Thiếu Niên Thảo Luận Tháng 1/2023

207 lượt xem

 

Link tải xuống mp3: https://od.lk/d/NV8xODAxMDU5NjVf/29-01-2023.mp3

Hỏi: 

Lời cảnh báo nghiêm trọng nhất mà mỗi một con dân Chúa đều cảm nhận được trong những ngày sau cùng là gì? Lời cảnh báo ấy nhắc nhở con dân Chúa điều gì?

Đáp:

Cô không biết lời cảnh báo nghiêm trọng nhất mà mỗi một con dân Chúa đều cảm nhận được là gì, vì cô không chắc chắn rằng ai cũng chú tâm đến những lời cảnh báo của Chúa. Đối với riêng cô, lời cảnh báo nhắc nhở cô là: “Vậy thì, ai tưởng mình đứng, hãy coi chừng, kẻo ngã!” (I Cô-rinh-tô 10:12). Vì không phải cứ hễ tại thời điểm hiện tại chúng ta không phạm tội, kết quả trong mục vụ thì chúng ta sẽ luôn luôn đứng vững, không sợ sa ngã. Mà phải luôn coi chừng, coi chừng chính mình, coi chừng những mưu kế tinh vi của ma quỷ.

Hỏi: 

Bạn A đã tự đề ra mục tiêu cho mình là được tham gia vào cuộc thi học sinh giỏi Tiếng Anh cấp tỉnh. Bạn hằng ngày đều trau dồi kiến thức của mình để đạt được mục tiêu đó. Nhưng chính vì vậy mà nhiều khi bạn ấy quên đi việc trau dồi kiến thức thuộc linh. Vậy theo bạn, mục tiêu của bạn A đã đúng và đầy đủ hay chưa? Nếu là A bạn sẽ chỉnh sửa mục tiêu của mình như nào cho đúng và đẹp ý Chúa?

Đáp:

Việc học tiếng Anh và tham gia cuộc thi học sinh giỏi không có gì là sai, đó là điều tốt. Nếu chúng ta học giỏi và đạt giải thưởng thì điều đó cũng làm sáng danh Chúa, giúp ích cho chúng ta trong cuộc sống và công việc sau này. Hơn nữa nếu học giỏi tiếng Anh thì cũng có thể giúp ích cho các mục vụ có liên quan đến tiếng Anh. 

Vấn đề của bạn A là đã bận rộn quá cho việc học khiến không còn thời gian hoặc quên đi việc tương giao với Chúa qua sự đọc và suy ngẫm Lời Chúa. Vì vậy, A nên sắp xếp lại thời gian biểu của mình sao cho có thời gian để ưu tiên cho việc cầu nguyện và tương giao với Chúa. Chúng ta cần quân bình giữa việc thuộc linh và các việc thuộc thể trong cuộc sống hàng ngày để không mất đi sự tương giao với Chúa qua việc cầu nguyện và đọc Thánh Kinh. Mỗi một mục tiêu hàng ngày trong thuộc linh được đề ra giúp cho chúng ta đạt được mục đích cuối cùng là được luôn ở trong Chúa.

Hỏi: 

Bạn A sắp sửa lên học đại học, bạn phải quyết định chọn một ngành, bạn đã cầu hỏi ý Chúa. Vậy làm sao để bạn A biết được đó là ngành Chúa muốn bạn chọn theo học ạ? 

Đáp:

Một ngành học theo ý Chúa điều đầu tiên chắc chắn là phải không phạm tội với Chúa. Khi các ngành học mà chúng ta lựa chọn đều không có điều gì sai phạm, thì chúng ta cầu nguyện xin Chúa soi dẫn và ban ơn cho chúng ta chọn một ngành mà Chúa muốn chúng ta học. Nếu cô là bạn A, cô sẽ lựa chọn một ngành học có thể giúp ích cho mình nhanh chóng có được một công việc để nuôi sống bản thân, và giúp ích cho mình trong các mục vụ. Ví dụ như chọn ngành học liên quan đến ngoại ngữ, máy tính, sư phạm… Nếu cầu nguyện rồi mà vẫn chưa có được sự lựa chọn nào thì có thể tham khảo ý kiến, lời khuyên của trưởng lão, người chăn là những người đi trước có kinh nghiệm trong cuộc sống; lại là những người Chúa đặt để trong sự chăm sóc mình về thuộc linh.

