Thiếu Niên Thảo Luận Tháng 5/2022

235 lượt xem

Hỏi:

Một con dân Chúa bị bệnh tên A, nên có nhờ người (anh, chị em cùng đức tin tên B) giúp đỡ, (trong lúc người B này hơi bị mệt mỏi) đưa đi thăm khám tại bệnh viện cách nơi ở chừng vài km, nhưng A bị người B từ chối mà không nói lý do, mặc dù nếu người B cố gắng thì vẫn có khả năng giúp đỡ A. Vậy, trong trường hợp này, người B đó có phải là người thiếu tình yêu thương anh chị em cùng Cha hay không? Vì sao?

Đáp:

Trong trường hợp này B đã thiếu tình yêu thương với A, vì

Lời Chúa dạy:

“Bằng hữu thương mến nhau luôn luôn; và anh em sinh ra để giúp đỡ trong lúc hoạn nạn.” (Châm Ngôn 17:17).

Nhưng B lại không giúp đỡ A khi A đang yếu đuối về sức khỏe và đang cần được giúp đỡ.

Lời Chúa dạy:

“Vậy, đang lúc chúng ta có dịp tiện, hãy làm điều thiện cho mọi người, trước hết là cho những người nhà trong đức tin của chúng ta.” (Ga-la-ti 6:10).

Nhưng B lại từ chối giúp đỡ A trong khi mình có khả năng. Nếu B lúc đó không có khả năng giúp đỡ A, thì cần thông báo ngay cho Hội Thánh, để Hội Thánh cử người kịp thời giúp đỡ cho A.

Hỏi:

Trên đường đi học về, bạn A nhìn thấy một người say rượu, nhưng thân hình to lớn hơn A, ông ta có hành động khủng bố tinh thần một bạn thiếu niên cách vô cớ (đuổi theo), làm bạn ấy ngã xuống đường. Trong lúc bạn thiếu niên ấy Rất có nguy cơ bị đánh, vậy, bạn A cần phải xử trí thế nào?

Đáp:

A nên lập tức cầu xin Chúa giúp đỡ. Sau đó, nhanh trí chạy lại nơi gần nhất có đông người để nhờ sự giúp đỡ của họ cho bạn thiếu niên kia. Có thể là đồn công an, ban giám hiệu nhà trường, các quán bán hàng gần trường học.

Hỏi:

Khi bạn A làm ra lỗi với người khác sau đó bạn A bị người kia chửi mắng với từ ngữ xúc phạm và thiếu tôn trọng bạn. Bạn A đã phản ứng lại giận dữ, đáp trả người kia với lời lẽ khó chịu. Hành động của bạn A như vậy là đúng hay sai? Bạn A nên làm gì để giữ bình tĩnh trong trường hợp ấy?

Đáp:

Hành động của bạn A là sai. Vì bạn A là người gây ra lỗi trước, nên sự giận của bạn A không phải là sự giận công chính.

Nếu bạn A làm sai, thì nên ăn năn xưng tội với Chúa trước, sau đó mới đến xin lỗi người mà mình mắc lỗi. Như vậy, được Chúa ban ơn, gìn giữ để không có hành động sai.

Hỏi:

Làm sao để chúng ta có thể biết được khi nào là điều Chúa sửa phạt chúng ta và khi nào là sự Chúa cho phép xảy đến để thử thách đức tin của chúng ta ạ?

Đáp:

Nếu nan đề xảy đến, trước hết chúng ta cầu nguyện tra xét mình. Nếu mình không phạm tội với Chúa thì nan đề xảy đến là sự cho phép của Chúa để thử thách đức tin của chúng ta. Nếu mình có phạm tội với Chúa, thì là điều Chúa sửa phạt để nhắc nhở, cảnh tỉnh chúng ta.

Hỏi:

A cùng gia đình và họ hàng tham gia chuyến đi chơi về Vũng Tàu. Giữa đường họ ghé qua một ngôi chùa để thăm người quen trong đó, sẵn tiện dùng bữa tại chùa. A bối rối không biết có nên bước vào hay không. Mẹ A thấy A lưỡng lự thì giục A, khiến A căng thẳng. A nên làm gì trong trường hợp này mới đúng ý Chúa?

Đáp:

Nếu A đã từng bày tỏ đức tin của mình với gia đình rồi, thì cứ thẳng thắn nói, con không muốn vào chùa, cũng không muốn ăn cơm tại chùa. Rồi xin phép gia đình cho mình ở ngoài quán nước, quán cơm gần đó đến khi mọi người nghỉ ngơi xong.
Nếu A chưa bày tỏ đức tin của mình thì hoặc là A cứ từ chối nói không muốn vào, nhưng nhớ đừng viện lý do khác không có thật lại trở thành nói dối; hoặc là A cần bày tỏ đức tin với gia đình để không bị ép buộc đi vào. Nói thì có vẻ đơn giản và dễ dàng, nhưng thực tế trong hoàn cảnh đó thì chắc chắn là sẽ bối rối, khó xử, kèm chút sợ hãi. Các con cần phải xin Chúa thêm đức tin và sự dạn dĩ cho mình để vượt qua được cám dỗ và thử thách.

Hỏi:

Hiện nay nếu có một người đứng ra nhân danh Chúa làm phép lạ chữa lành cho nhiều người, đến mức lên mặt báo tin tức thì người đó có phải tiên tri giả không? Vì sao?

Đáp:

Lời Chúa trong Ma-thi-ơ 7:15-20 giúp chúng ta phân biệt người nào là tiên tri thật, người nào là tiên tri giả. Chúa dạy chúng ta nhìn trái biết cây, tức là nhìn vào đời sống của một người: từ cách ăn nói, việc làm, thái độ… có làm vinh hiển danh Chúa không, từ đó mà biết họ có thật là tiên tri của Chúa hay không. Chúng ta không dựa vào những dấu kỳ, phép lạ của một người làm ra để nhận định họ có phải là tiên tri của Chúa hay không. Bởi vì, ma quỷ cũng có thể làm ra các phép lạ. Như các thuật sĩ Ê-díp-tô cũng hóa gậy thành con rồng giống như Môi-se làm (Xuất Ê-díp-tô Ký 7:11). Và Lời Chúa cũng nói: “Và chẳng lạ gì, vì chính Sa-tan tự giả dạng thành thiên sứ của sự sáng” (II Cô-rinh-tô 11:14).

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Thu Thủy

Để lại một bình luận