Các Bài Giảng Trên Núi: Các Lời Khuyên Bảo Khác

301 lượt xem

Các Bài Giảng Trên Núi: Các Lời Khuyên Bảo Khác

Nguyễn Thị Thùy Linh

Các con thân mến, 

Hôm nay chúng ta cùng nhau tiếp tục học về những bài giảng trên núi của Đức Chúa Jesus. 

Bài giảng này được chép lại ở trong Ma-thi-ơ 7: 6-14,  Lu-ca 13: 22-30; 18: 1-8.

Bài giảng có những ý chính như sau: 

1/ Không quăng hột trai trước mặt heo

2/ Bền đỗ trong sự cầu nguyện

3/ Luật vàng

4/ Cửa hẹp

Chúng ta cùng nhau học qua từng ý trong bài giảng của Đức Chúa Jesus. 

1/ Không quăng hột trai trước mặt heo. 

Chúng ta thấy trước câu đừng quăng hạt trai thì có câu, đừng cho chó những đồ thánh. 

Hạt trai là một loại trang sức quý giá, đắt tiền mà những người giàu thích và hay sở hữu vì nó sang trọng và quý. Đồ thánh cũng vậy, là những món đồ thánh sạch, quý, được biệt riêng.

Trong lời dạy này Chúa Jesus nhắc đến hai con vật đó là con chó và con heo. Theo Thánh Kinh chó và heo là hai con vật ô uế. 

Mặc dù sự hứa nguyện ngươi thế nào, chớ đem vào nhà của Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi, hoặc tiền công của một con đĩ, hay là giá trả cho một con chó; vì cả hai đều lấy làm gớm ghiếc cho Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 23:18).

“Con heo cũng vậy; vì nó có móng rẽ ra, nhưng không nhai lại: phải cầm nó là không sạch cho các ngươi. Chớ ăn thịt của các con vật đó, và chớ đụng đến xác chết chúng nó.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 14:8).

Lời dạy này Chúa muốn dạy chúng ta là đừng đem những đồ quý giá cho những kẻ không muốn nhận, không biết trân quý mà ngược lại còn chà đạp và xem thường, những người như vậy không xứng đáng để ban cho. 

Đồ thánh, quý giá giống như chúng ta đem Tin Lành rao giảng cho mọi người, Thiên Đàng được ví như của quý báu, nhưng có một số người họ chẳng những không nghe, không tiếp nhận mà ngược lại còn gièm chê, mỉa mai, bách hại ngược lại chúng ta, lời dạy của Chúa Jesus áp dụng cho trường hợp này, là không cho chó và heo đồ thánh và hạt trai. Chó và heo là những con vật có tính chà đạp và cắn xé, chúng không ý thức và biết trân quý những điều tốt đẹp và thơm tho, bởi bản chất của chúng đã quen với vũng bùn lầy và ăn những thứ ô uế. Chúng ta đem chúng đi tắm rửa sạch sẽ, cho đẹp, cho thơm nhưng khi thấy vũng bùn thì chúng cũng sẽ lao vào. Hoặc có cho chúng đồ tốt đẹp thì chúng con cắn xé mà không biết trân quý. Một người sống trong tội và không chịu tiếp nhận Tin Lành mà ngược lại còn tấn công chúng ta thì Chúa dạy chúng ta như thế. Thời xưa Chúa còn dạy các tiên tri, xứ đồ đi đến thành nào rao giảng Tin Lành hoặc nói tiên tri mà dân thành đó không nghe thì phủi bụi dưới chân mà đi. Hành động phủi bụi dưới chân là hành động nói lên người đó đã làm xong việc và xong nhiệm vụ của họ, máu của người kia không đổ lại trên họ và họ cũng không còn phải chịu trách nhiệm gì về người không chịu tiếp nhận. 

Cũng có trường hợp họ không phản đối ra mặt nhưng họ tỏ ra thái độ chống đối, từ chối thì chúng ta cũng không tiếp tục đem đồ quý giá đến cho họ nữa. 

Trường hợp một người đã biết Chúa, ở trong Hội Thánh người đó phạm tội không chịu ăn năn, chúng ta ra sức kêu gọi họ đến ba lần, nếu người đó vẫn không ăn năn thì chúng ta làm theo Lời Chúa dạy là phân rẽ họ xem họ như người thu thế. Chúng ta không thể nhân danh tình yêu thương mà cứ theo khuyên bảo khi một người đã chọn lăn lóc trong tội mà không muốn từ bỏ hay thay đổi. 

