Dân Số Ký 6 Luật Về Người Na-xi-rê

420 lượt xem

Luật Về Người Na-xi-rê

Nguyễn Thị Thu Thủy

Các em thiếu niên thân mến,

Dân Số Ký chương 6 ghi chép lại luật về người Na-xi-rê mà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán dặn dân sự thông qua Môi-se để căn dặn những điều cần làm cho những ai muốn biệt riêng mình ra cho Ngài.

Câu gốc mà chúng ta học là:

“Đó là luật lệ về người Na-xi-rê đã hứa nguyện, và đây là của lễ người phải dâng cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu về nguyện Na-xi-rê mình, ngoại trừ của lễ nào người có thể dâng thêm. Người phải theo luật lệ về sự Na-xi-rê mình mà làm theo lời hứa nguyện của mình vậy.” (Dân Số Ký 6:21).

Trước tiên, chúng ta cùng tìm hiểu nghĩa của từ Na-xi-rê. Theo sự giải thích của người chăn thì Na-xi-rê (H5139) có nghĩa là biệt riêng, hàm ý, biệt riêng để dâng lên Thiên Chúa [1]. Người hứa nguyện có thể là nam hoặc nữ. Khi họ biệt riêng mình ra thì họ phải tuân theo các luật định mà Chúa đặt ra như sau:

  • Phải kiêng cữ rượu và vật uống say, không uống giấm rượu, không uống nước nho, không ăn nho hay bất cứ món gì từ nho.
  • Không được dùng dao cạo đầu, phải để tóc mọc cho đến hết thời kỳ biệt riêng hứa nguyện.
  • Không được đến gần người chết, dù người chết là người thân trong gia đình.
  • Nếu lỡ có người chết bất ngờ bên người đang hứa nguyện thì người hứa nguyện đã bị ô uế, phải cạo đầu vào ngày thứ bảy. Ngày thứ tám, phải đem dâng của lễ chuộc tội, của lễ thiêu, dâng con chiên đực giáp năm làm của lễ chuộc sự mắc lỗi, những ngày trước không được tính và phải bắt đầu lại.

Số ngày một người biệt riêng mình ra trong sự hứa nguyện Na-xi-rê là tùy họ. Nhưng sau khi thời gian hứa nguyện kết thúc thì người hứa nguyện phải làm những điều sau đây:

  • Đem dâng của lễ cho Chúa. Một con chiên giáp năm làm của lễ thiêu, một con chiên cái giáp năm làm của lễ chuộc tội, một con chiên đực làm của lễ thù ân, một giỏ bánh không men, bánh nhỏ tưới dầu, bánh tráng không men thoa dầu, của lễ chay và của lễ quán.
  • Tại cửa hội mạc, phải cạo đầu mình, bỏ tóc vào lửa dưới của lễ thù ân.
  • Thầy tế lễ lấy cái vai chín của chiên đực, một cái bánh nhỏ không men, một cái bánh tráng không men để trong lòng hai bàn tay người, đưa qua đưa lại trước mặt Chúa. Kế đó, người Na-xi-rê được phép uống rượu.

Hiện nay, trong thời Tân Ước, mỗi khi chúng ta muốn biệt riêng mình ra trong khoảng thời gian nào đó để tương giao với Chúa, hoặc để làm công việc mà Chúa muốn mình làm thì không cần phải theo luật lệ người Na-xi-rê nữa. Bởi vì nhờ sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, mà chúng ta được dạn dĩ đến tương giao thờ phượng Đức Chúa Cha qua sự cầu nguyện, phụng sự Ngài qua sự hầu việc.

“Vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha! Hãy có sự dạn dĩ mà vào trong Nơi Rất Thánh bởi máu của Đức Chúa Jesus;” (Hê-bơ-rơ 10:19).

Vậy ngày nay mỗi chúng ta có hứa nguyện với Chúa điều gì không? Thật ra thì kể từ khi chúng ta ăn năn tội, tiếp nhận Chúa làm Chủ trên đời sống của mình thì lời cầu nguyện đó cũng là một sự hứa nguyện với Chúa. Đó là lời hứa nguyện từ nay ăn năn từ bỏ tội lỗi, tin nhận Chúa để sống đời sống thánh khiết. Lời ăn năn tiếp nhận Chúa đều có nội dung tương tự như nhau, người nói lời ăn năn tiếp nhận Chúa cũng dễ hiểu được, dễ nói được. Nhưng chỉ khi nào một người thật lòng nhận biết được mình là một người có tội, cần ăn năn, cần tin nhận ơn cứu rỗi của Chúa thì khi ấy họ mới ý thức được mình phải làm là gì để cứ ở lại trong sự cứu rỗi của Chúa.

