Ngụ Ngôn về Hai Người Con Trai
Nguyễn Thị Thùy Linh
Các cháu thiếu niên thân mến!
Cảm tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta Thánh Kinh là Lời của Ngài, để chúng ta được học biết về Chúa, học biết về những sự dạy dỗ của Ngài cho chúng ta. Thời gian qua chúng ta đã được cùng nhau học về các bài giảng của Đức Chúa Jesus và hiện tại chúng ta cùng nhau học về những ngụ ngôn mà Đức Chúa Jesus giảng dạy khi Ngài thi hành chức vụ trên đất. Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau tiếp tục học về ngụ ngôn nữa đó là ngụ ngôn về hai người con trai.
Ngụ ngôn này Đức Chúa Jesus rao giảng sau khi có các thầy tế lễ cả và các trưởng lão đến để hỏi Đức Chúa Jesus bởi quyền phép nào và ai đã ban cho Ngài, mà Đức Chúa Jesus có thể làm những việc lạ lùng trước mắt họ.
Ngụ ngôn về hai người con trai Chúa Jesus dùng là để dạy cho họ biết và Chúa muốn nói về họ, nhưng liệu rằng họ có nhận biết được họ chính là một trong những người con trai mà Chúa Jesus muốn nói đến hay không.
Ngụ ngôn đó như sau:
Ma-thi-ơ 21: 28-32.
28 Các ngươi nghĩ làm sao? Một người kia có hai đứa con trai; nói với đứa thứ nhất, mà rằng: Con ơi, bữa nay con hãy ra làm vườn nho.
29 Đứa ấy thưa rằng: Vâng; rồi không đi.
30 Kế đó, người cha đi đến đứa thứ hai, cũng bảo như vậy. Đứa này thưa rằng: Tôi không muốn đi. Nhưng sau hối tiếc, rồi đi.
31 Trong hai con trai đó, đứa nào làm theo ý muốn của cha? Họ đáp rằng: Đứa thứ hai. Đức Chúa Jesus phán với họ rằng: Thật sự, Ta nói với các ngươi, những kẻ thu thuế và phường đĩ điếm sẽ được vào Vương Quốc của Đức Chúa Trời trước các ngươi.
32 Vì Giăng đã theo đường công chính đến với các ngươi, nhưng các ngươi không tin, còn những kẻ thu thuế và phường đĩ điếm đã tin người; và các ngươi, khi đã thấy điều ấy, sau cũng không hối tiếc để tin người.
Một ngụ ngôn thật ngắn, nhưng nếu chúng ta suy ngẫm thì chúng ta sẽ thấy đầy sự dạy dỗ, nhắc nhở, thức tỉnh không phải chỉ riêng cho những thầy tế lễ cả, những người Pha-ri-si lúc bấy giờ mà cho cả chúng ta ngày hôm nay khi chúng ta xưng nhận mình là một cơ đốc nhân, là người tin Chúa.
Về ý nghĩa ngụ ngôn chắc hẳn khi chúng ta đọc vào sẽ không thấy khó hiểu lắm về ý nghĩa và bối cảnh câu chuyện Chúa Jesus muốn nói đến. Ngụ ngôn dạy về một người làm theo, một người thì không làm theo, tuy bên ngoài có vẻ như ngoan ngoãn dạ vâng.
Điều chúng ta đáng chú ý trong ngụ ngôn này là hai câu cuối:
31 Trong hai con trai đó, đứa nào làm theo ý muốn của cha? Họ đáp rằng: Đứa thứ hai. Đức Chúa Jesus phán với họ rằng: Thật sự, Ta nói với các ngươi, những kẻ thu thuế và phường đĩ điếm sẽ được vào Vương Quốc của Đức Chúa Trời trước các ngươi. Vì Giăng đã theo đường công chính đến với các ngươi, nhưng các ngươi không tin, còn những kẻ thu thuế và phường đĩ điếm đã tin người; và các ngươi, khi đã thấy điều ấy, sau cũng không hối tiếc để tin người.
Câu hỏi: Theo các con thì trong 2 câu này, điều đáng chú ý là ở chi tiết nào?
Điều đáng chú ý ở chi tiết này đó chính là câu hỏi của Chúa Jesus: “Trong hai con trai đó, đứa nào làm theo ý muốn của cha?”
Như chúng ta đã từng học qua về việc một người để được vào Vương Quốc Trời thì điều kiện đó chính là nghe và làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời.
“Chẳng phải hễ ai nói với Ta rằng: Lạy Chúa! Lạy Chúa! Thì sẽ được vào trong Vương Quốc Trời, nhưng ai làm theo ý muốn của Cha Ta, Đấng ở trên trời.” (Ma-thi-ơ 7:21).