  • Câu hỏi đặt ra: Nếu chúng ta không tiếp tục giảng đạo cho những người không chịu nghe thì chúng ta có thiếu tình yêu thương hay không? Biết đâu mình nói hoài rồi họ sẽ nghe?

Một người có suy nghĩ như vậy là người đó cho rằng Chúa không yêu thương nhẫn nại bằng mình, cho rằng mình có tình yêu thương lớn hơn Chúa, khi Chúa đã bảo “đừng” mà mình vẫn làm cho rằng mình yêu thương. Nhân danh tình yêu mà bao che tội lỗi trong Hội Thánh, không dứt khoát, kỷ luật hoặc phân rẽ như Lời Chúa dạy. Việc họ tin Chúa hay không là Chúa biết tấm lòng của họ, bổn phận của chúng ta là rao giảng, kêu gọi  nhưng không nghe thì làm theo Lời Chúa dạy là phủi bụi dưới gót chân mình. 

2/ Bền đỗ trong sự cầu nguyện. 

Hãy xin, các ngươi sẽ được ban cho. Hãy tìm, các ngươi sẽ gặp. Hãy gõ cửa và nó sẽ mở ra cho các ngươi.” (Ma-thi-ơ 7:7).

Thực tế trong đời sống của chúng ta khi chúng ta đọc đến lời hứa này của Chúa rồi chúng ta bắt đầu cầu xin những điều chúng ta muốn và xin cho những nhu cầu trong đời sống của chúng ta, sức khỏe, tiện nghi, kiến thức…có những điều mà chúng ta cầu xin nhưng không thấy Chúa đáp lời, đợi mãi cũng không thấy, vậy thì lời hứa này không thành tín hay chăng? 

Khi chúng ta cầu xin mà không thấy được sự đáp lời ngay thì có những lý do như sau: 

1/ Cầu xin điều không phải lẽ. Đó là những điều cầu xin không hợp lý, hợp lẽ, như chúng ta cầu xin Chúa cho mình một chiếc xe đời mới thật xịn để ra đường cho có với người ta, hoặc chúng ta cầu xin Chúa cho mình thật là xinh đẹp hơn người khác, xin Chúa cho mình có thành tích học thật giỏi để bạn bè phải nể mình…Thật ra xin Chúa ban ơn cho chúng ta học giỏi thì không có sai, nhưng với tâm tình có thành tích học tốt, hoàn thành việc học tập và không phụ lòng cha mẹ, thành tích học tốt cũng làm sáng danh Chúa, nhưng để học giỏi vì muốn hơn người hay người khác thán phục mình là sai. 

2/ Chưa tới thời điểm. Có những điều chúng ta cầu xin Chúa và đợi Chúa mãi không thấy đáp lời cho chúng ta. Chúa là Đấng Toàn Tri Ngài biết trước hết đâu là thời điểm tốt nhất cho chúng ta, Ngài luôn chọn ban điều tốt nhất cho chúng ta. Ví dụ như các con cầu xin Chúa ban cho các con một phương tiện để có thể chạy xe đi học, nhưng đợi mãi không thấy Chúa ban cho, rõ ràng là Chúa biết nhu cầu của mình, nhưng hiện tại các con chưa đủ tuổi để tham gia giao thông thì các con đâu có lái xe được, nếu lái xe thì là vi phạm luật giao thông, vậy nên Chúa chưa đáp lời. 

3/ Ý muốn của Chúa. Có những điều chúng ta cầu xin phải lẽ, ví dụ như xin Chúa ban cho chúng ta sức khỏe để hầu việc Chúa, phục vụ anh chị em, nhưng vẫn không thấy Chúa chữa lành cho. Chúng ta nhớ đến Phao-lô bị chứng bệnh về mắt, ông cầu xin Chúa chữa cho ông ba lần nhưng Chúa trả lời cho ông là: “Ân điển của Ta đủ {cho} ngươi {rồi}, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự đau yếu.” (II Cô-rinh-tô 12:9).

“Ân điển của Chúa là bất cứ sự ban cho nào từ Chúa bởi sự từ ái và sự thương xót của Ngài. Ân điển của Chúa ban cho Phao-lô trong trường hợp này là sức chịu đựng của thân thể xác thịt và sức nhẫn nại của thần trí, giúp cho ông kiên trì chịu đựng mọi đau đớn, khó khăn do tật bệnh đem tới.” [1] Vì vậy Phao-lô đã vui lòng chịu đựng sự đau yếu đó trong xác thịt của mình. 

