Ngụ Ngôn Về Tiệc Cưới

516 lượt xem

Ngụ Ngôn Về Tiệc Cưới

Nguyễn Thị Thùy Linh

Các con thân mến!

Tuần này chúng ta cùng nhau tiếp tục học về ngụ ngôn của Đức Chúa Jesus. Ngụ ngôn về tiệc cưới. 

Trong bốn sách Tin Lành có hai sách ghi lại ngụ ngôn này trong Ma-thi-ơ 22: 1-14; Lu-ca 14: 15-24. Sách Ma-thi-ơ thì ngụ ngôn về người vua mở tiệc cưới, còn Lu-ca thì chỉ một người mở một buổi tiệc lớn. Tuy nội dung khác nhau nhưng cùng mang một ý nghĩa và sự dạy dỗ giống nhau. 

Hôm nay chúng ta học ngụ ngôn tiệc cưới, ngụ ngôn này Chúa Jesus nói với những người Pha-ri-si. Về một vị vua mở tiệc cưới rồi sai đầy tớ đi mời khách đến dự tiệc, nhưng không ai quan tâm đến lời mời đó với nhiều lý do khác nhau, thậm chí còn đánh giết, mắng chửi đầy tớ của vua. Vua đã nổi giận sai quân lính diệt những kẻ đó và ra lệnh mời hết tất cả những người gặp ở ngoài đường hay ngoài chợ vào dự tiệc. Khi vua vào xem khách dự tiệc thì thấy có một người không mặc áo lễ, vua hỏi thì người đó làm thinh, nên vua đã sai trói người đó quăng ra ngoài. 

Đó là tóm tắt ngụ ngôn về tiệc cưới. Còn ngụ ngôn sách Lu-ca là một người mở một buổi tiệc lớn rồi sai đầy tớ đi mời những kẻ được mời, nhưng vì nhiều lý do xin kiếu, nên người chủ đã nổi giận sai đi mời hết thảy những kẻ nghèo khó, tàn tật, đui, què vào. Chúng ta tập trung học về ngụ ngôn tiệc cưới ở sách Ma-thi-ơ hơn là vì ngụ ngôn này nhiều chi tiết để chúng ta suy ngẫm và nhận được sự dạy dỗ hơn. 

Chúng ta có thể hiểu rằng. Vua ở đây nói về Đức Chúa Trời, các đầy tớ là những tiên tri, những tôi tớ mà Chúa dùng họ để kêu gọi ăn năn, và sai họ đi để rao giảng Tin Lành, tiệc cưới là nói đến hình bóng cho Nước Trời, cho Tin Lành cứu rỗi.

Khi chúng ta đọc ngụ ngôn này chúng ta có thể hiểu được những người đầu tiên mà vua lựa chọn để mời hàm ý nói đến dân I-sơ-ra-ên. Nhưng rồi sau thì những người  dân ngoại cũng được mời bởi vì khách được mời họ đã không quan tâm đến lời mời của vua. 

Chúng ta thấy rằng, tiệc cưới là một tiệc rất vui vẻ, huy hoàng, phước hạnh, mà còn là tiệc cưới của nhà vua. Nhưng lạ thay những người được mời gọi thì không màng gì tới. 

Khi chúng ta học Lời Chúa qua những ngụ ngôn, chú ta nên chú ý điều này. Chúng ta chỉ nên tập trung vào ý nghĩa của ngụ ngôn mà Chúa Jesus muốn khuyên dạy, những điểm nào là nổi bật nhất mà Chúa Jesus muốn gửi gắm, nhắn nhủ, dạy dỗ hay cáo trách. Chúng ta không nên quá tập trung vào các chi tiết của ngụ ngôn, bởi vì đây không phải là một câu chuyện có thật mà chỉ là hình bóng mà Chúa dùng để dạy dỗ một điều gì đó. Cho nên chúng ta khi học ngụ ngôn thì cần suy ngẫm những ý chính và sự dạy dỗ chính. 

Trong ngụ ngôn này có hai điểm nổi bật mà chúng ta cần chú ý. Đó chính là nằm ở câu 

Vì nhiều người được gọi, nhưng ít người được chọn.” (Ma-thi-ơ 22:14)

Vì, ta nói với các ngươi, trong những kẻ đã mời trước, không có ai được nếm bữa tiệc của ta đâu.” (Lu-ca 14:24).

Điểm nổi bật thứ hai nữa là chi tiết một người vào dự tiệc cưới nhưng không mặc áo lễ. 

Chúng ta cùng nhau đi qua ý chính thứ nhất. 

Vì nhiều người được gọi, nhưng ít người được chọn.” Trong ngụ ngôn cho chúng ta thấy rằng, có rất là nhiều người được mời, từ những người ban đầu được chọn để mời cho đến sau những người gặp ở ngoài đường và ngoài chợ, không cần biết họ là thuộc giai cấp nào trong xã hội, cứ thấy là mời, cho nên chúng ta hình dung ra có rất là nhiều người được mời gọi. 

