Các Bài Giảng Trên Núi: Các Phước Lành
Nguyễn Thị Thùy Linh
Các con thân mến!
Tuần này chúng ta cùng nhau học về các bài giảng đầu tiên của Đức Chúa Jesus khi Ngài khởi đầu chức vụ. Chúng ta cùng nhau học các bài giảng trên núi, hôm nay chúng ta cùng học về các phước lành.
Chúng ta gọi các bài giảng trên núi là bởi vì những bài giảng này Đức Chúa Jesus giảng dạy khi Ngài đi về một ngọn núi và bắt đầu giảng dạy tại đó. Các bài giảng trên núi này bắt đầu từ chương 5 cho đến chương 7.
Ma-thi-ơ chương 5: 1-12 là bài giảng về các phước lành cho các môn đồ khi họ đến gần thì Ngài mở miệng dạy họ.
Chúng ta đọc thì thấy lời giảng dạy bắt đầu bằng từ “Phước cho”.
3 Phước cho những ai khó nghèo, vì Vương Quốc Trời là của họ! [Một số bản chép tay trong nguyên ngữ Hy-lạp chép là: Phước cho những ai nghèo trong tâm thần…]
4 Phước cho những ai than khóc, vì họ sẽ được an ủi!
5 Phước cho những ai nhu mì, vì họ sẽ thừa hưởng đất!
6 Phước cho những ai đói khát sự công chính, vì họ sẽ được no đủ!
7 Phước cho những ai {có lòng} thương xót, vì họ sẽ được thương xót!
8 Phước cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ thấy Đức Chúa Trời!
9 Phước cho những ai làm cho người hòa thuận, vì họ sẽ được gọi là con của Thiên Chúa!
10 Phước cho những ai bị bách hại vì sự công chính! Vì Vương Quốc Trời là của họ!
11 Phước cho các ngươi khi vì cớ Ta {người ta} sẽ mắng nhiếc, bách hại, và sẽ lấy mọi lời dữ vu khống nghịch lại các ngươi.
12 Hãy vui vẻ và mừng rỡ, bởi vì phần thưởng của các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm! Vì họ cũng từng bách hại những tiên tri trước các ngươi.
Chín điều phước mà Đức Chúa Jesus giảng dạy trên đây chúng ta có thể hiểu và áp dụng theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Chúng ta cùng nhau học từng phước lành mà Đức Chúa Jesus đã giảng dạy trên đây.
3 Phước cho những ai khó nghèo, vì Vương Quốc Trời là của họ!
Từ “khó nghèo” là sự thiếu thốn, chật vật, khó khăn. Sự khó nghèo về thuộc linh là sự nghèo về những ơn phước của Chúa, nghèo về sự hiểu biết Lời Chúa thì đời sống thuộc linh sẽ không được đổi mới và tăng trưởng, có khi còn lâm vấp và phạm tội. Về phương diện thuộc linh thì con dân Chúa cần đạt được sự thịnh vượng. Thịnh vượng trong Chúa là sự hiểu biết Lời Chúa, nhận được nhiều ơn phước từ nơi Chúa ban cho, được Chúa ban ơn trên các công tác gây dựng Hội Thánh và các mục vụ, sự rao giảng Tin Lành được nhiều kết quả.
“Vì của cải các ngươi ở đâu, lòng của các ngươi cũng sẽ ở đó.” (Ma-thi-ơ 6:21).
Nếu chúng ta được dư dật giàu có những của cải ở thế gian, thì lòng của chúng ta cũng hướng về chúng, chúng ta chăm về những sự ở đời này, ham mê đời này, và như vậy lòng của chúng ta sẽ không hướng về Thiên Chúa. Vậy nên Thánh Kinh cũng có chép
“Ta lại nói với các ngươi, một sợi thừng xỏ qua lỗ kim còn dễ hơn một người giàu vào nước Đức Chúa Trời.” (Ma-thi-ơ 19:24).