Hỏi: 

Thiên Chúa luôn luôn ở cùng và quan phòng cho con dân của Ngài. Kể từ khoảnh khắc khi một người phạm tội, người ấy còn được nhận đặc ân ấy từ Chúa nữa không?

Đáp:

Khi một người cố ý phạm tội thì không nhận được sự quan phòng của Thiên Chúa nữa.

“Vì nếu chúng ta cố ý phạm tội, sau khi đã nhận lãnh tri thức về lẽ thật, thì không còn được chừa lại cho chúng ta sinh tế chuộc những tội lỗi.” (Hê-bơ-rơ 10:26).

Và những ai xưng là tin nhận Ngài nhưng sống đời sống giả hình, sống trong tội, kết quả tội thì không ở trong sự quan phòng của Chúa.

“Ai ở trong Ngài thì không sống trong tội; còn ai sống trong tội, thì chẳng từng thấy Ngài và chẳng từng biết Ngài.” (I Giăng 3:6).

Nhưng nếu phạm tội do thiếu hiểu biết, do yếu đuối,…thì không phải vì vậy mà Chúa lập tức bỏ mặc họ. Mà Chúa vẫn cáo trách bằng cách này cách khác để người phạm tội nhận ra để ăn năn. Khi người phạm tội thật lòng ăn năn xưng tội thì được Chúa tha thứ và tiếp nhận trở lại.

Hỏi:

A học chung lớp với B nhưng hai người ít khi tiếp xúc với nhau. Một ngày nọ A tình cờ biết được B có cùng tín ngưỡng với mình, bạn cũng thờ phượng Thiên Chúa như A. Thấy vậy, A muốn trở nên thân thiết hơn với B vì cả hai có cùng đức tin. Nhưng một lần khác A lại tình cờ nhận ra B không hoàn toàn vâng phục theo Lời Chúa trong lối sống hằng ngày của mình, chẳng hạn bạn thấy B đôi khi hay nói xấu bạn cùng lớp và chơi với bạn xấu. Thấy thế, A liền từ bỏ ý định kết thân với B và quyết định tránh xa B. A cho rằng đời sống B không có trái, cũng như cả hai không sinh hoạt chung một Hội Thánh thì bạn nên mặc kệ và làm lơ đi B. Suy nghĩ của A là đúng hay sai? Vì sao? 

Đáp:

Trong trường hợp này, nếu có cơ hội A nên nói về lẽ thật cho bạn B được biết, coi như bạn B là những người lân cận bình thường gặp hàng ngày. Sau khi nói về lẽ thật cho B, nếu B có lòng quan tâm và muốn tìm hiểu thì A cứ giới thiệu bài giảng và hướng dẫn cho B. Còn nếu B không quan tâm thì A không cần phải kết thân với B nữa.

Hỏi:

Nếu người ngoại hỏi mục tiêu và mục đích sống của chúng ta là gì thì chúng ta sẽ trả lời như thế nào?

Đáp:

Nếu có người ngoại hỏi mục tiêu và mục đích sống của chúng ta là gì, thì chúng ta có thể trả lời với họ rằng: mục đích sống của tôi là được sống bình an, vui thỏa, phước hạnh đời đời bên Đấng đã tạo dựng nên tôi. Hoặc trả lời rằng: mục đích sống của tôi là sống sao cho đẹp lòng Chúa, yêu kính Chúa, yêu thương mọi người. Rồi nhân cơ hội đó, chúng ta làm chứng về Chúa cho họ nghe.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.
Nguyễn Thị Thu Thủy

Để lại một bình luận