Dân Số Ký 1 Tu Bộ Dân I-sơ-ra-ên và Phần Việc của Chi Phái Lê-vi

645 lượt xem

Giới Thiệu Sách Dân Số Ký
Tu Bộ Dân I-sơ-ra-ên và Phần Việc của Chi Phái Lê-vi

Nguyễn Thị Thu Thủy

Giới Thiệu Sách Dân Số Ký

Tên sách

“Dân số” có nghĩa là tập hợp những con người sống tại một vùng. “Ký” có nghĩa là ghi chép lại. “Dân số ký” có nghĩa là ghi chép lại số lượng những con người cùng sinh sống tại một vùng. Cụ thể ở đây, sách Dân Số Ký là sách ghi chép lại số người thuộc dân tộc I-sơ-ra-ên kể từ khi họ bắt đầu đi từ Núi Si-na-i để tiến về vùng đất hứa Ca-na-an trong khoảng thời gian 40 năm.

Người viết

Dân Số Ký là sách thứ tư trong năm sách do Môi-se viết.

Bố cục và nội dung

Sách Dân Số Ký gồm 36 chương:

  • Chương 1 – Chương 10:10: Sự chuẩn bị ra đi từ Núi Si-na-i.
    Sau khi dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô, tại đồng vắng Si-na-i, để chuẩn bị cho cuộc hành trình tiến về vùng đất hứa Ca-na-an, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán dặn Môi-se về việc: dựng sổ dân I-sơ-ra-ên, về việc đóng trại theo thứ tự; kê sổ, thứ tự đóng trại, phần việc của chi phái Lê-vi cùng các việc khác.
  • Chương 10:11 – Chương 21: Kiều Ngụ Nơi Đồng Vắng.
    Dân I-sơ-ra-ên đi từ Si-na-i đến và kiều ngụ tại đồng vắng Pha-ran. Tại đây, Chúa cho phép những khó khăn xảy đến, và dân sự đã lằm bằm, dấy loạn, nói nghịch lại Môi-se.
  • Chương 22 – Chương 36: Kiều Ngụ Trong Đồng Bằng Mô-áp.
    Dân I-sơ-ra-ên đi từ đồng vắng Pha-ran đến và kiều ngụ tại đồng bằng Mô-áp, gần sông Giô-đanh. Chúa phán dặn Môi-se tu bộ lại dân sự, các luật về sản nghiệp, của lễ dâng, sự hứa nguyện, và những lời phán dặn của Chúa trước khi dân sự vào đến vùng đất hứa Ca-na-an.

Tu Bộ Dân I-sơ-ra-ên và Phần Việc của Chi Phái Lê-vi

Các em thiếu niên thân mến,

Sau khi dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với Môi-se tại đồng vắng Si-na-i về việc dựng sổ dân chúng theo họ hàng và tông tộc, đếm từng tên của hết thảy những người nam từ 20 tuổi trở lên.

“Vậy, Môi-se kê sổ chúng nó tại đồng vắng Si-na-i, y như Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã phán dặn.” (Dân Số Ký 1:19).

Trước khi dân I-sơ-ra-ên chính thức bắt đầu cuộc hành trình tiến về vùng đất hứa Ca-na-an, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu muốn Môi-se và A-rôn kê sổ hết thảy những người nam ở độ tuổi từ 20 trở lên, là độ tuổi đi ra chiến trận được. Không phải vì Chúa cần biết xem dân sự có bao nhiêu người nam có thể đi ra trận nên muốn Môi-se kê sổ, mà Chúa muốn Môi-se và A-rôn cùng mười hai tộc trưởng của các chi phái là những người lãnh đạo nắm biết được số người nam có thể ra trận. Đồng thời qua sự kê sổ đó như một lời nhắc nhở, giúp cho những người nam từ 20 tuổi trở lên ý thức được bổn phận và trách nhiệm của mình khi đã trưởng thành là bảo vệ dân tộc nếu có chiến tranh xảy ra. Đây là điều cần thiết cho dân I-sơ-ra-ên, vì Chúa biết trước rằng trên hành trình tới đất hứa, họ sẽ phải trải qua các cuộc chinh chiến.