Về một phương diện khác, khó nghèo về thuộc linh là một người không bị giàu có về những tri thức, về ngoại giáo, tà giáo và sự mê tín, đủ các thứ giáo phái…thì họ sẽ dễ dàng tiếp nhận Tin Lành. Nói cách khác về thuộc linh người đơn sơ, nghèo nàn về trí thức từ các giáo lý ngoại giáo thì họ nghe và tiếp nhận Tin Lành dễ hơn một người đầy dẫy những tri thức, hiểu biết các giáo lý của ngoại giáo, những người đó họ thường hay không đơn sơ tiếp nhận Lẽ Thật mà hay phản biện lại các Lẽ Thật mà họ bị tiêm nhiễm từ các tà giáo.
4 Phước cho những ai than khóc, vì họ sẽ được an ủi!
“Than khóc” là cảm xúc đau buồn, hối tiếc, đau đớn trong linh hồn. Câu này chúng ta áp dụng vào đời sống thuộc linh thì chúng ta sẽ nhận được sự an ủi. Chúng ta than khóc vì sự phạm tội của mình, ăn năn thống hối, chúng ta than khóc cho dân tộc mình, than khóc cho người thân mình mà cầu thay cho họ, chúng ta than khóc vì những sự bất chính, những tội ác ngày càng gia tăng. Tất cả những sự than khóc đó đem đến cho chúng ta sự an ủi nếu chúng ta biết trình dâng lên Chúa, vì có Thiên Chúa là Đấng lắng nghe và mở đường, giải quyết những sự sầu não đó cho chúng ta.
“Hãy đến với Ta! Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng! Ta sẽ cho các ngươi sự yên nghỉ.” (Ma-thi-ơ 11:28).
“Đi đến nhà tang chế hơn là đến nhà yến tiệc; vì tại đó thấy sự cuối cùng của mọi người; và người sống để vào lòng.” (Truyền Đạo 7:2).
Nhà tang chế là nơi đau buồn, than khóc khi một người qua đời, nơi tang thương, buồn bã. Nhưng Thánh Kinh cho chúng ta biết thà đi đến đó hơn là đến nhà yến tiệc, bởi vì khi đến đó, người ta sẽ thấy rằng hơi thở mong manh là bao, đời người chóng qua, và nhìn thấy sự hư không của đời người khi không có Chúa. Lòng họ tỉnh thức mà tìm kiếm Thiên Chúa.
5 Phước cho những ai nhu mì, vì họ sẽ thừa hưởng đất!
“Nhu mì” là một đức tính dịu dàng, hiền lành, nhỏ nhẹ, nhịn nhục. Nhu mì khác với hèn nhát. Hèn nhát là không dám nói lên lẽ thật, không dám đứng lên bên vực lẽ phải. Nhu mì Chúa Jesus dạy ở đây chúng ta áp dụng về cả thuộc linh lẫn thuộc thể. Nhu mì cũng không có nghĩa là chúng ta hoàn toàn buông xuôi hay lúc nào cũng chịu sự thiệt thòi hay bị đối xử bất công. Với tất cả những tình huống xảy ra trong cuộc sống, chúng ta phải luôn đối diện với thái độ nhu mì, không hung hăng, giận dữ, cáu gắt hay bực tức, tìm cách bên vực mình hay trả thù. Như khi chúng ta bị người khác hiểu lầm, bị oan ức thì phải nhỏ nhẹ giải thích. Trong các mối quan hệ, người khác dành phần thiệt hơn thì chúng ta nhường nhịn. Thế gian còn có câu “Một câu nhịn thì chín câu lành”. Thánh Kinh Chúa dạy:
“Lời đáp êm nhẹ làm nguôi cơn giận; còn lời hung hăng trêu thịnh nộ thêm.” (Châm Ngôn 15:1)
Người nhu mì mang bản tính hiền lành thì không có sự ganh tỵ, tranh đua, thù ghét, không hơn thua, tranh cạnh với đời này.
Thừa hưởng đất ở đây là không chỉ ở đời này mà chúng ta còn được hưởng đất mà Thiên Chúa ban cho chúng ta cai trị trong Trời Mới Đất Mới.
6 Phước cho những ai đói khát sự công chính, vì họ sẽ được no đủ!
Đói khát là như cầu không thể thiếu của cơ thể xác thịt, sự đói khát diễn ra mỗi ngày trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Điều Chúa Jesus muốn dạy chúng ta là chúng ta khao khát sự công chính như là những nhu cầu không thể thiếu của mỗi một người như là sự đói khát, cần phải được giải quyết. Có nghĩa là trong mỗi chúng ta, trong lương tâm của chúng ta khao khát sự công bình, muốn sự công bình được thể hiện khi nhìn thấy sự bất công.
