Thiếu Niên Thảo Luận Tháng 4/2022

234 lượt xem

Hỏi: 

Một người đã từng phạm nhiều tội, vui thú sống trong tội, nhưng người ấy đã thật lòng ăn năn, quyết từ bỏ tội thì có được Chúa tha tội, được cứu hay không?

Đáp:

Lời Chúa chép trong Mác 2:17b

“Ta đến, chẳng phải để gọi những người công chính, nhưng gọi những kẻ có tội ăn năn.”

Và Lời Chúa chép trong Ê-sai 1:18

“Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Bây giờ, hãy đến và chúng ta hãy biện luận cùng nhau! Dù những tội của các ngươi như chỉ đỏ sậm, sẽ trở nên trắng như tuyết; dù chúng đỏ màu đỏ sậm, sẽ trở nên trắng như len.”

Vì vậy, nếu một người đã thật lòng ăn tội, quyết tâm từ bỏ tội thì được Chúa tha tội, và được cứu rỗi. Nếu cứ trung tín trong nếp sống thánh khiết thì được hưởng sự sống đời đời. 

Nhưng nếu một người đã tin nhận Chúa, đã có sự nhận thức về điều răn và luật pháp Chúa, mà cố ý phạm tội, quay trở lại sống trong tội, không chịu ăn năn, bị dứt thông công, thì có thể sau này họ thật lòng ăn năn cũng không được cứu nữa. Vì:

Hê-bơ-rơ 10:26-29

26 Vì {nếu} chúng ta cố ý phạm tội {sau khi} đã nhận lãnh tri thức về lẽ thật, {thì} không còn được chừa lại {cho chúng ta} sinh tế chuộc những tội lỗi.

27 Nhưng {chỉ có} một sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa hừng sẽ thiêu nuốt những kẻ bội nghịch.

28 Ai đã chối bỏ luật pháp của Môi-se, {thì} chết không có sự thương xót, bởi hai hay ba chứng nhân.

29 Các anh chị em nghĩ xem, hình phạt sẽ nặng hơn biết bao để xứng với kẻ giày đạp Con Đức Chúa Trời, xem máu của giao ước {mà} bởi đó {kẻ ấy} được nên thánh {là} ô uế, và sỉ nhục Đấng Thần Linh của ân điển.

Hỏi: 

Anh A đang phạm tội giống anh B, nhưng anh A không biết mình đang sống trong tội, nhưng đã chỉ trích về tội lỗi của anh B. Nếu là bạn B trong trường hợp này, thì chúng ta sẽ xử lý như thế nào?

Đáp: 

Bạn B chỉ cần nhìn nhận lại mình so với Lời Chúa xem mình có phạm tội như A nói hay không? Nếu mình phạm tội như vậy thì ăn năn xin Chúa tha thứ cho mình. Cảm ơn A đã chỉ lỗi. 

Sau đó, B mới nói với A về việc A phạm tội gì, nhưng với thái độ giúp A nhìn ra tội lỗi mà ăn năn, chứ không với thái độ trả thù.

Hỏi:

Khi một người còn phạm tội mà chính họ không nhận thức rõ mình đang có tội. Người này đã cầu nguyện với Chúa xin Ngài đáp ứng nhu cầu của mình thì khoảng thời gian sau họ có được nhu cầu ấy như những gì họ đã cầu nguyện với Chúa từ trước. Liệu rằng đó có được gọi là ơn phước mà Chúa ban cho họ mặc dù họ đang còn tội lỗi? Nếu không thì sự ban cho đó đến từ đâu, phải chăng là đến từ ma quỷ ạ?

Đáp:

“Ai biết được các sự sai lầm mình? Xin Chúa tha các lỗi tôi không biết.” (Thi Thiên 19:12).

Vì vậy, người có tấm lòng yêu kính Chúa thường xuyên tra xét mình, cũng như xin Chúa tha thứ cả những tội mình không biết. Như vậy, họ cầu nguyện với Chúa và được Chúa đáp lời là điều hiển nhiên.

Hỏi:

Trong Lê-vi Ký 25:26-27 có chép như sau:

“Nếu người nào không có ai được quyền chuộc lại, nhưng tự lo cho có gì chuộc lại được, thì phải tính từ năm đã bán bồi số trội cho chủ mua, rồi người sẽ được nhận sản nghiệp mình lại.” 

