Các Bài Giảng Trên Núi: Sự Bố Thí, Cầu Nguyện, Kiên Ăn và Sự Tha Lỗi

478 lượt xem

Chủ đề: Các Bài Giảng Trên Núi: Sự Bố Thí, Cầu Nguyện, Kiên Ăn và Sự Tha Lỗi

Nguyễn Thị Thùy Linh

Các con thân mến.

Tuần này chúng ta tiếp tục học về các bài giảng trên núi của Đức Chúa Jesus. Hôm nay chúng ta học về sự bố thí, cầu nguyện, tha lỗi và sự kiêng ăn. 

Bài giảng này được ghi lại trong sách Ma-thi-ơ 6: 1-18. 

Những lời giảng dạy này là dành chung cho tất cả đoàn dân và cả các môn đồ của Chúa Jesus lúc bấy giờ. Chúa dạy họ cách dâng lời cầu nguyện và cách thái độ, cách thức khi cầu nguyện bố thí hay kiêng ăn. 

Những lời dạy đều giống nhau là “đừng làm”. Mà điều Chúa muốn dạy dỗ chính ở đây đó là “đừng như kẻ giả hình”. 

Kẻ giả hình là một người nói, hành động, thái độ chỉ có hình thức ở bên ngoài, họ tỏ ra cho người khác biết những việc mình làm là đạo đức, là tốt lành, là cao trọng, nhưng bên trong thì hoàn toàn ngược lại. Kẻ giả hình thường hay chú ý về những vinh quang, hào nhoáng bên ngoài, những sự chau chuốt sao cho thật đẹp đẽ, thánh khiết nhưng bên trong thì đầy xấu xa và gian ác, làm sao chúng ta nhận biết được loại người này? Thánh Kinh chép:

“Hoặc cho là cây tốt thì trái cũng tốt, hoặc cho là cây xấu thì trái cũng xấu; vì xem trái thì biết cây.” (Ma-thi-ơ 12:33 ).

“Vì cứ xem trái thì biết cây. Người ta không hái được trái vả nơi bụi gai, hay là trái nho nơi chòm kinh cước.” (Lu-ca 6:44 ).

Trong bài giảng này Chúa Jesus dạy đừng giống như họ và Chúa Jesus dạy dỗ cách thức như thế nào là đúng, là điều Chúa muốn.

Về sự bố thí. 

Bố thí là hành động lấy tài sản của mình đem cứu giúp, tiếp trợ cho người khác. Nghĩa của hai động từ bố thí và chia xẻ khác nhau. Bố thí là lấy phần dư trong tài sản mình cho người khó khăn, nghèo khổ. Chia xẻ là sự san xẻ tài sản, thức ăn, quần áo mình đang có dù rằng mình không có giàu có hay dư giả gì. 

Ví dụ một người có 10 cái áo, họ dư mặc thì cho bớt. Là hành động bố thí.

Một người chỉ có 2 cái áo, nhưng chia một cái cho người không có áo. Là hành động chia sẻ. 

Hành động bố thí  hay là chia xẻ đều là hành động thể hiện tình yêu thương đối với người khác, biết quan tâm, biết chia xẻ là một hành động đáng khen. Tuy nhiên Chúa dạy là đừng để cho người ta thấy việc làm đó của mình. Nếu vậy thì chúng ta phải áp dụng như thế nào? Chúng ta phải bố thí cách lén lút hay sao. 

Chúng ta cần hiểu đúng ý nghĩa mà Chúa Jesus muốn dạy ở đây là sự không khoe mình, không làm ầm ĩ, phô trương lên cho người ta biết là tôi đang bố thí, tôi đang làm lành. Mà chúng ta làm cách thầm lặng, không cần người khác phải biết việc làm của mình, không cần phải kể với ai. 

Khi chúng ta tiếp trợ cho một ai đó trong Hội Thánh, nhưng chúng ta không kể với ai, không yêu cầu người được tiếp trợ đó phải công khai tên của mình ra trước Hội Thánh, việc công khai hay không là tùy vào người nhận tiếp trợ, việc còn lại của mình là vì tình yêu thương mà tiếp trợ anh chị em, không ai biết cũng được, có thể dấu tên mình cũng được, chỉ cần Chúa biết là đủ. Tuy nhiên không phải áp dụng bằng cách là tiếp trợ cách lén lút áp dụng như vậy cũng không đúng. 

