thay đổi bản thân mình trở nên tốt hơn, xin lỗi những người mình đã tổn thương, tôn trọng người khác hơn vì biết rằng đời sống của mình là lời rao truyền về Chúa tốt nhất. Tuy nhiên trong quá trình thay đổi, A gặp lại B, tức người bạn cũ của A và đã chứng kiến mọi hành động sai lạc của A lúc trước. Vì phải học chung lớp nên A rất xấu hổ và lúc nào cũng sợ B sẽ kể về quá khứ của mình cho các bạn cùng lớp nghe. Suy nghĩ của A có sai hay không? Vì sao?

Đáp:

Suy nghĩ của A là sai. Vì con người cũ ngày xưa của A đã chết, A bây giờ là con người mới được dựng nên trong Đấng Christ. Nên A không có gì phải lo lắng, xấu hổ. Nếu các bạn có hỏi đến quá khứ ngày xưa, thì cứ thẳng thắn nói đúng, đó là tôi ngày xưa. Còn bây giờ nhờ ơn cứu chuộc của Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời Hằng Sống, tôi đã được dựng nên mới. Bạn A không cần phải lo lắng, hay xấu hổ, mà cứ trình dâng mọi sự lên Chúa và học thuộc câu Thánh Kinh này:

“Vậy, nếu ai {ở} trong {Đấng} Christ {thì người ấy là một} tạo vật mới. Những sự cũ đã qua đi. Này, mọi sự đã trở nên mới.” (II Cô-rinh-tô 5:17).

Hỏi:

Con dân Chúa ngày nay có thể làm gì để phòng tránh trước cho sự bắt bớ của chính quyền trong tương lai?

Đáp:

Con dân Chúa ngày nay cần chuẩn bị đủ cả cho mình về cả thuộc linh lẫn thuộc thể cho sự bắt bớ của chính quyền trong tương lai.

Về thuộc linh: đọc và suy ngẫm Lời Chúa ngày đêm, cẩn thận làm theo, để có một đức tin vững vàng trong Chúa. Chỉ có suy ngẫm Lời Chúa ngày và đêm thì chúng ta mới có thể “khôn khéo như những rắn và đơn sơ như những bồ câu” để tránh khỏi những sự bắt bớ, bách hại.

Về thuộc thể: Chúa đã tiên tri trước rằng trước ngày Chúa đến, sẽ có những cơn đói kém, chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai (Ma-thi-ơ 24:7)….Dịch bệnh Covid-19 được xem là hồi chuông cảnh báo. Vì thế, sự khó khăn là không thể tránh. Vậy chúng ta cần chuẩn bị nơi ở an toàn, lương thực đủ dùng bằng cách học, tập dần trong việc chăn nuôi, trồng trọt. Bài giảng Thiếu Niên và Sự Trở Lại của Đấng Christ của người chăn hướng dẫn rất cụ thể cho lứa tuổi của các thiếu niên.

Hỏi:

Trong bữa ăn liên hoan cuối năm do cô giáo chủ nhiệm tổ chức tại lớp học, trước khi ăn, con ngồi tĩnh tâm cầu nguyện, cảm tạ Chúa, bỗng cả lớp Cười Ồ lên. Có bạn hỏi: Bạn làm cái gì thế, bạn khác lại hỏi: Bạn tin Đạo Chúa hả? Vậy trong tình huống này chúng ta phải Làm gì? Và nếu vào năm sau cũng ở trong tình huống như vậy thì chúng ta sẽ ứng xử thể nào?

Đáp:

Trong tình huống nêu trên, chúng ta cứ thẳng thắn trả lời, mình không theo đạo, không theo tôn giáo gì. Thẳng thắn nói chỉ tin rằng có Đấng Tạo Hóa tạo dựng nên muôn loài vạn vật, chính là Ông Trời mà người Việt Nam hay gọi, chính là Đức Chúa Trời, Đấng mà mình cầu nguyện cảm tạ trước khi ăn, vì thảy mọi vật đều là do Đức Chúa Trời tạo dựng và ban cho.

Hãy can đảm, dạn dĩ như khi xưa Phi-e-rơ và Giăng tuyên xưng đức tin, làm chứng về Chúa khi đứng trước các bậc cầm quyền và các trưởng lão của dân I-sơ-ra-ên (Công Vụ Các Sứ Đồ 4). Hãy dạn dĩ rao giảng Tin Lành dù gặp thời hay không gặp thời (II Ti-mô-thê 4:2a).

Nhưng sau khi nói xong mà các bạn chế giễu, khinh chê thì không cần nói gì thêm và rời đi. Buổi liên hoan năm sau, hãy cầu nguyện với Chúa và nếu nhận thấy các bạn sẽ tiếp tục chê cười, nói lời khinh dể, phỉ báng Chúa thì chúng ta không cần đi. Nên nhớ mọi việc chúng ta làm đều là vì vinh hiển danh Chúa. Việc đi để gây cớ cho người khác phỉ báng Chúa thì chúng ta không cần đi.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Thu Thủy

Để lại một bình luận