Các Bài Giảng Trên Núi: Của Qúy Báu Thật, Mắt Sáng Sủa và Sự Lo Lắng

363 lượt xem

Chủ đề: Các Bài Giảng Trên Núi: Của Qúy Báu Thật, Mắt Sáng Sủa và Sự Lo Lắng

Nguyễn Thị Thùy Linh

Các con thân mến,

Tuần này chúng ta tiếp tục học về các bài giảng trên núi. 

Hôm nay chúng ta học về của quý báu thật, mắt sáng sủa và sự lo lắng. 

Của quý báu: 

Của quý báo là một món đồ có giá trị, được trân quý, được gìn giữ cẩn thận, của quý báu thật trong bài giảng trên núi của Chúa Jesus không nói về đồ giả hay đồ thật, hàng giả mạo, hay là hàng chất lượng, mà của quý báu Chúa Jesus muốn nói đến ở đây là tính chất thật của nó. Thật là còn mãi, còn đến đời đời, có giá trị đến đời đời, không sợ hư hao hay ai lấy cắp. 

Của cải ở thế gian thì chúng ta nhìn thấy như nhà cửa, đất đai, xe cộ, tiền, vàng…Vậy thì của cải chứa ở thiên đàng là gì? Có phải chúng ta đem tiền, vàng, nhà cửa, xe cộ gửi lên thiên đàng để trên đó hay không? 

Chúng ta cần ghi nhớ điều này. Thiên Chúa là thần, thuộc về bản thể thiêng liêng, còn loài người là bản thể vật chất. Thiên đàng là địa điểm thuộc về bản thể thiêng liêng. 

Sự tích trữ mà Chúa Jesus muốn dạy ở đây là những việc lành mà chúng ta làm ra ở trong xác thịt, Thiên Chúa sẽ ban thưởng cho mỗi việc lành chúng ta làm, phần thưởng đó chính là của cải của chúng ta. 

Khi chúng ta ý thức được phần thưởng Chúa ban cho đó là tài sản của chúng ta thì chúng ta sẽ gắng sức, hết lòng mà tích lũy phần thưởng, nơi đó sẽ không bị mất mát hay hao hụt tài sản của chúng ta. Và khi chúng ta hướng về những của cái đó là chúng ta hướng về những sự ở trên trời. 

Ví dụ: Bạn Việt Thư ý thức được mỗi một việc lành mà bạn làm ra ở trên đất này thì bạn sẽ được Chúa ban thưởng cho. Mà việc lành gì mới được Chúa ban thưởng? Thì bạn Thư sẽ đọc, học Thánh Kinh xem những điều Chúa muốn bạn Thư làm và bạn Thư làm theo, như vậy là bạn Thư đang hướng về sự gì? Có phải bạn gắng sức hướng về những sự ở trên trời không? 

Bạn Thư biết được Chúa muốn bạn vâng giữ các điều răn, Chúa muốn bạn yêu thương, cứu giúp người khác, Chúa muốn bạn rao giao giảng Tin Lành, Chúa muốn bạn thường xuyên dâng của lễ lên cho Chúa qua những việc làm, qua các mục vụ, qua sự tôn vinh, cảm tạ và một nếp sống tin kính Chúa…

Còn nếu chúng ta cố gắng tích trữ của cải ở thế gian như nhà cửa, xe cộ, tiền bạc…thì chúng ta làm gì? Có phải chúng ta phải ngày đêm làm lụng, buôn bán, tìm đủ mọi cách để kiếm ra đồng tiền, thậm chí là làm những việc bất chính, vô lương tâm để có được tài sản lớn, nhưng đến một ngày trộm vào lấy mất, tiền thì mối mọt ăn, hoặc khi chết đi cũng không mang theo gì được. Vậy thì của cải này có phải là của quý báu thật không? 

Câu hỏi đặt ra: Nếu vậy thì chúng ta phải cắt đứt mọi tiện nghi trong cuộc sống mà không sử dụng nó?

Những người dùng thế gian này thì chớ lạm dụng nó; vì hình trạng của thế gian này đang qua đi.” (I Cô-rinh-tô 7:31).

