Ngụ Ngôn về Người Sa-ma-ri Nhân Lành
Nguyễn Thị Thùy Linh
Các con thân mến!
Hôm nay chúng ta cùng nhau tiếp tục học về các ngụ ngôn của Đức Chúa Jesus. Bài học hôm nay chúng ta học về ngụ ngôn: Người Sa-ma-ri Nhân Lành.
Ngụ ngôn này được chép trong sách Lu-ca 10: 25-37.
Đức Chúa Jesus bắt đầu kể ngụ ngôn khi một người dạy luật đến hỏi để thử Đức Chúa Jesus. Người này hỏi: “tôi phải làm gì để được hưởng sự sống vĩnh cửu?” Đức Chúa Jesus hỏi thầy dạy luật rằng luật chép những gì và đọc được những gì trong đó. Người dạy luật đọc cho Chúa Jesus nghe điều luật pháp chép, Chúa Jesus bảo ông hãy làm các điều đó thì được sống. Thầy dạy luật muốn xưng mình là công chính nên thưa cùng Chúa Jesus ai là người lân cận tôi. Lúc này thì Đức Chúa Jesus bắt đầu kể ngụ ngôn.
Nội dung ngụ ngôn nói về một người từ thành Je-ru-sa-lem xuống thành Giê-ri-cô thì gặp kẻ cướp bị kẻ cướp lột hết, đánh đập khiến cho nửa sống nửa chết. Có một thầy tế lễ đi ngang thấy thì đi qua khỏi, một người Lê-vi đi ngang thấy rồi cũng đi qua khỏi. Nhưng có một người Sa-ma-ri đi ngang thấy thì động lòng thương xót, đến gần, lấy dầu và rượu xức chỗ bị thương, rồi rịt lại; rồi thì, cho cưỡi con vật mình đem đến quán trọ, mà săn sóc cho. Đến bữa sau, lấy hai đơ-ni-ê đưa cho chủ quán, dặn rằng: Hãy săn sóc người này, nếu tốn hơn nữa, khi trở về sẽ trả.
Trong ngụ ngôn này Chúa Jesus đề cặp đến bốn nhân vật, người bị nạn dọc đường, thầy tế lễ, người Lê-vi và người Sa-ma-ri. Đức Chúa Jesus không nói rõ người bị nạn là thuộc dân nào. Nhưng ba người đi đường thì Chúa Jesus nói rõ thuộc dân nào, trong đó có người Sa-ma-ri là con lai giữa dân Do Thái và các giống khác nên dân Do Thái rất xem khinh dân Sa-ma-ri. (Giăng 4:9).
Thầy tế lễ và người Lê Vi là dân Do Thái chính gốc. Họ là những người học luật và dạy luật, là những người có chức vụ trong nhà hội.
Ngụ ngôn này Chúa Jesus muốn dạy cho thầy dạy luật đang hỏi Ngài với tâm ý là muốn thử Ngài, Chúa dạy cho người này muốn nhận được sự sống đời đời không phải chỉ là học thuộc lòng các luật pháp mà phải thể hiện bằng việc làm.
Đây cũng là điều mà ngày nay mỗi con dân Chúa cần phải học và suy ngẫm. Điều cần nhấn mạnh và đáng ý ở đây là “lòng thương xót”.
Khi đọc vào ngụ ngôn này nếu hiểu theo mặt chữ và nghĩa đen thì chúng ta sẽ hiểu được ngay ai là người có lòng thương xót mà Chúa Jesus muốn nói đến. Nhưng nếu chúng ta để lòng suy ngẫm sâu hơn thì có rất nhiều bài học chúng ta cần rút ra.
Trong ngụ ngôn này chúng ta chú ý hai tình huống, một tình huống thấy người gặp nạn bỏ đi luôn, tình huống thứ hai là thấy người gặp nạn động lòng thương xót chăm sóc mà còn chu đáo gửi người bị nạn vào quán trọ trả tiền để họ chăm sóc tiếp tục.