Khi Chúa phán dặn Môi-se về việc kê sổ, Ngài cũng hướng dẫn Môi-se và A-rôn từng bước trong việc làm. Đó là kê số người theo từng chi phái. Đồng thời, Chúa cũng dặn rằng mỗi chi phái cần cử ra tộc trưởng, quan trưởng của các chi phái, cũng là quan tướng của quân đội của I-sơ-ra-ên để giúp đỡ Môi-se và A-rôn trong việc kê sổ. Như vậy, có mười hai quan trưởng của mười hai chi phái đứng ra phụ giúp Môi-se và A-rôn hoàn thành việc kê sổ. Mỗi quan trưởng kê sổ cho chi phái của mình, tổng số những người nam có thể đi ra trận của mười hai chi phái sau khi kê được là 603.550 người.

Chúng ta thấy việc kê số người theo từng chi phái vừa giúp việc kê sổ được nhanh gọn, người thực hiện cũng dễ dàng, mà công việc lại sớm hoàn thành nhanh chóng. Việc chọn 12 quan trưởng cũng thật là một sự sắp xếp đầy khôn sáng và hợp lý, vì không ai nắm rõ người trong tộc đó cho bằng người tộc trưởng của họ. Đồng thời việc kê sổ như vậy giúp cho người lãnh đạo dễ dàng trong việc nắm bắt và quản lý dân sự.

Qua đây chúng ta học được sự khôn sáng, sự cẩn thận, chu toàn và ân cần từ nơi Chúa khi Ngài sắp đặt công việc cho Môi-se. Vậy thì, mỗi việc làm từ thuộc thể đến thuộc linh khi chúng ta được giao, thì chúng ta cần cầu nguyện với Chúa xin Chúa ban cho sự khôn sáng để đề ra cách thức làm việc tốt nhất và sắp xếp người làm phù hợp nhất, rồi mới tiến hành làm. Như vậy, công việc sẽ sớm được hoàn thành, những người được phân công cho các công việc cũng dễ dàng thực hiện tốt công việc được giao. Chúng ta cũng học được rằng khi giao việc cho ai đó làm thì cần hướng dẫn và chỉ dạy họ cách làm việc sao cho tốt nhất, để họ cũng mau chóng hoàn thành công việc được giao.

Riêng chi phái Lê-vi thì không kê sổ chung với những chi phái khác, bởi vì Chúa đã biệt riêng người Lê-vi cho các công việc của Đền Tạm, họ không phải đi ra trận. Người Lê-vi sẽ coi sóc Đền Tạm và hết thảy đồ đạc của Đền Tạm. Khi nào Đền Tạm cần di chuyển thì người Lê-vi sẽ tháo dỡ, khi nào cần dựng lại thì họ sẽ dựng lên, họ sẽ làm hết các công việc của Đền Tạm và đóng trại chung quanh Đền Tạm. Chúng ta thấy rằng, công việc của người Lê-vi cũng rất là quan trọng. Trong khi công việc của 12 chi phái là lao động, bảo vệ và gây dựng về thuộc thể; thì chi phái Lê-vi chuyên tâm lo coi sóc Đền Tạm và các công việc của Đền Tạm là sự lao động, bảo vệ và gây dựng về thuộc linh.

Qua đây, chúng ta thấy rằng, trước khi dân I-sơ-ra-ên bước vào các cuộc chiến trận, trải qua những thử thách nơi đồng vắng. Chúa không chỉ căn dặn để dân sự chuẩn bị về thuộc thể, mà Ngài còn căn dặn dân sự chuẩn bị về thuộc linh. Đền Tạm là nơi họ thờ phượng Chúa, tìm kiếm Ngài, xin những sự chỉ dẫn từ nơi Ngài. Vậy ngày nay, trên mọi hành trình của chúng ta không thể thiếu vắng sự chuẩn bị kỹ càng về thuộc linh, không thể thiếu sự tương giao với Chúa qua việc cầu nguyện và đọc Lời Chúa. Bởi từ đó chúng ta mới có được sự khôn sáng để bước đi theo đúng thánh ý Chúa trọn hành trình của mình.

“Trong mọi lúc, hãy cầu nguyện với mọi lời cầu nguyện và khẩn xin trong thần trí!” (Ê-phê-sô 6:18).

“Lời Ngài là ngọn đèn cho chân tôi và ánh sáng cho đường lối tôi.” (Thi Thiên 119:105).

