Lời Cảnh Báo của Thiên Chúa

273 lượt xem

Lời Cảnh báo của Thiên Chúa

Nguyễn Thị Thùy Linh

Bây giờ, cái búa cũng đã để kề rễ của những cây. Vậy, cây nào không sinh trái tốt sẽ bị đốn xuống, và ném vào lửa. (Ma-thi-ơ 3:10).

Các con thân mến.

Nhân dịp đầu năm mới 2023 và hôm nay chúng ta cùng nhau nhóm hiệp vào ngày đầu tuần và cũng là đầu của năm mới. Cảm tạ ơn Chúa đã ban ơn, xuống phước, thương xót, gìn giữ hết thảy chúng ta trong suốt năm 2022 vừa qua. Mặc dù Chúa cho phép sự đau yếu, bệnh tật, sự bắt bớ, sự khó khăn trong cuộc sống xảy ra trên đời sống của chúng ta, nhưng chúng ta tin rằng mọi sự Chúa cho phép xảy ra đều ích lợi cho chúng ta, để rèn tập cho chúng ta mỗi ngày thêm lên đức tin của mình nơi Chúa và được kinh nghiệm sự quan phòng của Chúa trên đời sống của mình. 

Cứ mỗi một năm qua đi là sự chúng ta càng gần với sự đến của Đức Chúa Jesus Christ yêu kính của chúng ta. Nhìn những biến động xung quanh chúng ta, dịch bệnh, chiến tranh, thiên tai và lòng người càng trở nên gian ác hơn, tội lỗi ngày một gia tăng thì chúng ta nhận biết rằng Lời Chúa Jesus tiên tri trước đã được ứng nghiệm. Bổn phận chúng ta là mỗi ngày sống dọn lòng thánh sạch, hết lòng kính sợ và hầu việc Chúa, sống đẹp lòng Ngài để ngày Chúa đến bất ngờ chúng ta được ra đi với Chúa mà không bị bỏ lại. 

Hôm nay đầu năm mới, cô mời các con cùng cô học Lời Chúa với chủ đề: Lời Cảnh Báo của Thiên Chúa. Lời cảnh báo này được phát ra từ môi miệng của Giăng báp-tít. Tuy là qua môi miệng của Giăng báp-tít nhưng những điều ông Giăng báp-tít cảnh báo, rao đều là được thần cảm bởi Đấng Thần Linh.

Cảnh báo là cho biết trước việc chắc chắn sẽ xảy ra, việc nguy cấp, việc cấp bách, giúp cho những người nhận được tin báo sẵn sàng chuẩn bị, thay đổi kế hoạch hay chấn chỉnh lại phương hướng, suy nghĩ của mình sao cho không rơi vào nguy hiểm sắp xảy ra. 

Chúng ta thường thấy những lời cảnh báo ở các nơi như vòi nước nóng, thang máy, nơi dễ gây cháy nổ, tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra. Giúp cho người khác cẩn thận hơn. 

Về phương diện giáo dục thì chúng ta cũng thấy những lời cảnh báo về những quy luật, hình phạt cho những người không tuân theo quy luật đặt ra, hay không tuân theo sự dạy dỗ do cấp trên đề ra. 

 Ví dụ hình phạt cho những ai đi học trễ, tụ tập ăn chơi, đánh bạn, làm rối loạn nhà trường. Nếu không tuân theo sẽ bị hình thức kỷ luật nào. Còn ở trong gia đình, nếu con cái không vâng lời ba mẹ, hỗn hào, lười biếng hay thiếu tôn kính người lớn sẽ bị cảnh báo là hình phạt gì nếu vi phạm. 

Trong Chúa khi chúng ta đọc các sách cựu ước đặt biệt là các sách Xuất Ê-díp-tô-ký. Lê-vi Ký, Dân số Ký, Phục Truyền luật Lệ Ký chúng ta sẽ thấy được các mức hình phạt mà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã quy định cho dân I-sơ-ra-ên qua Môi-se. Trước khi thi hành hình phạt thì Chúa luôn dùng Môi-se để cảnh báo dân sự, dạy dỗ, hướng dẫn dân sự. 