Một người làm mà tìm cách phô trương ầm ĩ cho người khác biết thì người đó thường thì chỉ mong muốn được người khác khen mình, việc làm xuất phát từ sự muốn được tiếng tăm của người đời hơn là xuất phát từ chính tấm lòng của mình thật lòng thấy đau xót, thương cảm cho người khác. Và những người như thế họ nhận được phần thưởng của họ là những lời khen ngợi, biểu dương, tung hô những điều đó làm thỏa mãn cho họ. Chúa không muốn chúng ta như vậy. Chúa muốn mọi việc chúng ta làm bằng cả tấm lòng, tình yêu thương thật sự. Chúa là Đấng nhìn thấy, xem xét trong lòng và Chúa sẽ thưởng cho cách công khai. Thưởng cách công khai là sự ban phước, ban thưởng ngay ở đời này. Những ơn phước qua đời sống của chúng ta. 

Như việc chúng ta cứu giúp, san sẻ cho người khác thì Chúa là Đấng nhìn thấy Chúa ban lại cho chúng ta. Thiên Chúa của chúng ta là Đấng Công Chính và giàu có, Ngài luôn ban cho sự dư dật. Ngài là Đấng Thành Tín sẽ thực hiện những lời hứa của Ngài. 

  • Sự cầu nguyện.

Cầu nguyện là sự tương giao giữa loài người với Thiên Chúa bằng tâm thần. Cầu nguyện có hai hình thức, riêng tư cá nhân giữa người đó với Chúa, cầu nguyện trước Hội Thánh. 

Trong bài giảng này Chúa Jesus dạy hãy vào phòng riêng đóng cửa lại. Chúng ta hiểu là trên tin thần không khoe khoang hay cố tình cho người khác nhìn thấy mình đang cầu nguyện. Đặt biệt là khi cầu nguyện trước Hội Thánh không cố trau chuốt lời cầu nguyện sao cho Hội Thánh khen mình đầy ơn, mà hãy bằng lời cẩn thận, kính cẩn dâng lên Thiên Chúa. 

Chúa muốn chúng ta cầu nguyện với Chúa cách mật thiết và chân thành, như một người con thưa chuyện với cha mình, mở lòng mình cách chân thật. Chúa không muốn chúng ta cầu nguyện chỉ là hình thức bên ngoài hay là chỉ đọc như một lời diễn văn. Lời cầu nguyện dài, lập đi lập lại không nói lên được người đó mạnh mẽ đức hay là được đầy ơn. Mà trước mặt Chúa đó chỉ là những điều Chúa không thích, không muốn nghe. 

Chúng ta thử tưởng tượng xem, một đứa con suốt ngày chỉ đến gặp ba mẹ là chỉ biết xin điều này điều kia, hoặc chỉ nói được mấy lời con yêu mẹ, con yêu ba, ngoài ra không còn gì để nói. Vậy thì cuộc sống có nhàm chán không, và lời nói đó của mình nó trở nên nhàm chán. 

Lời cầu nguyện từ câu 9 đến 13 Chúa Jesus dạy cách để thưa trình lên Chúa, tuy nhiên chúng ta không dựa vào đó mà mỗi ngày cứ lập lại bài đó, như ở giáo hội công giáo họ lập đi lập lại bài kinh cầu nguyện. 

Dựa theo bài cầu nguyện mẫu mà Chúa Jesus dạy chúng ta có thể rút ra được cách thức cầu nguyện như sau: 

1/ Tôn vinh chúc tụng danh thánh của Thiên Chúa

2/ Cầu xin những đều theo ý Chúa, 

3/ Cầu xin Chúa cho chúng ta những nhu cầu, cứu giúp, mở đường cho những nan đề trong cuộc sống của chúng ta. 

4/ Cầu xin Chúa tha thứ hết mọi vi phạm của chúng ta, và xin Chúa giúp cho chúng ta cũng biết sống yêu thương tha thứ. 

5/ Xin Chúa gìn giữ chúng ta trước những cám dỗ, những thử thách, trước những sự dữ, kẻ dữ. 

6/ Cuối cùng là chúng ta trong danh của Đức Chúa Jesus Christ mà dâng các điều chúng ta vừa cầu xin đó lên Đức Chúa Trời. A-men! ý nghĩa của chữa “A-men” là cầu xin được như vậy, mong được như vậy. 

Đó là những điều mà chúng ta rút trong bài cầu nguyện mẫu mà Chúa Jesus dạy, tuy nhiên trong khi cầu nguyện chúng ta có thể  tự do cầu xin, ước muốn của chúng ta trước Chúa. Thực ra trước khi chúng ta cầu xin thì Chúa đã biết hết cả rồi, (Ma-thi-ơ 6:8) điều mà Chúa muốn là sự tương giao mật thiết của chúng ta với Chúa mà thôi.