Chi tiết chú ý trong tình huống là người bỏ đi luôn lại là một thầy tế lễ và là người Lê-vi. Hai người có danh tiếng và chức phận, là người dạy luật, học luật của Đức Chúa Trời.
Còn người Sa-ma-ri là người bình thường, là người bị dân Do Thái khinh khi, chúng ta không biết người Sa-ma-ri này có từng được nghe về luật pháp của Đức Chúa Trời chưa.
Câu hỏi suy ngẫm: Tình huống của hai người, thầy tế lễ và người Lê-vi chúng ta liên tưởng đến điều gì ở ngày nay.
Ngày nay trên thế gian có hai loại người, người tin Chúa và người không tin Chúa. Một người bình thường không tin Chúa tuy rằng bị tội lỗi làm cho băng hoại và mất đi bản tính từ ban đầu mà Đức Chúa Trời đã ban cho loài người từ buổi sáng thế, theo hình của Thiên Chúa là theo bản tính của Ngài. Nhưng người không tin Chúa vẫn còn sót lại cái lương tâm mà Thiên Chúa đặt để trong mỗi con người, chúng ta vẫn thường bắt gặp những người không tin Chúa nhưng họ có lòng thương xót, làm lành và biết giúp đỡ, cưu mang người khác.
Còn người tin Chúa thì được Lời Chúa thánh hóa và được năng lực của Thiên Chúa biến đổi giúp họ được phục hồi lại bản tính giống như Thiên Chúa. Trường hợp này chỉ ở những người thật lòng tin Chúa và muốn sống đúng theo Lời Chúa. Tuy nhiên vẫn có một số người xưng nhận là con dân Chúa nhưng lại không có được bản tính giống như Thiên Chúa.
Sự kiện hai người thầy tế lễ và người Lê-vi giúp cho chúng ta liên tưởng đến những người ngày nay xưng nhận mình là con dân Chúa, là những người biết luật pháp của Chúa, là những người đứng đầu các giáo hội và đứng vị trí cao trong Hội Thánh. Có những người thuộc lào lào Lời Chúa và nói thao thao bất tuyệt về Lời Chúa, nhưng nếp sống của họ thì không giống như những gì họ giảng dạy. Thậm chí những người ở trong Hội Thánh xưng mình là con dân Chúa nhưng cũng không sống đúng theo Lời Chúa.
Câu hỏi suy ngẫm: Tình huống của người Sa-ma-ri chúng ta liên tưởng đến điều gì ở ngày nay.
Trong xã hội thời bấy giờ người Sa-ma-ri thuộc dân tộc con lai với các dân khác nên họ bị phân biệt đối xử. Đặc biệt người Sa-ma-ri gặp người bị nạn ở dọc đường chắc có lẽ cũng là người tầm thường, không có địa vị hay chức vụ gì. Tuy nhiên việc làm của người này khiến cho chúng ta đáng chú ý.
Ngày nay trong xã hội lẫn trong Hội Thánh vẫn có những người có đời sống bình thường, đối với xã hội không có địa vị hay chức vụ. Nhưng nếp sống của họ thật tốt.
Người không tin Chúa với lương tâm Chúa đặt để tuy họ không giàu có nhưng họ vẫn còn lại tấm lòng thương xót. Người tin Chúa chỉ là người con dân Chúa bình thường, tin Chúa cách đơn sơ họ lại sống và làm theo Lời Chúa dạy.
Trong ngụ ngôn này Đức Chúa Jesus đánh giá cao hành động của người Sa-ma-ri này. Ngài bảo thầy dạy luật hãy đi, làm theo như vậy.
Lời Chúa cho chúng ta biết.
“Dù tôi nói các thứ tiếng của loài người và của các thiên sứ, nhưng không có tình yêu thì tôi chỉ là đồng kêu lên hay chập chỏa vang tiếng. Dù tôi có sự nói tiên tri, biết hết mọi sự mầu nhiệm và mọi sự trí thức, dù tôi có hết thảy đức tin để tôi có thể dời các núi, nhưng không có tình yêu thì tôi chẳng ra gì.” (I Cô-rinh-tô 13:1-2).