Ý muốn của Đức Chúa Trời được chép trong Thánh Kinh. Nếu chúng ta tin rằng, Thiên Chúa có thật, Lời Chúa là có thật thì tất cả những gì được chép trong Thánh Kinh là thật và chúng ta phải nghe và làm theo.
Chúng ta nên nhớ là ngụ ngôn không phải là chuyện có thật, mà là dùng những thí dụ để dạy dỗ về một ý nghĩa nào đó mà người dạy dỗ muốn nói đến, nhằm giúp cho người nghe dễ tiếp thu và dễ hiểu, dễ hình dung ra. Trong ngụ ngôn này cũng vậy, Chúa dùng hình ảnh 2 người con trai một người vâng nhưng không làm, một người ban đầu không vâng nhưng sau lại đi làm.
Người con thứ nhất dạ vâng rồi không làm Đức Chúa Jesus muốn ám chỉ đến những thầy tế lễ và những người trưởng lão, Pha-ri-si thời bấy giờ. Khi họ được học biết về luật pháp của Chúa, họ chuyên tâm nghiên cứu và luôn thể hiện là một người hết lòng sống theo luật pháp, nhưng sự thật thì không phải như vậy. Chính họ lại là những người chối bỏ Chúa Jesus, chối bỏ những sự giảng dạy của Ngài và chối bỏ địa vị, quyền phép mà Chúa Jesus đang đứng trước họ đã làm. Điền hình ngày nay là những tôn giáo, giáo phái mang danh Chúa nhưng lại có những tôn giáo chối bỏ thần tính của Đức Chúa Jesus Christ, không vâng giữ luật pháp, không vâng theo những gì Thánh Kinh giảng dạy mà làm theo những điều luật của loài người và những tà giáo khác, như các phong trào đặt tay té ngã, nói tiếng lạ, chối bỏ ngày Sa-bát Thứ Bảy, đời sống kết những quả xấu…
Câu hỏi đặt ra: Hình ảnh người con trai thứ nhất đó có xảy ra đối với người con dân Chúa bình thường không hay chỉ những người lãnh đạo tôn giáo, thầy tế lễ thôi.?
Câu trả lời: Hình ảnh người con trai thứ nhất đó vẫn có thể xảy ra với người con dân Chúa bình thường và ở bất kỳ lứa tuổi nào, thiếu nhi, thiếu niên, thanh niên hay lão niên. Không phân biệt hay giới hạn giai cấp nào. Bởi vì những sự nghe và làm theo xuất phát từ tấm lòng của mỗi người.
Một người thật sự yêu Chúa và kính sợ Chúa thì họ sẽ nghe và làm theo cách chân thành và hết lòng. Người con dân Chúa bình thường không có tấm lòng thì chỉ lấy nghe mà làm đủ, làm cho cho có lệ, cho qua, bao biện cho những sự sai trái của mình. Mặc dù bên ngoài thì có vẻ như rất dễ nghe và tiếp thu, nhưng việc làm thì khác hoàn toàn.
Chúng ta hay nói, muốn được vào Thiên Đàng thì phải nghe và làm theo Lời Chúa, vâng giữ luật pháp, chúng ta hay có cách nói chung chung như vậy. Nhưng chúng ta đã từng bao giờ ngồi suy ngẫm lại nghe thì nghe như thế nào, làm theo thì làm như thế nào, vâng giữ thi vâng theo như thế nào mới là đúng ý Chúa.
Nghe là khi chúng ta được nghe biết đến Lời Chúa qua sự dạy dỗ của người chăn, người anh chị em cùng Cha, nghe bằng sự chúng ta đọc Thánh Kinh mỗi ngày. Làm theo là chúng ta làm y theo những gì Thánh Kinh dạy bảo. Chúng ta có yêu thương, có tha thứ, có cảm thông, có chuyên tâm cầu nguyện, có tránh xa môi trường cám dỗ, có áp dụng Lời Chúa, có vâng lời cha mẹ, người chăn, ban chăm sóc, nhà cầm quyền không…
Vâng giữ luật pháp là chúng ta có thực hiện đúng các điều răn của Thiên Chúa không, có biệt riêng ngày thánh ra cho Chúa không, có tôn thánh danh Chúa, có kính sợ Chúa trên hết mọi sự không…
Hình ảnh người con thứ hai thoạt đầu cho chúng ta thấy có vẻ đây là một người con ương ngạnh, không vâng lời. Nhưng rốt cuộc thì người con này lại là người đi ra vườn nho làm.
Thánh Kinh có câu như thế này.