4/ Khi chúng ta vẫn còn phạm tội. Khi chúng ta cầu xin Chúa một điều gì đó cho nhu cầu hay nan đề trong đời sống của chúng ta, nhưng không thấy Chúa đáp lời thì chúng ta tra xét lại đời sống của mình, chúng ta còn ham mê điều gì hơn Chúa không, có lén lút phạm tội không, có vi phạm điều răn của Chúa không. Nếu có thì không thể nào Chúa đáp lời cầu xin cho chúng ta, vì tội lỗi làm ngăn cách chúng ta khỏi Chúa, lời cầu nguyện của chúng ta Chúa không nghe thấy. 

“Nếu trong lòng tôi, tôi hướng về tội ác, Chúa sẽ chẳng nghe tôi.” (Thi Thiên 66:18).

Ví dụ như chúng ta vẫn chưa tha thứ cho người làm buồn lòng chúng ta, chúng ta vẫn giữ sự cay đắng với họ, không thể bao dung mà bỏ qua, thì trong thời gian đó chúng ta không được Chúa đáp lời cầu xin bởi vì chúng ta đã không làm theo Lời Chúa dạy. Chúng ta ghi nhớ điều này. Khi đời sống chúng ta đẹp lòng Chúa, lòng chúng ta yêu Chúa, thì những sự xin của chúng ta không phải hướng về mục đích ước muốn của chúng ta, thỏa mãn chúng ta nữa mà sự cầu xin đó luôn hướng về Chúa và sự vinh quang của Chúa, ý Chúa nhiều hơn là muốn cho bằng được điều mình xin, khi đó chúng ta luôn thỏa lòng dù là sự đáp lời nhanh hay chậm vì chúng ta tin và biết rằng Chúa ban điều tốt nhất cho mình, Chúa rèn tập cho mình sự nhẫn nại và bền đỗ trong sự cầu nguyện. 

Có khi mình xin điều này, nhưng Chúa lại ban điều khác. Ví dụ một đứa con đang bị sốt, đau họng, khát nước xin mẹ một ly nước đá lạnh. Nhưng mẹ lại cho một ly nước nóng và một ly thuốc đắng. Vậy thì đứa con đó có thể nó không hiểu mà giận dỗi sao lại không đáp lời cầu xin của nó, nó đang bệnh mà cần được chiều chuộng chứ, xin cái này mà cho cái khác, nhưng chúng ta hiểu rằng, mẹ cho như vậy là tốt cho nó. Thực tế chúng ta đôi khi đối xử với Chúa như vậy, chúng ta vẫn còn thói lầm bầm và trách Chúa khi những điều Chúa cho phép xảy ra, Chúa ban cho không như ý mình muốn. Nếu chúng ta tin rằng Chúa yêu chúng ta đến nỗi phó mạng sống vì chúng ta thì Ngài luôn ban điều tốt nhất cho chúng ta và đúng thời điểm. Loài người là xấu còn biết cho con cái mình điều tốt thì huống chi Thiên Chúa là Đấng giàu có và toàn năng, yêu chúng ta đến nỗi ghen tuông, phó cả mạng sống vì chúng ta thì còn ban cho chúng ta hơn thế nữa. Chúa còn biết trước điều mà chúng ta cần gì, muốn gì. 

Thi Thiên 139:1-4:

1 Hỡi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Ngài đã dò xét tôi và Ngài biết!

2 Ngài đã biết sự ngồi xuống của tôi và sự đứng dậy của tôi. Từ xa, Ngài đã hiểu rõ ý tưởng của tôi.

3 Ngài xét nét lối đi của tôi và sự nằm xuống của tôi. Ngài quen biết mọi hành trình của tôi.

4 Vì chưa có một lời trên lưỡi của tôi… Kìa! Hỡi Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Ngài đã biết hết thảy!

Nói tóm lại việc xin sẽ được, việc gõ cửa sẽ được mở là điều Chúa muốn dạy chúng ta hãy tìm kiếm và cầu xin thì sẽ được gặp, được ban cho theo tấm lòng khao khát, tìm kiếm. Xin, tìm và gõ cửa sẽ được ban cho ngay là sự tìm kiếm Lời Chúa, tìm kiếm Vương Quốc Trời. 

  • Câu hỏi đặt ra: Chúa biết trước cả như vậy rồi thì tại sao chúng ta lại phải bền đỗ cầu nguyện làm gì?