Tiệc cưới nói về Nước Trời và Tin Lành cứu rỗi ban đầu được ưu tiên cho tuyển dân của Chúa là dân I-sơ-ra-ên, nhưng họ đã không quan tâm, không màng đến những lời kêu gọi thậm chí còn đánh giết những tiên tri mà Chúa dùng để đem Tin Lành, đem Nước Trời đến cho họ, như chúng ta thấy Giăng Báp-tít là người tử đạo đầu tiên, rồi đến Chúa Jesus cũng bị cả dân thành Je-ru-sa-lem đòi đóng đinh Ngài, về sau tiên tri Ê-tiên cũng bị ném đá, còn các sứ đồ thì bị bách hại, đánh đập, tra tấn…

Và rồi chính vì vậy mà Nước Trời, Tin Lành Cứu Rỗi được đến với dân ngoại. Nhưng và rồi trong những số người được mời gọi đó lại có một số người không tuân thủ theo luật lệ nên đã bị ném ra ngoài. 

Chúng ta dừng lại chi tiết này và suy ngẫm. 

Nước Trời là một nơi vô cùng phước hạnh, vinh quang. Bởi tình yêu mà Đức Chúa Trời đã ban ân điển cho loài người để họ được vui hưởng, mặc dù loài người không hề xứng đáng. Ngài dành sẵn hết những gì tốt đẹp nhất, phước hạnh nhất để ban cho và sai tôi tớ Ngài đi mời vào để hưởng vinh quang, phước hạnh ấy, thay vì loài người biết ơn vui mừng nhận lấy nhưng ngược lại họ còn không đếm xỉa gì đến mà còn giết hại luôn những người ra đi mời gọi họ. Ai đi đường nấy và có nhiều lý do để không đến, không tiếp nhận. 

Tin Lành đã đến Việt Nam hơn 100 năm qua. Nhưng có bao nhiêu người đã vui mừng tiếp nhận, có bao nhiêu người tiếp nhận ân điển mà Đức Chúa Trời ban cho. Thậm chí có nhiều người nghe Tin Lành thì thấy đúng và hợp lý, nhưng có nhiều lý do khiến họ không tiếp nhận. Bởi vì họ còn lo danh vọng, còn lo cuộc sống đời này, tình cảm của đời này. 

Câu hỏi: Theo các con thì họ vì do thiếu hiểu biết hay do yếu đuối hay vì lý do nào mà khiến họ làm ngơ đi như vậy. 

Theo cô, không phải là do họ thiếu hiểu biết, hay do họ yếu đuối mà do tấm lòng cứng cỏi của họ. Họ không có một tấm lòng tìm kiếm Lẽ Thật. Sự sống đời đời, vinh quang, phước hạnh thì cô tin ai ai cũng muốn, ai ai cũng ao ước được hưởng. Nhưng không muốn đánh đổi để có được điều đó. Ví dụ như tin Chúa phải giữ điều răn, phải làm theo Lời Chúa, không được cái này, tránh cái kia, mà những điều đó là điều họ ưa thích. Theo Chúa phải bỏ đi những tình cảm, danh vọng ở thế gian này…

Chúng ta ngày nay chính là những người đã được gọi, nhưng trong chúng ta có bao nhiêu người được chọn? Mình có phải là người được chọn chưa? Chúng ta hãy để Lời này trong lòng và hãy suy ngẫm, tự tra xét lại chính mình. Hơn ai hết chính Chúa và bản thân mình thật biết rõ. 

Thế nên, những người đáng lẽ ra được ưu tiên, được mời cách đàng hoàng thì lại không được nếm bữa tiệc huy hoàng, thịnh soạn. Nhưng người lẽ ra không xứng đáng thì lại được ban ơn. Thế nên những người từ chối đó không được vào trong Nước Trời. 

Chúng ta cùng nhau suy ngẫm đến chi tiết người không chịu mặc áo lễ.  

Thời xưa áo lễ chắc có lẽ là một chiếc áo choàng dài khoác ở bên ngoài mà người dân trung đông họ hay mặc khoác bên ngoài. Việc mặc áo lễ là quy định mà nhà vua muốn mỗi khách mời dự tiệc phải mặc. 

Áo lễ tượng trưng cho sự công chính của Đức Chúa Trời, qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Một người muốn hưởng Nước Trời phải có đức tin vào huyết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Chịu nhận lấy ân điển của Ngài. Ở đây là nói đến một số người ở trong Hội Thánh. Có nhiều  người muốn thừa hưởng Nước Trời nhưng họ lại dùng việc công chính của họ thay vì chỉ tin vào ân điển của Chúa. Họ tự làm ra các việc lành, việc thiện để tích trữ, chuộc lại lỗi lầm của họ. Họ bằng lòng tin Chúa và tiếp nhận Chúa nhưng lại làm những việc riêng của họ. Ngày nay chúng ta có thể thấy điều này qua Giáo Hội Công Giáo. Họ tự làm việc lành, từ thiện, lần chuỗi, đọc kinh, đi lễ để được cứu. 

Vì nhờ ân điển mà các anh chị em được cứu bởi đức tin. Điều đó không đến từ các anh chị em mà là sự ban cho của Thiên Chúa. Ấy chẳng phải bởi những việc làm đâu, để không ai khoe mình.” (Ê-phê-sô 2:8-9).

