Ngụ Ngôn Về Người Trồng Nho
Nguyễn Thị Thùy Linh
Các con thân mến,
Hôm nay chúng ta cùng nhau tiếp tục học về các ngụ ngôn của Chúa Jesus khi Ngài thi hành chức vụ trên đất.
Hôm nay chúng ta cùng nhau học về ngụ ngôn: Người Trồng Nho.
Ngụ ngôn người trồng nho được ba sách cùng ghi chép lại đó là Ma-thi-ơ 21:33-46; Lu-ca 20:9-19; Mác 12:1-12.
Khi chúng ta đọc và so sánh thì ba sách điều viết về ngụ ngôn người trồng nho, có những chi tiết thì không giống nhau. Nhưng bài học và ý nghĩa thì là một như nhau.
Có phải Thánh Kinh mâu thuẫn với nhau không, trong khi cũng là một ngụ ngôn mà sách này và sách kia không giống hệt nhau. Cụ thể như trong Ma-thi-ơ 21: 40 – 41 ghi lại.
40 Vậy, khi người chủ vườn đến, thì sẽ xử với bọn làm vườn ấy thế nào?
41 Chúng trả lời rằng: Người chủ sẽ diệt đồ hung ác ấy cách khổ sở, và cho bọn trồng nho khác mướn vườn ấy, là kẻ sẽ nộp hoa lợi lúc đến mùa.
Chúa Jesus hỏi họ và những người đó trả lời.
Nhưng trong sách Mác và Lu-ca thì ghi lại là:
“Vậy thì chủ vườn nho sẽ làm thế nào? Người sẽ đến giết bọn trồng nho đó, rồi lấy vườn nho lại mà cho người khác.” (Mác 12:9).
“Họ ném con trai ấy ra ngoài vườn nho, và giết đi. Vậy chủ vườn sẽ xử họ làm sao? Chủ ấy chắc sẽ đến diệt những kẻ trồng nho này, rồi lấy vườn giao cho người khác. Ai nấy nghe những lời đó, thì nói rằng: Đức Chúa Trời nào nỡ vậy!” (Lu-ca 20: 15-16).
Như chúng ta biết, tác giả sách Ma-thi-ơ là do sứ đồ Ma-thi-ơ ghi lại. Tác giả sách Mác là do sứ đồ Mác. Còn Lu-ca thì tác giả là một bác sĩ.
Như trong bài đầu chúng ta đã học về sự tổng hợp của bốn sách Tin Lành. Mỗi sách đều do mỗi tác giả khác nhau khi lại, thế nên mỗi người ghi theo sự nghe, sự thấy của họ, theo khía cạnh của họ, thế nên bốn sách Tin Lành bổ trợ cho nhau, chứ không phải Thánh Kinh mâu thuẫn với nhau. Đọc trong Ma-thi-ơ thì chúng ta dễ hiểu được là Chúa Jesus hỏi thì những người trưởng lão, Pha-ri-si họ trả lời vì tác giả chép rõ như vậy. Nhưng trong sách Mác và Lu-ca thì chỉ chép lại câu hỏi liên tiếp sau đó là câu trả lời. Nếu đọc lướt qua thì chúng ta sẽ hiểu là Chúa Jesus tự hỏi rồi Ngài tự trả lời. Nhưng khi đọc lại Ma-thi-ơ thì chúng ta hiểu rõ hơn là, Chúa Jesus hỏi còn câu trả lời là của những người đang ở đó. Vậy nên bốn sách Tin Lành giúp chúng ta hiểu và nhìn thấy những khía cạnh khác nhau của một câu chuyện.
Câu chuyện ngụ ngôn này Chúa Jesus dùng hình ảnh một người chủ vườn nho, đã cho những người trồng nho thuê mướn, rồi ông ấy bỏ đi xa.
Đến vụ mùa thì sai đầy tớ đi thu hoa lợi. Nhưng bị những người thuê vườn nho đó đuổi giết mà không trả hoa lợi.
Cuối cùng thì người chủ vườn đành phải sai chính con trai mình đi thu hoa lợi vì nghĩ rằng họ sẽ nể con mình mà trả nhưng kết cục cũng bị những người thuê vườn nho đó quăng ra ngoài và giết đi.