Đức Chúa Jesus không đánh giá một người ở địa vị nào, có thuộc lòng luật pháp hay không, mà Chúa muốn nhìn thấy họ qua việc làm thể hiện qua đời sống của họ, nếu thuộc lòng luật pháp mà không làm theo thì có ích lợi gì? Một người công chính là người vâng giữ và làm theo luật pháp.
Đức Chúa Jesus muốn dạy cho thầy dạy luật về lòng thương xót đối với người lân cận của mình, khi họ cần sự giúp đỡ, họ gặp khó khăn cần trợ giúp. Ngày nay chúng ta thương xót người lân cận mình bằng cách Về phương diện thuộc linh chúng ta giúp họ nghe biết đến Tin Lành để họ cũng được cứu như chúng ta, về phương diện thuộc thể chúng ta giúp họ những lúc nguy cấp, lúc hoạn nạn cần được sự giúp đỡ của chúng ta.
Lòng thương xót là sự động lòng, thương cảm đối với người khác, khiến cho dẫn đến hành động là cứu giúp họ.
Câu hỏi suy ngẫm: Trong Chúa thể hiện lòng thương xót trong những trường hợp nào?
Trong Chúa thể hiện lòng thương xót trong các trường hợp như:
- Giúp người đang phạm tội, phạm lỗi nhận biết được sự phạm tội của họ để họ kịp thời ăn năn, chúng ta không được để lòng kỳ thị hay né tránh họ, mà hết lòng cứu giúp họ ăn năn bằng cách khuyên nhủ, nhắc nhở, cáo trách và kêu gọi họ ăn năn.
- Về thuộc thể luôn sẵn sàng tiếp trợ, chia sẻ, cho những anh chị em khó khăn.
Mỗi một con dân Chúa là thầy tế lễ của Chúa, mỗi người đều phải thể hiện tình yêu với người lân cận của mình, không phải chỉ những trưởng lão, người chăn, những người có chức vụ trong Hội Thánh thì mới cần thể hiện lòng thương xót, nhưng mỗi con dân Chúa phải có tấm lòng thương xót.
Điều nữa chúng ta cần ghi nhớ là người được kể là công chính là người làm theo, thực hành Lời Chúa chứ không phải chỉ hiểu biết lý thuyết là đủ. Nếu chúng ta nói nhiều mà đời sống không làm được thì chúng ta cũng giống như hai người tế lễ và người Lê-vi trong ngụ ngôn.
Qua ngụ ngôn này chúng ta học thêm được sự thương xót của Đức Chúa Trời đối với chúng ta, vì sự thương xót của Ngài quá lớn nên mỗi chúng ta đáng ra phải chịu hình phạt nhưng Ngài đã không bỏ mặt chúng ta chết trên đường tội lỗi. Ngài chẳng những cứu giúp, ràn rịt vết thương cho chúng ta. Vậy nên chúng ta hãy có lòng thương xót như Đức Chúa Trời đã thương xót chúng ta.
Tuy nhiên lòng thương xót của chúng ta phải trong sự khôn sáng, phải theo tiêu chuẩn của Chúa.
Chúng ta không thể thương xót một người cứ sống trong tội mà không ăn năn mà phải thi hành mệnh lệnh của Chúa là trừ bỏ họ ra khỏi Hội Thánh. Chúng ta không thể nhân danh tình yêu, sự thương xót mà dung túng những người phạm tội, rao giảng tà giáo ở trong Hội Thánh. Chúng ta không thể thương xót một người nghiện ngập, trộm cắp mà không nói lên sự sai trái của họ mà dung túng họ. Mọi sự chúng ta làm phải dựa trên tiêu chuẩn của Chúa và theo sự dẫn dắt của Chúa.
Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