Hôm nay chúng ta học lời cảnh báo là: “Bây giờ, cái búa cũng đã để kề rễ của những cây. Vậy, cây nào không sinh trái tốt sẽ bị đốn xuống, và ném vào lửa.”

Chúng ta có thể hiểu lời cảnh báo là: Cái búa đã để kề rễ của những cây. Cây nào không sinh trái tốt sẽ bị đốn xuống. 

Vậy chúng ta suy ngẫm rễ của những cây là gì, cái búa là gì, sự đốn xuống là gì. 

Lời cảnh báo là cái búa đã kề rễ của những cây, sẽ bị đốn xuống. 

Lời cảnh báo này được nói ra từ miệng của Giăng báp-tít khi ông khởi hành chức vụ và các sự giảng dạy của ông. Trong bối cảnh khi thấy nhiều người Pha-ri-si và Sa-đu-sê đến với phép báp-tem của mình. Ông đã giảng dạy và kêu gọi sự ăn năn. 

Lời cảnh báo của Giăng báp-tít là lời ẩn dụ về con dân Chúa, những người theo Chúa. Những rễ là chỉ về những con dân Chúa và những người xưng nhận mình là con dân Chúa. 

Câu hỏi: Theo các con, cái búa là chỉ về sự gì, sự đốn xuống là chỉ về sự gì? 

Cái búa là chỉ về sự phán xét thi hành án phạt của Thiên Chúa đối với những người không kết bông trái tốt. Sự đốn xuống là sự trừ bỏ, loại ra những người theo Chúa nhưng đời sống không sinh bông trái tốt. Bông trái tốt là những việc làm thể hiện qua đời sống của người tin kính Chúa. 

Đức Chúa Jesus cho chúng ta biết: Trong Ma-thi-ơ 7:16-20

16 Các ngươi sẽ nhận biết chúng bởi những trái của chúng. Có bao giờ người ta hái những trái nho từ những bụi gai, hay là những trái vả từ những bụi tật lê?

17 Vậy, mỗi cây tốt sinh trái tốt nhưng cây xấu sinh trái xấu.

18 Cây tốt không thể sinh trái xấu, cây xấu cũng không thể sinh trái tốt.

19 Bất cứ cây nào chẳng sinh trái tốt, thì phải đốn xuống và ném vào lửa.

20 Vậy, các ngươi nhờ những trái của chúng nó mà nhận biết chúng nó.

Khi chúng ta nhìn những cây trái xung quanh chúng ta, mỗi cây kết trái tùy theo loại và có hạt theo trong mình tùy theo loại mà như ban đầu Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng. Và khi chúng ta nhìn vào trái thì chúng ta cũng nhận biết được cái cây đó có tốt hay không, có đủ chất hay không. Nếu cây được chăm bón đầy đủ thì sẽ sinh ta trái tốt và đạt sản lượng, trái ngon đẹp, chất lượng. Nhưng khi chúng ta nhìn trái không đúng tiêu chuẩn, màu sắt nhợt nhạt, mùi vị không thơm ngon như đúng chất của nó, thậm chí trái còn èo uột thì chúng ta biết rằng cây đó không đủ dưỡng chất, mang những mầm bệnh của thân cây nên sinh ra trái xấu, không đạt sản lượng. 

Chúa dạy: Các người nhờ những trái của chúng mà nhận biết chúng nó. Là cách Chúa dạy nhìn vào đời sống của một người thì nhận biết được người đó có thật lòng tin Chúa, sống theo Lời Chúa hay không. 

Câu hỏi: Các con có biết vì sao Chúa dạy chúng ta nhìn vào đời sống của một người để nhận biết họ không? 

Bởi vì chúng ta không phải là Chúa. Chúng ta không thể nhìn biết tận sâu trong tấm lòng của họ, họ có thật yêu Chúa không và có thật tin Chúa không. Chúa là Đấng Toàn Tri Ngài biết hết mọi sự, ngay cả những suy nghĩ, tư tưởng và những điều sâu kín trong lòng người. Nhưng chúng ta thì là vật thọ tạo. Thế nên Chúa dạy chúng ta nhìn vào đời sống họ mà nhận biết được. 