Sự đói khát còn là sự chúng ta khao khát sự công chính của Thiên Chúa, đói khát ơn thương xót của Thiên Chúa, vì tội lỗi phải gánh chịu hình phạt, nhưng Chúa đã gánh thay cho chúng ta, Ngài đã thể hiện sự công chính đó nên chúng ta được tha tội, được cứu rỗi.
Đói khát công chính là khi chúng ta thấy khó chịu và tìm kiếm sự công chính khi nhìn thấy sự bất công xảy ra. Chính sự đói khát công chính này mà không cho phép sự bất công xảy ra. Mạnh dạng bên vực lẽ phải khi chúng ta có năng lực làm việc đó. Khao khát sự công chính của Thiên Chúa thì Ngài sẵn lòng ban cho chúng ta cách dư dật và no đủ cả đời này lẫn đời sau. Khi những điều bất công, lấn át, bách hại chúng ta vô cớ, thì chính Thiên Chúa là Đấng sẽ trả thù cho.
“Hỡi những người yêu dấu! Chớ tự mình trả thù nhưng hãy nhường chỗ cho sự giận {của Đức Chúa Trời}; vì có chép rằng, Chúa phán: Sự trả thù thuộc về Ta! Ta sẽ báo trả! (Rô-ma 12:19).
“Hỡi những người làm chủ, hãy đối đãi họ cùng một cách. Hãy bỏ sự hăm dọa, vì biết rằng, Chủ của các anh chị em và của họ ở trên trời, Ngài chẳng tư vị ai.” (Ê-phê-sô 6:9).
Thế gian ngày càng băng hoại nên lòng người ngày càng mất đi tấm lòng khao khát sự công chính, họ trở nên vô cảm khi thấy sự bất công, họ sợ liên lụy đến mình, giả sử như Thiên Chúa cũng vô cảm như vậy thì loài người chắc sẽ chết trong tội lỗi của mình.
7 Phước cho những ai {có lòng} thương xót, vì họ sẽ được thương xót!
Về câu này thì chúng ta đọc vào là sẽ hiểu được ngay. Nhưng chúng ta cũng cần tìm hiểu đúng về sự thương xót mà Chúa Jesus muốn dạy dỗ. Sự thương xót này là sự trong tấm lòng của chúng ta thương và xót xa khi nhìn thấy hoàn cảnh của người khác.
Về thuộc thể, chúng ta thương xót một người nghèo, một người gặp nạn, một người bị đối xử bất công.
Về thuộc linh chúng ta thương xót cho người phạm lỗi, phạm tội, cho họ có thời gian ăn năn, cải hối, sửa sai, giúp họ nhìn thấy sự sai trái, sự phạm tội, phạm lỗi.
Sự thương xót này khác với sự bao che tội lỗi, sợ người kia buồn lòng hay tổn thương khi mình chỉ ra những sai trái, mà ngược lại chúng ta phải giúp họ nhìn thấy những sai trái, cho họ cơ hội làm lại và sửa sai.
“Hãy ở với nhau cách nhân từ, dịu dàng thương xót. Hãy tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ cho các anh chị em trong Đấng Christ vậy.” (Ê-phê-sô 4:32).
“Hãy đi! Các ngươi hãy học cho biết {câu này} nghĩa là gì: Ta muốn sự thương xót, chẳng phải sinh tế. Vì Ta không đến để gọi những người công chính, nhưng {gọi} những kẻ có tội ăn năn.” (Ma-thi-ơ 9:13).
Và khi chúng ta thương xót được người khác thì chúng ta cũng sẽ được Thiên Chúa thương xót chúng ta như vậy.
8 Phước cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ thấy Đức Chúa Trời!
Câu này rất là quan trọng, bởi vì nếu chúng ta không có điều này sẽ không thấy được Đức Chúa Trời, đồng nghĩa với việc linh hồn nhận lấy sự hư mất.