Câu hỏi đặt ra: Vậy thì khi một người cầu nguyện có thể ghi ra tờ giấy rồi đọc có được không? 

Nếu một người tỏ lòng kính cẩn lên Thiên Chúa, cẩn thận ghi ra giấy rồi đọc, hoặc một người cầu thay ghi ra giấy các nan đề của cá nhân và Hội Thánh để khi cầu nguyện nhìn vào nhớ để cầu thay thì vẫn được. 

Nhưng nếu một người muốn cho người khác khen mình cầu nguyện hay, không vấp, lưu loát mà soạn một bài cầu nguyện thật dài và lời văn trau chuốt thì đó là sai và đừng làm. Vì khi ấy người đó đang đọc cho loài người nghe chứ không phải đang dâng lời cầu nguyện với Thiên Chúa. 

Câu hỏi đặt ra: Nếu một người không có phòng riêng thì làm sao?

Điều chúng ta cần ghi nhớ là Chúa muốn ở tấm lòng và đừng khoe khoang. Nếu không có phòng chúng ta có thể tìm một nơi yên tĩnh, nơi chỉ có một mình, rồi cầu nguyện nơi đó. Không nhất thiết phải có một căn phòng thì mới vào cầu nguyện được, còn không có phòng là không cầu nguyện, đó là một sự áp dụng Lời Chúa cách cứng nhắc. 

Một điều quan trọng tiếp theo trong bài giảng trên núi đó là: 

“Nếu các ngươi tha lỗi cho người ta, thì Cha Trời của các ngươi cũng sẽ tha thứ các ngươi. Nhưng nếu các ngươi không tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi cũng sẽ không tha lỗi cho các ngươi.” (Ma-thi-ơ 6:14-15).

Để tha lỗi cho một người có khó không các con? 

Để tha lỗi cho một người thật sự khó, vì thực tế bản chất của loài người là xấu, khi một ai đó làm tổn thương mình, có lỗi với mình thì cảm xúc đầu tiên của bản ngã đó là giận, ghét, hận và trả thù, không bao giờ tha thứ. Để có thể tha thứ cho người khác gây ra lỗi lầm với mình một cách thực sự, không phải tha thứ trên môi miệng thì người đó chỉ có thể là người được tái sinh, được dựng nên mới, được trở nên giống như Đức Chúa Trời thì mới có thể tha lỗi cho người khác. Tha lỗi một cách hoàn toàn, là không còn một chút gì giận ghét, không nhắc lại lỗi lầm, không nói xấu với người khác, trở lại yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ cho người đó. Chứ không phải nói, tôi đã tha lỗi cho anh, chị nhưng thỉnh thoảng hay có dịp lại nhắc lại lỗi cũ và tự mình tách biệt khỏi người đó. Đức Chúa Trời không có như vậy. Khi Đức Chúa Trời tha thứ cho chúng ta thì Ngài phục hồi chúng ta, yêu thương chăm sóc, và không nhớ lại những tội lỗi của chúng ta. 

“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Bây giờ, hãy đến và chúng ta hãy biện luận cùng nhau! Dù những tội của các ngươi như chỉ đỏ sậm, sẽ trở nên trắng như tuyết; dù chúng đỏ màu đỏ sậm, sẽ trở nên trắng như len.” (Ê-sai 1:18).

“Này, sự bình an đã trở nên cay đắng cho tôi! Nhưng Ngài đã yêu linh hồn của tôi, từ vực sâu của sự hủy diệt. Ngài ném mọi tội lỗi của tôi ra sau lưng Ngài.” (Ê-sai 38:17).

Vậy nên, một khi chúng ta không tha thứ thì Đức Chúa Trời cũng như vậy đối với chúng ta, khi chúng ta phạm lỗi, phạm tội Chúa cũng sẽ không tha thứ cho chúng ta. Đức Chúa Trời Công Chính Ngài sẽ báo trả tùy theo mỗi việc chúng ta làm, gieo cái chi thì gặt cái đó, chúng ta gieo yêu thương thì gặt lấy sự yêu thương, gieo sự tha thứ thì gặt lấy sự tha thứ.

  • Sự kiêng ăn

Kiêng ăn là hình thức không ăn bất cứ thức ăn nào, chỉ uống nước lọc. Có nhiều lý do để kiêng ăn, kiêng ăn để muốn tương giao với Chúa, kiêng ăn vì sự phạm tội của mình,  kiêng ăn để đuổi quỷ, kiêng ăn để cầu thay, hoặc một người bình thường muốn kiêng ăn để thanh lọc cơ thể chẳng hạn. Người ta có thể kiêng ăn 1 ngày, 2 ngày, 1 tuần, 10 ngày…tùy theo sức khỏe và nan đề của mỗi người. Trong thời gian kiêng ăn chỉ uống nước lọc nên khiến cho thân thể sẽ có cảm giác đói và mệt mỏi. 