Khi trong lòng họ đầy dẫy điều gì thì điều đó sẽ thể hiện qua hành động bên ngoài. Như Lời Chúa có chép: 

Hỡi những dòng dõi của những rắn độc! Các ngươi là xấu, làm sao có thể nói những sự tốt? Vì do sự đầy dẫy của lòng mà miệng nói ra.” (Ma-thi-ơ 12:34).

Vậy trong trường hợp nào thì chúng ta cần phải nhìn vào trái của họ. Có ba trường hợp

1/ Sự ăn năn tội

2/ Đời sống theo Chúa

3/ Tiên tri giả

1/ Khi một người phạm tội, nhận biết được tội lỗi mình đã phạm thì người đó nói lời ăn năn và xưng nhận những tội lỗi của mình. Họ cũng nói những lời đau buồn, thống hối và ân hận về sự phạm tội của mình. Nhưng để biết người đó có thật lòng ăn năn hay không, hay chỉ ăn năn trên môi miệng, cho qua chuyện còn gọi là ăn năn theo lý trí thì chúng ta nhìn tiếp theo vào đời sống của họ. Họ đã làm lại và sửa sai hay không, có nhu mì khiêm nhường, vâng phục người dẫn dắt hướng dẫn mình hay không. Đời sống của họ có được biến đổi hay không. 

Ví dụ: Một người phạm tội tà dâm, họ nhận biết được và nói lời ăn năn xưng tội. Sau đó chúng ta xem họ sửa sai như thế nào. Người thật lòng ăn năn sẽ chán ghét tội tà dâm, tránh xa môi trường cám dỗ, thường xuyên nhân danh Chúa xua đuổi tư tưởng, cám dỗ. Siêng năng học Lời Chúa. Còn người không ăn năn thật lòng thì họ vẫn tiếp tục tái phạm khi có cơ hội đến, họ không có năng lực, Lời Chúa để chiến thắng cám dỗ, vì vốn dĩ bản chất họ vẫn còn ham thích tội. 

2/ Đời sống theo Chúa của một người có thật yếu kính Chúa hay không chúng ta nhìn vào nếp sống của họ mỗi ngày. Người đó có làm theo Lời dạy của Chúa không, có vâng giữ điều răn luật pháp cách vui thỏa không, có yêu mến Lời Chúa không. Họ có hết lòng sốt sắng hầu việc Chúa không, họ có chấp nhận trả giá khi theo Chúa không, và họ có hết lòng tin cậy vâng lời Chúa không. 

3/ Tiên tri giả chúng ta cũng nhìn vào đời sống của họ như nhìn vào đời sống của người theo Chúa, nếu họ không sống như vậy thì họ chắc chắn là một tiên tri giả. Là những kẻ giả hình, giảng dạy mà không làm theo, thậm chí còn làm sai nghịch với Lời Chúa, dạy những điều không có trong Thánh Kinh. 

Chúng ta đã cùng nhau suy ngẫm về những trường hợp Chúa dạy nhìn vào trái để biết cây. Bây giờ thì chúng ta sẽ tiếp tục suy ngẫm về chính trái của chúng ta để chúng ta có thể biết được cây của mình đang là cây tốt hay đang là cây xấu. 

Trước khi bắt đầu suy ngẫm thì cô có câu hỏi đến các con là.

Câu hỏi: Các con hãy tự đánh giá về mình trong suốt quãng thời gian theo Chúa của mình, các con là cây tốt hay cây xấu qua nếp sống của các con. 

Lý do mà cô muốn hỏi các con là vì bài học ngày hôm nay cô muốn chúng ta cùng nhau học là tự nhìn vào trái của đời sống mình là trước nhất. Chúng ta nên nhớ rằng, khi chúng ta học Lời Chúa thì ta trước nhất phải áp dụng cho chính mình, chứ không phải học chỉ để nhìn người khác. 

Cô muốn chúng ta bước sang một năm mới, nhưng chúng ta hãy nhìn lại một năm cũ đã qua, chúng ta đã kết những trái gì cho nhà Chúa, là những trái thánh linh đẹp đẽ, thơm mộng hay là những trái của con người cũ. 