Chúng ta vẫn có thể sử dụng những tiện nghi, những tiện ích của thế gian này, vì chúng ta đang sống giữa thế gian này, chúng ta còn phải sử dụng nó, nhưng chúng ta không lạm dụng, không phụ thuộc hay chúng ta tôn thờ nó. Ví dụ như chúng ta có một chiếc xe chúng ta sử dụng nó như một phương tiện để giúp ích cho nhu cầu đời sống của chúng ta, để chúng ta được nhanh chóng trong việc di chuyển và đỡ mệt hơn. Nhưng chúng ta không xem chiếc xe là quý giá, không dám chạy đi, chỉ để ngắm, hay trùm khăn lại sợ nó hỏng sợ nó cũ…Tương tự như vậy vào các trường hợp khác. 

2/ Mắt sáng sủa

“Ngọn đèn của thân thể là con mắt. Vậy, nếu mắt của ngươi tốt lành thì cả thân thể của ngươi sẽ được sáng. Nhưng nếu mắt của ngươi xấu thì cả thân thể sẽ bị tối tăm. Vậy, nếu sự sáng trong ngươi chỉ là tối tăm, thì sự tối tăm ấy lớn biết bao.” (Ma-thi-ơ 6: 22-23).

Ngọn đèn của thân thể ở đây chúng ta hiểu là khi chúng ta nhìn vào một người qua đôi mắt chúng ta có thể cảm nhận được người đó như thế nào. Nhìn vào ánh mắt chúng ta cảm nhận được người đó vui hay đang buồn, người đó dữ hay là hiền.

Ánh mắt của người thật lòng tin kính Chúa thể hiện lên sự nhu mì, mềm mại 

Một người không tin Chúa, sống trong tội, người hung hăng sẽ có một ánh mắt dữ tợn. 

Con mắt là đèn của thân thể là con mắt chiếu ra những cái gì thân thể chúng ta có. Thân thể chúng ta được tái sinh, được nhận những gì từ Chúa, tình yêu của Chúa. Thì con mắt chúng ta chiếu ra sự yêu thương, mềm mại, hiền lành, trong sáng. Ngày nay nếu chúng ta vẫn chưa chiếu ra được ánh sáng đó thì chúng ta vẫn còn ở trong sự tối tăm. Người còn ở trong sự tối tăm là người chưa nhận được sự cứu rỗi, con người cũ trước đây của chúng ta là tối tăm như vậy. Nhìn vào con mắt thấy sự dữ tợn, tham lam, kiêu ngạo, tà dâm, nói dối, có người đôi mắt thể hiện lên sự lo âu, buồn bã, bất an. Cũng như một người được dựng nên mới thì nếp sống chiếu ra sự sáng, tiêu chuẩn của Chúa đặt để ở trong họ, thì con mắt cũng như thế. 

Một người hay nói dối, làm chuyện xấu thì thường khi đối diện với người khác không dám nhìn thẳng người khác. Nhưng một người ngay thẳng thì không có gì phải sợ cả, thẳng thắng nhìn vào người khác. Vậy nên qua con mắt chúng ta có thể đánh giá được người kia như thế nào. 

Mặc khác nữa nếu một người ưa thích những sự ô uế, xấu xa, dán mắt vào đó thì cũng dẫn đến cả thân thể ô uế theo. Mắt nhìn, lòng ngẫm rồi thân thể hành động. 

“Chẳng ai có thể làm nô lệ của hai chủ; vì sẽ ghét người này mà yêu người kia, hoặc sẽ hiệp với người này mà khinh thường người kia. Các ngươi không thể làm nô lệ của Thiên Chúa và của Ma-môn.” (Ma-thi-ơ 6: 6).

Ma-môn là tên gọi của một Thần Tài. Người ta tin rằng thần này sẽ đem đến cho họ nhiều may mắn, thuận lợi, giàu có, của cải. Dân Việt Nam ta hầu như đi đâu cũng thấy họ thờ thần này, cầu mong sự giàu có, tiền tài đầy dư. 

Là con dân Chúa chúng ta không thể vừa thờ phượng Chúa mà cũng vừa thờ lại Thần Tài, là thần tiền bạc, của cải, danh vọng. Thiên Chúa ghét những hình tượng hư không và thần giả dối, không những riêng gì về Thần Tài mà còn rất nhiều những thần khác mà con dân Chúa thờ phượng mà không nhận ra. Như Thần Tôi, Thần Tình. Thần Tôi là thờ phượng lại chính mình, tự ái, kiêu ngạo, xem mình là hơn người khác. Thần Tình là những tình cảm gia đình, con cái, cha mẹ, vợ chồng…Chúng ta không thể vừa thờ phượng Chúa mà còn vừa để những thần này hiện diện trên đời sống của chúng ta. 