Và kể từ giây phút một người thật sự gặp được Chúa trên đời sống mình, họ bằng lòng biệt riêng mình ra cho Chúa, tránh khỏi mọi sự ô uế, tội lỗi của đời này. Họ bắt đầu bằng một nếp sống nên thánh, cẩn thận làm theo mọi điều Chúa dạy bảo từng chút một. Gìn giữ mình tránh xa khỏi hình tượng, khỏi tội lỗi, khỏi thú vui của đời này. Nếu lỡ phạm tội vì thiếu hiểu biết, vì yếu đuối, thì họ mau chóng ăn năn. 

Thật ra mỗi ngày chúng ta cũng đều có lời hứa nguyện với Chúa. Đó là sự hứa nguyện dùng thân thể của mình làm của lễ sống và thánh cho Ngài (Rô-ma 12:1). Khi chúng ta đã bằng lòng dâng thân thể lên Chúa rồi thì chúng ta phải gìn giữ, bảo vệ của lễ đó sao cho luôn là của lễ không tì không vết đẹp lòng Ngài.

Có những khi chúng ta cầu nguyện với Chúa, chúng ta không để ý tới lời mình nói, hoặc nói rồi quên. Nhưng chúng ta cần chú ý rằng, mỗi lời chúng ta nói trong danh Chúa là rất quan trọng, nếu như chúng ta nói mà không làm, hoặc làm mà ngang chừng từ bỏ thì chúng ta đã phạm tội.

“Khi ngươi hứa nguyện cùng Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi, thì chớ trì hoãn làm cho xong; vì Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi hẳn sẽ đòi sự hoàn nguyện ấy; nếu không làm cho xong, ngươi sẽ mang lấy tội. Nhưng nếu ngươi không hứa nguyện, thì không phạm tội. Khi môi ngươi đã hứa cùng Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi một sự hứa nguyện vui lòng, thì hãy cẩn thận làm trọn lời ra khỏi miệng mình đó.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 23:21-23).

Thật ra mỗi khi chúng ta hát thánh ca tôn vinh Chúa, mỗi khi chúng ta viết bài chia sẻ với những lời hứa thay đổi khi nhận được bài học, cũng chính là những lời hứa nguyện với Chúa. Chúng ta phải hết sức cẩn trọng làm tròn những điều mà mình đã nói ra, đã hứa.

“Khi ngươi khấn hứa sự gì với Thiên Chúa, chớ chậm mà hoàn nguyện; vì Ngài chẳng vui thích kẻ dại: Vậy, hãy trả điều gì ngươi hứa. Thà đừng khấn hứa, hơn là khấn hứa mà lại không trả.” (Truyền Đạo 5:4-5).

Và thật ra mỗi khi chúng ta hứa làm điều gì với anh chị em cùng Cha của mình thì cũng là chúng ta hứa với Chúa vậy.

“Vua sẽ đáp lời, phán với họ rằng: Thật! Ta nói với các ngươi, bao nhiêu điều các ngươi đã làm cho một trong những người nhỏ nhất giữa những người này, các anh chị em của Ta, là bấy nhiêu điều các ngươi cũng đã làm cho Ta.” (Ma-thi-ơ 25:40).

Điều gì chúng ta làm cho anh chị em của mình cũng là làm cho Chúa, vậy điều gì chúng ta hứa với anh chị em cũng là hứa với Chúa. Nếu chúng ta không làm tròn điều mình đã hứa thì chúng ta đã thất hứa với Chúa vậy.

Nguyện qua bài học hôm nay, mỗi chúng ta tra xét và nhớ lại những điều mình đã từng hứa nguyện với Chúa kể từ ngày tin nhận Chúa đến nay để mau chóng hoàn thành những điều đó. Nguyện xin Chúa nhắc nhở và giúp mỗi chúng ta luôn hoàn thành cách trọn vẹn những lời mà chúng ta cầu nguyện, lời tôn vinh, lời chia sẻ, lời hứa với anh chị em. 

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Thu Thủy

Để lại một bình luận