Thiên Chúa muốn sự tương giao mật thiết của chúng ta đối với Ngài, muốn nghe chính miệng chúng ta cầu xin Chúa, nói chuyện với Chúa, muốn rèn tập cho chúng ta tính nhẫn nại và tin cậy nơi Chúa. Sự bền đỗ trong cầu nguyện giúp cho con dân Chúa gần Chúa hơn, tạo nên một thói quen hễ có điều gì là kêu cầu Chúa ngay chứ không tự ý giải quyết theo ý riêng. Bền đỗ cầu nguyện thể hiện lòng tha thiết dâng lên Thiên Chúa. Giống như người ba mẹ có dư sức và biết rằng đến lúc con mình cần cho đi học, biết đi học là sẽ cần tập, sách, bút, xe đạp. Nhưng ba mẹ sẽ lựa chọn cho cái gì trước là hợp lý, và đợi xem con có nhu cầu lại thưa với ba mẹ là cần cái đó không. Thiết nghĩ giữa ba mẹ và con cái mà cả năm không nghe đứa con nói gì với mình, cứ thấy cái gì cần là mua về để sẵn vậy thì đứa trẻ sẽ ra sao? 

3/ Luật vàng

Vậy, bất cứ điều gì các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì các ngươi cũng hãy làm điều ấy cho họ; vì ấy là luật pháp và những lời tiên tri.” (Ma-thi-ơ 7:12).

Luật vàng là nguyên tắc đối xử với người khác như là mình muốn được đối xử, có giá trị cao quý hơn mọi luật ở trên đời. “Bất cứ điều gì” là nói về mọi khía cạnh, mọi sự từ tình cảm, vật chất, danh dự…Chúng ta muốn người ta yêu thương, tôn trọng mình thì mình cũng làm điều đó cho họ. Luật vàng này Chúa dạy để giúp cho người thực hiện có được tính hạ mình, khiêm nhường, nghĩ cho người khác, và tôn trọng người khác hơn mình. Bản chất của loài người tội lỗi là tư kỷ, tham lam, cái gì cũng muốn mình hơn người ta, muốn được tôn trọng hơn, nhưng lại không muốn làm điều đó cho người khác. Thậm chí có thói quen kể lại khuyết điểm, tật xấu, tội lỗi của người khác để chê cười, chọc ghẹo, nhưng ai nói đụng đến mình là nỗi giận ngay. Vậy nếu chúng ta không muốn người ta như vậy với mình thì chính mình cũng đừng như thế với họ. Luật vàng này Chúa muốn dạy dỗ để dung hòa cuộc sống với nhau, nghĩ cho nhau, yêu thương nhau, cách đối nhân xử thế cách công bình theo tiêu chuẩn của Chúa. Một điều nữa trong sự dạy dỗ của người chăn có dạy chúng ta là đừng bao giờ nhắc lại quá khứ tội lỗi của người khác, dù họ có không ăn năn thì chúng ta cầu xin sự thương xót của Chúa cho họ, nếu họ ăn năn thì tuyệt đối không nhắc lại, việc này khó lắm đôi khi chúng ta vẫn bị lâm vấp, ngay cả chính chúng ta cũng không muốn người khác đem chuyện không tốt của mình mà nói lại hay đi nói với người khác. 

  • Câu hỏi đặt ra: Một con dân Chúa trong lúc nhất thời đã lỡ miệng phạm tội nói dối, người ấy rất hối hận và lập tức cầu nguyện ăn năn ngay, xin Chúa tha thứ cho mình, sau đó về nhà thì nghe một câu nói vô ý của người anh chị em khác nói không đúng sự thật về mình, người anh chị em đó đến xin lỗi nhưng người này rất giận không bỏ qua. Vậy trong trường hợp này em phải xử lý làm sao cho đúng Lời Chúa? Vậy nếu là em thì em có như người con dân Chúa này không?

Nếu mỗi người trong các ngươi không hết lòng tha lỗi cho anh chị em của mình, thì Cha Ta ở trên trời cũng sẽ xử với các ngươi như vậy.” (Ma-thi-ơ 18:35).

Đây là tình huống thực tế mà trong chúng ta ai cũng mắc phải khi khó có thể tha thứ cho một ai đó làm tổn thương mình, nói xấu mình, trong khi mình phạm tội thì muốn Chúa tha thứ cho mình, bỏ qua không nhớ tới. Vậy nếu chúng ta muốn Chúa tha thứ cho mình thì mình cũng tha thứ cho người khác, như Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Hoặc khi mình lỡ lầm gây lỗi với người khác mình cũng mong được người đó tha thứ bỏ qua cho mình, thì mình cũng hãy như thế. 