Lòng trong sạch là một tấm lòng hoàn toàn thánh khiết từ trong tâm trí, tư tưởng, trong suy nghĩ. Lòng trong sạch không phải là hoàn toàn không còn bị lâm vấp nữa mà là tấm lòng khao khát đời sống thánh khiết, ghét tội và tránh xa tội. Lòng trong sạch là không nghĩ đến tội, không lên kế hoạch để phạm tội. Một chút suy nghĩ về tà dâm, một thoáng suy nghĩ về tham lam của người khác, một ý tưởng về sự nói dối bao che tội lỗi điều là sự không trong sạch, mà đã không trông sạch thì không được vào Vương Quốc Trời.
“Hãy hết sức cẩn thận canh giữ tấm lòng của con, vì những sự tuôn trào của sự sống ra từ nó.” (Châm Ngôn 4:23).
“Nếu trong lòng tôi, tôi hướng về tội ác, Chúa sẽ chẳng nghe {tôi}.” (Thi Thiên 66:18).
I Phi-e-rơ 1:15-16
15 Nhưng, như Đấng gọi các anh chị em {là} thánh, {thì} các anh chị em cũng {phải} nên thánh trong mọi cách ăn ở;
16 bởi có chép rằng: Ngươi hãy nên thánh, vì Ta là thánh!
9 phước cho những ai làm cho người hòa thuận, vì họ sẽ được gọi là con của Thiên Chúa!
Hòa thuận là một mối quan hệ giữa hai bên một cách êm xuôi, đầm ấm, không có xích mích, cản trở hay mâu thuẫn. Trái nghĩa với hòa thuận là phân rẽ, lủng củng.
Hòa thuận ở các mối quan hệ như cha mẹ với con cái, anh chị em với nhau, bạn bè, hàng xóm láng giềng…và hòa thuận với Đức Chúa Trời.
Phước cho những ai làm cho hòa thuận là người làm ra sự hòa thuận, tạo ra sự hòa bình.
Ví dụ như khi chúng ta thấy có sự bất hòa giữa hai người, thì chúng ta là người khuyên giải giúp họ hòa thuận lại với nhau, trong mối quan hệ ở xã hội thì chúng ta tránh sự nói xấu, nghe từ một phía rồi lên án, nhưng khuyên giải họ theo lẽ phải tự nhiên.
Trong Chúa khi có sự bất hòa, hiểu lầm thì chúng ta cũng phải nghe hai phía, dùng Lời Chúa để khuyên giải, giải quyết những mâu thuẫn, hiểu lầm để họ trở lại hòa thuận với nhau.
Châm Ngôn 6:16-19:
16 Có sáu điều Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ghét, và bảy điều Ngài lấy làm gớm ghiếc:
17 Con mắt kiêu ngạo, lưỡi dối trá, tay làm đổ máu vô tội,
18 lòng định những mưu ác, chân vội vàng chạy đến sự dữ,
19 kẻ làm chứng gian và nói điều dối, cùng kẻ gieo sự tranh cạnh trong vòng anh em.
Là con dân Chúa để tạo sự hòa thuận cho người khác thì trước nhất chính bản thân chúng ta phải là người hòa thuận với họ và sau giúp họ hòa thuận với nhau. Sự đâm chọt, nói xấu, nói lén, bè phái là kẻ gieo sự tranh cạnh là một trong những điều Thiên Chúa lấy làm gớm ghiếc.
Làm ra sự hòa thuận cũng là chúng ta thừa hưởng bản tính của Đức Chúa Trời, Ngài vì yêu loài người nên Ngôi Lời nhập thể làm người, gánh thay tội lỗi, Ngài là Đấng Trung Bảo cho loài người được hòa thuận lại với Đức Chúa Trời mà không bị ngăn cách bởi tội lỗi nữa. Vậy nên thật phước thay cho những ai làm cho hòa thuận vì sẽ được gọi là con của Thiên Chúa, như câu: Cha nào con nấy.
10 Phước cho những ai bị bách hại vì sự công chính! Vì Vương Quốc Trời là của họ!
11 Phước cho các ngươi khi vì cớ Ta {người ta} sẽ mắng nhiếc, bách hại, và sẽ lấy mọi lời dữ vu khống nghịch lại các ngươi.