Cô muốn năm mới chúng ta cùng nhau học bài học này không phải chỉ để chia sẻ cho các con mà kể cả chính cô cũng phải học và nhắc nhở mình. 

Như chúng ta đã từng học biết, Thiên Chúa là ai, Ngài oai nghi như thế nào, toàn tri như thế nào, toàn năng như thế nào, và Ngài thành tín như thế nào. Những lời Ngài phán ra thì chắc chắn Ngài sẽ thực hiện. Thưởng và phạt đều như vậy. Thế nên trong năm mới chúng ta cùng nhau học lời cảnh báo của Chúa để khi bước qua năm mới và những chặng đường kế tiếp chúng ta được có nền tảng để theo Chúa. 

Cô nhận thấy trong phòng học này các con đều được sự ban ơn của Chúa rất nhiều trong sự hiểu biết Lời Chúa. Khi đọc qua các bài chia sẻ của các con mặc dù có những lỗi cần sửa nhưng nhìn chung các con rất được ơn trong sự hiểu biết Lời Chúa, cô cảm tạ ơn Chúa. 

Tuy nhiên cô có buồn và lo cho các con khi nhìn vào thực tế đời sống thì các con không sống đúng theo những gì các con hiểu biết và chia sẻ. 

Chúa dạy: 

Hỡi các con cái bé nhỏ, chớ yêu bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật.” (I Giăng 3:18).

Trên mặt lý thuyết nếu có ai hỏi chúng ta có yêu Chúa không, chúng ta trả lời có. Nếu có ai hỏi,  yêu Chúa phải làm như thế nào? Chúng ta trả lời phải sống đúng theo Lời Chúa dạy, vâng giữ các điều răn. Có ai hỏi, để được Chúa vui lòng ban phước thì chúng ta phải làm gì? Chúng ta trả lời, phải hết lòng, hết sức yêu kính Chúa, hầu việc Chúa, kết nhiều quả lành cho nhà Chúa qua các việc lành mà chúng ta làm ra trên nếp sống của chúng ta. Có ai hỏi vậy việc lành là gì? Chúng ta trả lời, Chúng ta phải suy ngẫm Lời Chúa theo Gio-suê 1:8, phải làm ra các việc lành như rao giảng Tin Lành, sống yêu thương, cứu giúp, mỗi ngày cầu nguyện, hát tôn vinh Chúa, dâng của lễ cho Chúa, suy ngẫm, chia sẻ Lời Chúa…

Chúng ta được 10 điểm cho phần lý thuyết. 

Nhưng đến phần thực hành thì sao?  Mỗi người hãy tự chấm điểm cho mình. 

Chúng ta nói, chúng ta phải yêu Chúa và đặt Chúa làm trên hết mọi sự. Chúng ta nói hoàn toàn đúng. Nhưng hành động của chúng ta thì thế nào? Một ngày chúng ta dành cho Chúa bao nhiêu thời gian? Chúng ta có quá bận rộn với Chúa không?  Chúng ta có thể ưu tiên thời gian cho việc ở trường, việc gặp bạn, việc riêng mà việc của Chúa thì chúng ta trì hoãn. lý do vì con quá bận. Có khi nào chúng ta bảo người chúng ta yêu thương rằng, tôi rất yêu bạn, con rất yêu mẹ nhưng con bận việc học quá nên không có thời gian dành cho bạn, cho ba mẹ. Hành động đó là trái tốt hay trái xấu? Và chúng ta đã cư xử với Chúa như vậy khi chúng ta nói chúng ta yêu Chúa và phải biết đặt Chúa làm trên hết mọi sự. 

Những lý do mà chúng ta thấy dường như thật chính đáng, nhưng Lời Chúa cho chúng ta biết: 

Có một con đường dường như chính đáng cho loài người; nhưng cuối cùng là những nẻo của sự chết.” (Châm Ngôn 16:25).

Câu hỏi: Tại sao chúng ta bận việc học ở trường là lý do hết sức chính đáng mà sao lại là nẻo của sự chết? 