Như cô đã chia sẻ trong bài học trước, ngụ ngôn chỉ là hình ảnh mà Chúa Jesus dùng để dạy dỗ đoàn dân, môn đồ và cả những người tìm cách hãm hại Ngài. Ngụ ngôn không phải là một câu chuyện có thật, và chúng ta cũng không nên cố gắng, bắt buộc giải nghĩa từng chi tiết của ngụ ngôn về ý nghĩa thuộc linh. Như chủ là ai, tôi tớ là ai, bọn trồng nho là ai, hoa lợi là gì cho tương xứng theo nghĩa thuộc linh. Nhưng chúng ta nên chú trọng về ý nghĩa mà Chúa Jesus đã dùng ngụ ngôn đó, Chúa muốn dạy điều gì, Chúa muốn nói về những điều gì.
Sau khi đọc ngụ ngôn, suy ngẫm và tham khảo thêm bài giảng của người chăn, cô muốn cùng chia sẻ với các con về ngụ ngôn mà chúng ta sẽ học hôm nay.
Về ngụ ngôn hôm nay chúng ta học có lẽ không khó hiểu về chi tiết của ngụ ngôn, nhưng điều chúng ta phải suy ngẫm và chú ý đến đó là câu hỏi của Chúa Jesus, câu trả lời của những người Pha-ri-si, các trưởng lão ở đó. Và lời tiếp theo đó của Chúa Jesus.
Thứ nhất là về câu hỏi của Chúa Jesus
“Vậy, khi người chủ vườn đến, thì sẽ xử với bọn làm vườn ấy thế nào?” (Ma-thi-ơ 21:40)
Chúng ta thấy rằng, Chúa Jesus không trả lời luôn câu hỏi của mình, mà Chúa hỏi để chính miệng họ trả lời.
Câu hỏi: Theo em vì sao Chúa Jesus lại hỏi họ để họ tự trả lời?
Như chúng ta đã từng học qua bài học sự định tội. Một người không được định tội người khác khi chính họ cũng phạm cùng một tội như vậy. Định tội bằng cách là xét đoán và đưa ra hình phạt cho người mà họ định tội đó.
“Vì các ngươi định tội ai với bản án nào, thì các ngươi sẽ bị định tội thế ấy; các ngươi lường mức nào, thì mức ấy sẽ lường lại cho các ngươi.” (Ma-thi-ơ 7:2).
Những người Pha-ri-si và các trưởng lão này là những người có tài ăn nói, họ cũng đưa ra hình phạt cho người ác, sao cho xứng với điều ác mà người ta đã làm. Họ trả lời theo lẽ công bình nhưng họ không ý thức rằng, những điều mà họ định tội đó cũng chính là họ lên án mình. Cho nên có lẽ họ bị nhục nhã và xấu hổ nên muốn tìm cách giết Chúa Jesus.
Thứ hai.
Câu hỏi của Đức Chúa Jesus:
“Đức Chúa Jesus ngó họ mà rằng: Vậy thì lời chép: Khối đá thợ xây nhà bỏ ra, trở nên đá góc nhà, nghĩa là gì?” (Lu-ca 20:17).
Đá góc nhà theo nghĩa đen là hòn đá đầu tiên mà thợ xây dùng để làm chuẩn để đo đạc, đá góc nhà là vật quan trọng cho các thợ xây. Nhà tất phải có nền, muốn có nền thì phải xây đá, vậy nên đá gốc nhà là càng quan trọng hơn.
Đá gốc nhà theo nghĩa bóng ở đây chính là Đức Chúa Jesus. Ngài chính là nền tảng nếu không có Ngài thì chúng ta cũng không làm được gì, Chúa Jesus là đá sống xây nên đền thờ thuộc linh trong mỗi chúng ta.
“Vì thế, các anh chị em chẳng còn là những khách lạ, những người ở trọ nữa, nhưng là những người đồng hương với các thánh đồ, và là những người nhà của Đức Chúa Trời, đã được xây dựng trên nền tảng của các sứ đồ và các tiên tri. Chính Đức Chúa Jesus Christ là đá góc nhà.” (Ê-phê-sô 2:19-20).
Chúng ta cùng nhau đi qua học về những lời phán tiếp theo của Đức Chúa Jesus.
“Bởi vậy, Ta phán với các ngươi, Vương Quốc của Đức Chúa Trời sẽ cất khỏi các ngươi, và cho một dân khác là dân sẽ có kết quả của nước đó. Kẻ nào rơi trên đá ấy sẽ bị giập nát, còn kẻ nào bị đá ấy rớt nhằm thì sẽ tan tành như bụi.” (Ma-thi-ơ 21: 43-44).
Tuyển dân của Chúa là dân được Ngài chọn và biệt riêng họ ra, Tin Lành cứu rỗi được ưu tiên cho tuyển dân của Ngài là dân I-sơ-ra-ên. Nhưng tiếc thay họ đã từ chối, không tiếp nhận mà còn tìm cách chống nghịch. Nên Vương Quốc Trời là sự cứu rỗi, là sự sống đời đời sẽ cất khỏi những người như vậy, mà ban cho dân ngoại là dân không phải là tuyển dân nhưng họ chịu bằng lòng tiếp nhận Vương Quốc Trời và kết quả.