12 Hãy vui vẻ và mừng rỡ, bởi vì phần thưởng của các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm! Vì họ cũng từng bách hại những tiên tri trước các ngươi.
Chữ “bách hại” ở câu 10 và “Bách hại” ở câu 11 có gì khác nhau hay không.
Theo sự suy ngẫm của cô, chữ “Bách hại” ở câu 10 là “bách hại vì sự công chính”. Là khi chúng ta bên vực lẽ thật, lên tiếng về sự bất công, không đồng ý về sự tư vị thì chúng ta bị người ta thù ghét, cô lập. Là công dân của Vương Quốc Trời thì không thể chấp nhận những sự bất công, mọi sự điều hành xử theo sự công chính, tiêu chuẩn mà Thiên Chúa đã đặt để trong tấm lòng của mỗi người, nên một người vì sự công chính mà sẵn sàng mạnh mẽ lên tiếng thì Vương Quốc Trời là của họ. Như việc chúng ta thấy được sự giảng dạy tà giáo, sai nghịch Thánh Kinh thì mạnh mẽ nói lên lẽ thật mà không sợ bị người ta ghét hay sợ bị bất lợi cho mình.
Còn từ “bách hại” trong câu 11 “các ngươi khi vì cớ Ta {người ta} sẽ mắng nhiếc, bách hại, và sẽ lấy mọi lời dữ vu khống nghịch lại các ngươi.” Là khi chúng ta vì đức tin, vì tín ngưỡng, vì vâng theo điều răn của Thiên Chúa mà bị người khác bách hại chúng ta. Như khi chúng ta không thờ cúng, không ăn của cúng thần tượng, không thờ laỵ ông bà thì bị cho là bất hiếu, chúng ta không tham lam, không tà dâm thì bị cho là quê mùa, lỗi thời hay cổ hủ. Chúng ta rao giảng Tin Lành thì bị người thân, nhà cầm quyền bách hại chúng ta…tất cả những điều đó là vì cớ Chúa mà chúng phải chịu những sự mắng nhiếc, bách hại và mọi lời dữ vu khống.
Qua các phước lành mà chúng ta vừa cùng nhau học qua, nhìn theo con mắt người thế gian thì thật là mê muội, khờ dại vì chẳng nhìn thấy cái gì gọi là phước cả. Nhưng Chúa khẳng định đó mới là những cái phước, phước không phải chỉ ở đời này mà lẫn cả đời sau.
Qua các phước lành mà Chúa Jesus dạy dỗ các môn đồ chúng ta thấy phản chiếu ra bản tính yêu thương-thánh khiết-công chính của Thiên Chúa. Chúa dạy các môn đồ ngày xưa và chúng ta ngày nay cách đối xử với nhau theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa.
Nếu ngày nay người ta sống đúng theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa thì thật là phước hạnh thay, nhưng thật đáng buồn là tội lỗi ngày càng gia tăng và băng hoại, lương tâm bị cong quẹo, loài người đầy những tham lam, tư kỷ và thác loạn.
Các phước lành trong những bài giảng trên núi này hằng luôn áp dụng cho những ai ngày nay xưng mình là con dân Chúa, là một Cơ Đốc Nhân.
Các phước lành kèm theo những lời hứa làm khích lệ con dân Chúa trên bước đường theo Chúa khi đối diện với những khó khăn, thử thách, bách hại, rằng họ sẽ được nhận lãnh những thứ phước mà Thiên Chúa đã hứa trong Thánh Kinh.
Thiên Chúa là Đấng Thành Tín, Ngài sẽ làm thành những lời Ngài đã hứa ban cho những ai hết lòng vâng theo Lời Ngài. Vậy nên chúng ta không nản lòng trong mọi sự mà vui mừng cảm tạ ơn Chúa cho phép xảy ra trên đời sống của chúng ta.
“Chúng ta đã biết rằng, mọi sự hiệp lại {làm} ích cho những ai yêu Đức Chúa Trời, {là những người} được gọi theo một mục đích {của Ngài}.” (Rô-ma 8:28).
Vậy chúng ta cậy ơn Chúa, vững lòng bền chí không run sợ, cũng không ngã lòng. Giữ vững đức tin trong mọi cảnh ngộ.