16 Khi các ngươi kiêng ăn, đừng có nét mặt buồn rầu như những kẻ giả hình; vì họ nhăn mặt, tỏ cho người ta biết họ kiêng ăn.

Hình thức tỏ cho người khác biết có nhiều cách, ngoài sự nhăn mặt, buồn rầu có người còn nói cho người khác biết là tôi đang kiêng ăn, để tỏ ra cho người khác thấy mình thật yêu Chúa, thật được ơn. Tất cả là chỉ muốn được tiếng khen từ người đời. 

Cốt lõi của bài học hôm nay Chúa Jesus muốn dạy dỗ chúng ta là “Đừng như kẻ giả hình”. Vì làm mà chủ yếu để khoe thì là giả chứ không thật. Nhưng Chúa thì không cần hình thức, Chúa cần tấm lòng. 

Mong muốn được nghe lời khen thì không có sai, khi chúng ta là đứa con ngoan, yêu kính Chúa, hiền hòa, lịch sự, được người khác khen khích lệ là điều đáng quý, giống như loài hoa thì tự nhiên tỏa hương thơm. Nhưng bản chất của hoa không thơm mà xịt nước hoa vào thì chẳng mấy chốc mùi nước hoa cũng bay đi hết. Người Việt có câu: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Người có tính thích được thán phục, được ca ngợi là một người kiêu ngạo, muốn hơn người khác. Thậm chí có người còn muốn cướp sự vinh quang của Thiên Chúa. Đây là một tội trọng. (Công Vụ Các Sứ Đồ 12: 9-23).

Loài người có bản tính thích được khen ngợi, thích được người khác thán phục mình, tôn cao mình lên, đó là bản chất tội lỗi mà ai cũng rất dễ mắc phải. 

Cảm tạ ơn Chúa, qua bài giảng trên núi này của Chúa Jesus mà chúng ta biết được Chúa muốn điều gì, Chúa không thích điều gì. Đó là ích lợi của việc đọc Thánh Kinh, có đọc, suy ngẫm Lời Chúa mới biết được ý muốn của Chúa và tránh xa những điều Chúa không muốn chúng ta làm. Để thực hiện được những điều Chúa dạy chúng ta phải thật sự được trở nên mới, được tái sinh và nhờ sức toàn năng của Chúa. 

Nhờ sức Chúa là nhờ như thế nào? Làm sao phân biệt được đâu là sức Chúa, đâu là sức của mình. 

Ví dụ cụ thể như việc chúng ta tha lỗi cho người khác và yêu kẻ thù mình. Thì bản thân chúng ta là thấy khó rồi, không dễ dàng thực hiện. Chúng ta đến với Chúa, cầu nguyện xin Chúa giúp chúng ta có thể tha thứ và yêu được kẻ thù. Xin Chúa giúp con vì con không làm được, con muốn sống đúng theo Lời Chúa nhưng con không làm được, xin Chúa giúp con. Sau đó nếu trong lòng chúng ta còn sự giận ghét thì nhân danh Chúa xua đuổi sự giận ghét đó đi, chúng ta cầu thay cho họ và cả chúng ta. Thì bỗng nhiên chúng ta thấy yêu người đó được, không còn buồn giận. Thì đó chính là sức Chúa giúp chúng ta. Chúng ta không cần phải cố sức để yêu người đó, không cần phải bắt ép phải yêu người đó bằng hình thức bên ngoài. Nhưng tự bên trong chúng ta bổng yêu được họ, tha thứ cho họ. Miễn lòng chúng ta muốn. Chúa sẽ ban thêm sức cho chúng ta. 

“Qua Đấng Christ là Đấng ban thêm sức cho tôi, tôi làm được mọi sự.” (Phi-líp 4:13 ).

Và tương tự như vậy trong mọi nan đề trên đời sống của chúng ta. 

Sức của Chúa là khi chúng ta yếu đuối, lại thấy trở nên mạnh mẽ, khi chúng ta bị cám dỗ thì biết sợ tội và tránh xa, khi thử thách thì chúng ta có sự can đảm, mạnh mẽ lạ thường, khi tuyệt vọng, đau buồn thì được an ủi, những điều đó thật vô hình nhưng thật sống động trên đời sống của chúng ta, miễn là chúng ta tin cậy và vâng lời, phó thác lên Chúa, và lòng chúng ta khao khát muốn sống đẹp lòng Chúa. 

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ

Để lại một bình luận