Kẻ nào rơi trên đá là nói về dân I-sơ-ra-ên, kẻ nào bị đá ấy rớt nhầm là nói về toàn bộ các dân tộc, các chế độ bị dập tan trong những ngày cuối cùng.
Lời này cũng là lời tiên tri của Đức Chúa Jesus về dân do thái. Chúa đã im lặng với họ trong 400 trăm năm. Lời tiên tri của Chúa sau 40 tại họa đổ xuống thành Giê-ru-sa-lem bị tàn sát vào năm 70, thành và đền thờ bị đốt phá.
Gần 2000 năm dân I-sơ-ra-ên không ngày nào yên ổn cho đến năm 1948 được lập quốc nhưng họ vẫn sống trong sự sợ hãi, lo âu, chiến tranh với các nước láng giềng luôn ganh ghét và muốn tiêu diệt họ.
Qua ngụ ngôn này chúng ta thấy rằng có những người lòng thật cứng cỏi. Họ mặc dù biết rõ, đã từng là những người chuyên gia nghiên cứu luật, là những người học cao, hiểu rộng nhưng chính lại là những người chỉ có hình thức bên ngoài mà thôi.
Theo các con: Những kẻ thuê vườn nho này ngày nay là những người như thế nào?
Khi đọc ngụ ngôn mà Chúa Jesus muốn ám chỉ về những người Pha-ri-si, các trưởng lão là những người họ biết rõ Chúa Jesus là ai, bởi vì chính họ là những người học luật, những người nhìn thấy những sự lạ lùng do Ngài làm ra, chỉ có bởi Đức Chúa Trời mới có thể làm được như vậy, nhưng họ chẳng những không công nhận mà còn tìm cách giết Ngài.
Những người thuê vườn nho ngày nay là chính những người chỉ tin Chúa trên môi mép, không có sự vâng phục Chúa, không làm theo điều răn luật pháp của Chúa. Có đời sống thù nghịch thập tự giá.
Qua ngụ ngôn này cho chúng ta xét lại chính đời sống theo Chúa của mình, có phải mình đang là những người mà Chúa Jesus đang lên án hay không.
Ngày nay chúng ta học Lời Chúa, chia sẻ hay, nói giỏi, mà chúng ta âm thầm phạm tội, sống trong tội, chưa chết đi con người cũ tội lỗi thì chúng ta chính là những người làm thuê gian ác kia. Bởi chúng ta biết rằng, chúng ta xưng mình là con dân Chúa, và mỗi khi chúng ta phạm tội là chúng ta một lần nữa đóng đinh Ngài, và đã chà đạp máu thánh của Ngài.
Hê-bơ-rơ 6: 4-6.
4 Vì không thể nào những người đã một lần được soi sáng, đã nếm sự ban cho từ trên trời, được trở nên những người dự phần về thánh linh,
5 đã nếm Lời phán lành của Thiên Chúa và những năng lực của đời sau,
6 rồi họ lại sa ngã, mà được phục hồi vào trong sự ăn năn. Vì họ đang đóng đinh Con của Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình lần nữa và họ công khai sỉ nhục Ngài.
Cảm tạ ơn Chúa vì chúng ta được ban cho Lời của Ngài, để chúng ta được nhắc nhở từng hồi từng lúc khi chúng ta học đến. Học Lời Chúa không phải chỉ làm sao cho đạt số lượng, nhưng cần chất lượng. Đó là sự chúng ta biết tra xét lại chính đời sống của mình. Chúng ta tự hỏi.
Mình có còn phạm tội không?
Đã kết quả cho sự ăn năn chưa?
Đã tin và làm theo Lời Chúa dạy chưa?
Mình có thuộc về những người mà Chúa đang lên án ở đây hay không?
Cô tin rằng, khi chúng ta còn cơ hội học Lời Chúa như thế này là cơ hội Chúa cho chúng ta tự tra xét lại lòng mình mà chấn chỉnh lại đời sống thuộc linh của mình. Nếu chúng ta vẫn cứ thản nhiên phạm tội, thản nhiên lờ đi những lời nhắc nhở, sửa trị của Chúa thì chúng ta là những người đã bị Chúa làm cho cứng lòng và Vương Quốc Trời đã bị cất khỏi người đó, bởi đời sống người đó là một đời sống thù nghịch thập tự giá.
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