Thánh Kinh chép: 

“Vì sự công chính và sự bội nghịch có sự tương giao gì? Sự sáng với sự tối có sự thông công gì?” (II Cô-rinh-tô 6:14b).

Nếu chúng ta vừa thờ phượng Chúa mà cũng thờ thần khác thì đời sống của chúng ta sẽ chẳng nhận được kết quả gì từ nơi Chúa, sẽ đánh mất đi tình yêu ban đầu với Chúa, không hết lòng, hết sức, hết linh hồn mà thờ phượng và hầu việc Chúa. Đời sống thuộc linh hâm hẩm và thụ động. Nếu chúng ta hâm hẩm thì Chúa sẽ nhả chúng ta ta.  

Vì ngươi là hâm hẩm như vậy, không lạnh cũng không nóng, Ta sẽ mửa ngươi ra khỏi miệng của Ta.” (Khải Huyền 3:16).

3/ Sự lo lắng

Thiên Chúa tạo dựng nên linh hồn loài người có ba đặc tính, đó là cảm xúc, suy tư và quyết định. Sự lo lắng là những suy tư, những suy nghĩ về một vấn đề nào đó có khuynh hướng tiêu cực. Cơm ăn, áo mặc, công việc, tương lai đó là những điều mà loài người luôn phải nghĩ đến, vì nó là nhu cầu cần thiết cho mỗi một người. Nhưng Chúa Jesus lại dạy chúng ta đừng lo lắng những sự đó. Điều này thật không dễ dàng thực hiện một chút nào, nhưng sẽ dễ đối với một người có đức tin, biết thỏa lòng, biết phó thác đời sống mình cho Chúa. 

Đức tin là tin rằng Chúa sẽ chăm sóc, quan phòng, chu cấp, cứu giúp, chữa lành cho chúng ta vì Ngài yêu chúng ta. 

Thỏa lòng là chúng ta vui, mãn nguyện, bằng lòng với những gì mình đang có. Không mơ ước được thêm lên, hay thấy mình quá ít, chưa đủ, thiếu thốn. Thỏa lòng vì chúng ta có sự biết ơn Chúa đã ban cho, vừa đủ, không đòi hỏi. 

Phó thác là sự chúng ta giao cho Chúa mọi nhu cầu và nan đề trong đời sống của chúng ta. Chúng ta không cố gắng bươn chải hay tìm cách này, cách khác, mà dâng trên lên cho Chúa, chờ đợi sự hành động của Chúa. 

Khi chúng ta có được ba điều này, chúng ta sẽ thực hiện được lời Chúa dạy: Đừng lo lắng. 

Chúa là Đấng biết trước mọi sự, Ngài biết cả những nhu cầu của chúng ta khi chúng ta chưa xin Ngài. 

Thi Thiên 139: 1-4.

1 Hỡi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Ngài đã dò xét tôi và Ngài biết!

2 Ngài đã biết sự ngồi xuống của tôi và sự đứng dậy của tôi. Từ xa, Ngài đã hiểu rõ ý tưởng của tôi.

3 Ngài xét nét lối đi của tôi và sự nằm xuống của tôi. Ngài quen biết mọi hành trình của tôi.

4 Vì chưa có một lời trên lưỡi của tôi… Kìa! Hỡi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Ngài đã biết hết thảy!

“Vậy, các ngươi chớ lo lắng, nói: Chúng ta sẽ ăn gì? Hoặc chúng ta sẽ uống gì? Hoặc chúng ta sẽ mặc gì? Vì các dân ngoại tìm kiếm tất cả những sự đó. Vì Cha của các ngươi, Đấng ở trên trời, đã biết rằng, các ngươi cần hết thảy những sự đó.” (Ma-thi-ơ 6: 31-32).

Câu hỏi đặt ra: Nếu Chúa dạy như vậy thì tôi sẽ không cần lên kế hoạch gì cả, chỉ chờ đợi Chúa thực hiện thôi. Đúng hay sai. 

Chúa dạy chúng ta đừng lo lắng là chúng ta không quá nặng lòng, để tâm về những nhu cầu của cuộc sống khiến cho chúng ta phải tất bật, buồn rầu, hay làm cách này, cách khác lo cho tương lai, lo cho cuộc sống sau này. 

Nhưng chúng ta vẫn phải lên kế hoạch cho công việc hằng ngày, sắp tới để công việc được nhịp nhàng, nhanh chóng và có kết quả. 