Áo lễ cũng tượng trưng cho một người khoác lên mình chiếc áo công chính của Thiên Chúa bằng một đời sống mới, một chiếc áo thánh khiết. Nhưng có một số người không chịu mặc áo này, mà lại cứ muốn mặc chiếc áo cũ của mình, sống trong đường lối cũ của mình. Có những người họ ra mắt Chúa họ dựa vào những việc làm công đức của họ, dựa vào những bằng cấp, những tài năng riêng của họ. Đó là hình thức của những người không chịu mặc áo lễ. 

Câu hỏi: Thánh Kinh Chúa dạy rằng đức tin phải có việc làm, nhưng ở đây vì sao lại không thể dựa vào việc làm của mình? 

Về đức tin, cũng vậy; nếu đức tin không có các việc làm, thì tự mình nó chết.” (Gia-cơ 2:17).

Đức tin phải có việc làm đó là một người thực hiện đức tin đó qua hành động. Một người tin rằng Thiên Chúa có thật thì người ấy phải tin những gì Thánh Kinh ghi chép và làm theo những gì Thánh Kinh dạy bảo. Một người nói tôi tin Chúa có thật, nhưng người đó không làm theo Lời Chúa dạy, không vâng giữ điều răn, không yêu thương anh chị em cùng Cha của mình, không yêu kính Chúa. 

Còn một người dùng việc làm của mình để dựa vào đó mà được cứu thì khác. Ví dụ một người phạm tội mà không chạy đến ăn năn với Chúa tin rằng Chúa sẽ tha thứ cho mình, mà họ tự đi làm từ thiện, làm việc lành, dâng hiến nhầm để giảm bớt tội lỗi của mình, hoặc họ đi đến các linh mục để xin rửa tội. Họ không hoàn toàn tin vào sự tha thứ, sự chết chuộc tội của Chúa Jesus có năng lực, thẩm quyền tha thứ cho họ. 

Họ không làm vì họ yêu Chúa, họ tôn kính Chúa, họ không làm vì sự biết ơn Chúa mà lại dựa vào sức riêng của mình, việc làm riêng của mình. 

Đây cũng là lời nhắc nhở cho mỗi một chúng ta là những người đã được gọi. Ân điển của Đức Chúa Trời đã ban sẵn cho chúng ta, tiếp nhận hay không là sự lựa chọn của chúng ta. 

Có những việc làm hằng ngày mà chúng ta từ chối ơn phước của Chúa mà chúng ta không nhận biết. 

Như việc chúng ta lấy lý do bận quá việc học ở trường mà không dành thời gian học Lời Chúa, không dành thời gian thông công, nhóm hiệp với Hội Thánh. 

Lý do lịch học, lý do người thân trong nhà, lý do sức khỏe, lý do phải làm việc nọ việc kia mà sao nhãn đi sự mật thiết với Chúa, tương giao với Chúa qua sự cầu nguyện. Mà chúng ta không thật sự trân quý giờ phút quý báu, thiêng liêng khi được tương giao với Chúa, học Lời Chúa, nhóm hiệp cùng Hội Thánh. 

Nhưng chúng ta cũng nên tránh việc phải gượng ép mình làm việc gì cho Chúa hay tương giao với Chúa cho có hình thức, cho có việc làm đều đặn mỗi ngày để có cái gọi là phụng sự Chúa. Vì như vậy chúng ta sẽ rất chán nản, mệt mỏi, và không thấy phước hạnh gì cả. Chúa cũng muốn chúng ta đến với Ngài bằng tấm lòng của chúng ta thật sự yêu Chúa và nhớ Chúa. Hạnh phúc vui thỏa khi bên Chúa. 

Qua ngụ ngôn này chúng ta học thêm được bài học nữa đó chính là phải tuân thủ theo những luật pháp của Chúa nếu muốn hưởng Nước Trời. Không phải tôi tin Chúa rồi là được cứu, chỉ cần tin là được cứu. Rồi muốn sống sao thì tùy ý, muốn tha hồ phạm tội cũng được. Đúng là chúng ta tin sẽ được cứu, nhưng nếu tin Chúa rồi lại trở về đời sống tội lỗi cũ thì sự tin Chúa có ích gì và huyết chuộc tội của Đấng Christ là vô ích. 

Không phải chúng ta giữ các điều răn để được cứu mà chúng ta đã được cứu rồi nên chúng ta vâng giữ điều răn của Ngài. 

Bài học này Chúa Jesus nói với người Pha-ri-si và dân I-sơ-ra-ên về sự cứng cỏi của lòng họ, tuy nhiên đây cũng là bài học dành cho tất cả chúng ta ngày nay. Hơn ai hết là những người đã được gọi, những người được nếm biết tình yêu, ân điển của Thiên Chúa. Nếu không cẩn thận và tỉnh thức thì chính chúng ta là những ngày sẽ bị trói lại quăng vào nói khóc lóc và nghiến răng. 

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ

Để lại một bình luận