Thiếu Niên Thảo Luận Tháng 7/2022

244 lượt xem

Hỏi:

Vì sao người Lê-vi không được chia đất, không được kê sổ chung với những chi phái khác, và không được tham gia vào quân đội của dân I-sơ-ra-ên?

Đáp: 

Trong Dân Số Ký 1:47-51 cho chúng ta biết lời phán dặn của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu với Môi-se về chi phái Lê-vi là: không ghi sổ chung chi phái Lê-vi với dân I-sơ-ra-ên, phần việc của họ là coi sóc Đền Tạm, khuân vác Đền Tạm và làm các công việc về Đền Tạm.

Trong Dân Số Ký 18:24 cho chúng ta biết cơ nghiệp của người Lê-vi chính là thuế một phần mười mà dân I-sơ-ra-ên dâng cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Vì vậy, họ sẽ không được chia đất nữa. Như vậy họ cũng tập trung lo liệu các công việc thờ phượng Chúa được chu toàn.

Hỏi: 

Bạn A và bạn B (là anh em cùng đức tin) vốn thường có sự bất đồng ý kiến với nhau trong cuộc sống. Rồi một lần hai bạn tranh luận với nhau về chuyện mặc đồ hằng ngày, dẫn đến lớn tiếng với nhau. Bạn A thấy tình hình căng thẳng quá nên đã chủ động hạ mình, xin lỗi bạn B và bạn B đã tiếp nhận sự xin lỗi của ban A. Nhưng sau đó bạn A vẫn không thỏa lòng nên hay nhắc lại chuyện cũ, vì bạn B hay tỏ vẻ sự thắng hơn của mình. Bạn có nhận xét gì về cách xử sự của bạn A và bạn B?

Đáp:

Cả A và B đều hành xử thiếu sự khôn sáng đến từ nơi Chúa. Những sự bất đồng ý kiến trong cuộc sống có thể là những việc liên quan đến đức tin, hoặc là những việc không liên quan đến đức tin. Nếu liên quan đến đức tin thì phải dùng Lời Chúa để phân định đúng sai để tìm ra điều đúng mà vâng theo. Nếu chỉ là những sở thích, cá tính riêng của mỗi người không sai nghịch lời Chúa thì vì tình yêu thương mà nhường nhịn nhau.

Việc mặc đồ hàng ngày cũng vậy, nếu là hở hang, phản cảm, ăn mặc không phù hợp hoàn cảnh, không sáng danh Chúa thì không được mặc, người sai cần tiếp thu ý kiến và sửa đổi. Bạn A xin lỗi phải là vì thật lòng biết sai nếu đưa ra ý kiến sai, chứ không được vì sợ mất lòng mà xin lỗi, cũng không xin lỗi để cho qua chuyện.

Nếu trong trường hợp các em có sự bất đồng ý kiến với một anh chị em cùng đức tin thì nên tìm các cô chú trong Ban Chăm Sóc để hỏi phân định đúng sai theo Lời Chúa. Chúng ta hỏi để biết thế nào là đúng theo Lời Chúa để làm, không phải để hơn thua với anh chị em.

Hỏi:

Chúa có thẩm quyền thương xót ai thì thương xót. Vậy điều đó có phải là Ngài không yêu thương loài người đồng đều hay tư vị trong cách phán xét, đối xử với loài người? Vì sao?

Đáp:

Chúng ta biết Lời Chúa chép rằng:

“Như vậy, Ngài thương xót ai Ngài muốn và Ngài làm cứng lòng ai Ngài muốn.” (Rô-ma 9:18).

Và Lời Chúa cũng chép:

“Vì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là công chính; Ngài yêu sự công chính: Những người ngay thẳng sẽ nhìn xem mặt Ngài.” (Thi Thiên 11:7).

“Sự kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là trong sạch, còn mãi; các sự phán xét của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là chân thật, hết thảy đều công chính cả.” (Thi Thiên 19:9).

Như vậy, qua Lời Chúa chúng ta biết và tin rằng Chúa là Đấng Công Chính. Vì vậy, Ngài không hề tư vị. Ngài luôn ban cho loài người những cơ hội để ăn năn, đó là bởi lòng thương xót của Ngài. Nhưng không phải Ngài cứ phải ban cho cơ hội để ăn năn theo ý của người phạm tội, mà tùy vào sự thương xót và sự biết trước của Ngài.