Các con có thể lên kế hoạch cho việc học tập, việc nhà, việc ở trường, việc nhóm hiệp học Lời Chúa sao cho phù hợp. 

Hoặc các con cũng có thể lên kế hoạch cho sự tích trữ lương thực, cho thời kỳ khó khăn. 

Các con sử dụng tiền bạc cách tiết kiệm, chi tiêu hợp lý, không se sua chạy theo thế gian, dành dụm khi có việc cấp bách, việc cần thì có mà sử dụng. 

Lo lắng là khi các con trăn trở, suy nghĩ nặng lòng ví dụ như lo là mình không học đến nơi đến chốn rồi sau này mình làm nghề gì để nuôi sống bản thân, lo rằng mình nghỉ ngày Sa-bat để nhóm thì có bỏ lỡ buổi học nào không, thua kém các bạn thì sao…Hoặc lo là mình không tiêm vắc xin thì mình không được tham gia các hoạt động xã hội, khám chữa bệnh. Những sự lo lắng đó đem lại cho chúng ta sự buồn rầu, bất an. 

Lòng khoái lạc làm cho mặt mày vui vẻ; nhưng tại lòng buồn bã trí bị nao sờn.” (Châm Ngôn 15:13).

“Lòng vui mừng vốn một phương thuốc hay; còn trí nao sờn làm xương cốt khô héo.” (Châm Ngôn 17:22).

Trong bài học hôm nay điều mà Chúa Jesus muốn dạy dỗ chính và quan trọng đó là sự tìm kiếm Vương Quốc Trời. 

“Nhưng trước hết, các ngươi hãy tìm kiếm Vương Quốc của Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài, thì mọi điều ấy sẽ được thêm cho các ngươi.” (Ma-thi-ơ 6:33).

Đây là điểm chính mà chúng ta rút ra bài học cho ngày hôm nay, đó là sự tìm kiếm Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Có nghĩa là chúng ta nghĩ đến, tìm tòi, học hỏi, thực hành, làm theo tìm cách để được vào Nước Trời. 

Thế gian rồi sẽ qua đi, chỉ là nơi ở trọ, chúng ta ý thức rằng mình chỉ là người ở trọ, một ngày kia sẽ về quê hương thật, vậy nên chúng ta cũng sử dụng những gì thuộc về thế gian cho nhu cầu là cần thiết, không phụ thuộc vào nó, không làm nô lệ cho nó. 

Khi chúng ta lo chuyên tâm tìm kiếm Vương Quốc Trời thì những điều như, cơm ăn, áo mặc, Chúa sẽ chu cấp cho chúng ta. 

Một người yêu mến và hết lòng vâng giữ ngày Sa-bat, họ sẵn sàng đóng cửa nghỉ bán, nghỉ làm việc để được nhóm hiệp thờ phượng Chúa, để vâng giữ điều răn của Chúa, những tưởng nghỉ ngày Thứ Bảy là ngày mà trước đây đắt khách nhất trong tuần, nay nghỉ rồi họ sẽ bỏ đi nơi khác mà mua. Nhưng lạ thay những ngày khác  lại đông khách gắp 2 lần. Đó là điển hình về sự “thì mọi điều ấy sẽ được thêm cho các ngươi” mà Chúa đã hứa. 

Để có thể thực hiện được những điều mà Chúa Jesus dạy trong bài giảng hôm nay mỗi chúng ta cần có. Đức Tin nơi Thiên Chúa, tin chắc rằng Ngài là Đấng Thành Tín. Ngài sẽ làm thành lời hứa của Ngài. 

“Không có đức tin thì không thể nào làm vừa lòng Ngài. Vì người đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng, Ngài thực hữu. Đối với những ai tìm kiếm Ngài, Ngài là Đấng Ban Thưởng.” (Hê-bơ-rơ 11:6).

Trước tôi trẻ, nay đã già, nhưng tôi chẳng thấy người công chính bị bỏ quên, hay là dòng dõi của người van xin thức ăn.” (Thi Thiên 37:25).

Nguyện kính xin Chúa ban ơn và ghi khắc những lời dạy dỗ của Ngài vào trong mỗi tấm lòng của chúng ta, để chúng ta luôn nhớ và làm theo, luôn hướng và tìm kiếm những sự thuộc về Vương Quốc Trời và không quá để lòng ở thế gian ở trọ này. 

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ. 

Để lại một bình luận