Bởi vì chúng ta thực tế đang chăm lo cho sự thuộc về thế gian hơn là sự thuộc về Vương Quốc Trời. Không phải chúng ta bỏ học hành chỉ học Lời Chúa thì mới đúng, mà là chúng ta không cân bằng giữa việc học Lời Chúa và việc ở lớp. Chúng ta quá bận với Chúa, thì chúng ta thiếu năng lực nơi Chúa, thiếu Lời Chúa, thiếu sự tương giao mật thiết với Chúa từ từ xã hội dẫn chúng ta ngày càng xa Chúa và lún sâu vào những sự của đời này, mà những sự của đời này cuối cùng cũng sẽ qua đi, nhưng Lời Chúa thì còn lại đến đời đời. 

Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Ta không bao giờ qua đâu.” (Mác 13:31).

Không phải chúng ta đặt Chúa làm trên hết là chúng ta từ bỏ tất cả để theo Chúa, làm việc gì đó thật lớn lao để thể hiện lòng tôn kính Chúa trên hết mọi sự. Mà những việc nhỏ nhất thường ngày chúng ta vẫn chưa làm được, đó là dành cho Chúa thời gian. 

Như việc chúng ta nói chúng ta phải dâng của lễ lên Chúa mỗi ngày, hát tôn vinh Chúa, chia sẻ Lời Chúa… Nhưng chúng ta đã làm với sự háo hức vui mừng chưa hay là đến lượt chúng ta có trách nhiệm thì chúng ta phải làm? 

Ngày xưa Chúa dạy dân I-sơ-ra-ên:

Ngươi hãy giữ Lễ Bánh Không Men; phải ăn bánh không men trong bảy ngày về mùa tháng lúa trổ, như lời Ta đã phán dặn; vì trong tháng đó ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Lại chẳng ai nên tay không đến trước mặt Ta.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 23:15). 

Chúng ta nên ghi nhớ rằng, ngày nay khi chúng ta cùng nhau nhóm hiệp thờ phượng Chúa là chúng ta trình diện trước Chúa, chúng ta có đem theo của lễ để dâng lên Chúa hay không? Hay chúng ta đi tay không đến trước mặt Chúa? Và mỗi ngày khi chúng ta mở mắt thức dậy cho đến khi lên giường đi ngủ, chúng ta có dâng của lễ nào lên Chúa không? 

Một cây cân khi chúng ta đặt quả cân lên hai bên, nếu bên nào nặng hơn nó sẽ nghiêng về bên đó, và chúng ta nhìn vào thấy cây cân không cân bằng nữa mà nghiêng lệch sang bên nặng ký hơn. Trong đời sống của chúng ta cũng vậy, chúng ta vẫn còn xem sự thế gian nặng hơn thì chúng ta sẽ bị nghiêng về thế gian hơn, với Chúa thì chúng ta quá bận. 

Vậy nếu chúng ta đang là những cây mà không sinh trái tốt thì hãy coi chừng cái búa đã để kề rễ của những cây. Chúng ta không biết ngày nào Chúa chấm dứt sự thương xót của Ngài trên chúng ta. 

Chúng ta hãy thử nghĩ xem, khi một người nông dân trồng trọt cây trái trong vườn, người ấy chọn những cây có năng suất, tốt tươi cho nhiều quả thì chừa lại, còn cây nào ốm yếu, èo uột, sâu bệnh thì sẽ chặt đi để tránh lây qua cho cây khác, và để cho cây xanh tốt có khoảng không gian để tiếp tục phát triển. Người bình thường còn có những suy nghĩ và hành động như vậy, huống hồ gì Thiên Chúa. Nguyện rằng chúng ta ai nấy biết run sợ cho Lời cảnh báo này của Chúa mà chấn chỉnh lại đời sống thuộc linh của mình, biết kính sợ Chúa và yêu Chúa bằng hành động. Nếu chúng ta chia sẻ giỏi mà chúng ta không thực hiện được thì đó chỉ là những lời trên môi miệng và lý thuyết mà thôi. Lời cảnh báo của Đức Chúa Jesus cho chúng ta  thấy rằng Chúa muốn nhìn thấy “trái” của cây. Còn cây không sinh trái thì sẽ bị đốn và ném vào lửa. 

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ

Để lại một bình luận