Hỏi:

A bị một anh chị em gọi là B trong Hội Thánh nói xấu và vu khống. Về sau mọi chuyện lớn đến nỗi Hội Thánh phải can thiệp vào, kết quả thì B vì hiềm khích đã lâu nên không chịu ăn năn và bị dứt thông công. Còn A ngoài mặt không nói gì nhưng trong lòng vẫn tức giận. Thế thì nếu B đã bị dứt thông công, và A không chịu tha lỗi cho B thì A có được Chúa tha thứ tội lỗi hay không?

Ngay khi B phạm lỗi với A thì B vẫn còn là anh chị em cùng đức tin. Lời Chúa nói rõ:

“Nếu mỗi người trong các ngươi không hết lòng tha lỗi cho anh chị em của mình, thì Cha Ta ở trên trời cũng sẽ xử với các ngươi như vậy.” (Ma-thi-ơ 18:35).

Việc A tức giận, không chịu tha lỗi cho B thì A đã sai. Đã làm sai với Lời Chúa dạy mà không ăn năn thì làm sao được Chúa tha thứ. Đương nhiên khi bị người khác vu khống, hiểu lầm, nói xấu thì chúng ta không thể tránh khỏi những sự đau buồn. Nhưng đừng để lòng giận ghét họ rồi dẫn đến sự sai phạm là không tha thứ cho họ. Vì chính chúng ta được Chúa yêu và chết thay cho tội lỗi của chúng ta trước khi chúng ta phạm tội. Việc để lòng giận ghét, không tha thứ cho họ vừa sai với Lời Chúa dạy, vừa chẳng mang lại ích lợi gì.

Hỏi:

Có một người nói rằng vì trong ngụ ngôn về người làm công trong vườn nho, người chủ trả công cho mỗi người là như nhau. Vậy nên người ấy nghĩ rằng với những con dân yêu kính Chúa, hy sinh cho Ngài, dù cho tấm lòng của họ dành cho Chúa có thể khác nhau, thì phần thưởng Chúa ban cho họ ở Nước Trời vẫn sẽ như nhau. Theo bạn, suy nghĩ của người ấy là đúng hay sai? Vì sao?

Đáp:

Ngụ ngôn người làm công trong vườn nho được chép trong Ma-thi-ơ 20:1-16 nói về sự cứu rỗi mà Chúa ban cho loài người. Một người tin nhận Chúa từ sớm hay cuối đời tin nhận Chúa thì nếu thật lòng ăn năn tội và tin nhận Chúa thì vẫn được hưởng sự cứu rỗi như nhau. 

Còn về phần thưởng Chúa ban cho mỗi người ở Thiên Đàng là tùy thuộc vào tấm lòng của họ hầu việc Chúa, tùy thuộc vào kết quả việc làm của người ấy (Khải Huyền 22:12).

Hỏi:

Bạn A sinh hoạt trong Hội Thánh, bạn vâng lời theo thứ tự dẫn các tiết mục, định dạng bài chia sẻ theo hướng dẫn của ban chăm sóc, bạn giữ gìn trật tự khi nhóm họp thờ phượng Chúa… Nhưng khi ở ngoài đường hay ở trường lớp, bạn hay có tật chen lấn khi xếp hàng, không nhường người khác hay bạn hay đùa giỡn mất trật tự trong giờ học. Bạn nghĩ gì rằng chỉ cần vâng theo Lời Chúa trong Hội Thánh là đủ. Các bạn nghĩ thế nào về hành động của bạn A?

Đáp:

Bạn A như vậy là sống giả hình. Vì chỉ gắng tỏ ra cho Hội Thánh thấy mình đã làm được đúng như Lời Chúa dạy, nhưng nếp sống thật thì không làm sáng danh Chúa. Đời sống của con cái Chúa phải là muối của đất, sự sáng của thế gian, hầu cho người ngoại nhìn vào đời sống của mình mà nhìn thấy Chúa như thế nào. Những việc như chen lấn, không nhường nhịn, đùa giỡn gây mất trật tự trong giờ học là những điều không đẹp lòng Chúa, không sáng danh Chúa, không xứng hiệp với nếp sống của một người tin Chúa.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Thu Thủy

Để lại một bình luận