Vậy, bài học dành cho chúng ta là gì? Đối với lứa tuổi các bạn còn đang là những thiếu niên, đang có bổn phận và trách nhiệm trong công việc học tập văn hóa và phụ giúp bố mẹ các công việc trong gia đình. Có những khi tới kỳ thi cần nhiều thời gian ôn thi, có những khi trong gia đình công việc quá nhiều việc thuộc thể cần làm. Nhưng chúng ta không phải vì bận rộn quá với các công việc đó mà quên đi hoặc lơ là đi sự tương giao với Chúa qua việc cầu nguyện và đọc suy ngẫm Lời Chúa. Chúng ta cũng nên tự ấn định cho mình những thời gian riêng tư trong sự cầu nguyện và đọc Lời Chúa, và khi đã biệt riêng thời gian đó rồi thì nên giữ gìn và trung tín trong việc đó. Vì chính nhờ sự tương giao với Ngài, chúng ta được ban ơn, thêm sức, và dẫn dắt để hoàn thành các công việc kia một cách tốt đẹp nhất theo thánh ý của Chúa.

Chúa cũng phán dặn dân sự trong việc đóng trại quân mình, mỗi trại theo từng đội ngũ, phải đóng gần bên ngọn cờ của mình. Riêng người Lê-vi thì đóng trại chung quanh Đền Tạm, vì đó là bổn phận của người Lê-vi họ phải coi sóc luôn luôn. Nếu không sẽ có cơn thịnh nộ từ nơi Chúa giáng trên dân sự. Qua đây chúng ta học biết rằng Chúa là Đấng làm việc có thứ tự và trật tự. Khi công việc đã được giao cách rõ ràng thì người nhận việc cũng cần làm việc cách nghiêm túc để làm tròn bổn phận mình được giao. Mười hai chi phái cần đóng trại theo từng đội ngũ, có kỷ luật, có nề nếp, trật tự, luôn sẵn sàng nếu có chiến trận xảy đến. Còn người Lê-vi thì đóng trại chung quanh Đền Tạm để bảo vệ và coi sóc, làm tròn bổn phận mình được giao. Việc đóng trại như vậy cũng giúp cho các quan trưởng và những người lãnh đạo dễ quản lý, nắm bắt và bao quát được tình hình của dân sự.

Các bạn thiếu niên thân mến,

Qua việc Chúa phán dặn Môi-se trong việc kê sổ, Môi-se vâng lời truyền lại cho các quan trưởng trong việc thi hành; và việc sắp đặt công việc cho chi phái Lê-vi cùng cách đóng trại. Chúng ta thấy rằng Chúa phán dặn, Môi-se làm “y như Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã phán dặn” (Dân Số Ký 1:19), Môi-se truyền lệnh, dân sự “làm y như mọi điều Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã phán dặn Môi-se” (Dân Số Ký 1:54). Mọi sự có thứ tự và trật tự. Chúa phán dặn người lãnh đạo và chịu trách nhiệm dẫn dắt dân sự. Người lãnh đạo truyền lệnh, dân sự làm y theo. Tất cả đều làm đúng và làm tròn bổn phận của mình. Người lãnh đạo nhận biết ý muốn của Chúa thì truyền dặn dân sự và làm y theo. Dân sự nhận lệnh của người dẫn dắt thì làm y theo. Chúa có chương trình của Ngài, đường lối và ý tưởng của Ngài cao hơn của chúng ta. Chỉ khi chúng ta vâng lời và làm theo thì mới có thể hiểu được ý định tốt lành của Ngài trên đời sống của chúng ta. Ngày nay, Chúa cai trị Hội Thánh của Ngài qua người chăn và các trưởng lão. Quan trọng là chúng ta hết lòng vâng lời Chúa, vâng phục những người chịu trách nhiệm dẫn dắt chúng ta trong thuộc linh. Vì Chúa dùng họ để chăn dắt chúng ta.

“…Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đẹp lòng của lễ thiêu và của lễ thù ân bằng sự vâng theo Lời phán của Ngài sao? Sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực.” (I Sa-mu-ên 15:22).

“Hãy vâng lời những người dắt dẫn các anh chị em và chính mình các anh chị em chịu phục họ. Vì họ thức canh về linh hồn của các anh chị em, mà họ phải khai trình, để cho họ làm việc đó với sự vui mừng, mà không phiền lòng. Vì sự phiền lòng ấy chẳng ích lợi cho các anh chị em.” (Hê-bơ-rơ 13:17).

Nguyện rằng qua bài học hôm nay, các bạn thiếu niên rút ra được các bài học về thuộc thể về sự gọn gàng, nề nếp, và biết cách sắp đặt công việc một cách khôn sáng; cũng như rút ra được các bài học thuộc linh về sự luôn giữ mối tương giao với Chúa, hết lòng vâng phục Chúa, vâng phục người dẫn dắt mình trong thuộc linh.

Để lại một bình luận