Con không hiểu rõ lắm ở câu Thánh Kinh này ạ, “bồi số trội” có nghĩa là như thế nào ạ? Vì sao khi muốn chuộc lại đất thì chính chủ lại phải trả một khoản tiền thêm đó vậy ạ?

Đáp:

Lê-vi Ký 25:26-27 đã được hiệu đính lại:

“Nếu người nào không có ai được quyền chuộc lại, nhưng tự lo cho có gì chuộc lại được, thì phải tính từ năm đã bán để trả số tiền còn lại cho chủ mua, rồi người sẽ được nhận sản nghiệp mình lại.”

Theo luật lệ của Năm Vui Mừng thì khi một người bán đất cho người khác, đến Năm Vui Mừng đất sẽ trở về nguyên chủ mà người chủ không phải mất tiền chuộc. Nhưng nếu chưa đến Năm Vui Mừng, người chủ cũ muốn lấy lại đất của mình thì phải bỏ ra một số tiền để chuộc lại.

Ví dụ vào năm thứ 10 người A bán mảnh đất của mình cho người B với giá 40 triệu. Như vậy, người B được sử dụng mảnh đất đó trong 40 năm với giá 40 triệu, mỗi năm tương ứng với 1 triệu.

Nếu năm thứ 40, người A muốn chuộc lại, thì người A phải trả cho người B số tiền 1 triệu x 10 năm = 10 triệu.

Nếu để đến Năm Vui Mừng, thì người A không mất tiền chuộc đất, mà đương nhiên được lấy lại đất của mình.

Có thể hiểu rằng, đó là hình thức cho thuê đất, thời gian tối đa là 50 năm. 

Hỏi:

Một anh chị em gọi là B trong Hội Thánh đã từng làm ra việc có lỗi với A. Tuy sau đó B đã ăn năn và xin lỗi A, A cũng bảo sẽ tha thứ cho B nhưng trong lòng A lại vẫn luôn có cảm giác khó chịu. A muốn tha thứ cho B nhưng cảm xúc trong lòng A lại không nghe theo lí trí, A khổ tâm nhưng nhiều khi trong vô thức lại luôn cảm thấy buồn giận B. Vậy thì như thế khi A cầu nguyện xin Chúa tha thứ tội lỗi cho mình, Chúa liệu có tha thứ cho A không? Vì sao?

Đáp:

Chúng ta biết rõ nếu chúng ta không hết lòng tha thứ cho người anh chị em phạm lỗi với mình, thì chúng ta phạm tội không yêu thương họ. Như vậy chúng ta đã phạm tội với Chúa. Nếu muốn Chúa tha thứ cho mình thì phải ăn năn tội đó. Nếu không ăn năn thì làm sao được Chúa tha thứ.

Thật ra một người chỉ cần biết rằng mình xấu xa, phạm bao nhiêu tội mà Chúa còn tha thứ cho mình. Thì mình là ai lại không tha thứ cho người khác? Khi đó thì sẽ dễ dàng tha thứ cho người khác.

Nếu đã hết lòng tha thứ cho người phạm lỗi, mà cảm giác khó chịu vẫn đến thì dâng trình lên Chúa xin Chúa đem điều đó ra khỏi đời sống mình. Nhân danh Chúa trục xuất sự buồn giận khó chịu ra.

Hỏi:

Khi có ai đó thân thiết với chúng ta cười nhạo chúng ta ngu ngốc, cuồng tín khi chọn chịu khổ đủ điều để theo Chúa thì chúng ta nên phản ứng như thế nào (thái độ, lời nói, hành động…)?

Đáp:

Chúng ta nói với họ một lần rằng mỗi người có quyền tự do tín ngưỡng, xin phép không nói chuyện nữa, rồi rời đi mà không cần nói gì thêm. Chúng ta chọn rời đi là vì chúng ta không muốn nghe những lời xúc phạm, và không tạo cớ cho họ nói thêm những điều phạm tội. Không phải chúng ta không tôn trọng họ.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Thu Thủy

Để lại một bình luận