“Cuối cùng của một việc hơn sự khởi đầu nó; lòng kiên nhẫn hơn lòng kiêu ngạo.” (Truyền Đạo 7:8).
Để nhìn nhận và đánh giá một người, chúng ta nhìn vào kết quả và việc làm của họ. Chúng ta gặp rất nhiều người nói thì giỏi nhưng làm thì không được, kể cả chính chúng ta, đôi khi chúng ta nói rất hay, nhưng việc làm của chúng ta thì ngược lại.
Người con trai thứ hai này có lẽ bản tính của anh ta vốn không phải là người nhẹ nhàng hay nóng nảy. Nhưng anh ta là người biết suy nghĩ, vâng lời. Tuy anh không vâng lời ngay khi cha sai bảo đi, nhưng anh suy nghĩ lại thì nghe theo.
Câu hỏi: Hình ảnh người con trai thứ hai này, em liên tưởng đến điều gì nơi con dân Chúa ngày nay?
Bản chất tội lỗi của loài người là chống nghịch, hay không vâng lời. Nhưng Thiên Chúa đã không vì vậy mà bỏ mặc loài người, Ngài vẫn cho loài người có cơ hội ăn năn và thay đổi. Chúa muốn ở tấm lòng của một người biết ăn năn cải hối, biết sửa sai và làm lại. Một người làm sai, sau lại ăn năn cải hối thì có giá trị nhiều hơn một người chỉ sống và thể hiện trên môi miệng nhưng tấm lòng và việc làm thì không có. Thế nên Đức Chúa Jesus đã tiên tri rằng:
“Ta nói với các ngươi rằng, trong sự vội vàng, Ngài sẽ làm sự bênh vực họ. Dù vậy, khi Con Người đến, Ngài sẽ tìm thấy đức tin trên đất chăng?” (Lu-ca 18:8).
Đức tin là sự thể hiện bằng việc làm. Nhưng một người nói tin mà không làm theo thì đó không phải đức tin.
Nói tóm lại: Ý nghĩa của ngụ ngôn mà chúng ta cùng nhau học ngày hôm nay Chúa Jesus dạy về sự vâng lời và làm theo. Những nhà thông thái, tế lễ cả, những người Pha-ri-si thời bấy giờ mặc dù họ biết luật, học luật, nghiên cứu luật pháp, nhưng khi Đấng Christ đến họ chối bỏ Ngài, họ không tin Ngài mà ngược lại còn ghanh ghét, vu khống cho Ngài, kể cả khi Ngài làm những phép lạ trước mắt họ. Họ cũng không tin vào những gì mà Giăng Báp-tít đã rao giảng.
Tương tự ngày nay những người là những giáo sư thần học, những nhà nghiên cứu Thánh Kinh những người đạo cao đức trọng, nhưng họ lại không vâng theo Thánh Kinh dạy, họ chạy theo danh tiếng, địa vị mà bỏ qua Lời Chúa, ngang nhiên bẻ cong Lời Chúa, chạy theo những dấu kỳ, phép lạ mà bị ma quỷ tha hồ lợi dụng tạo ra vô số các tà giáo nghịch lại Thánh Kinh.
Phường thu thuế và đĩ điếm là những người ở một cấp bật được cho là vô cùng tội lỗi và xấu xa, xã hội khinh khi và xa lánh họ, ghét họ. Nhưng chính họ lại là những người tin nhận Chúa, công nhận quyền năng của Ngài đến từ trời và công nhận Ngài là Chiên Con của Đức Chúa Trời. Họ vốn là những người thất học và ở tầng lớp thấp nhất của xã hội. Thế cho nên vì đức tin của họ mà họ được vào Vương Quốc Trời trước cả những người biết luật và học luật.
Ngày nay chúng ta mỗi người là con dân của Chúa, tin Lời Chúa qua Thánh Kinh, tin rằng Thiên Chúa có thật, thế nên mọi lời phán, lời tiên tri, lời dạy dỗ, lời cảnh cáo điều là thật và sẽ xảy ra, sẽ ứng nghiệm. Mỗi chúng ta hãy nghe câu Thánh Kinh này.
“Hỡi các con cái bé nhỏ, chớ yêu bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật.” (I Giăng 3:18).
Chúng ta nên nhớ rằng. Chúa là Đấng dò xét trong lòng, thử nghiệm trong trí, nên nếu chúng ta không có tấm lòng, tin Chúa trên môi miệng, không hết lòng sống và làm theo Lời Chúa thì cho dù chúng ta có đang ở trong Hội Thánh chân thật đi chăng nữa, ngày Chúa trở lại chúng ta vẫn bị bỏ lại.
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