4/ Cửa hẹp. Đọc trong Lu-ca 13: 23-24:

“Có người thưa Ngài rằng: Lạy Chúa, có phải chỉ ít kẻ được cứu chăng? Ngài đáp rằng: Hãy gắng sức vào cửa hẹp, vì, Ta nói với các ngươi, nhiều người sẽ tìm để vào mà không được.”

Cửa hẹp là một con đường chật chội, khó đi, thậm chí trên con đường còn lắm gai góc và nguy hiểm. Nhưng tại sao Chúa lại muốn chúng ta hãy gắng sức đi vào cửa hẹp? 

“Bởi vì cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, thì có ít người tìm gặp nó.” (Ma-thi-ơ 7:14).

Cửa hẹp đường chật là con đường thử thách và gian nan, con đường tôi luyện và thử rèn, con đường thánh hóa để dẫn chúng ta đến với sự sống đời đời, con đường gian nan nên ít có người chọn đi vào, thậm chí đã chọn bước vào rồi nhưng lại rẽ lối đi vì không chịu được. Cũng có trường hợp một người tưởng rằng mình đã được cứu rồi nhưng thật lại chưa được cứu, vì họ miệng thì nói tin Chúa nhưng đời sống thì không sống đúng theo Lời Chúa. 

Bởi vì nếu một người chọn đường hẹp thì người đó phải chịu từ bỏ chính mình đi, từ bỏ những thú vui, ham mến đời này, từ bỏ những ham thích bất chính, những sự thoải mái sống theo ý mình. Họ bước vào đó phải vâng giữ điều răn và luật pháp. 

Ngày nay tuổi trẻ có một tiêu chí mục đích sống đó là: Hãy sống cho chính mình và làm những gì mình muốn. thật nếu cả thế gian này mà sống cho mình và làm những gì mình muốn thì tội lỗi sẽ không biết đến mức nào, nhưng thực tế hiện nay đã, đang và tiếp tục như vậy, đó là con cửa rộng và đường khoảng khoát. Con đường này dẫn đến sự hư mất đời đời. 

Ta nói với các ngươi rằng, trong sự vội vàng, Ngài sẽ làm sự bênh vực họ. Dù vậy, khi Con Người đến, Ngài sẽ tìm thấy đức tin trên đất chăng?” (Lu-ca 18:8).

Câu Thánh Kinh này Chúa cho chúng ta biết được là Ngài sẽ nhanh chóng và sẵn sàng để giải cứu và bênh vực chúng ta, Ngài làm hết những gì để có thể cứu chúng ta, nhưng đến ngày mà Chúa trở lại thì không có bao nhiêu người được cứu, không có bao nhiêu người có đức tin, bởi vì họ đã chọn cửa rộng và đường khoảng khoát. Đức tin là thể hiện bằng việc làm, nghe và làm theo mọi điều đã ghi chép trong Thánh Kinh. Nhưng đến khi Chúa đến có được bao nhiêu người như thế. 

Những thú vui đời này như tham mê danh vọng, giàu có, chau chuốt thẩm mỹ vẻ bên ngoài, say đắm thần tượng, hình tượng, gian dâm, dối trá, tham mê tiền bạc…tất cả những điều đó là con đường rộng dẫn đến sự chết. 

  • Câu hỏi: Tại sao Chúa không tạo ra cửa rộng rãi cho người tìm kiếm dễ đi mà phải đi vào cửa hẹp?

Thiên Chúa muốn người thật sự muốn tìm kiếm sự sống đời đời phải đi vào cửa hẹp là để thử thách và tôi luyện. Xem một người có bằng lòng từ bỏ đi những thoải mái, tiện nghi, giàu có của đời này, có bằng lòng từ bỏ những thói hư tật xấu, tội lỗi xấu xa mà chịu sự thanh tẩy thánh hóa của Chúa để trở nên con người mới. Để xem họ có thật lòng yêu Chúa sẵn sàng chịu những khó khăn, thử thách, con đường chông gai hiểm trở hay không. Nhưng tiếc thay Lời Chúa cho chúng ta biết, người tìm vào thì ít. Thật ra cửa hẹp nghe dường như khó khăn chật chội đó chỉ là trong những khoản thời gian thử rèn chúng ta, khi chúng ta bằng lòng tìm kiếm và lựa chọn thì qua cánh cửa đó là một sự vui thỏa, phước hạnh vô biên mà chỉ những ai thật lòng tìm kiếm và chọn bước vào cánh cửa hẹp, đường chật đó mới có thể hiểu thấu được. 

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ

[1] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-ii-co-rinh-to-121-10-khai-tuong-va-cai-dam-xoc-cua-phao-lo/

Để lại một bình luận